Ngoài việc tập trung vào chất liệu thân thiện với môi trường, thời trang bền vững còn cần bảo đảm những yếu tố cốt lõi nào nữa? LeLa Journal xin gửi tới độc giả một số chia sẻ của NTK Phạm Phan Hoàng Linh, nhà sáng lập thương hiệu Linht Handicraft, về chủ đề này.
Chị Phạm Phan Hoàng Linh, một nhà thiết kế và hoạ sĩ tự do, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế khoa Hội họa. Chị đã bén duyên với mảnh đất Sapa (Lào Cai) để cho ra đời Linht Handicraft và cũng là để theo đuổi hành trình làm thủ công, thời trang bền vững của riêng mình.
Như đã nhắc tới ở bài viết trước, thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội. Trong những thập kỷ gần đây, vấn đề này càng trở nên nhức nhối hơn do chi phí nhân công giảm và sự phát triển của "fast fashion".
Trước nguy cơ đó, khái niệm thời trang bền vững (sustainable fashion) và thời trang sinh thái (eco-fashion) ra đời. Những "phân ngành" này tập trung vào việc sử dụng các chất liệu an toàn, có thể tái sử dụng, tự phân huỷ, có quy trình sản xuất hạn chế tối thiểu tài nguyên, hóa chất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Tiêu biểu trong đó là sợi gai dầu, vải lanh… và chất liệu thủ công như len, sợi…
Tuy vậy, tính bền vững của thời trang và của bất kỳ doanh nghiệp nào không chỉ dừng lại ở yếu tố bảo vệ môi trường, mà còn ở hai yếu tố khác là đạo đức và cộng đồng (1). Quy trình sản xuất, sáng tạo cần đảm bảo quyền lợi công bằng, sự phát triển và lợi ích của người tham gia vào tiến trình lao động, có sự tiếp nối và gìn giữ nét đẹp văn hoá bản địa.
Như vậy, có thể nói tính "bền vững" ở đây chính là sự cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ môi trường, nhân lực và đem lại những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Các nhà thiết kế tại Việt Nam đang tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo và chất liệu bền vững như một giải pháp đường dài cho định hướng sáng tạo của mình. Nhiều người chọn tìm lại những giá trị truyền thống trong nước, tìm câu trả lời trong cộng đồng – nơi vẫn đang tạo ra hàng dệt may từ vật liệu tự nhiên bằng việc áp dụng các kỹ thuật được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những năm gần đây, hàng dệt may bản địa, nghề thủ công truyền thống và các hoạt động thân thiện với môi trường đang có xu hướng định hình lại bối cảnh sáng tạo. Sự tổng hòa đó đã được thúc đẩy bởi niềm tự hào văn hóa và việc nâng cao ý thức về môi trường, từ đó trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Các nghệ nhân bản địa chính là những "cộng tác viên" chủ chốt, nắm vai trò chuyển giao kiến thức cho các nhà thiết kế.
Có một cộng đồng ngày càng đông những thợ thủ công nghiệp dư và những người đam mê thời trang đang tích cực tham gia vào phong trào này, bất kể họ có được đào tạo chuyên nghiệp hay không. Một trong số đó là nhà thiết kế (NTK) Phạm Phan Hoàng Linh với thương hiệu Linht Handicraft.
"Thật may mắn khi được sống cùng người dân bản địa, đặc biệt là người H’mông tại đây" – NTK Hoàng Linh cho hay. "Hằng ngày, Linh được chứng kiến việc thực hành thủ công như trồng lanh dệt vải, trồng cây chàm, làm thuốc nhuộm từ cây chàm, nhuộm chàm, thêu, may vá… Cứ thế, Linh yêu việc thực hành thủ công lúc nào chẳng hay. Linh bắt đầu tự học may, học kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nhuộm các màu từ hoa lá tự nhiên từ người đồng bào, kết hợp cùng 'con mắt' và cảm xúc nghệ thuật của chính mình để làm thời trang".
Từ đó, Linht Handicraft - một thương hiệu thời trang và phụ kiện ứng dụng những chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, ưu tiên và trân quý những nét thủ công khéo léo, những giá trị văn hóa của đồng bào thiểu số - đã ra đời.
Kết hợp với những phụ nữ đồng bào H’mông, Dao, Dao Tuyền tại Cát Cát, Sapa, NTK Hoàng Linh tham gia dạy may cho cộng đồng và cùng họ hoàn thiện từng công đoạn nhuộm, may, khâu sản phẩm. Các sản phẩm của Linht không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người làm thủ công, đồng thời, giảm thiểu tình trạng phung phí nguyên liệu xuống mức thấp nhất. Không chỉ "hợp nhất" với thiên nhiên, văn hoá và môi trường, thiết kế của Linht còn thể hiện được nét độc đáo đầy cá tính và nghệ thuật, cùng chất lượng và độ bền của sản phẩm, và trên hết là một chuỗi cung ứng minh bạch sẵn sàng trao quyền cho nghệ nhân bản địa.
Nói về những điểm mạnh của xu hướng eco-fashion tại Việt Nam, NTK Hoàng Linh chia sẻ: "Việt Nam chúng ta là một đất nước giàu văn hóa phi vật thể, giàu nguồn tài nguyên tự nhiên – những thế mạnh lớn nhất trong việc phát triển bền vững. Văn hóa nhuộm tự nhiên, trồng bông, trồng lanh, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… trải dài khắp các vùng miền. Vì nhiều lý do về đời sống và văn hóa hội nhập, việc trồng bông, trồng dâu nuôi tằm hiện nay đã bị hạn chế ít nhiều. Tôi lấy làm tiếc về điều đó, nhưng cũng không thể trách một bộ phận người thực hành thủ công phải cất khung cửi, phải bỏ nghề vì thời gian làm việc thì lâu mà thu nhập lại không cao. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn là nơi nuôi và trồng được nhiều nguồn nguyên liệu để có thể phát triển thời trang tự nhiên, thời trang bền vững. Những người thợ thủ công ở miền Bắc vẫn còn theo đuổi công việc này hằng ngày vì đó là cuộc sống của họ, và đây là một điều rất may mắn".
Vải bông và sợi gai dầu dệt thủ công – thường được sản xuất ở quy mô nhỏ bởi nhiều nhóm nghệ nhân bản địa khác nhau – đã trở nên phổ biến cùng với một số phương pháp nhuộm tự nhiên khác. Thuốc nhuộm có nguồn gốc từ thực vật, côn trùng và khoáng chất được coi là thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe hơn thuốc nhuộm tổng hợp. Vì vậy, các loại thuốc nhuộm như lá chàm, củ nâu, nhựa cây… đã thu hút được sự quan tâm chưa từng có từ các nhà thiết kế thời trang lẫn người tiêu dùng.
"Thời trang bền vững không chỉ nằm ở chất liệu nuôi trồng tự nhiên, mà còn ở nhiều yếu tố khác như tái chế, tái sử dụng chất liệu cũ đã qua sử dụng, chất liệu không phân hủy như nylon… để làm ra những sản phẩm mới" – NTK Hoàng Linh chia sẻ. "Các nhà thiết kế trẻ ở nước ta đang hào hứng với hình thức tái chế này. Tôi hy vọng các bạn trẻ sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên của Việt Nam, hoặc các quy trình tái chế này để góp phần giúp thời trang bền vững phát triển lớn mạnh hơn, đem đến tính bền vững xuất phát từ trong ý thức của con người, lối sống và cả trong suy nghĩ nữa".
Có những thế mạnh là vậy, nhưng các nhà thiết kế như chị Hoàng Linh cũng đã gặp phải không ít khó khăn trong việc thực hành thủ công và phát triển định hướng của mình. Trong đó, đầu tiên, chính là mức độ phức tạp của quy trình thực hành thủ công.
"Tôi nhớ mãi năm 2016, lúc mới bắt đầu học nhuộm chàm, mặc dù sống ở bản gần các bà, các chị và được hướng dẫn tận tình, nhưng phải sau 5, 6 lần thử và thất bại, tôi mới tự gây được thùng chàm đầu tiên. Hồi đó, sau khi thất bại do làm hư, hỏng mãi, tôi lang thang trên Facebook thì tự nhiên thấy BST của chị [NTK] Vũ Thảo toàn là nhuộm chàm. Ôi, cảm giác sung sướng không thể tả được! Khi biết đến chị Thảo, tôi mạnh dạn nhắn tin hỏi về chàm, từ đó được chị chia sẻ cách giải quyết thùng chàm. Sau vài lần trao đổi qua lại thì tôi đã vượt qua 'cái khó' đầu tiên trong thực hành thủ công. Nếu như không phải vì câu chuyện chất liệu đã cuốn hút tôi thì chưa chắc tôi đã làm thời trang và thực hành thủ công đến bây giờ".
Trên thực tế, các sản phẩm thủ công không phải luôn dễ tiếp cận được người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với các nhà thiết kế trẻ.
"Tôi học hội họa, nền tảng nghệ thuật vững nhưng về thời trang thì tôi hoàn toàn đi từ con số 0. Vì tôi dùng 'con mắt' cá nhân để làm thời trang, không theo trend, không chạy theo sở thích của khách hàng, nên những ai đồng điệu cảm xúc sẽ tìm đến. Đó cũng là khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng".
Đặc biệt, một khó khăn nữa trong việc tạo ra sản phẩm còn là làm sao để hài hoà, kết nối được với những người dân tộc H’mông – những thợ thủ công bản địa, nhân lực chính của Linht. Họ đều là những người đã quen với những kiến thức, kinh nghiệm cá nhân, vì vậy, quá trình hướng dẫn họ cách hoàn thiện sản phẩm thật chỉn chu cũng là một điều khó khăn.
"Tất cả các sản phẩm của tôi đều được sản xuất tại chỗ bởi các chị người H’mông. Không có một thợ may chuyên nghiệp lành nghề nào cả. Có nhiều bạn thắc mắc 'tại sao không gửi cho một xưởng nào đó may?'. Tôi cũng thỉnh thoảng nghĩ rằng 'tại sao mình không làm vậy cho khỏe?'. Nhưng mà không thể được, vì nếu tôi làm vậy thì các chị lại mất việc".
Thời trang bền vững hiện nay đã nhận được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Sự chuyển dịch về bối cảnh sáng tạo, như đã nhắc tới ở trên, đòi hỏi các nhà thiết kế và hoạt động văn hoá, sáng tạo phải có sự tiếp xúc, tìm hiểu và góp phần bảo tồn các giá trị tự nhiên, truyền thống bản địa. Ngoài ra, sự ý thức, thấu hiểu của người tiêu dùng cũng là yếu tố không thể thiếu trong tương lai của ngành thời trang bền vững tại Việt Nam.
"Tôi hiện đang sinh sống ở Sapa, cũng là nơi có nguồn nguyên liệu thủ công dồi dào" – NTK Hoàng Linh chia sẻ. "Ở đây, tôi có thể tới gần và tìm hiểu cuộc sống của những người thợ thực hành thủ công, cố gắng phát triển các sản phẩm trên nền chất liệu tự nhiên. Tôi cũng cố gắng để nhiều người biết tới Linht hơn, có như vậy thì mới duy trì được thói quen thực hành thủ công của chị em làm nghề, mới gây dựng và làm sống lại văn hóa truyền thống được".
Một trong những chuyển biến tích cực của thời trang bền vững tại Việt Nam là nó đang truyền tải được những ý nghĩa đó đến với bạn bè quốc tế. Linht Handicraft đã có cơ hội mang những giá trị và sản phẩm của mình với triển lãm Đó/Đây tại RMIT Gallery trong sự kiện Melbourne Fashion Week 2023 tại Úc và nhận được sự ủng hộ của những nhà thiết kế, thực hành nghệ thuật quốc tế.
Không chỉ Linht, một số hãng thời trang nổi bật khác như Kilomet109 của NTK Vũ Thảo, Fashion4Freedom (Fashion for freedom) của NTK Nguyễn Lan Vy, hay Môi Điên của NTK Tom Trandt cũng đã được xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để ngành thời trang Việt Nam thể hiện sự hội nhập với xu hướng thời trang bền vững, giao lưu với các cộng đồng nhà thiết kế nước ngoài, mà còn là cầu nối để các sản phẩm thủ công giàu giá trị văn hóa Việt Nam tìm được đầu ra ổn định. Từ đó, chúng ta có quyền hy vọng những nhà thiết kế trong nước có thể tiếp tục con đường phát triển "thời trang xanh", đồng thời đảm bảo thu nhập cho những cộng đồng thủ công bản địa.
Sự chung tay sản xuất của các cộng đồng dân tộc là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của một quốc gia đa sắc tộc như Việt Nam. Dấu chân của các nghệ nhân bản địa trong bối cảnh thời trang đương đại có thể được coi là sự giao thoa giữa tính dân tộc và thực trạng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hơn hết thảy, người tiêu dùng cần có ý thức, thấu hiểu được các giá trị của xu hướng này, thì thời trang Việt Nam mới có thể thật sự phát triển mạnh mẽ và mang lại đúng giá trị xanh, chậm, bền vững.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.