Ngày nay, nhân loại tạo ra một lượng thông tin khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử. Mỗi ngày đều có nhiều thông tin cạnh tranh thu hút sự chú ý của chúng ta. Để bắt kịp nhịp độ nhanh chóng của cuộc sống, mỗi người đang cố gắng tiếp nhận nhiều thông tin, dù qua phim ảnh, sách báo hay tin tức trên mạng. Tuy nhiên, có một hiện tượng nghịch lý là, càng thúc ép não bộ xử lý thông tin nhiều và nhanh, chúng ta càng tiếp thu được ít kiến thức hơn.
Vào năm 2017, các nhà khoa học đã đo lượng dữ liệu đi vào não con người và phát hiện, trung bình một người xử lý đến 74 GB (gigabytes) thông tin mỗi ngày (tương đương với việc xem 16 bộ phim), chủ yếu đến từ tivi, máy tính, điện thoại, tablet, biển quảng cáo và các tiện ích khác (1). Cách đây 500 năm, con số 74 GB là lượng thông tin một người có học thức cao tiếp nhận trong cả cuộc đời, thông qua sách và truyện.
Lĩnh vực khoa học thần kinh (neuroscience) chỉ ra rằng bộ não con người tiến hóa theo cách có thể học hỏi và tự điều chỉnh theo một thế giới liên tục thay đổi. Trong thời kỳ săn bắt hái lượm, tổ tiên chúng ta đã phát triển bộ não lớn hơn và bắt đầu cư xử giống với con người ngày nay. Những vùng não chịu trách nhiệm cho việc nghe, nhìn, cảm nhận đặc biệt quan trọng vì chúng giúp nhận biết các sự kiện thực sự quan trọng và có ý nghĩa xung quanh, chẳng hạn như mối đe dọa (con sư tử đang tiến gần) hoặc cơ hội (thức ăn ngon, chỗ ngủ ấm áp).
Thủ thuật thông minh mà não bộ tổ tiên chúng ta sử dụng là chọn ra một vài thứ nghe thấy hoặc nhìn thấy và quan sát kỹ hơn để tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Điều này giúp họ không bị choáng ngợp bởi tất cả mọi yếu tố đến từ môi trường. Các nhà nghiên cứu gọi đây là chú ý có chọn lọc (selective attention) - một trong những thành công lớn nhất của quá trình tiến hóa. Khi người cổ đại rời khỏi hang động để tìm kiếm nguồn thức ăn mới, khả năng chú ý có chọn lọc giúp họ cảnh giác với những tín hiệu hình ảnh và âm thanh nguy hiểm từ động vật săn mồi xung quanh. Theo thời gian, lượng thông tin đi qua bộ lọc chú ý ngày càng tăng dần khi chúng ta mở rộng sự khám phá của mình.
Con người đạt được nhiều thành tựu hơn bất kỳ loài nào khác phần lớn nhờ vào năng lực nhận thức hay khả năng xử lý thông tin linh hoạt của bộ não. Thế nhưng, chúng ta từng phát triển trong một thế giới đơn giản với lượng thông tin ít hơn rất nhiều. Ngày nay, bộ lọc chú ý của chúng ta dễ dàng bị quá tải.
Khi não bộ quá tải thông tin (information overload), nó không thể xử lý và lưu trữ kiến thức mới hiệu quả (gặp khó khăn trong việc lọc ra những thứ không quan trọng), dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức về mặt tinh thần. Khả năng chú ý, tập trung và giải quyết vấn đề của chúng ta cũng chậm lại do có quá nhiều việc phải làm.
Tác giả cuốn Antifragile, Nassim Nicholas Taleb miêu tả hiện tượng này qua khái niệm noise bottleneck (tạm dịch là nút thắt cổ chai tiếng ồn) (2). Tắc nghẽn tiếng ồn xảy ra khi chúng ta bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin (hay tiếng ồn) đến mức khả năng nhận thức không theo kịp. Nghịch lý nằm ở chỗ, càng cố gắng xử lý, chúng ta càng thực sự có thể xử lý được ít hơn.
Điện thoại, máy tính luôn ở bên mình thách thức khả năng chú ý có chọn lọc theo nhiều cách. Những công nghệ này tạo điều kiện để chúng ta liên tục bật và tắt sự chú ý một cách nhanh chóng giữa những điều quan trọng và không quan trọng. Ví dụ, bạn đang muốn tìm hiểu một vấn đề nào đó vì nó quan trọng với mình. Để mọi thứ hiệu quả, bạn cần tập trung thời gian cho nhiệm vụ trước mắt (lên Google tìm tài liệu hoặc đọc sách về vấn đề đó), nhưng thay vì vậy, bạn tạm ngưng vài phút để trả lời tin nhắn mới, xem video quảng cáo vừa hiện trên màn hình hoặc bấm vào thông báo những tin tức mới cần đọc… Những thứ này là yếu tố làm gián đoạn khoảng chú ý của chúng ta.
Điều này còn diễn ra với thói quen đa nhiệm (multitasking) phổ biến thời nay, khi sự chú ý thường xuyên bị phân tán (divided attention). Chúng ta lướt nhanh giữa các tab, xem tivi trong lúc lướt mạng xã hội hoặc tranh thủ nghe podcast khi đi mua sắm. Tuy nhiên, ý tưởng về việc năng suất khi đa nhiệm là chuyện không khả thi. Một số bằng chứng cho thấy, đa nhiệm liên quan đến hiện tượng tắc nghẽn tiếng ồn (noise bottleneck) và khiến chúng ta chậm lại khi thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc (3), (4).
Mọi người đều có thể gặp phải tình trạng quá tải không tin khi bắt đầu những dự án, công việc hoàn toàn mới, hay đơn thuần vì đang muốn tìm hiểu nhiều thứ. Có một số cách để chúng ta giảm bớt tác động của việc này, từ đó giảm đi gánh nặng nhận thức, khiến việc tiếp thu trở nên hiệu quả hơn.
Srini Pillay, bác sĩ tâm thần và Giám đốc Điều hành của tập đoàn NeuroBusiness cho biết: "Bộ não chúng ta giống như thiết bị thông minh có khả năng hút thông tin - lưu trữ ngay lập tức những gì cần hơn trong bộ nhớ ngắn hạn và kết hợp thông tin cần dùng ở tương lai trong bộ nhớ dài hạn. Đối với những thứ không cần thiết, não sẽ tự động phân loại và xóa chúng" (5).
Chúng ta có thể hỗ trợ não bộ sắp xếp và lưu trữ thông tin tốt hơn để tránh bị quá tải. Ví dụ, khi đang đọc một bài báo, xem một bài giảng hoặc nghe người khác thuyết trình, bạn không cần ghi nhớ tất cả mọi thông tin vào lúc này. Thay vào đó, hãy tập trung hiểu những gì đang được trình bày. Nắm bắt những điểm chính là một cách chắt lọc thông tin tối ưu của bộ não.
Đồng thời, nên cân nhắc mục đích của thông tin. Chúng có giá trị hữu ích trong thời điểm này không? Có liên quan đến mục tiêu lâu dài của bạn? Bằng cách chủ động chọn lọc đầu vào, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian xử lý cho bộ não.
Brain dump - viết ra giấy bất kỳ suy nghĩ, ý tưởng nào đang có là một cách để dọn sạch tâm trí, loại bỏ bớt thông tin đang "chạy" trong đầu bạn. Đây được xem là một hình thức trị liệu chữa lành tinh thần và giải phóng không gian tâm trí khỏi những suy nghĩ dồn dập, có xu hướng tích tụ lâu ngày gây quá tải. Nghiên cứu cho thấy, chúng ta nên viết đều đặn để đem lại hiệu quả, ít nhất vài ngày một tuần hoặc tốt hơn là biến brain dump trở thành thói quen hằng ngày (6).
Tập trung vào một nhiệm vụ hoặc một thông tin giúp chúng ta xử lý nó tốt hơn (cải thiện khả năng lưu trữ và nhớ lại sau này) vì não không phải phân chia nguồn lực cho nhiều thứ một lúc và dành thời gian lâu hơn để mã hóa, lưu trữ thông tin đó. Tập trung vào một công việc tại một thời điểm cũng khiến chúng ta giảm bớt căng thẳng, lo lắng và cảm giác bị choáng ngợp khi phải tiếp thu quá nhiều.
Việc đa nhiệm thường tạo ra một loạt quyết định nhỏ (có nên trả lời hay bỏ qua tin nhắn, nội dung cần trả lời là gì, có nên tiếp tục công việc không…) làm tiêu tốn năng lượng - hay glucose (đường), nguồn nhiên liệu chúng ta cần để tập trung. Tốn năng lượng cho những việc gây phân tâm khiến bạn dễ cảm thấy kiệt sức và mất phương hướng, trong khi chỉ tập trung một thứ sẽ sử dụng ít năng lượng hơn và làm giảm nhu cầu glucose của não.
Với lượng kiến thức khổng lồ trên thế giới hiện nay, sự thật là chúng ta không thể nào tiếp thu tất cả mọi thứ. Chấp nhận giới hạn này cũng là cách để giảm áp lực cho chính bạn. Đôi khi, chúng ta chỉ chọn được hai, ba thứ trong danh sách thông tin cần đọc, nhưng có thể "nhớ một chút" sẽ tốt hơn là quên toàn bộ.
Khi cảm thấy quá tải, hãy ngắt kết nối với luồng thông tin, thông báo cập nhật liên tục. Điều này mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát phần nào những gì cần đưa vào đầu. Tốt hơn là thay thế việc sử dụng công nghệ với những hoạt động khác như hòa mình vào thiên nhiên, hoạt động thể chất hoặc tìm hiểu sở thích. Nghỉ ngơi ngắt quãng sẽ giúp chúng ta dọn dẹp tâm trí, chừa chỗ cho những góc nhìn mới, khiến việc tiếp nhận thông tin trở nên đơn giản hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.