Đối với nhiều người, thời gian rảnh rỗi gần như được xem như thời gian lãng phí, và khi quá rảnh rỗi, họ cũng dễ sa lầy vào những hoạt động vô nghĩa. Nhưng liệu có phải cứ nhàn cư là sẽ bất thiện? Ở bài viết này, LeLa Journal sẽ đưa "sự nhàn rỗi" ra bàn luận dưới góc nhìn khoa học, để chúng ta tự tìm ra cách lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi bằng những hoạt động và thú vui bổ ích.
Theo Aristotle, thời gian nhàn rỗi (leisure) là khoảng thời gian chúng ta chủ động tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa vì chính trải nghiệm mà hoạt động đó mang lại, chứ không vì một mục đích nào khác bên ngoài (1). Một số hoạt động nhàn rỗi phổ biến là đọc sách (với mục đích giải trí), thiền tập, vẽ tranh, chơi thể thao... Đặc biệt là trong cuốn Chính trị luận (được viết vào khoảng năm 350 trước Công nguyên), Aristotle đã nhắc tới âm nhạc như một loại hình hoạt động nhàn rỗi quan trọng (2).
Nói cách khác, chính những trải nghiệm mà ta có được khi tham gia vào các hoạt động mới là mục đích tự thân và cốt yếu nhất. Thời gian nhàn rỗi mà Aristotle nhắc đến không chỉ nhằm để thư giãn hoặc giải trí, mà là sự tham gia có ý thức vào các hoạt động mang đến sự thông thái và phong phú cho đời sống tinh thần (1).
Khác với các hoạt động nhàn rỗi, hoạt động tiêu khiển là những hoạt động chúng ta thường tìm tới để giải tỏa bớt những căng thẳng, mệt mỏi từ công việc, nhưng không đem đến sự phong phú cho đời sống tinh thần hoặc đạo đức của chúng ta (3).
Đặc biệt, bất kể chúng ta có yêu công việc của mình đến đâu, thì những hoạt động liên quan đến công việc cũng không được xem là hoạt động nhàn rỗi; vì chúng hướng đến một mục đích bên ngoài, tương tự như những hoạt động tạo ra của cải khác (3).
Vậy chúng ta cần cân bằng những hoạt động tiêu khiển và hoạt động nhàn rỗi trong cuộc sống như thế nào?
Điều quan trọng của các hoạt động nhàn rỗi là chúng góp phần "vun vén" niềm hạnh phúc nội tại cho con người (2). Nếu hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào các thú tiêu khiển, giải trí thì có lẽ cả cuộc đời chúng ta sẽ cứ mãi lao vào những mệt mỏi, căng thẳng, rắc rối chỉ để được có những phút giây hưởng lạc đó. Do vậy, để có được hạnh phúc, chúng ta không nên trông chờ vào những trạng thái khoan khoái nhất thời của cảm xúc, mà hãy tìm kiếm các hoạt động nhàn rỗi hướng đến sự phong phú trong đời sống nội tâm (3). Ngoài ra, thái độ tích cực của chúng ta đối với thú vui nhàn rỗi cũng góp phần tạo ra sức ảnh hưởng tốt tới những ích lợi về sau mà ta nhận lại.
Kết quả từ một nghiên cứu thực hiện trên hơn 1.300 khách thể từ bốn quốc gia cho thấy những người cảm thấy hoạt động nhàn rỗi lãng phí thời gian thường có mức độ trầm cảm, lo âu, và căng thẳng cao hơn những người trân trọng khoảng thời gian nhàn rỗi. Đặc biệt, ở những người cho phép bản thân có thời gian nhàn rỗi mà lại cho rằng hoạt động nhàn rỗi là lãng phí thời gian, họ vẫn không thật sự tận hưởng được khoảng thời gian đó, nên họ khó nhận lại được những lợi ích tiềm tàng từ hoạt động nhàn rỗi (4).
Việc tin rằng hoạt động nhàn rỗi không tạo ra năng suất làm con người giảm mức độ hứng thú khi tham gia các hoạt động này. Hơn nữa, có một vấn đề là các hoạt động nhàn rỗi chỉ hướng đến chính bản thân hoạt động chứ không có mục đích ngoại tại khác để thu hút (4).
Một lợi ích thứ cấp khác từ các hoạt động nhàn rỗi là mang lại cho chúng ta cảm giác nắm quyền kiểm soát. Khi không thể kiểm soát cuộc sống của mình, con người dễ có nguy cơ rơi vào trạng thái bất lực, tuyệt vọng hoặc trầm cảm. Những gì xảy ra trong hai năm đối đầu đại dịch COVID-19 chính là một minh chứng cụ thể (5), (6), (7). Việc tham gia vào một hoạt động nhàn rỗi chỉ để thỏa mãn bản thân (chứ không nhằm tạo ra năng suất hay sản phẩm) giúp chúng ta yên tâm rằng mình vẫn có quyền kiểm soát và lựa chọn trong cuộc sống – điều mà nhiều người không cảm nhận được hiện nay (8), (9).
Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ nảy sinh cảm giác tội lỗi trong tiến trình tham gia vào các hoạt động nhàn rỗi. Nguyên nhân của cảm giác này một phần nằm ở lối sống điển hình ngày nay. Cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên áp lực hơn bởi những gánh nặng tài chính và khối lượng công việc. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao và thói quen tiêu xài mỗi ngày đẩy chúng ta đến gần hơn bờ vực nợ tín dụng. Chúng ta rơi vào vòng xoáy tạo ra của cải – tiêu xài – tạo ra của cải – tiêu xài… và càng muốn tiêu xài thì chúng ta càng phải lao động vất vả hơn (10). Đối với chúng ta, công việc và tài chính mới đang là thứ duy trì cuộc mưu sinh chứ không phải sự phát triển cá nhân hay những thú vui nhàn tản.
Do đó, chúng ta dường như chẳng còn tâm trí để bận tâm đến hoạt động nhàn rỗi. Và trong bối cảnh đó, thời gian nhàn rỗi dần khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi hơn là đáng được tán dương. Ví dụ như trong những ngày chạy theo guồng quay công việc bận rộn, chúng ta còn không cho phép bản thân được thảnh thơi đọc sách giải trí, dù là trong giờ nghỉ, bởi vì dự án công việc vẫn còn đang dang dở.
Không phải hoạt động nào mà chúng ta tham gia trong khoảng thời gian rảnh rỗi cũng được cho là hoạt động nhàn rỗi. Trên thực tế, từ "nhàn rỗi" trong tiếng Hy Lạp là schole, từ gốc của "school" – nghĩa là "trường học" (11). Cũng trên cơ sở những lý thuyết trình bày trong cuốn Chính trị luận của Aristotle, dự án The Noble Leisure đã ra đời nhằm tài trợ cho các nghiên cứu về hoạt động nhàn rỗi và cung cấp mạng lưới học tập bình đẳng về các hoạt động này (12).
Chúng ta có thể tìm kiếm các hoạt động nhàn rỗi hoặc cảm hứng về chúng ở khắp mọi nơi. Vào năm 2020, bộ phim Gambit Hậu của Netflix đã giúp doanh số bán cờ vua và các phụ kiện liên quan tăng vọt, có nơi còn lên đến 215% (13). Điều này chứng tỏ rằng xã hội vẫn rất đề cao những hoạt động nhàn rỗi, đồng thời cũng cho thấy rằng những phân tích của Aristotle và triết học Hy Lạp về hoạt động nhàn rỗi, tuy đã xuất phát từ thời cổ đại, vẫn còn giá trị và tính ứng dụng trong thời đại ngày nay.
Vậy, ngoài việc có thái độ tích cực về thời gian nhàn rỗi, việc mỗi người tự khám phá hoạt động nhàn rỗi nào thích hợp với bản thân cũng rất cần thiết. Một số hoạt động nhàn rỗi được gợi ý gồm chơi cờ, vận động, khám phá, hòa vào thiên nhiên như trồng và chăm sóc cây, bơi lội, chèo thuyền, leo núi (14), đi bộ (15), các hoạt động nghệ thuật như tham dự triển lãm, vẽ, hát và làm đồ thủ công (16), (17)...
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.