Niềm tin không tự dưng sinh ra, cũng chẳng vô tình mất đi, mà vừa là chất xúc tác cũng vừa là kết quả của một mối quan hệ. Vì lẽ đó, nó đóng vai trò quan trọng giúp các đôi uyên ương tiếp tục hoặc dừng lại câu chuyện tình lãng mạn của họ. Để củng cố cũng như xây dựng niềm tin, bậc thầy trị liệu tình cảm hàng đầu thế giới John Gottman đã đưa ra một phương pháp đặc biệt gọi là ATTUNE.
Giáo sư John Gottman là một nhà nghiên cứu, tác giả và chuyên gia về mối quan hệ và hôn nhân. Với hơn 40 năm kinh nghiệm của mình, ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu và phát triển phương pháp trị liệu cặp đôi dựa trên các lý thuyết khoa học và bằng chứng thực tiễn. Thậm chí, chỉ bằng quan sát, Giáo sư John Gottman cũng đã có thể đưa ra dự đoán về sự thành công hay thất bại trong một mối quan hệ với tỷ lệ chính xác lên đến 90% (1). |
Sau khi đã rơi vào lưới tình và bước qua những giai đoạn ngọt ngào trong tình yêu, chúng ta bắt đầu nhận ra những điểm "ố dzề" ở đối phương khiến bản thân vỡ mộng. Thất vọng, hụt hẫng, buồn bã... là cảm giác mà nhiều người phải đối mặt lúc này và dẫn đến sự lung lay của mối quan hệ. Thật dễ hiểu khi nhiều người chọn dừng lại, thế nhưng nếu quyết định bước tiếp cùng nhau, chúng ta sẽ phải xây dựng và củng cố niềm tin đang trên bờ vực khủng hoảng.
Chìa khoá cho quá trình xây dựng niềm tin theo Giáo sư John Gottman chính là sự hoà hợp (attune) về mặt cảm xúc. Đó cũng chính là lý do ông gọi 6 giai đoạn để xây dựng niềm tin trong mối quan hệ chính là ATTUNE (2).
ATTUNE là một quy trình gồm 6 giai đoạn, bao gồm:
Trang bị đầy đủ kiến thức về ATTUNE, độc giả có thể tự trang bị cho mình một phương thức mạnh mẽ giúp truyền cảm hứng cho sự tự tin trong một mối quan hệ. Hơn hết, phương pháp này củng cố niềm tin rằng cho dù phải đối mặt những khó khăn không thể tránh khỏi, mối quan hệ nào cũng có thể bền vững và lâu dài.
Một cuộc trò chuyện hòa hợp sẽ giúp đôi bên học cách tin tưởng lẫn nhau bằng cảm xúc của chính mình. Với mỗi lần vận dụng ATTUNE thành công, chúng ta đang đầu tư một khoản "tiết kiệm yêu thương" vào "ngân hàng tình cảm" - điều này được xem như cách "phòng ngừa rủi ro" nếu có xung đột diễn ra sau này (3).
Nhận biết đề cập đến kiến thức và sự hiểu biết của chúng ta về thế giới của người khác, bao gồm: suy nghĩ, cảm xúc và hoàn cảnh hiện tại của đối phương. Để có một mối quan hệ lành mạnh, tích cực, chúng ta cần phải có ý thức tìm kiếm và thừa nhận cảm xúc của nhau.
Ví dụ, hãy đặt những câu hỏi như: "Ngày hôm nay của em/anh thế nào?" hoặc thậm chí là một câu đơn giản chẳng hạn: "Có chuyện gì vậy em/anh?" để tạo cơ hội nắm bắt và xác định trạng thái cảm xúc của người mình yêu thương. Yêu cầu nhận biết được cảm xúc này là bắt buộc, vì nếu không, chúng ta sẽ không thể kịp thời xoa dịu hay dỗ dành cảm xúc của đối phương.
Khi nhận thức được một tình huống hoặc cảm xúc của người mình thương, Giáo sư Gottman khuyên chúng ta chọn cách tạo ra kết nối thay vì bỏ qua hoặc xem thường tâm trạng của họ. Điều này nói lên sự sẵn sàng của chúng ta trước khi bước vào thế giới của người bạn đời. Bởi khi yêu một người, chúng ta phải sẵn sàng cho việc tiếp nhận lẫn chấp nhận tất cả các vấn đề xung quanh người đó, từ quá khứ, gia đình và cả những mối bận tâm của họ.
Điều này bao gồm những phản hồi tích cực của chúng ta trước những mong đợi của người kia, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng hành động khi cảm thấy họ cần kết nối/chia sẻ.
Những phản hồi tích cực và hành động cụ thể sẽ nói lên rằng chúng ta muốn hiểu trải nghiệm của người ấy cũng như bất cứ điều gì họ đang đối mặt. Dĩ nhiên, việc này dễ thực hiện hơn khi đối phương đang có cảm xúc tích cực, nhưng nếu trải nghiệm đó mang tính tiêu cực thì hãy đặc biệt chú ý để cùng nhau bước qua những khoảnh khắc khó khăn nhưng ý nghĩa này. Chẳng hạn như khi người yêu bày tỏ sự lo lắng về công việc, chúng ta có thể dành thời gian lắng nghe và hỏi thăm về tình hình thay vì im lặng, ậm ừ cho qua chuyện hoặc đánh giá, khuyên bảo đúng sai.
Khoan dung là khả năng chấp nhận và tôn trọng cảm xúc cũng như quan điểm của người yêu hoặc bạn đời, ngay cả khi những điều đó khác ý chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta vừa phải có khả năng chấp nhận thực tế của người khác, vừa phải tạm ngừng truy cầu mong đợi của chính mình để tìm được hướng dung hòa cho đôi bên.
Tránh những nhận xét "tích cực độc hại" về mặt cảm xúc như "hãy nhìn vào mặt tốt", "ít nhất là…", "cứ để chuyện đó qua đi" hoặc "không có gì to tát cả"... Nếu nói ra những mệnh đề này, chúng ta đã vô tình gửi đi tín hiệu rằng mối quan tâm của người ấy là không quan trọng.
Giáo sư Gottman cũng lưu ý rằng không cần phải chấp nhận hoặc đồng ý với quan điểm, cảm xúc của người khác - đặc biệt là khi nó hoàn toàn trái ngược và bất đồng ý kiến của ta - nhưng mỗi cặp đôi phải sẵn sàng thừa nhận và tôn trọng nhân sinh quan của nhau.
"Hiểu" là một khái niệm đề cập đến nỗ lực của chúng ta để nắm bắt được quan điểm và cảm xúc của người mình thương yêu.
Để thực sự làm được điều này, chúng ta phải gác đi niềm tin, ý tưởng và cảm xúc của chính mình trong giây lát. Bởi nếu không, chúng ta sẽ không thể chạm tới được điều mà đối phương đang cố gắng bày tỏ.
Nếu người yêu hoặc bạn đời thể hiện sự cô đơn khi bạn thường xuyên làm việc ngoài giờ, thay vì suy nghĩ rằng họ nghi ngờ bạn thiếu chung thủy thì hãy cố gắng hiểu xa, rộng hơn về điều này. Hãy đặt những câu hỏi thể hiện nhu cầu muốn tìm hiểu về suy nghĩ, cảm xúc của họ, vì biết đâu, họ chỉ đang muốn cả hai có thời gian bên nhau nhiều hơn. Nên nhớ, hãy cho người thương của chúng ta biết rằng chúng ta mong muốn quan tâm và thấu hiểu họ trước khi cố gắng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Lắng nghe không phòng vệ là cách hiệu quả nhất để đáp lại những suy nghĩ và cảm xúc "nắng mưa thất thường", thậm chí có phần tiêu cực của đối phương. Với tư cách là người nghe, nhiệm vụ của chúng ta là giúp người khác làm rõ cảm xúc và nhận thức của họ.
Con người thường có thói quen lắng nghe và tìm ra những vấn đề hay sai lầm trong câu chuyện của người khác để lấy đó làm công cụ phản biện, tranh luận - đây là sự phòng vệ. Trong giai đoạn này, Giáo sư John Gottman yêu cầu các cặp đôi tránh tự vệ và đổ lỗi cho đối tác. Thay vào đó, hãy tìm cách gửi thông điệp rằng chúng ta đang lắng nghe và quan tâm.
Thay vì trở nên phòng thủ hoặc tấn công khi tranh luận, hãy dành một chút thời gian để tự hỏi bản thân rằng nhận xét của mình sẽ giúp làm rõ những gì người ấy đang nghĩ hoặc cảm thấy như thế nào? Điều quan trọng là có thể tạo ra môi trường thoải mái để người kia thể hiện bản thân mà không cần tranh cãi. Việc đáp lại những suy nghĩ và cảm xúc của người khác mà không phán xét sẽ khuyến khích sự giao tiếp cởi mở và tin tưởng cho cả hai
Đồng cảm là cách bạn cho người khác thấy rằng chúng ta "cảm thông được điều đó" từ vấn đề của nửa kia. Do thói quen trong giao tiếp (đặc biệt là văn hóa Á đông ít khi thể hiện tình cảm một cách tự nhiên và thân mật quá đà) nên nhiều người không thể hiện được sự đồng cảm trong cách ứng xử.
Cần lưu ý rằng chúng ta không đồng cảm theo kiểu: "Em yên tâm, anh cảm thấy đồng cảm mà...". Ngược lại, việc xác định, thừa nhận chính xác cảm xúc và tâm trạng của người khác mới là cách chúng ta thể hiện sự đồng cảm.
Trên thực tế, chúng ta vẫn thường nghe bảo "Thử mang đôi giày của người khác thì mới biết họ đang phải bước đi trong hoàn cảnh thế nào". Áp dụng nguyên tắc đó vào mối quan hệ tình cảm, hãy đặt mình vào tình huống và tâm trạng của người thương để biết họ đang cần được đối đãi ra sao. Thế nên, sự đồng cảm còn được biểu hiện qua cách chúng ta hành xử dịu dàng và tử tế đối với cảm xúc của người khác.
ATTUNE là một trong những bài tập thực hành quan trọng của Giáo sư John Gottman dành cho các cặp đôi nếu muốn vượt qua những thách thức để xây dựng niềm tin.
Độc giả có thể tìm đọc những chủ đề khác về hôn nhân và xây dựng quan hệ tình cảm được đề cập trong các công trình nghiên cứu Tâm lý Xã hội học của vị Giáo sư này được đăng tải trên LeLa Journal như:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.