Trong nhiều thập kỷ, các nhà tâm lý học đã cố gắng trả lời câu hỏi: Điều gì khiến hai người từng nói "Tôi đồng ý" trong đám cưới với nhau, lại quyết định xa rời nhau? Và liệu, có bằng chứng khoa học nào về việc khi nào là "thời điểm vàng" để chúng ta yêu, sinh con đẻ cái, kết hôn, thậm chí là... chia tay hay không?
Trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Đại học Clark về những người trưởng thành, người ta phát hiện ra rằng 86% trong số hơn 1.000 người Hoa Kỳ trong khoảng 18-29 tuổi được khảo sát mong muốn tình yêu và hôn nhân của họ sẽ kéo dài suốt đời (1).
Từ mong muốn đó, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu hôn nhân nổi tiếng - Tiến sĩ John Gottman - đã đề xuất một số mốc thời gian liên quan đến việc dự đoán và đánh giá sự bền vững của một mối quan hệ.
Từ các nghiên cứu của Tiến sĩ Gottman, chúng ta có thể tìm ra ba cột mốc quan trọng cho một mối quan hệ gắn kết lâu bền.
Trong khoảng thời gian 3 năm đầu, mối quan hệ thường ở trong trạng thái hòa hợp với nhiều cảm xúc tích cực. Đây là thời gian "vàng" cho việc phấn đấu và đầu tư nhiều vào mối quan hệ. Tuy nhiên, những dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn có thể xuất hiện, từ đó, hành động thể hiện sự tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe trong giai đoạn này có thể xây dựng nền tảng mối quan hệ trong tương lai.
Với các cặp đã kết hôn hoặc cam kết, việc có con, đặc biệt là trong mốc thời gian 3 năm này, thường được xem là một sự kiện hạnh phúc.
Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford (Hoa Kỳ), xu hướng chia tay giảm mạnh khi các mối quan hệ đã vào năm thứ hai, sau đó lại giảm mạnh hơn nữa vào năm thứ ba, nhưng xu hướng chia tay ở năm thứ tư lại không thay đổi nhiều so với trước đó. Điều đó cho thấy sự ổn định của một mối quan hệ "ba tuổi" (3).
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Gottman, trong vòng 3 năm sau khi đứa con đầu lòng chào đời, có tới 67% số cặp vợ chồng đã bắt đầu giảm mạnh cảm giác hạnh phúc trong hôn nhân (2).
Cũng theo nghiên cứu kể trên của Đại học Stanford (Hoa Kỳ), năm năm là đủ dài để chúng ta dần nhận ra rằng tình cảm của dành cho một người không chỉ là sự mê đắm (3). Sau khi các mối quan hệ được kỷ niệm năm năm, nhiều người được khảo sát cho biết họ vẫn sẽ ở bên nhau, tức là mức độ cam kết trong mối quan hệ khá cao. Tỷ lệ cam kết này cao hơn so với tỷ lệ người trả lời rằng họ đã chia tay trước kỷ niệm năm năm.
Không chỉ như vậy, theo John Gottman, khi bước qua năm thứ 6, mối quan hệ thường đối mặt với nhiều thách thức.
Sự hòa hợp ban đầu có thể đã giảm đi, và các xung đột và căng thẳng có thể xuất hiện. Đây là thời điểm quan trọng để đối mặt với các vấn đề và tìm cách giải quyết chúng, thay vì để chúng tích tụ và gây ra hậu quả xấu cho một mối quan hệ lâu dài.
Theo một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Robert W. Levenson và Tiến sĩ Gottman, họ đã phát hiện ra rằng ở cặp vợ chồng đã bên nhau 14 năm, mức độ ổn định trong tương tác của mối quan hệ có thể lên tới hơn 80%, bất kể là họ có phải "nhờ cậy" tới trị liệu cặp đôi đi chăng nữa (4), (5).
Điều này nghĩa là từ các nghiên cứu, không chỉ dự đoán được mức độ ổn định của mối quan hệ "ba tuổi" hay "sáu tuổi", mà Tiến sĩ Gottman còn có thể đánh giá được tính bền vững của mối quan hệ ở cặp vợ chồng trong lứa tuổi trung niên và lão niên.
Những con số trên đã cho thấy đây là khoảng thời gian an toàn - không thể tách rời được nữa, tuy nhiên, với dữ liệu theo từ nghiên cứu, Tiến sĩ Levenson và Tiến sĩ Gottman đã phát hiện ra có một nhóm các cặp vợ chồng ly hôn ở mốc trung bình là 16,2 năm sau đám cưới. Những cặp vợ chồng này không có thái độ thù địch tiêu cực nào, mà họ chỉ đơn giản là buồn và tức giận (ở mức nhẹ), nhưng vấn đề lớn nhất là họ không còn muốn chia sẻ với nhau.
Ở họ, không còn sự hài hước, không còn tiếng cười và sự đùa nghịch. Đôi bên cũng không tỏ ra ngớ ngẩn, tò mò, phấn khích... cho thấy cả tình cảm và đồng cảm đều đã tan biến.
Đó là những mối quan hệ "nhạt nhẽo" mà đôi bên cảm thấy cần phải xa rời nhau để được tận hưởng cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng những mốc thời gian chỉ mang tính tham khảo và không thể được áp dụng tuyệt đối trong mọi mối quan hệ. Không ai có thể chỉ dẫn chúng ta rằng khi nào nên kết hôn, có con hay thậm chí là chia tay. Mỗi cặp tình nhân hoặc vợ chồng đều có khung thời gian và có thể "vượt mốc" qua khỏi những thời điểm vàng kể trên.
Sau khi nghiên cứu hàng ngàn cặp vợ chồng trong bốn thập kỷ, Tiến sĩ Gottman đã tìm ra 3 điều có thể giữ cho một mối quan hệ bền vững (2), đó là:
Theo đó, nếu mối quan hệ thiếu đi những yếu tố này, đôi bên dần có xu hướng xem nhẹ và coi thường nhau. Tiến sĩ Gottman và cộng sự đã nhận thấy rằng sự coi thường là yếu tố hàng đầu phá vỡ các đôi vợ chồng.
Những người tập trung vào việc phê phán bạn đời thường bỏ qua khoảng 50% những điều tích cực mà bạn đời của họ vốn có, thay vào đó, họ thường chỉ nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực, mà thậm chí còn không tồn tại.
Rồi từ đó, đôi bên có thể gây tổn thương cho nhau, bằng cách làm người còn lại thấy rằng bản thân vô giá trị, không còn được coi trọng và quan tâm, nặng nề hơn là không tồn tại.
Trái lại, lòng tử tế là yếu tố nối kết các cặp đôi với nhau.
Các nghiên cứu độc lập khác không liên quan đến Tiến sĩ Gottman cũng đã chứng minh rằng lòng tử tế (kết hợp với sự ổn định về cảm xúc) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dự đoán mức độ hài lòng và ổn định trong mối quan hệ gắn bó (6). Lòng tử tế giúp mỗi người cảm nhận được sự quan tâm, cảm thông và cảm giác quan trọng - đó cũng chính là những mảnh ghép tạo nên tình yêu.
Suy cho cùng, tình yêu không chỉ là tìm được người phù hợp mà còn vì việc nỗ lực và duy trì. Trong tình yêu, có một nghịch lý rất đúng với hai câu của nhà thơ Tản Đà, rằng: "Mình với ta tuy hai mà một/Ta với mình tuy một mà hai" – nghĩa là những gì ta mong được đối đãi đều là những gì người còn lại cũng kỳ vọng nhận được từ ta.
Sẽ thật khó để tình yêu có thể mãi như ngày đầu tiên, nhưng để tình yêu hôm nay có thể là cả một đời dài về sau, công thức cuối cùng chính là ân cần với nhau cả trong những ngày bình thường nhất.
Mời độc giả tham khảo các bài viết cùng chủ đề, đã được đăng tải trên LeLa Journal như sau:
"Tứ kỵ sĩ Khải Huyền" trong tình cảm: 4 nguyên nhân chính khiến mối quan hệ đổ vỡ
90% cặp đôi hạnh phúc đến "răng long đầu bạc" đều có chung 7 đặc điểm này
Tình yêu vô điều kiện: Bài học mà trẻ thơ "dạy" lại cho người trưởng thành
"Phản hồi cảm xúc" là gì mà có thể giúp tình yêu hòa hợp lâu dài?
3H: Câu "thần chú" an ủi khi người yêu đang buồn
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.