Tình yêu là đồng lòng và đồng hành, không chỉ về mặt cảm xúc, định hướng tương lai, mà còn là cùng nhau đối mặt với những mâu thuẫn để duy trì mối quan hệ lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, nếu các vấn đề không được nhìn nhận đúng cách, chúng sẽ trở thành nguyên nhân "đường ai nấy đi". Các nhà tâm lý học đã phân tích bốn yếu tố dẫn đến đổ vỡ tình cảm và ví von chúng cũng giống như "tứ kỵ sĩ Khải Huyền" mang điềm báo về "ngày tận thế" của mối quan hệ.
Nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu hôn nhân nổi tiếng John Gottman đã dùng hình tượng "tứ kỵ sĩ Khải Huyền" (The Four Horsemen of the Apocalypse) như một phép ẩn dụ để miêu tả bốn nguyên nhân chính khiến mối quan hệ đổ vỡ.
Trong Kinh thánh, tứ kỵ sĩ Khải Huyền (The Four Horsemen of the Apocalypse) sẽ lần lượt phá hủy, tiêu diệt thế giới, đưa Trái Đất và nhân loại đối mặt với ngày tận thế. Bốn kỵ sĩ ấy đại diện cho sự xâm lược (Conquest), chiến tranh (War), nạn đói (Famine) và sự chết chóc (Death). Liên hệ điều này với các mối quan hệ trong cuộc sống tình cảm, "bốn kỵ sĩ" ấy cũng tương ứng với những thói quen giao tiếp và ứng xử tiêu cực gây rạn nứt tình cảm, dẫn tới "ngày tận thế" - ám chỉ sự kết thúc của một mối quan hệ.
Từ những năm 1970, Gottman đã nghiên cứu hàng ngàn cặp vợ chồng trong một cuộc thí nghiệm tình yêu. Ông theo dõi quá trình tương tác và sự hài lòng về hôn nhân của họ, từ đó nhận ra những xung đột trong mối quan hệ không đến từ sự khác biệt về tuổi tác, quan điểm hay nền tảng sống, mà đến từ chính những thói quen hành xử tương ứng với bốn kỵ sĩ hủy diệt trong Kinh Thánh, đó chính là chỉ trích, khinh miệt, biện hộ và chiến tranh lạnh (1).
Chỉ trích là những lời đánh giá tiêu cực về đối phương. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng chỉ trích khác biệt với phê bình. Đưa ra phê bình là một việc bình thường và nên có trong một mối quan hệ. Những phê bình phản ánh đúng vấn đề thực tế sẽ tránh được những sai lầm tích tụ dần dà, tránh việc "giọt nước làm tràn ly". Trong khi đó, chỉ trích là những lời nói mang tính công kích vào tính cách và giá trị cốt lõi ở mỗi con người. Một ví dụ để phân biệt giữa sự phê bình và chỉ trích:
Nhiều cặp đôi vẫn thường dùng những cụm từ như "luôn luôn" hoặc "không bao giờ" để chỉ trích về những việc mà đối phương đã làm hoặc không làm. Sự chỉ trích dù vô tình hay cố ý cũng sẽ khiến đối phương hứng chịu cảm giác bị tấn công, bị từ chối và tổn thương sâu sắc. Sự chỉ trích là "kỵ sĩ" đầu tiên. Nếu không được kiểm soát và cứ lặp đi lặp lại với tần suất cùng cường độ ngày càng nhiều hơn, nó sẽ dẫn đến "kỵ sĩ thứ hai" chính là sự khinh miệt.
Theo nghiên cứu của Gottman, sự khinh miệt là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vụ ly hôn (2). Khinh miệt cũng như những lời chỉ trích, nhưng ở trạng thái nặng nề hơn. Khi ấy, chúng ta không những chỉ trích tính cách của đối phương, mà còn nói ra những lời cay nghiệt, gây ảnh hưởng đến danh dự và lòng tự tôn của họ.
Khinh miệt là sự giao tiếp với thái độ thiếu tôn trọng và luôn cảm thấy bản thân vượt trội hơn đối phương.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cặp vợ chồng tỏ thái độ khinh miệt lẫn nhau thường có khả năng mắc bệnh như cảm lạnh, cúm... nhiều hơn những cặp đôi bình thường do hệ thống miễn dịch dần bị suy yếu (3).
Biện hộ là những lời bào chữa hoặc chối bỏ thay vì nhận trách nhiệm về hành động của bản thân. Nhiều cặp đôi khi xảy ra chuyện, thay vì xin lỗi chân thành thì một trong hai người lại giảng hòa một cách hời hợt để mong mọi chuyện mau chóng qua đi. Tuy nhiên, khi điều này cứ liên tục tái diễn, đối phương sẽ nghĩ rằng bạn không xem trọng những mối quan tâm của họ cũng như không chịu nhận trách nhiệm để khắc phục sai lầm.
Khi một người cứ nói những lời biện hộ, người còn lại sẽ cảm thấy không được lắng nghe và tôn trọng, dẫn đến sự chia rẽ cảm xúc cũng như mất kết nối tinh thần trong mối quan hệ. Từ đó, những câu từ chỉ trích khó nghe bắt đầu xuất hiện như hai "người dưng nước lã" đang lạnh lùng buông lời thóa mạ nhau.
Các cặp đôi cần có những khoảng thời gian và không gian lắng mình lại trước khi đưa ra lời giải thích và cũng không nên giải thích ngay lúc mâu thuẫn đang xảy ra. Vì khi ấy, bạn sẽ ít được lắng nghe và cảm thông hơn.
Thay vì cùng nhau đối mặt và giải quyết vấn đề thì một trong hai người lại có thái độ im lặng, né tránh và từ chối hợp tác với đối phương. Chiến tranh lạnh có thể không gây tổn hại trực tiếp như ba yếu tố trên nhưng hậu quả của “kỵ sĩ” này đôi khi lại rất lớn. Bởi "cuộc chiến không lời" có thể khiến đối phương cảm thấy bị chối bỏ và tủi thân, làm tăng thêm hố sâu khoảng cách giữa hai người.
Khi xảy ra xung đột, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra hormone gây căng thẳng. Khi ấy, chúng ta sẽ tập trung vào các bản năng sinh tồn như chạy trốn hoặc chiến đấu và đánh mất đi bản năng giao tiếp cũng như giải quyết vấn đề. Cũng chính vì thế, mỗi khi mâu thuẫn hay căng thẳng xảy ra, nhiều cặp đôi lại chọn cách im lặng và né tránh thay vì cùng nhau ngồi lại giải quyết vấn đề.
Khi có vấn đề xảy ra, đừng vội chỉ trích đối phương mà hãy dùng những lời mềm mỏng và nhẹ nhàng. Thay vì chỉ đích danh đối phương rồi vạch trần lỗi lầm của họ, hãy dùng những mẫu câu như “anh/em cảm thấy…” rồi bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách tích cực nhất. Mấu chốt ở đây là hãy ưu tiên nói về cảm nhận cá nhân chứ không phải chăm chăm đổ lỗi và chỉ trích người kia, tránh biến cuộc thảo luận trở thành tranh luận căng thẳng.
Để hạn chế sự khinh miệt, các cặp đôi cần xây dựng văn hóa tôn trọng và ghi nhận giá trị của nhau.
Nếu bạn thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng và đánh giá cao người yêu hoặc người bạn đời của mình, bạn sẽ tạo ra một góc nhìn tích cực trong mối quan hệ.
Có một quy tắc gọi là "tỷ lệ ma thuật 5:1" dựa trên nghiên cứu của viện Gottman (4). Quy tắc này cho rằng số lần tương tác tích cực của bạn với người thương cần phải nhiều hơn ít nhất năm lần so với tương tác tiêu cực để gìn giữ một mối quan hệ tốt đẹp. Với quy tắc này, Gotttman thậm chí có thể dự đoán được khả năng ly hôn của một vài cặp đôi, bởi lẽ họ không thực sự hài lòng về nhau nên luôn có xu hướng đối xử với nhau một cách tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Biện hộ không phải là cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn. Việc cả hai đều đổ lỗi cho đối phương và từ chối nhận trách nhiệm vì những hành động của mình chỉ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Cách giải quyết tốt nhất chính là thẳng thắn thừa nhận sai phạm của bản thân, dù đó chỉ là một phần nhỏ trong mâu thuẫn. Nhờ đó, cả hai có thể ngồi lại cùng đối thoại và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Khi mâu thuẫn xảy ra, các cặp đôi thường rơi vào tâm trạng áp lực, căng thẳng và nhịp tim trở nên tăng mạnh. Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà tâm lý đã thử tách riêng cặp vợ chồng sau 15 phút tranh luận căng thẳng. Cặp đôi được yêu cầu ngồi im lặng đọc tạp chí và không được nói bất cứ điều gì về mâu thuẫn đó nữa. Sau đó, họ bắt đầu nói chuyện lại và mọi người nhận thấy nhịp tim của họ đã giảm xuống đáng kể, sự tương tác của hai người cũng trở nên tích cực hơn rất nhiều (5).
Điều đó cũng cho thấy rằng khi các cặp đôi có khoảng lặng để bình tĩnh, họ có thể quay lại thảo luận vấn đề với thái độ tôn trọng nhau hơn. Do đó, mấu chốt để giải quyết tình trạng chiến tranh lạnh là hãy dành cho nhau những khoảng thời gian làm dịu chính mình. Trong khoảng thời gian này, hãy tránh suy nghĩ tiêu cực về mâu thuẫn đang xảy ra và tập trung làm những việc khác để lấy lại bình tĩnh như nghe nhạc, đọc sách, tập thể dục, tập thở, thiền...
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.