Với những khám phá trong thời gian gần đây, LeLa Journal đã từng giới thiệu rằng việc đi tìm hạnh phúc dẫn đến một nghịch lý là càng tìm càng... chẳng thấy đâu. Ở bài viết này, LeLa Journal sẽ giải thích thêm rằng tại sao thứ mà chúng ta nên hướng đến là niềm vui, chứ không phải hạnh phúc.
Trong bài viết Nghịch lý hạnh phúc: Càng theo đuổi thứ gì, càng không có thứ đó!, chúng tôi đã cung cấp những bằng chứng từ khoa học hiện đại cho thấy càng theo đuổi hạnh phúc, con người càng khổ đau. Tuy nhiên, nếu nhìn bao quát vào lịch sử phát triển của loài người, việc đi tìm hạnh phúc vốn không chỉ là một hành trình gian nan đối với người hiện đại mà đã là một kinh nghiệm sống quý báu được truyền lại từ người xưa.
Trong Phật giáo phương Đông, theo đuổi bất kỳ một thứ gì đó sẽ khơi dậy trong chúng ta "lòng tham" - vốn là những nguyên nhân khiến cuộc sống của chúng ta bớt an lạc. Còn ở phương Tây, các triết gia khắc kỷ cũng cho rằng hạnh phúc là biết chấp nhận những gì ở hiện tại chứ không cần phải truy cầu (1).
Đó là một nghịch lý trớ trêu, bởi thông thường, những thứ có giá trị sẽ đạt được bằng cách phấn đấu, nhưng hạnh phúc thực sự lại đi ngược lại xu hướng này.
1. Niềm vui đơn giản mà lại hiệu quả: Tiến sĩ Mike Rucker chia sẻ trong cuốn sách "Thói quen vui vẻ, việc theo đuổi niềm vui và điều kỳ diệu có thể thay đổi cuộc sống" rằng hạnh phúc vốn tập trung vào kết quả. Thay vì tận hưởng những gì cuộc sống mang lại, chúng ta lại hao tốn năng lượng của bản thân để tìm hiểu xem mình có đang hạnh phúc hay không. Vô tình, ta tự khiến cho chính mình bị mắc kẹt trong việc suy ngẫm về khoảng cách giữa chúng ta và hạnh phúc.
Trong khi đó, vui vẻ là "nghĩ ít lại, làm nhiều hơn". Tiêu chí này chính là công cụ đơn giản nhưng lại có tác dụng giải tỏa những áp lực trong cuộc sống, giúp chúng ta khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần cũng như tận dụng thời gian tốt hơn.
Cụ thể, trong một nghiên cứu trên 28.000 người trong 7 ngày, các tác giả nhận thấy rằng những người người có tâm trạng vui vẻ có xu hướng thực hiện các hoạt động hữu ích về lâu dài nhưng nhàm chán (ví dụ như dọn dẹp nhà cửa) hơn. Thêm vào đó, những người cảm thấy không vui sẽ đi tìm kiếm những hình thức thoát ly khỏi thực trạng trì trệ này (3).
Trong một nghiên cứu khác, các học giả cũng chỉ ra rằng niềm vui tại nơi làm việc tác động tích cực đến các chỉ số hiệu suất chính, chẳng hạn như giúp nâng cao tinh thần làm việc, tính sáng tạo và đổi mới, giúp cải thiện hiệu suất tốt hơn và tăng tính cam kết với tổ chức cao hơn (4).
2. Niềm vui có thể thực hiện ngay và luôn, ở mọi nơi mọi lúc: Niềm vui có mặt ở khắp nơi và chúng ta có thể thực hiện nó bất kỳ lúc nào. Từ các hoạt động yên tĩnh, ít mang lại sự kích thích như đi bộ, làm vườn, thiền hoặc đọc sách cho đến các hoạt động ồn ào và liên kết với những người xung quanh hơn như chơi thể thao, ăn uống, nói chuyện với mọi người... đều được coi là niềm vui. Nó tùy thuộc vào từng cá nhân ở từng thời điểm trong cuộc sống.
3. Niềm vui không phải là mục đích: Theo Tiến sĩ Mike Rucker, khác với hạnh phúc, chúng ta không cần phải tìm kiếm niềm vui liên tục và thường trực, vì một cuộc đời trọn vẹn sẽ bao gồm những thăng trầm, niềm vui, nỗi đau và cả sự tẻ nhạt. Ông nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên tờ CNN rằng:
"Có sự tích cực độc hại trong thông điệp 'chỉ tồn tại những cảm xúc tốt đẹp' hay 'không có những ngày tồi tệ' của một số người với phức cảm hạnh phúc công nghiệp. Điều này đã phản ánh sự thiếu linh hoạt và là bằng chứng cho việc cảm xúc của họ có vấn đề" (5).
Không giống như hạnh phúc, niềm vui có thể xảy ra cùng lúc với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau hoặc thậm chí vượt qua chúng hoàn toàn. Thế nhưng, làm sao để có thể đạt được niềm vui?
Trong các nghiên cứu khoa học trên cũng chỉ ra rằng niềm vui làm tăng năng suất công việc và tăng khả năng thực hiện các hành vi có lợi ích lâu dài, nhưng cũng chưa đề cập đến chuyện làm sao để đạt được điều đó. Và đấy là lý do mà Tiến sĩ Mike Rucker dày công viết nên cuốn sách ý nghĩa của mình.
Đầu tiên, có một số điều cần làm rõ trong quá trình này, bắt đầu bằng việc dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho niềm vui.
Theo một nghiên cứu vào năm 2021, các tác giả đã kiến nghị khoảng thời gian phù hợp cho các hoạt động vui vẻ trong cuộc sống là 2 giờ đồng hồ mỗi ngày (6).
Trong một xã hội đòi hỏi quá nhiều giờ làm việc và đánh giá thấp tầm quan trọng của niềm vui, 2 giờ đó dường như cũng là quá nhiều. Nếu yêu cầu đó khiến chúng ta cảm thấy quá sức, Tiến sĩ Mike Rucker khuyên rằng hãy bắt đầu bằng việc dành một đến ba giờ mỗi tuần để thử nghiệm một số mục trong danh sách "vui vẻ" của bản thân. Ngay cả việc tăng tốc độ dần dần cũng sẽ cho chúng ta thấy lợi ích của thói quen mới này.
Những đặc quyền về vật chất và vị thế xã hội có thể dễ dàng mở ra nhiều cánh cửa cho đối tượng dư dả tiền tài và thời gian được tận hưởng niềm vui. Tuy nhiên, nếu sáng tạo, chúng ta sẽ có rất nhiều cách để có thêm thời gian vui vẻ mà không cần đến tiền. Lấy ví dụ về điều này, Tiến sĩ Mike Rucker kể câu chuyện về đồng nghiệp của ông:
"Cô đồng nghiệp của tôi rất thích vẽ nhưng lại gặp khó khăn trong việc thu xếp thời gian dành cho sở thích giữa lịch trình bận rộn của mình. Mọi việc thay đổi khi cô ấy bắt đầu vẽ trong lúc suy nghĩ về giải pháp cho các buổi trị liệu tiếp theo của bệnh nhân".
Bước 1 - Kiểm tra lịch để bổ sung các hoạt động giải trí thay vì tăng cường làm việc: Cách làm này sẽ giúp bạn khám phá ra những cơ hội tiềm ẩn để tăng niềm vui của bản thân, mà không cần phải hy sinh tiến độ công việc. Trong một tuần, bạn có thể thử ghi lại các hoạt động mỗi ngày của mình hoặc thử phân chia theo từng khung giờ trong ngày, như gợi ý trong lịch trình thời gian biểu của Tiến sĩ Mike Rucker (7).
Bước 2 - Phân loại cách sử dụng thời gian: Bằng cách sử dụng mô hình bốn góc phần tư của Tiến sĩ Mike Rucker, bạn có thể phân chia theo mức độ thử thách của từng hoạt động và mức độ vui vẻ của bản thân. Các hoạt động vừa dễ dàng vừa mang tính thú vị cao thuộc về góc phần tư phía trên bên trái - tức sự "hài lòng" (pleasing) (8). Bên cạnh đó, nếu muốn tham gia vào các hoạt động mang tính tận hưởng và được sống trọn vẹn, chúng ta có thể phải nâng cao mức độ thử thách lên (8). Điều này tuy cũng có kết quả tích cực nhưng lại có thể khiến chúng ta quá tập trung vào việc gia tăng chất lượng của trải nghiệm.
Vì vậy, Tiến sĩ Mike Rucker gợi ý rằng trong một tuần đầu, bạn hãy ưu tiên tập trung vào những trải nghiệm dễ dàng nhưng dễ tạo ra sự hài lòng (5).
Bước 3 - Tạo ra "hồ sơ vui vẻ": Đây là một danh sách đầy đủ các hoạt động thú vị mà chúng ta muốn tích hợp vào lịch trình thường nhật của mình (9). Nhìn vào đó, chúng ta có thể thu xếp thêm thời gian để giải trí, bởi lẽ bản chất con người là muốn nhanh chóng lấp đầy bất kỳ khoảng trống rảnh rỗi nào. Thế nên, việc lên danh sách giúp khơi dậy trí tò mò, đồng thời cung cấp cho ta nhiều lựa chọn hữu ích để chọn ra được hoạt động mình muốn làm.
Khi chúng ta đã có nhiều lựa chọn ưng ý, hãy chia thành các hạng mục và sau đó sàng lọc thành một danh sách ngắn gồm 8 - 15 hạng mục có thể đạt được. Bởi theo một nghiên cứu, bộ não hoạt động tốt hơn với chừng đó lựa chọn (10).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.