Văn hóa hiện đại thường xuyên gửi đến chúng ta thông điệp cổ vũ cũng như các phương thức để thành công hơn, nổi tiếng hơn, giàu có hơn, thông minh hơn, làm việc đạt năng suất hơn, được nhiều người quý mến hơn… Tóm lại là, chúng ta được kỳ vọng để trở nên tốt hơn tất cả, nhưng khoa học đã chứng minh được rằng không phải cứ theo đuổi thì những điều tốt đẹp đó sẽ đến với chúng ta.
Vì nhiều lý do, chúng ta thường đặt tự cho mình những chuẩn mực cao một cách không cần thiết và cho rằng đây là cách để vươn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc quyết tâm theo đuổi hạnh phúc như vậy sẽ chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác đau khổ.
Iris Mauss - Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học tại Đại học California, Berkeley - đã dành nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng "nghịch lý hạnh phúc" (the paradox of happiness) (1). Bà phát hiện ra rằng khi chúng ta cố gắng hết sức để đạt được hạnh phúc, xem nó như một mục tiêu, thì sự an lạc (well-being) của chúng ta càng dễ bị ảnh hưởng theo đó. Nghĩa là, khi bạn càng ám ảnh về trạng thái cảm xúc của mình - càng gán cho cảm xúc nhiều ý nghĩa và cố gắng điều khiển chúng - bạn càng có khả năng gặp nhiều rắc rối về mặt tâm lý. Cũng theo Giáo sư Mauss, một trong những "tác dụng phụ" của việc ưu tiên hạnh phúc là chúng ta sẽ dành nhiều thời gian để theo dõi và đánh giá cảm xúc, chẳng hạn như tự hỏi bản thân quá nhiều lần câu: "Mình có đang hạnh phúc không?".
Khi thực hiện một công việc, nếu chúng ta dừng lại để phân tích cảm xúc đang diễn ra, điều đó dễ kéo chúng ta ra khỏi khoảnh khắc hiện tại, làm mất đi trạng thái "dòng chảy" - trải nghiệm hoàn toàn đắm chìm trong việc chúng ta đang làm, thường mang tới cảm giác hài lòng và hạnh phúc.
Nếu nhận thấy mình không vui, chúng ta sẽ xem đây là vấn đề cần phải khắc phục, vô tình dẫn đến tình trạng lảng tránh hoặc kìm nén những cảm xúc tiêu cực, nhưng việc gạt bỏ cảm xúc này chỉ dẫn đến kết quả tiêu cực hơn về sức khỏe tinh thần, ví dụ như trầm cảm.
Mark Manson, tác giả quyển sách The Subtle Art of Not Giving a F*ck (Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm) bàn luận về điều này như sau: "Xã hội của chúng ta ngày nay nhờ vào các tuyệt tác của nền văn hóa tiêu dùng và mạng xã hội có tính thể hiện "ê-cuộc-đời-tôi-hoành-tráng-hơn-các-vị", đã tạo ra cả một thế hệ tin rằng có những trải nghiệm tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, tội lỗi là không bình thường" (2).
Mark Manson cũng nhấn mạnh, mong muốn một trải nghiệm tích cực vốn là một trải nghiệm tiêu cực, còn chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực lại là một trải nghiệm tích cực. Đó là những gì mà nhà triết học Alan Watts gọi là "luật trái ngược" (the backwards law). Càng cố gắng để cảm thấy ổn hơn, bạn lại càng ít mãn nguyện hơn, bởi vì theo đuổi một thứ gì đó chỉ càng nhân lên cảm giác rằng bạn thiếu nó ngay từ đầu.
Hai nhà nghiên cứu Iris Mauss và Brett Ford đã tìm ra ba cơ chế lý giải vì sao việc theo đuổi hạnh phúc lại phản tác dụng (3).
Cơ chế đầu tiên là mọi người có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn cao. Mong muốn trải nghiệm hạnh phúc mãnh liệt và thường xuyên là điều không thực tế. Việc cố gắng chuẩn bị mọi thứ với hy vọng đạt được hạnh phúc thường dẫn đến thất vọng xảy ra ngay sau đó. Ví dụ, một nghiên cứu nhận thấy khi một người dành nhiều thời gian lên kế hoạch, chuẩn bị cho những bữa tiệc linh đình và nghĩ rằng mình sẽ được hưởng thụ thỏa thích nhất lại thường có xu hướng ít thấy hạnh phúc, hài lòng nhất (4).
Cơ chế thứ hai là con người không có khả năng dự đoán chính xác điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc, bởi vì chúng ta chịu sự chi phối của những thành kiến hoặc quan niệm sai lầm. Chẳng hạn, một quan niệm phổ biến (dù biết về nó, chúng ta vẫn dễ mắc phải) là hạnh phúc nằm ở đích đến chứ không phải quá trình. Những người luyện tập thể thao hoặc áp dụng chế độ ăn kiêng hà khắc, khi quá tập trung vào mục tiêu trọng lượng và hình thể, thì dù đạt được cột mốc nhất thời, vẫn khó có thể thấy hạnh phúc và thỏa mãn thực sự. Thay vào đó, họ còn gặp nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, chẳng hạn như mất động lực hoặc phải chịu căng thẳng, vì đây không phải một cách tập luyện bền vững.
Một quan niệm sai lầm khác cho rằng hạnh phúc nằm ở những khoảnh khắc tuyệt vời như mua nhà, mua xe, sắm quần áo mới, làm việc chăm chỉ để được thăng chức hoặc giành chiến thắng trong một cuộc thi… Dù những điều này có thể khiến bạn hạnh phúc hơn nhưng chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, chúng ta lại phải đi tìm một đỉnh cao mới để chinh phục, hiện tượng này gọi là "vòng quay khoái lạc" (hedonic treadmill).
Cơ chế cuối cùng khiến theo đuổi hạnh phúc dường như phản tác dụng - tương tự việc theo dõi sát sao cảm xúc của bản thân kể trên - là hành động tự giám sát (self-monitoring). Những người coi trọng hạnh phúc có xu hướng theo dõi trải nghiệm của họ quá mức, dẫn đến cảm giác ít hài lòng về tổng thể. Một quan sát cho thấy, những người được yêu cầu theo dõi mức độ hạnh phúc của bản thân khi nghe nhạc hoặc giải thích lý do vì sao họ yêu thích một bài hát lại thường cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với những người chỉ hòa mình vào bản nhạc đó, tức là chỉ trải nghiệm âm nhạc đơn thuần (5).
Ba cơ chế này đều có một điểm chung: chúng coi trọng, nhấn mạnh vào việc theo đuổi hạnh phúc một cách trực tiếp. Theo Giáo sư Tâm lý học Tal Ben-Shahar, việc theo đuổi hạnh phúc trực tiếp cũng tương tự như việc khẳng định "tôi muốn được hạnh phúc và tôi sẽ hạnh phúc bằng mọi giá", nhưng cách tiếp cận mang tới sự an lạc lại là theo đuổi hạnh phúc một cách gián tiếp (6).
Trong nghiên cứu của mình, Giáo sư Ben-Shahar khám phá ra phương tiện đạt được hạnh phúc gián tiếp mà ông gọi là SPIRE, viết tắt của Tinh thần (Spiritual), Thể chất (Physical), Trí tuệ (Intellectual), Quan hệ (Relational) và Cảm xúc (Emotional well-being) - năm yếu tố trong cuộc sống chúng ta có thể tập trung vào, nghĩa là một cách chuyển trọng tâm ra khỏi hạnh phúc để hướng đến các mục tiêu khác có ích cho hạnh phúc.
Một số ý tưởng liên quan đến mô hình SPIRE có thể là:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.