Không chỉ Gen Z mà nhiều người trong số chúng ta đang đối mặt với thực tế đáng buồn là... "làm một tháng, tiêu một tuần, thậm chí... một ngày". Đừng quá lo lắng bởi đây không phải là vấn đề của một cá nhân, của một thế hệ hay của một thời đại nào. Đó là vấn đề chung của con người - khó tiết kiệm. Và tin vui là nếu hiểu được những cơ chế về khoa học thần kinh và tâm lý học có liên quan, chúng ta có thể cải thiện tình trạng "vung tay quá trán" này.
Có một thực tế là người dân ở một vài quốc gia sẽ tiết kiệm tiền giỏi hơn, chẳng hạn như người Nhật. Có nhiều lý do xung quanh việc này, nhưng một trong số những nguyên nhân thú vị (thậm chí, lạ lùng) đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học hành vi là cách chia động từ cho thì hiện tại và tương lai (1).
Theo Giáo sư Kinh tế học Hành vi Keith Chen, người Nhật nói về hiện tại và tương lai theo cùng một cách, nên họ đã rèn luyện bộ não của mình để suy nghĩ về hai thời điểm này như nhau, điều này giúp họ dễ dàng tiết kiệm tiền cho tương lai ở thời điểm hiện tại (1), (2).
Mặt khác, theo Giáo sư Keith Chen, những người sử dụng ngôn ngữ có sự phân chia động từ ở hiện tại và tương lai lại kém tiết kiệm tiền hơn, như là người Mỹ, Anh, Pháp... Theo đó, vì tương lai có cảm giác tách biệt với hiện tại nên khiến cho chúng ta có xu hướng nghĩ về nó theo hai cách khác nhau. Hay chính xác hơn, khi sử dụng cùng một động từ để chỉ hiện tại lẫn tương lai, bạn có cùng một cảm nhận về thời gian và dễ dàng lưu giữ khoảnh khắc hiện tại cho tương lai.
Chẳng hạn, khi ai đó bảo bạn hãy bắt đầu tiết kiệm, bạn có thể nói "ừ, mình bắt đầu tiết kiệm". Câu nói này vốn không rõ ràng về thời gian hiện tại hay tương lai. Xét trong tiếng Pháp, câu "tôi tiết kiệm" là "J'épargne mon argent", còn câu "tôi sẽ tiết kiệm" lại là "Je vais épargner mon argent" hoặc "J'épargnerai mon argent".
Nhìn vào sự khác biệt này, chúng ta có thể thấy rằng khi một người sử dụng ngôn ngữ phân chia động từ theo thời gian, người đó sẽ có cảm giác khác biệt về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ đó, các nhà khoa học hành vi đưa ra kết luận rằng con người khó tiết kiệm tiền vì chúng ta có xu hướng coi trọng "hiện tại" hơn "tương lai". Sự coi trọng này còn được gọi là "thiên kiến hiện tại" (present bias) - một khái niệm trong Tâm lý học Hành vi (3).
"Để mai tính" - đây không chỉ một câu cửa miệng của nhiều người, càng không chỉ là một bộ phim ăn khách do diễn viên Thái Hòa đóng chính, mà còn là một xu hướng nói lên sự mơ hồ về tương lai. Chính vì không thể giải quyết mọi thứ trong hôm nay, nên chúng ta đùn đẩy nó sang ngày mai với hy vọng não bộ sẽ "tạm buông tha" cho chúng ta.
"Ăn bữa hôm, lo bữa mai". Thực tế là khi vấp phải khó khăn diễn ra mỗi ngày, chúng ta thường có hành vi "tránh nhắc tới" vì nói ra cũng không giải quyết được vấn đề.
Theo các nhà khoa học, tâm trí con người nghĩ về mình trong tương lai giống như nghĩ về những người hoàn toàn xa lạ. Khi chúng ta nghĩ về bản thân, một phần thuộc vùng vỏ não trước trán giữa (medial prefrontal cortex - MPFC) hoạt động mạnh hơn. Khi chúng ta nghĩ về người khác, hoạt động ở vùng này sẽ giảm bớt, còn khi chúng ta nghĩ về một người hoàn toàn không có điểm chung nào, phần này càng ít được kích hoạt hơn (4).
Điểm mấu chốt là khi chúng ta càng cố gắng tưởng tượng về cuộc sống của chính mình sau này thì sự kích hoạt trong MPFC cũng kém, hệt như khi ta nghĩ về một người xa lạ (5). Nói cách khác, bộ não xem phiên bản tương lai của chúng ta là một "kẻ xa lạ" và không đáng để bận tâm.
Emily Pronin, nhà tâm lý học tại Đại học Princeton (Hoa Kỳ), đưa ra giải thích cho hiện tượng này như sau: "Chúng ta trải nghiệm suy nghĩ và cảm xúc của chính mình trong nội tâm, trong khi với người khác, chúng ta tiếp nhận suy nghĩ và cảm xúc của họ bằng nhận thức. Vì vậy, bản thân trong tương lai giống một người khác, hơn là giống chính mình vì chúng ta không thể trải nghiệm những cảm giác này" (6).
Từ những kết quả trên, các nhà khoa học đưa ra lập luận rằng nếu muốn tiết kiệm, phải khiến cho bản thân của hiện tại đồng cảm hơn với những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình trong tương lai. Những phương pháp có thể giúp thực hiện điều này gồm:
Trong một nghiên cứu, nhóm sinh viên đại học được cho xem những hình ảnh khuôn mặt của họ sau 50 năm. Nhóm sinh viên thứ hai được cho xem những hình ảnh không thay đổi của bản thân.
Kết quả cho thấy những người được nhìn thoáng qua về bản thân trong tương lai cho biết họ sẽ phân bổ trung bình nhiều hơn khoảng 30% số tiền cho các quỹ tiết kiệm so với nhóm còn lại (7).
Magnus Herschfield, trưởng nhóm nghiên cứu, rút ra kết luận rằng bất cứ điều gì giúp ta nâng cao mức độ nhận thức về bản thân trong tương lai cũng đều có thể giúp ta tiết kiệm hơn. Đây cũng có thể là lý do khiến mạng xã hội từng rộ lên "trend" chỉnh sửa ảnh bản thân thành phiên bản già hơn, vì nó giúp chúng ta nhận thức trước hình ảnh tương lai của mình để bớt cảm thấy xa lạ.
Ngoài ra, Giáo sư Jane McGonigal từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) khuyên chúng ta nên lập danh sách những thứ mình quan tâm, như là thực phẩm, du lịch, ô tô, bảo hiểm, AI... (8).
Theo đó, ít nhất mỗi tuần một lần, hãy tìm kiếm trên Google về tương lai của những điều mà mình quan tâm, như là "tương lai của ngành du lịch"... Đọc một bài báo chính thống, nghe podcast, xem video... để có ý tưởng về tương lai của những điều mà ta yêu thích sẽ như thế nào (8).
Cách cuối cùng để cải thiện việc ưu tiên bản thân trong tương lai là biến nó thành lựa chọn mặc định của chúng ta. Bài học từ kinh tế học hành vi là mọi người thường tiết kiệm nếu việc đó diễn ra một cách tự động. Nhà kinh tế học hành vi từng đoạt giải Nobel Richard Thaler cho biết rằng: "Nếu bạn muốn giúp mọi người hoàn thành mục tiêu nào đó, hãy làm nó thật dễ dàng" (9).
Các ứng dụng tài chính ngày nay đã giúp cho điều này trở nên nhanh gọn hơn, bạn có thể sử dụng các ứng dụng từ ngân hàng của mình để thực hiện lệnh chuyển tự động 15, 20 hoặc 25% tiền lương mỗi tháng sang một tài khoản tiết kiệm khác, hoặc thậm chí là thuộc một ngân hàng khác để "tạm thời... khuất mắt". Điều này cũng được Giáo sư Tâm lý học và Kinh tế học Hành vi Dan Ariely cho biết là sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản đáng kể (10).
Tóm lại, thông qua bài viết này, có thể thấy rằng việc tiết kiệm cho tương lai không phải là bản năng tự nhiên của con người. Chúng ta khó tiết kiệm vì bộ não không dễ để nghĩ về tương lai theo một cách cụ thể. Tuy nhiên, LeLa Journal cho rằng chúng ta vẫn có thể đánh lừa tâm trí bằng những "mẹo" nhỏ vừa nêu để bản thân không phải hối hận vì những quyết định chi tiêu quá trớn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.