Trưởng thành trong thời kỳ Internet phát triển và liên tục được tiếp xúc với những thay đổi của xã hội, Gen Z (những người chào đời trong khoảng 1997 tới 2013), được xem là một thế hệ tân tiến trong cả nhận thức và hành vi. Riêng đối với khía cạnh quản lý chi tiêu, phải chăng Gen Z đã có một góc nhìn tài chính linh hoạt hơn các thế hệ trước? Và thói quen chi tiêu của họ là đáng quan ngại hay chỉ là phản ánh của thời đại?
Tại Trung Quốc, xu hướng tiêu thụ xa xỉ phẩm của nhóm đối tượng khách hàng Gen Z cao đến mức họ chấp nhận vay tiền để có thể sở hữu sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Trong một cuộc khảo sát, 21% Gen Z cho biết họ sẵn sàng chi hơn 16% thu nhập để mua hàng xa xỉ (1).
Còn tại Anh Quốc, số liệu thống kê cho thấy những người thuộc Gen Z, sau khi tốt nghiệp đại học trong năm 2023, sẽ mang khoản nợ xấp xỉ 33.000 bảng Anh (tương đương 1 tỷ đồng).
Theo Priscilla Low, Giám đốc Tài chính của hãng thẻ tín dụng Yonder, thế hệ Gen Z đang dần quen với việc sống trong nợ nần (2).
Đây không phải là vấn đề của riêng các quốc gia phát triển hoặc có lối sống tự do - tự lo. Tại Việt Nam, khi tìm kiếm trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài viết bày tỏ sự lo ngại trước thói quen chi tiền có phần quá thoải mái của người trẻ. Những quan ngại đó không phải là không có cơ sở. Thói quen sống hết mình cho hiện tại theo phong cách YOLO (tức "You Only Live Once": Bạn chỉ sống có một lần duy nhất) thật sự đang đưa một nhóm người trẻ vào tình thế khó khăn, như là "mới nửa tháng đã hết tiền", "lương vừa về đã hết"...
Liệu có phải Gen Z đã vô tình gắn liền "thương hiệu bản thân" với hình ảnh chật vật vì các vấn đề tài chính?
Đặc biệt, xu hướng chi tiêu "vung tay quá trán" được dự đoán sẽ ngày càng phát triển hơn nữa khi xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) đang nở rộ. Đây là hình thức mua sắm phổ trên các kênh mua hàng trực tuyến như TikTok Shop, livestream "chốt đơn" trên Facebook. Trong đó, Việt Nam được dự đoán là một trong những thị trường có mức phát triển ấn tượng nhất khu vực châu Á (3). Tính đến thời điểm hiện tại, Gen Z Việt Nam đang ngày càng trở thành nhóm khách hàng đóng góp to lớn vào doanh thu của nền tảng TikTok Shop (4).
Nhờ vào tính giải trí và nội dung gần gũi dễ hiểu, hình thức này đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng hơn. Đồng thời, nó cũng tạo nên sự nuông chiều thói quen tài chính của Gen Z khi họ có thể dễ dàng thực hiện thao tác "mua trước trả sau", tạo ra những khoản nợ vô hình.
Theo một báo cáo về Gen Z tại Việt Nam vào đầu năm 2022, thế hệ này có xu hướng giao dịch nhiều lần ("chốt" nhiều đơn) với chi phí cho mỗi giao dịch khá thấp (trung bình chỉ 200.000-300.000 đồng). Bên cạnh đó, họ có nhu cầu "săn sale" giá rẻ, nhận ưu đãi miễn phí giao hàng thay vì phải trả thêm cho những chi phí phát sinh (5).
Thiên Ân thú nhận là bản thân khó "cưỡng" lại sức hút của những đợt "sale" hấp dẫn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lê Hoàng Thiên Ân (ảnh), sinh viên năm hai, cho biết bản thân cũng từng ở trong tình trạng kể trên: "Mình cũng có các công việc làm thêm bên ngoài để kiếm thu nhập nên khi nhìn thấy những thông tin giảm giá thì bản thân lại không thể không mua. Tuy nhiên, mình phải chắc rằng chỉ mua những gì thật sự cần thiết ngay tại thời điểm đó."
Trước những thông tin đang được nêu lên hiện nay, thoạt nhìn thì Gen Z giống như một thế hệ vô tâm, thiếu trách nhiệm với tài chính của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn nhận kĩ hơn về mục tiêu và động lực trong các hành vi mua sắm cụ thể của Gen Z để hiểu rõ hơn về sức ảnh hưởng mà thế hệ này tạo ra.
Việc liên tục tiếp xúc công nghệ hiện đại để cập nhật thông tin khiến cho Gen Z nhanh chóng trở thành một thế hệ có kiến thức xã hội đa chiều và có nền tảng tốt để phát triển về mọi mặt. Vì vậy, dù tính cách cởi mở hơn các thế hệ trước nhưng Gen Z cũng dám đưa ra những yêu cầu cho các cộng đồng và nhãn hàng để họ phải thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong các vấn đề đạo đức.
Nghiên cứu của CM Group cho thấy rằng nhóm tiêu dùng Gen Z thực tế hơn, tham vọng hơn và đa nghi hơn so với thế hệ trước của họ (hay còn gọi là Gen Y - tức thế hệ Millennials sinh ra trong khoảng từ năm 1981 tới 1996 ) (6). Nếu trước đây, Gen Y chỉ thực hiện các giao dịch mua sắm sau khi đã cân nhắc nhiều yếu tố, thì Gen Z lại có xu hướng ủng hộ những thương hiệu mà theo họ là "có đạo đức kinh doanh", tích cực hoạt động ủng hộ xã hội cũng như bảo đảm được sự phát triển bền vững (7).
Trong tình thế đó, các doanh nghiệp và nhãn hàng buộc phải "chiều lòng" khách hàng bằng cách cố gắng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ xã hội, đứng về phía những nhóm yếu thế.
Nếu quan sát kỹ hơn, trong những năm gần đây, nhiều nhãn hàng đã cởi mở hơn với các nhóm thiểu số trong xã hội bằng cách tổ chức hoạt động cho cộng đồng LGBTQ+ hoặc sản xuất các dòng sản phẩm phù hợp với nhiều nhóm đối tượng hơn. Điển hình là việc thương hiệu Victoria's Secret đã chấp nhận mở rộng các dòng sản phẩm của mình vì sự bình đẳng và đa dạng đang là "trend" được Gen Z ủng hộ.
Ngoài việc tạo sức ép để các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại "đạo đức bán hàng", việc chi tiêu của Gen Z cũng đang góp phần đầu tư cho một thế hệ làm chủ, được trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng cần thiết của thời đại mới. Cụ thể, có thể nhìn vào hành vi tiêu dùng khác biệt của Gen Z và Gen Y để thấy sự tiệm cận với tư duy mỗi thời đại của hai độ tuổi khách hàng này:
Gen Z thật sự là một thế hệ "chịu chi", nhưng dường như nhiều người đã bỏ qua một yếu tố khác, chính là khả năng kiếm tiền của thế hệ này. Theo nghiên cứu từ Diễn đàn Oliver Wyman, từ 21 tuổi là nhiều người Gen Z đã có kiến thức cơ bản về tài chính và đồng thời cũng có khả năng đầu tư. Tỷ lệ này cao hơn Gen Y đến tận 45% (10).
Nếu thế hệ trước phải đợi đến gần tuổi trung niên mới có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư tài chính thì ngay từ độ tuổi rất trẻ, Gen Z đã có thể chọn mua cổ phiếu và thậm chí là tiền mã hóa - những thị trường đầu tư mà Gen Y nhận định là vô cùng mạo hiểm (11).
Để đáp ứng cho nhu cầu mua sắm nhiều và liên tục của bản thân, Gen Z buộc phải sở hữu nhiều hơn một nguồn thu nhập. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (Hoa Kỳ) cho thấy số người làm nhiều công việc toàn thời gian có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây và đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8 năm 2022 (12). Trong đó, lực lượng lao động trẻ đang dẫn đầu xu hướng này.
Bạn Lê Hoàng Thiên Ân cũng chia sẻ về vấn đề này như sau: "Mình hiểu rõ nhu cầu mua sắm của bản thân, thế nên cũng biết cần phải kiếm được bao nhiêu để đảm bảo cân đối chi tiêu. Nếu có những tháng mình cần tiêu xài nhiều, thì mình sẽ nhận thêm vài công việc để chắc chắn rằng vẫn có thể mua được thứ mình muốn mà không phải thắt lưng buộc bụng".
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2022 của Microsoft, 48% số người được hỏi thuộc Gen Z đang làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc (13). Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng Gen Z là một thế hệ năng động, nhạy bén và làm việc không ngừng để đạt được thứ mình muốn.
"Gen Z hoang phí", "Gen Z giỏi giang", "Gen Z nợ nần", "Gen Z biết đầu tư"... vậy thì sau tất cả, đâu mới chính là hình ảnh thật sự của Gen Z?
Dù có mắc sai lầm tiêu dùng hay thật sự giỏi quản lý, không thể phủ nhận được rằng Gen Z vẫn còn trẻ và còn đang ưu tiên những niềm vui tức thời. Những nghịch lý trong cách chi tiêu của họ vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng đến sau cùng, tất cả những gì họ cần chính là thời gian để được học tập từ những vấp ngã tất yếu trên hành trình trưởng thành mà thế hệ nào cũng phải trải qua.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Nhà đẹp, vườn xinh, và những góc sống đẹp