Quản lý tài chính không chỉ là việc theo đuổi mục tiêu giàu có mà còn là việc phân bổ thu nhập một cách hiệu quả và sáng tạo. Hãy tìm hiểu về quy tắc 6 cái lọ tiền và cách bạn có thể phân chia thu nhập của mình để đạt được tình hình tài chính ổn định.
Khái niệm hệ thống quản lý tiền 6 chiếc lọ (JARS System of Money Management) bắt nguồn từ cuốn Bí mật tư duy triệu phú của T. Harv Eker. Kể từ khi được công bố, hệ thống này nổi tiếng với tên gọi "quy tắc 6 lọ".
Nói một cách đơn giản, đây là một cách quản lý có hệ thống, chia thu nhập của bạn thành 6 phần, có thể là tài khoản hoặc lọ khác nhau, nhằm khuyến khích tự do tài chính (1).
Mỗi chiếc lọ, cũng là mỗi tài khoản, đại diện cho một mục đích chi tiêu cụ thể. Trong đó có chi tiêu cần thiết, tiết kiệm dài hạn, quỹ giáo dục, hưởng thụ, quỹ tự do tài chính và quỹ từ thiện. Mỗi lọ tương đương với cấu phần phân chia thu nhập riêng, nhằm phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của từng chiếc lọ.
6 chiếc lọ này gồm (2):
Lọ 1: NEC (Chi tiêu cần thiết) chiếm 55% thu nhập, bao gồm các chi phí thiết yếu như ăn uống, sinh hoạt hằng ngày và chi trả hóa đơn. Mặc dù chiếc lọ này chiếm phần lớn thu nhập, nhưng để tối ưu hóa hệ thống 6 lọ, bạn cần bảo đảm mức 55% để tránh chi tiêu không kiểm soát hoặc sống quá kham khổ. Ví dụ như việc tiêu xài phung phí lên đến 80% hoặc vì quá dè dặt mà chỉ tiêu dùng dưới 20% một cách không cần thiết.
Lọ 2: LTS (Tiết kiệm dài hạn) chiếm 10% thu nhập, dành cho các mục tiêu lớn như mua nhà, mua xe, và việc sinh con. Quỹ này đòi hỏi sự tích lũy lâu dài và cần sự hạn chế chi tiêu để đầu tư vào các mục tiêu quan trọng mang tính dài hạn này.
Lọ 3: EDU (Giáo dục) chiếm 10% thu nhập, dành cho việc đầu tư vào giáo dục bản thân thông qua việc tham gia khóa học (trực tiếp lẫn trực tuyến), mua sách và tham gia các sự kiện giáo dục. Bởi lẽ, việc đầu tư vào kiến thức và kỹ năng có thể mang lại cơ hội mới và gia tăng thu nhập.
Lọ 4: PLAY hoặc PLY (Hưởng thụ) chiếm 10% thu nhập, dành cho các hoạt động giải trí, mua sắm và trải nghiệm thư giãn. Việc này giúp tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống và có thể góp phần tăng cường hiệu suất làm việc. Chiếc lọ này chính là minh chứng cho việc "work hard play hard" tức là "chăm làm chăm chơi" hay "có làm có chơi".
Lọ 5: FFA (Tự do tài chính) chiếm 10% thu nhập, dành cho việc đầu tư thông qua các hình thức như đầu tư tài chính, kinh doanh và đầu tư vào bất động sản. Lọ FFA 10% thu nhập này chính là một bước tiến để bạn đạt tới mức được tự do, không còn chịu gánh nặng về tài chính.
Lọ 6: GIVE (Từ thiện) chiếm 5% thu nhập, có thể được sử dụng để hỗ trợ người thân, bạn bè hoặc các cộng đồng khó khăn. Quỹ này không mang lại lợi nhuận trực tiếp nhưng góp phần vào sự phát triển nội tâm, ổn định sức khỏe tinh thần và tạo giá trị cá nhân.
1. Nếu nhu cầu cần thiết chiếm hơn 55% thu nhập, hậu quả sẽ là gì?
Nếu nhu cầu cần thiết (lọ NEC) chiếm hơn 55% thu nhập, bạn hãy khoan lo lắng vì điều này thường xuyên xảy ra khi chúng ta bắt đầu áp dụng hệ thống 6 lọ. Điểm mấu chốt ở đây là bạn hiểu rằng tỷ lệ phần trăm chỉ là những gợi ý để tối ưu hóa thu nhập và cuộc sống. Mục tiêu cuối cùng chỉ là giúp bạn đạt được sự cân bằng tài chính.
Vậy nên, đây không phải những quy tắc cứng nhắc. Xây dựng thói quen quản lý tiền bạc mới là điều quan trọng nhất.
Do đó, nếu bạn không thể tuân theo tỷ lệ phần trăm cụ thể, hãy tập trung vào số tiền bạn có thể quản lý và bắt đầu từ những bước nhỏ. Ví dụ, trong 1 - 2 tháng đầu, hãy giữ lọ NEC ở mức 65% thu nhập, sau đó giảm dần xuống 60% và cuối cùng là đạt được mức 55% như kỳ vọng.
2. Nếu có nhiều nợ phải trả, làm thế nào để quản lý tiền của mình?
Nếu bạn đang đối mặt với nhiều nợ, bạn vẫn có thể quản lý tiền của mình bằng cách sử dụng lọ LTS (tiết kiệm dài hạn) để trả nợ, đồng thời trả nợ trong mức tối thiểu hoặc vừa đủ. Bởi lẽ, quản lý tiền là một thói quen và mắc nợ cũng là một thói quen. Nếu bạn đã hình thành "thói quen trả nợ" trước khi có thói quen quản lý tiền thì điều này có thể dẫn đến vòng lặp nợ nần, tức là cứ làm ra tiền rồi lại trả nợ không dứt.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể phát triển thói quen quản lý tiền trước và sau đó trả nợ trong khi tiếp tục quản lý tiền, bạn sẽ có cơ hội thoát khỏi nợ nần cao hơn trong tương lai.
3. Nếu kiếm được thu nhập thụ động, nên đầu tư vào đâu?
Nếu bạn muốn đạt được tự do tài chính nhanh hơn, bạn nên đầu tư số tiền kiếm được từ thu nhập thụ động vào lọ FFA của mình. Điều này có thể giúp bạn đạt được con số tự do tài chính nhanh hơn và sẵn sàng sống hoàn toàn bằng thu nhập thụ động.
Hệ thống 6 lọ, hay quy tắc 6 lọ này, đã được nhiều người áp dụng và đạt được thành công, giúp họ quản lý tài chính, lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả và hướng đến các mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Nếu có thể, bạn hãy bắt đầu áp dụng quy tắc này ngay từ lần nhận lương tới, duy trì thực hiện và kiên trì với mục tiêu để đạt được tự do tài chính như mong muốn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.