Thời gian là tài nguyên vô giá, vốn không thể tìm lại được nhưng thường bị xem nhẹ hơn tiền bạc - một thứ có thể được in ra. Thực trạng này đến từ việc nhiều người cảm thấy khó khăn khi quản lý thời gian - vốn là một khái niệm "vô hình". Vậy phải làm sao để có thể quý trọng thời gian nhiều hơn, thậm chí là dùng thời gian quý báu đó để... kiếm thêm nhiều tiền?
Đây là lý do đầu tiên khiến chúng ta không mấy quan tâm khi thời gian bị mất đi. Đó là vì tiền bạc trông có vẻ hữu hình qua những con số gắn liền với mọi thứ xung quanh chúng ta. Món đồ này giá bao nhiêu, khóa học này có đắt không, chuyến đi này hết bao nhiêu tiền... Từ một đơn vị trung gian để đo lường giá trị và công sức lao động (1), tiền trở nên có mặt khắp các ngóc ngách của cuộc sống và đại diện cho tất cả mọi thứ, kể cả thời gian.
Tuy nhiên, bản chất của tiền là có thể kiếm lại được còn thời gian thì không. Một giờ trôi qua mà không có gì đọng lại cũng tương đương với việc những giây phút đó mãi mãi mất đi một cách vô ích.
Vậy nên, để thực sự coi trọng thời gian của mình, chúng ta phải "biến" nó thành điều hữu hình trong tâm trí.
Thử ước lượng sự hữu hình của đồng tiền với mức lương cơ bản hiện nay của người Việt Nam là 8,4 triệu đồng/tháng (2). Mỗi tháng có khoảng 22 ngày công, nghĩa là chúng ta được nhận khoảng 24.000 đồng cho mỗi nửa tiếng làm việc. Thông thường, việc dành 30 phút để ngồi chơi xơi nước trong giờ làm việc không phải là chuyện to tát, nhưng khi lượng hóa theo cách này, chúng ta dễ thấy rằng tiết kiệm 30 phút mỗi ngày chính là tiết kiệm 24.000 đồng - tương đương 6 triệu hoặc 8 triệu một năm (tùy vào cách tính ngày công hay cả ngày nghỉ).
Điều này có nghĩa là mỗi 30 phút bạn để trôi qua, bạn có thể đang "đánh mất" 24.000 đồng (tính theo mức lương cơ bản).
Vào khoảng những năm 1990, siêu mẫu hàng đầu thế giới là Linda Evangelista đã nói một câu "chấn động" là: "Chúng tôi không thức dậy nếu hôm đó kiếm được ít hơn 10.000 đô la" (tính theo tỷ giá hiện tại là hơn 240 triệu/ngày) (3).
Câu nói này của Linda Evangelista chính là một ví dụ của việc "quy đổi" thời gian vô hình thành tiền lương hữu hình, để rồi từ đó, bên cạnh việc quý trọng tiền bạc của cải, chúng ta cũng biết quý trọng thời gian của mình hơn. Thoạt nghe qua thì câu nói của cô nghe như thể hiện sự ngạo mạn, nhưng nghĩ lại thì Evangelista, bên cạnh nhiều người thành công khác, biết rõ giá trị thời gian của họ. Họ biết rằng mỗi giờ, mỗi phút của họ đáng giá bao nhiêu. Chẳng hạn, Evangelista, khi đưa ra được con số 10.000 đô la, hẳn đã biết rằng 30 phút đồng hồ lao động của bản thân xứng đáng với số tiền 208 đô la, tức là khoảng 5 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại (xét trong môi trường làm việc của thời trang chuyên nghiệp là không có giờ hành chính cụ thể).
Theo một ví dụ khác, để có thể học tốt một ngôn ngữ mới tới mức có thể giao tiếp trong các tình huống hằng ngày (như cách diễn đạt thông dụng từ vựng cơ bản, tương đương với bằng A2 trong tiếng Anh) thì cần đến 150 giờ (4), (5). Nếu chia thời gian trong năm theo công thức kể trên, bạn chỉ tốn không tới 30 phút mỗi ngày, tương đương 6-8 triệu đồng để có thể giao tiếp tốt bằng một ngôn ngữ mới. Học phí như vậy là "giá hời" rồi phải không?
Tất nhiên, tính toán trên chỉ dựa trên lý thuyết, việc "đếm cua trong lỗ" này có thể không phù hợp với mọi người. Bởi lẽ, điều này liên quan đến nỗ lực - nguyên nhân thứ hai khiến tiền lại "có giá" hơn thời gian.
Nhiều người cho rằng tiền là thứ chúng ta chưa (hoặc không) có, còn thời gian thì chắc chắn thuộc về mình. Và như vậy, khi lấy tuổi thọ trung bình của người Việt là 60 tuổi thì những người trẻ vẫn còn hàng chục năm dư giả để "tiêu xài", còn tiền thì lại không có sẵn và được "cấp phát" mỗi năm như vậy. Tuy nhiên, quan niệm này chỉ đúng một nửa.
Mỗi ngày chỉ có 24 giờ đồng hồ, thế nên nhiều ngạn ngữ đã nhắc nhở chúng ta rằng thời gian đã qua thì không bao giờ quay trở lại. Nếu cho rằng kiếm tiền là khó khăn, thì cũng cần biết rằng thời gian đã qua mới càng là thứ không thể kiếm lại. Đây là một cách giúp bản thân ý thức được những năm tháng đã trôi qua. Không phải tự dưng mà nhiều người luôn tâm niệm câu ngạn ngữ "Hãy sống như thể đây là ngày cuối cùng bạn sống".
Vào năm 2022, series phim chính kịch Inventing Anna trên nền tảng Netflix được đông đảo khán giả quan tâm, với một cảnh khá "viral" khi nhân vật Anna bực bội hét lên rằng: "Tôi không có thời gian cho chuyện này, tôi không có thời gian cho anh".
Sự "phủ sóng" mạng xã hội của câu nói này cho thấy một quan niệm của người trẻ hiện đại là tránh dành thời gian cho những chuyện "không đâu".
Quan niệm này thường xuyên xảy ra với những người mang niềm tin định mệnh, rằng những gì xảy ra là tất yếu. Có thể điều này bắt nguồn từ sự lan truyền sai lệch về 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ rằng: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp. Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra. Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự bắt đầu đều vào đúng thời điểm. Cuối cùng là những gì đã qua thì hãy cho qua" (7).
Đây là những quy tắc rất hữu ích để giúp chúng ta buông bỏ những phiền toái hoặc những chấp niệm đã từng khiến ta tổn thương để toàn tâm toàn ý tập trung vào niềm vui ở hiện tại. Thế nhưng, đó không nên là lý do để chúng ta tiếp lục lặp lại những điều khiến chúng ta cảm thấy lãng phí thời gian.
Để biết quý trọng thời gian hơn thì chúng ta cần nhớ thêm một điều quan trọng là: "Chất lượng cuộc sống tương ứng với chất lượng thời gian mà chúng ta bỏ ra".
Vì vậy, để biến thời gian đang có trở thành hữu ích, bạn có thể bắt đầu bằng việc thử ghi chép lại mỗi 30 phút hoặc một giờ đồng hồ xem thời gian vừa qua đã giúp bạn thu được những gì. Với cuốn sổ ghi chép của riêng mình, bạn không cần mất thời gian nắn nót tỉ mỉ, mà chỉ cần viết nhanh vài từ khóa hoặc gạch đầu dòng về giá trị vừa thu được, như là "học ngoại ngữ", "nghe người già kể chuyện hoài niệm", "cãi nhau và nhận ra cái tôi còn lớn quá"...
Nếu phần lớn những dòng ghi chép chỉ là "xem TikTok", "lướt mạng"... thì có lẽ bạn đã biết rằng mình đang sa đà vào những sự phân tâm và chia trí từ ngoại cảnh, mà ít tập trung vào niềm vui từ nội tâm. Điều này đi ngược lại với 4 quan điểm về quý trọng mỗi khoảnh khắc đã nhắc ở trên. Từ đây, bạn có thể thiết lập lại cách bạn sử dụng thời gian - thứ "của cải" quý giá không thể kiếm lại được.
Tất nhiên, nếu công việc và sự nghiệp của bạn liên quan tới những hoạt động "xem TikTok", "lướt mạng", "xem phim"... và mang lại giá trị cho bạn, thì điều đó không mấy ảnh hưởng tới việc trân quý sử dụng thời gian mà chúng ta đang nhắc tới.
Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm. Mọi thứ mà chúng ta theo đuổi đều nhằm mục đích tạo ra ý nghĩa tích cực từ những trải nghiệm này. Trong đó, ai cũng muốn có nhiều trải nghiệm thú vị, đồng thời mong muốn điều tương tự đối với những người họ quan tâm. Tất nhiên, loại "tiền tệ" mà chúng ta phải giao dịch để có được những trải nghiệm này chính là thời gian. Vậy nên có thể thấy rằng, chất lượng thời gian chính là chất lượng cuộc sống của chúng ta. Mọi thứ khác như tiền bạc chỉ là phương tiện để đạt được mục đích này.
Bạn có thể thực hiện những hành động nhỏ trong ngày để cải thiện chất lượng cuộc sống như dẹp loạn tâm trí, chào hàng xóm, đối phó với căng thẳng, 9 phút tập luyện hay theo đuổi đam mê… từ đó, nâng cao chất lượng thời gian sống của chính mình.
Như đại văn hào Mark Twain đã từng nói: "Chúng ta tiếc nuối về những điều không làm hơn là những điều đã làm" (8). Vậy nên, một trong những điều hối hận lớn nhất trong cuộc đời là cách chúng ta lựa chọn sử dụng thời gian của mình. Hãy tưởng tượng đến hàng trăm triệu đồng mà chúng ta sẵn sàng chi trả để có thể quay ngược thời gian sống lại những khoảnh khắc đã qua, hoặc để có được cơ hội thử lại những lựa chọn khác. Vì vậy, LeLa Journal hy vọng rằng chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn để thực sự coi trọng và nâng niu giá trị thời gian của bản thân, như cách chúng ta xem trọng tiền bạc.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.