Lời chúc "Merry Christmas" đã trở nên quá quen thuộc và quen miệng vào mỗi dịp lễ hội cuối năm. Nhưng ít ai biết có vài cụm từ nhắc đến "Christmas" nhưng lại không nhằm mục đích thể hiện tinh thần đón mừng lễ Giáng Sinh? "Christmas cake", "Christmas tree effect", "Christmas creep"... là gì và được sử dụng trong trường hợp nào?
Từ thập niên 1980 tại Nhật Bản, cụm từ "Christmas cake" không chỉ mang ý bánh Giáng sinh thông thường, mà còn được dùng để ám chỉ phụ nữ độc thân trên 25 tuổi.
Lý do là bởi họ bị cho là mất giá như bánh Giáng sinh sau ngày 25/12 (1).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Văn phòng Nội các Cục Bình đẳng Giới Nhật Bản vào tháng 6/2022, tỷ lệ nam và nữ "chưa từng kết hôn" hoặc "ly hôn" từ năm 1980 đến 2020 đều tăng đáng kể, với nữ giới chiếm 40,5% và nam giới chiếm 50,4% (2). Do đó, cùng với sự thay đổi của xã hội, cách dùng từ này đã dần trở nên lạc hậu vì ngày càng có nhiều người chọn lối sống độc thân ở Nhật Bản (3).
Mời độc giả tham khảo bài viết trên LeLa Journal với tựa đề Độc thân và chuyện làm sao để thực sự "một mình vẫn vui"?.
Tựa như sở thích trưng hoa mai, hoa đào ngày Tết ở Việt Nam, trang trí cây thông Giáng sinh là một nét truyền thống đặc trưng của nhiều nước phương Tây. Không ít người đam mê truyền thống trang trí cây thông Noel, đặc biệt là trưng cây thông thật chứ không phải những cây giả trên thị trường.
Tuy nhiên, sau khi hớn hở mang cây thông về nhà, nhiều người lại có các triệu chứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mắt, ho khan, ngứa cổ họng và dị ứng da. Thoạt nhìn, những triệu chứng này giống với cảm cúm hoặc thậm chí là COVID-19, đặc biệt vào mùa Giáng sinh, nhiều người thường cho rằng bản thân chỉ đang dị ứng với không khí lạnh.
Nhưng trong một số trường hợp, đó lại là Hội chứng Cây thông Giáng sinh (Christmas tree syndrome (4).
Nguyên nhân là bởi cây thông Giáng sinh chứa khoảng 50 loại nấm mốc khác nhau và 2/3 trong số đó có thể gây ra hiện tượng giống với dị ứng phấn hoa (hayfever) (5). Theo Hiệp hội Cây thông Giáng sinh Hoa Kỳ, loài cây này, khi được mang vào nhà, có thể làm tăng lượng mầm nấm mốc (mold spore) lên gấp 6,5 lần và số lượng này hầu như sẽ không đổi, kể cả khi cây được mang ra ngoài sau lễ Giáng sinh (6).
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhiều người đang có xu hướng trưng cây thông tươi nhân dịp Giáng sinh (7), thế nên vấn đề dị ứng này càng phải được chú ý. Nếu gặp phải hội chứng này hoặc muốn phòng tránh từ trước, bạn cần vệ sinh cây trước khi mang vào nhà theo 2 cách sau đây:
Theo Đại tá John Dougall thuộc Bộ Quốc phòng Úc, cụm từ hiệu ứng cây Giáng sinh (Christmas tree effect) ban đầu được dùng bởi một nhóm chiến sĩ chuyên thiết kế áo giáp (8). Họ nhận thấy mọi người thường cho rằng áo giáp có càng nhiều thiết bị hữu ích thì càng tốt, nhưng thật ra, các thiết bị hỗ trợ này lại khiến chiếc áo trở nên quá nặng nề, bào sức của người mặc và từ đó gây phản tác dụng.
Hiệu ứng cây Giáng sinh (Christmas tree effect) từ đó được đặt tên dựa trên tâm lý của nhiều người muốn trang trí quá nhiều vật phẩm lên cây thông Noel và chất đầy những hộp quà lớn nhỏ dưới gốc cây.
Từ này được sử dụng để chỉ những quy trình thiết kế và cải thiện với xu hướng chỉ thêm vào chứ không tinh giản, dần tạo nên một hệ thống nặng nề với những quy tắc thiếu hiệu quả. Vì thế, nhóm thiết kế đã chuyển hướng tiếp cận, loại bỏ các thiết bị không cần thiết và đơn giản hóa quy trình thiết kế để làm ra những bộ giáp hiệu quả hơn.
Vào năm 2012, Sở Giao thông Vận tải bang Texas (Hoa Kỳ), đã bắt đầu chiến dịch lắp đặt các biển báo số lượng người tử vong do tai nạn giao thông, nhằm nhắc nhở mọi người cẩn thận hơn khi lái xe (9). Theo lý thuyết, những lắp đặt nhỏ này có thể thay đổi hành vi của con người một cách tự nhiên và không tốn quá nhiều chi phí (10).
Tuy nhiên, Tiến sĩ Joshua Madsen và Tiến sĩ Jonathan Hall đã thu hút giới khoa học với kết quả nghiên cứu kéo dài tám năm tại bang Texas cho thấy chiến dịch trên lại... làm tăng số lượng tai nạn giao thông, khoảng 2.600 vụ và 16 người tử vong mỗi năm. Lý do là bởi biển báo quá dễ gây chú ý, còn người lái phải vừa đọc vừa nhìn đường khiến nhận thức bị quá tải (cognitive overload) và do đó, bị giảm tốc độ phản ứng với giao thông phía trước (11).
Và cũng như câu chuyện thiết kế áo giáp bên trên, Madsen và Hall kết luận rằng việc ngừng các chiến dịch này là một cách cải thiện an toàn giao thông hiệu quả mà ít tốn kém.
Hiểu được Christmas tree effect, chúng ta có thể cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Bên cạnh việc bổ sung những thông tin mới mẻ, chúng ta còn cần phải nhận biết và thậm chí là loại bỏ những thứ gây cản trở hoặc không còn hữu ích nữa.
Về điều này, mời độc giả tham khảo thêm bài viết trên LeLa Journal với tựa đề 74 GB: Lượng thông tin não bộ xử lý mỗi ngày.
Theo Từ điển Merriam-Webster, "Christmas creep" chỉ khoảng thời gian trước Giáng sinh, khi phố xá và hàng quán bắt đầu trang trí theo chủ đề dịp lễ Noel như cây thông, quảng cáo, đèn lung linh, nhạc Noel, ông già Noel, vòng cây tầm gửi… nhằm tạo không khí Giáng sinh, tăng lưu lượng mua sắm hàng hóa (12).
Thế Chiến II đã tác động không nhỏ lên thói quen mua quà Giáng sinh sớm của người Hoa Kỳ, cụ thể là mua từ tháng 9 vì thời hạn gửi quà cho chiến sĩ ở quân khu là 1/10 – 1/11 (13). Nhưng phải tới thập niên 1980, cụm từ "Christmas creep" mới chính thức được ra đời và trở nên phổ biến, nhờ vào sự nở rộ của các trung tâm mua sắm (14).
Không chỉ là hành vi mua sắm, mà hiện tượng ăn mừng Giáng sinh sớm cũng đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX (15), (16). Chẳng hạn, việc ấn định lễ Tạ ơn vào ngày thứ năm của tuần thứ tư trong tháng 11, thay vì ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11, đã góp phần thúc đẩy trào lưu ăn mừng Giáng sinh được diễn ra sớm hơn (17). Điều này có nghĩa là trong những tháng 11 có năm ngày thứ năm, người dân không cần chờ tới cuối tháng 11 mới bắt tay vào chuẩn bị cho Giáng sinh. Một tuần này tưởng như ít ỏi, nhưng cũng góp phần thúc đẩy tình trạng "Christmas creep" diễn ra sớm hơn.
Chẳng những vậy, dường như chúng ta đang ăn mừng Giáng sinh sớm hơn. Ngay từ sau ngày Halloween (31/10 hằng năm), nhiều người đã sẵn sàng tâm thế đón chào mùa Giáng sinh (18), (19).
Trong văn hóa đại chúng, nữ danh ca Mariah Carey với biệt danh "nữ hoàng Giáng sinh" và bài hát "đến hẹn lại lên" là All I want for Christmas is you đã góp phần "hối thúc" không khí Giáng sinh diễn ra sớm hơn. Trong năm 2022, Mariah Carey tung ra video ngắn về việc bản thân chuyển từ trang phục phù thủy đêm Halloween u tối sang bộ đồ Giáng sinh rực rỡ. Tới năm 2023, cô lại tiếp tục ra mắt video It's time với hình ảnh cô được "rã băng" sau đêm Halloween để bắt đầu ăn mừng Giáng sinh.
Trên thực tế, nhiều người cũng phản đối việc các doanh nghiệp lớn cố tình tạo ra "Christmas creep" chỉ vì mục đích lợi nhuận. Họ cho rằng tổ chức lễ Giáng sinh quá sớm và quá lâu sẽ làm giảm đi sự đặc biệt của nó và khiến mọi người dần mệt mỏi mỗi khi phải trang trí và chuẩn bị quà Giáng sinh (20), (21).
Ngoài ra, những người theo đạo Kito giáo cũng bày tỏ lo ngại rằng ý nghĩa sơ khởi của lễ Giáng sinh đang trở nên lệch lạc trong thời đại ngày nay. Chẳng hạn, những ngôi sao thường được đặt trên đỉnh cây thông vốn là biểu tượng của ngoại giáo (paganism) (22). Ngoài ra, những bài hát mừng Giáng sinh theo đúng âm hưởng thánh ca với nội dung tín ngưỡng đang dần "yếu thế" trước những giai điệu rộn ràng phục vụ cho mục đích thương mại (23), (24).
Như trong series truyện tranh Peanuts của Charles Schulz, họa sĩ đã nêu bật quan điểm rằng khi mùa Giáng sinh kéo dài, nó sẽ "nhấn chìm" các ngày lễ khác cũng như dần phá vỡ nhịp điệu tự nhiên và cân bằng của bốn mùa trong năm. Cụ thể là trong tranh vẽ các nhân vật đi sắm sửa cho mùa Halloween nhưng lại chỉ thấy toàn đồ trang trí lễ Giáng sinh (25) hoặc đến khi muốn tận hưởng không khí Noel thì xung quanh đã lục đục chuẩn bị cho mùa lễ Phục sinh (26).
Tại đường phố Việt Nam, đây cũng không phải hiện tượng hiếm gặp. Vào nửa cuối năm, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh các hàng bán đồ trang trí sẽ bày hàng theo chuỗi chủ đề nối tiếp nhau là Trung thu - Halloween - Giáng sinh - Tết Dương lịch - Tết Nguyên đán.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?