Từ lâu, Giáng sinh không chỉ là ngày lễ lớn của cộng đồng các quốc gia theo Công giáo, mà đã trở thành một dịp đặc biệt được người dân trên khắp thế giới nô nức đón chào. Đến hẹn lại lên, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh trang trí mang đậm màu sắc lễ hội với cây thông Noel tại các cửa tiệm, trung tâm thương mại và nhà riêng. Bên cạnh đó là những hình dán trang trí chủ đề ông già Noel (Santa Claus) và cỗ xe tuần lộc, những bông hoa tuyết tinh khôi và những giai điệu nhạc Giáng sinh ngân vang trên khắp các nẻo đường. Vậy tại sao chúng ta lại yêu thích mùa lễ hội Giáng sinh tới vậy?
Lễ Giáng sinh vốn xuất phát từ những người theo đạo Ki-tô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của Thiên Chúa khi người xuống trần thế dưới hình hài con người. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, đây còn là một ngày lễ gia đình để toàn bộ các thành viên tụ tập, quây quần. Do các đặc điểm về tôn giáo, văn hóa và xã hội mà người dân ở các quốc gia chào đón lễ Giáng sinh theo những cách riêng (1).
Hầu hết các phong cách trang trí Giáng sinh tại các quốc gia đều có nhiều điểm tương đồng, nhưng ẩm thực mùa Giáng sinh lại cho thấy sự khác biệt khá rõ nét. Ở Phần Lan, các gia đình sẽ quây quần vào buổi sáng ngày Giáng sinh để ăn món cháo nấu từ gạo và sữa, thêm topping quế hoặc bơ cùng những hạt hạnh nhân được rắc vào ngẫu nhiên. Ai tìm thấy hạt hạnh nhân trong phần cháo của mình xem như nhận được may mắn (1). Hạt hạnh nhân trong bát cháo vốn là một truyền thống Bắc Âu, do đó, không chỉ xuất hiện trên bàn ăn tại các gia đình Phần Lan, mà còn có ở Na-uy, Đan Mạch... (2).
Trong khi đó, đất nước Barbados lại coi món thịt jambon trang trí với dứa và men chua, bánh rượu rum là "quốc hồn quốc túy" trên bàn tiệc Giáng sinh (3). Tại Nhật Bản - đất nước của Thần Giáo (Shinto) - người dân không ngồi quây quần bên bàn ăn để thưởng thức gà tây, mà thay vào đó, họ sẽ đến các nhà hàng KFC, dù phải xếp hàng dài đến 2-3 tiếng, để mua... một phần gà rán của thương hiệu này (4).
Ngoài ra, lễ Giáng sinh cũng có một vài phiên bản "song sinh" hoặc "sinh sau đẻ muộn" khác. Chẳng hạn, do sử dụng lịch khác, ngày lễ Giáng sinh của Chính thống giáo còn có thể rơi vào... ngày 7/1 của năm kế tiếp (5). Hoặc, chúng ta cũng có lễ Hanukkah của người Do Thái. Tên đầy đủ của lễ này là Lễ hội Ánh sáng Hanukkah, với mục đích là kỷ niệm ngày đấu tranh và giải phóng đền Thánh Jerusalem khỏi các đạo luật đồng hóa dân Do Thái với văn hóa Hy Lạp của vua Antiochus. Vào ngày này, người dân thắp sáng đèn nến tám nhánh có tên là hanukiyah, các đèn nến sẽ được đặt trên cửa sổ, mỗi đêm lại có thêm một ngọn nến được thắp lên. Mỗi khi thắp nến, người Do Thái sẽ thầm cảm ơn Chúa đã ban phước lành và che chở cho họ (6).
Do đó, Lễ hội Ánh sáng Hanukkah đóng vai trò như lễ Giáng sinh của người Do Thái và diễn ra trong tám ngày, tính từ tối ngày 7/12 tới tối ngày 15/12 hằng năm.
Lễ Giáng sinh đã trở thành dịp được người dân khắp nơi trên thế giới yêu thích và háo hức chờ đợi trong những tháng cuối năm. Nhìn nhận từ khía cạnh tâm lý học, LeLa Journal đã tổng hợp ra 3 tác nhân tích cực, góp phần vào việc tạo nên tâm lý yêu mến dịp lễ này.
Khoa học đã chứng minh rằng một số vùng trên vỏ não của con người hoạt động tích cực hơn khi tiếp xúc với khung cảnh lễ hội.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) đã tiến hành một thực nghiệm để kiểm tra sức ảnh hưởng của khái niệm "tinh thần Giáng sinh" trong suy nghĩ của người dân. Nghiên cứu này gồm 10 khách thể có thói quen kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh và 10 khách thể không có hoạt động gì vào ngày này (7). Sau khi cho 20 người này xem những hình ảnh gắn với chủ đề Giáng sinh, nhóm nghiên cứu tiến hành chụp não bộ của họ và nhận thấy có sự tăng cường hoạt động ở một số vùng gồm vỏ não vận động cảm giác, vỏ não vận động sơ cấp, vỏ não tiền vận động và tiểu thùy đỉnh. Những vùng này đều có liên quan đến các giác quan của cơ thể, khả năng nhận biết cảm xúc trên gương mặt, cũng như tư duy tâm linh (spirituality) của con người. Kết quả nghiên cứu trên phần nào cho thấy rằng dịp lễ Giáng sinh thường có sự tác động tích cực lên não bộ con người (7).
Lễ Giáng sinh là dịp người người, nhà nhà quây quần bên nhau để cảm nhận sự ấm áp, thân tình. Do đó, nó luôn gợi nên cảm giác thương yêu và niềm hy vọng - điều mà con người luôn tìm kiếm một cách vô thức hoặc có chủ đích (8).
Hãy nghĩ tới những gam màu đặc trưng của dịp lễ Giáng sinh như đỏ, xanh lá và trắng, hoặc các vật phẩm trang trí Giáng sinh cũng có màu vàng kim hoặc bạc như những quả chuông hay quả châu treo trên cây thông (9). Các màu sắc này vốn thuộc nhóm màu tươi sáng, khi được phối với nhau đều tạo nên những hiệu ứng kích thích thị giác, kể cả khi kết hợp theo cặp tương phản (đỏ – trắng, đỏ – xanh, vàng – đỏ), từ đó khiến chúng ta cảm thấy vui mắt (10). Bởi vậy, các khung cảnh trang trí theo chủ đề Giáng sinh luôn tạo nên sự tươi vui, háo hức, an lành...
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tới các đặc điểm văn hóa trong nghiên cứu này. Bởi lẽ, trong văn hóa Đan Mạch, Giáng sinh được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất năm (11). Do đó, khi nhắc tới tinh thần Giáng sinh, người dân sẽ hiểu đó như tinh thần của một ngày lễ quan trọng mà mọi người quây quần lại.
Song, xét trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, có thể não bộ chúng ta sẽ chỉ hoạt động tích cực khi nghĩ tới một ngày lễ quan trọng khác, với những màu sắc đặc trưng tương tự, chẳng hạn như Tết Nguyên đán với màu đỏ của bao lì xì, câu đối..., màu xanh của bánh chưng, bánh tét, dưa hấu..., màu vàng kim của hoa mai, lư hương, các vật phẩm trang trí có hình dáng đồng tiền, ngân lượng...
Vì lẽ đó, nếu chỉ xét riêng về lý do yêu thích mùa lễ hội Noel, chúng ta cần cân nhắc thêm những nguyên nhân khác.
Không giống như các dịp lễ kỷ niệm đặc thù mang tính cá nhân như sinh nhật, mừng tân gia, đỗ đạt trong các kỳ thi..., Giáng sinh là dịp để mọi người có thể thoải mái tặng quà cho nhau.
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi tiêu tiền cho người khác. Và có lẽ, việc tiêu tiền này đã được hợp thức hóa bằng những món quà vào các dịp kỷ niệm (12).
Có lẽ vì thế nên chúng ta thường có thói quen mua sắm thật nhiều vào dịp lễ hội. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), người Hoa Kỳ chi tiêu khoảng 1.000 tỷ USD (hơn 24 triệu tỷ đồng) vào dịp lễ Giáng sinh trong năm 2019, trong đó có 150 tỷ USD (hơn 3,6 triệu tỷ đồng) được dùng cho việc mua sắm trực tuyến (13). Một thống kê vào năm 2022 cho biết trung bình các gia đình trên khắp thế giới dành khoảng 156% thu nhập của tháng cho dịp lễ đặc biệt này (14).
Về cơ bản, khoản tiêu dùng này được phân bổ vào việc mua quà tặng, mua cây thông Noel và đồ trang trí nhà cửa, tổ chức tiệc tại gia hoặc dùng bữa trong các nhà hàng...
Về điều này, mời độc giả tham khảo các bài viết trên LeLa Journal với tựa đề Vì sao mua sắm mỗi khi buồn lại làm bạn thấy vui hơn? và Cẩm nang tặng quà mùa lễ hội: 4 mẹo hay giúp bạn trở thành "Ông già Noel" lý tưởng của mọi người
Ở ngành bán lẻ, các chiến dịch "sale sập sàn" như flash sale, mua 1 tặng 1... được tung ra ở mọi nơi, khiến chúng ta thường có tâm lý mua ngay kẻo lỡ và từ đó, coi Giáng sinh là dịp mua sắm tiết kiệm (15). Còn ngành giải trí cũng ra sức giới thiệu phim, nhạc và các sản phẩm mới theo đúng chủ đề lễ hội vào dịp này.
Theo một thống kê sơ bộ của Comscore về doanh thu của các rạp chiếu phim, "8 ngày đẻ trứng vàng" từ 24/12 tới 31/12 có thể đem về 5% tổng giá trị tiền bán vé cho cả năm (16).
Không chỉ là tung ra sản phẩm mới, một số sản phẩm giải trí về Giáng sinh đã quá phổ biến với công chúng cũng sẽ lại được "đào lại" nhân dịp này. Tiêu biểu có thể kể đến là hai phần phim Home alone (Ở nhà một mình), các phiên bản phim Christmas Carol, phim Love, Actually, bài hát All I want for a Christmas is you của danh ca Mariah Carey...
Có thể nói, trước sự tác động mọi mặt như vậy, hầu hết mọi người đều có xu hướng yêu thích lễ Giáng sinh và mong chờ: "Năm nay mình sẽ trải nghiệm điều gì đây nhỉ?"
Hòa trong không khí mùa Giáng sinh năm nay, độc giả có thể tìm đọc về các hoạt động giải trí được giới thiệu trên trang LeLa Journal, cùng một số bài viết sau:
Những câu chuyện đằng sau các biểu tượng Giáng sinh: Cổ tích ngoài đời thật
Khoa học chứng minh: Trang trí nhà cửa đón lễ Noel giúp bạn hạnh phúc
Trang trí Noel: Làm sao để đơn giản nhưng vẫn đẹp?
Niềm tin vào Ông già Noel & vai trò của thế giới tưởng tượng đối với trẻ nhỏ
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.