Có rất nhiều cách để xoa dịu người yêu đang căng thẳng, đau buồn. Song, không có một chiến lược an ủi nào là hoàn hảo cả. Việc người yêu có cảm thấy được an ủi hay không phụ thuộc vào việc họ có cảm nhận được nỗ lực của bạn, không phải vì chiến lược bạn dùng.
Khi ở trong mối quan hệ gần gũi như người yêu, bạn đời, tri kỷ, chúng ta thường chủ động tìm kiếm sự ủng hộ từ nửa kia, cả về thể chất lẫn tinh thần. Những lợi ích này đã được nhiều nghiên cứu ủng hộ. Chẳng hạn, sự hiện diện của người thân thương giúp điều hòa nhịp tim (1), huyết áp (2), nhịp thở, nồng độ hormone trong máu và cảm giác được trấn an khi đối diện với các mối nguy hiểm (3).
Song, chúng ta khó có thể tránh khỏi những cơn buồn bã, những lúc giận hờn và phiền lòng mà không thể chia sẻ với một nửa thân yêu của mình. Vậy, nếu người yêu hoặc bạn đời rơi vào tình cảnh như thế, bạn nên làm gì để xoa dịu họ?
Trong một nghiên cứu, nhà thần kinh học James Coan và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm giật điện và đo đạc hoạt động não bộ ở những phụ nữ đã kết hôn (4). Kết quả fMRI chỉ ra rằng vùng dưới đồi – cơ quan điều tiết trong não bộ – hoạt động mạnh khi phụ nữ phải chịu cú sốc một mình. Khi họ nắm tay một người lạ, hoạt động của vùng dưới đồi sẽ giảm xuống. Điều đáng chú ý là tình trạng căng thẳng gần như không thể được phát hiện trên máy khi họ nắm tay chồng mình.
Nghiên cứu trên chỉ ra mối tương quan giữa sự gắn bó và phản ứng sinh lý. Hai người có mối quan hệ thân mật có thể giúp điều tiết cảm xúc và phản ứng sinh lý của nhau. Khi người yêu hoặc bạn đời của bạn buồn lòng, một cái ôm là đủ để "chữa lành" và đưa họ trở về với trạng thái cân bằng.
Vào năm 2023, nhà tâm lý học Sarah A. Walker và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên 277 cặp đôi trưởng thành về các biện pháp xoa dịu bạn đời phổ biến (5). Nhóm nghiên cứu yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ hài lòng về mối quan hệ trước khi đánh giá các chiến lược an ủi phổ biến (mà họ thường áp dụng với nửa kia). Các chiến lược này bao gồm:
Kết quả nghiên cứu thu được chỉ ra rằng: Nhiều người cho rằng những chiến lược như pha trò, lắng nghe có tiếp thu và nhấn mạnh giá trị sẽ giúp xoa dịu nỗi buồn cũng như giúp ích cho mối quan hệ hiệu quả nhất. Còn những chiến lược thường bị đánh giá là ít hiệu quả và có thể phản tác dụng là so sánh kém và kìm hãm cảm xúc.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc dỗ dành người yêu lại bao gồm hai cảm nghĩ, của người an ủi lẫn của người được an ủi. Trong một số trường hợp, hai nhận định này hoàn toàn khác biệt. Như vậy, nghiên cứu này còn thiếu sót ở chỗ là nó không cho thấy ý kiến của một nửa còn lại trong mối quan hệ: Người được người yêu an ủi liệu có thực sự thấy thoải mái hơn? Hay nói cách khác, làm sao để bạn biết chính xác được mức độ hiệu quả khi xoa dịu người yêu hoặc bạn đời?
Câu trả lời nằm ở nghiên cứu khác, cũng của Sarah A. Walker.
Một nghiên cứu trên 395 cặp đôi đã đưa ra kết quả bổ sung cho nghiên cứu trước đó (6). Lần này, Walker yêu cầu họ đánh giá chiến lược an ủi của đối phương, sau đó đánh giá mức độ hài lòng về mối quan hệ. Kết quả thu được là gần như mọi chiến lược (kể cả cách kém hiệu quả nhất là kìm hãm cảm xúc) đều có thể khiến cặp đôi cảm thấy hài lòng hơn, với một điều kiện: Họ phải cảm thấy được sự chân thành và nhận thức được nỗ lực an ủi từ nửa kia.
Chủ nhân của bài nghiên cứu, Sarah A. Walker, nhận định rằng không phải chúng ta cứ an ủi thì nửa kia sẽ cảm thấy được xoa dịu.
Họ chỉ cảm thấy được an ủi khi nhận thức được nỗ lực của ta. Về điều này, Walker đã chia sẻ như sau:
Có rất nhiều cách để trấn an người yêu đang căng thẳng, đau buồn. Song, không có một chiến lược an ủi nào là hoàn hảo cả, bởi mỗi người có những cách để tự cảm thấy được thư giãn khác nhau, và bản thân chúng ta biết điều gì có thể xoa dịu chính mình. Như ông cha ta có nói "méo mó có hơn không", chúng ta cũng muốn cố gắng giúp nửa kia cảm thấy tốt hơn bằng mọi cách. Vậy nên, bạn đừng quá căng thẳng hay bối rối khi người yêu buồn, cũng như không cần phải làm quá lên. Chỉ cần ngồi lại, lắng nghe, một vài cái xoa lưng vỗ về là đã đủ. Bởi lẽ, cách chúng ta an ủi không quan trọng bằng việc nửa kia có nhận thức được nỗ lực của ta hay không.
Làm sao để dỗ người yêu khi bản thân cũng đang "bực mình"?
Kỹ thuật time-out (tạm dịch là kỹ thuật "nghỉ giải lao") sẽ trở nên hữu ích trong trường hợp cơn buồn bực của người yêu "lây lan" sang và khiến bạn cũng tức giận. Khi đó, cả hai nên có một khoảng nghỉ giải lao trong vài phút để vơi bớt cảm giác "quá tải" trong lòng.
Trong thời gian tạm dừng, cả hai sẽ không thảo luận về những gì đang tranh cãi nãy giờ, mà chỉ nói khi cơn nóng giận qua đi. Bởi vì không ai có thể an ủi được ai nếu "lòng mình vẫn chưa ngăn nắp". Sau khi hết thời gian giải lao và ngồi lại, cả hai có thể lắng nghe ý kiến của nhau tốt hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.