Theo như nhiều cư dân mạng, ai trong chúng ta cũng đều trải qua vài phút ngớ ngẩn mỗi ngày. Ví dụ, bạn thản nhiên ném cả chìa khóa xe vào cốp rồi đóng sập lại, tới khi nhận ra thì... "thôi xong". Nghe thì kỳ quặc nhưng thực ra đây lại là biểu hiện hoàn toàn bình thường khi não bộ trải qua hiện tượng "mind-blanking" hoặc "mind-wandering" đấy nhé.
Không phải chỉ có chiếc smartphone của bạn mới gặp tình trạng quá tải, đột nhiên tắt rồi khởi động lại. Thực tế, ngay cả khi chúng ta đang thức, não bộ vẫn có những lúc nghỉ ngơi.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng não bộ con người được lập trình sẵn chế độ "offline" trong một khoảng ngắn, hay còn gọi là tâm trí trống rỗng (mind-blanking) (1), (2).
Các nhà nghiên cứu của Đại học Liegè (Vương quốc Bỉ) và Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã rút ra kết luận rằng hiện tượng tâm trí trống rỗng xảy ra thường xuyên trong tâm trí con người (1), (3).
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã làm việc với các khách thể có sức khỏe thể chất lành mạnh, thông qua hai phương pháp quan trọng là phân tích các tập hợp dữ liệu sức khỏe đã thu thập được và để khách thể nghe tiếng "bíp" khi nghỉ ngơi trong máy chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp não bộ cho thấy có một số khoảng thời gian mà não bộ của các tình nguyện viên rơi vào trạng thái tâm trí trống rỗng, song, tần suất xuất hiện khá ít và cũng hiếm khi xuất hiện trở lại. Sau khi sử dụng kỹ thuật học máy, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm rằng khi xảy ra hiện tượng này, các vùng của não cũng đồng thời tương tác với nhau.
Tuy gọi là tâm trí trống rỗng, nhưng đây lại chính là lúc não bộ được kết nối nội bộ ở mức chặt chẽ nhất. Dạng thức siêu kết nối này tạo ra biên độ tín hiệu cộng hưởng từ ở mức cao - cho thấy mức độ kích thích vỏ não thấp (low cortical arousal) (3).
Nói cách khác, hiện tượng tâm trí trống rỗng xảy ra khi con người còn đang thức, nhưng não bộ lại chuyển về trạng thái giống như khi chúng ta đang ngủ say (1).
Đáng chú ý, trong trạng thái tâm trí trống rỗng, khả năng suy nghĩ và chú ý của con người ít liên quan tới nhau. Điều này nghĩa là trong trạng thái tâm trí trống rỗng, kích thích đi vào não mà không qua sự kiểm duyệt của ý thức, thể hiện qua việc não bộ không tạo nên phản ứng khi chụp cộng hưởng từ. Vậy nên, có thể nói rằng trong trạng thái này, cơ thể phản ứng một cách vô thức thay vì thực sự chú ý tới tình huống trước mắt hoặc môi trường xung quanh (2), (4). Cơ chế này lý giải cho nhiều tình huống có phần ngớ ngẩn trong đời sống.
Bởi lẽ, hiện tượng này là lúc não bộ nghỉ tạm thời vì đang bận... kết nối chặt chẽ các phần lại với nhau. Hoặc, hiểu theo cách khác, chức năng này của não bộ cũng giống như việc máy tính đang scan virus. Mọi thao tác được thực hiện trong lúc "quét bụi" này đều có thể dẫn tới những... kết quả "mất não".
Chỉ thi thoảng trống rỗng thôi thì chưa đủ, tâm trí chúng ta còn phải đi lang thang đây đó nữa.
Các nhà khoa học đã nhận diện tâm trí lang thang (mind-wandering) là trạng thái khi suy nghĩ của chúng ta tách rời và đi lạc khỏi hoàn cảnh hoặc một nhiệm vụ ở hiện tại (5). Tuy nhiên, điểm đáng cân nhắc là tâm trí lang thang thường có xu hướng xảy ra khi ta đang thao tác một nhiệm vụ không đòi hỏi sự chú tâm lâu dài (6). Chẳng hạn, nhiều người dễ rơi vào tình trạng tâm trí lang thang khi đang tìm tài liệu để thu thập thông tin, chuẩn bị cho việc viết một bài luận quan trọng, bởi trong lúc này, chúng ta chưa phải chú tâm tìm kiếm hay tư duy sâu về một thông tin, tài liệu nhất định.
Các nhà khoa học thần kinh khám phá ra rằng hiện tượng tâm trí lang thang có liên hệ mật thiết với hoạt động của vùng hồi hải mã (hippocampus) – phần não bộ phụ trách lưu trữ trí nhớ phân đoạn và trí nhớ liên kết, hỗ trợ hình thành những ý nghĩ tách biệt với bối cảnh và hoạt động ở hiện tại (7).
Cơ chế này được lý giải đơn giản như sau: Não bộ nhận định rằng môi trường và hoạt động hiện tại không đủ giá trị tưởng thưởng (rewarding), do đó, hồi hải mã sẽ tạo nảy ra những nội dung (suy nghĩ) ngoài phạm vi đó, nhằm kích thích tâm trí hướng về những điều gây hứng khởi hơn (8). Cơ chế này cũng dẫn tới việc những người có phần hồi hải mã bị tổn thương sẽ ít gặp tình trạng tâm trí lang thang hơn (7).
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nhận thức Con người và Khoa học Não bộ Max Planck cũng cho hay rằng: Mỗi cá nhân có thể rơi vào trạng thái tâm trí lang thang, dù có chủ đích hay không (8).
Ở người không có chủ đích, não bộ của họ có thể đã "xếp chồng" hai mạng lưới là chế độ mặc định (default-mode) và trán-đỉnh (fronto-parietal). Trong đó, chế độ mặc định thường hoạt động khi con người tập trung vào thông tin từ ký ức, còn mạng lưới trán-đỉnh giúp ổn định sự tập trung của con người và ức chế các kích thích không liên quan.
Tuy nhiên, dù hai mạng lưới này xếp chồng lên nhau, khả năng kiểm soát tinh thần của chúng ta vẫn không bị suy giảm khi tâm trí lang thang. Điều này cho thấy xét từ góc độ khoa học thần kinh, việc tâm trí chúng ta "treo ngược cành cây" không có gì đáng ngại đối với sức khỏe tinh thần. Hay nói cách khác, đây chỉ là một trong những trạng thái hoạt động của não bộ và không thường xuyên gây ra ảnh hưởng lớn trong cuộc sống (8).
Bên cạnh đó, việc tâm trí lang thang có chủ đích đã được chứng minh là đem lại một số lợi ích nhất định, chẳng hạn như đưa ra được quyết định phù hợp và khiến bản thân có cảm xúc tích cực (9).
Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý về việc nếu tâm trí lang thang quá nhiều, chúng ta có thể khó lòng hoàn thành được những công việc dù là đơn giản nhất. Chẳng hạn, khi nhận được một đề thi khá dễ dàng, một học sinh cho rằng mình biết rõ những kiến thức này và để bản thân vô tình rơi vào tình trạng tâm trí lang thang, kết quả bài làm có thể kém hơn hẳn khả năng thực tế của học sinh này.
Về điều này, mời độc giả đọc thêm bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề "Tâm trí lang thang": Nên khắc phục khi bị mất tập trung hay để mặc sự phân tâm dẫn lối?
Tựu trung lại, nếu có một vài phút nào đó trong ngày mà bản thân bạn, người thân, đồng nghiệp và bạn bè của bạn cư xử "ngớ ngẩn", hãy thông cảm cho điều đó vì đây là chuyện bình thường của não bộ thôi mà.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.