Có bao giờ bạn cảm thấy bế tắc khi tìm kiếm ý tưởng mới, hoặc có cảm giác như não bộ đang bị trì trệ và bản thân không thể suy nghĩ thêm điều gì? Những lúc ấy, thay vì để tâm trí nghỉ ngơi, nhiều người lại trở nên bí bách, căng thẳng và cố ép mình phải động não nhiều hơn.
Đây cũng là một phản ứng tự nhiên của con người. Không bao giờ ngừng nghỉ và liên tục hướng đến một điều gì đó - đó là cách chúng ta vận hành não bộ của mình. Kể cả những khi không tập trung làm việc, ta vẫn luôn hướng sự chú tâm vào một thứ gì đó như lướt mạng xã hội, kiểm tra tin nhắn, xem phim, kể cả đọc sách… Điều này dù mang lại những giá trị nhất định, nhưng vô tình nó cũng khiến tâm trí mệt mỏi và “cạn kiệt” (burnout) vì phải hoạt động liên tục.
Khi não bộ hoạt động quá mức, chúng ta sẽ cảm thấy bão hòa và không thể tìm ra giải pháp. Thí dụ như khi bạn gặp khó khăn lúc chơi giải ô chữ, cách tốt nhất là đặt nó sang một bên, nghỉ giải lao và tiếp tục vào lúc khác. Đây là một dấu hiệu bộ não cần được nghỉ ngơi. Việc dành thời gian tạm dừng sẽ giúp chúng ta cải thiện tâm trạng, thúc đẩy năng suất và tăng khả năng tập trung hơn nhiều.
Nhà tâm lý học Scott Bea đã chia sẻ về tình trạng này như sau: “Rất nhiều người trong chúng ta định nghĩa giá trị bản thân bằng những việc chúng ta làm. Do đó, mỗi người thường cố gắng làm việc quá sức (overwork), tạo ra quá nhiều thứ (overproduce). Trong nền văn hóa ngày nay, downtime (hiểu nôm na là: thời gian để bản thân "tắt nguồn" không làm gì cả) thường được xem là thứ cần phải loại bỏ”.
Đáng tiếc là, nhịp sống của mỗi người hiện nay có thể không cho phép họ để tâm trí “không làm gì”. Khi bạn không cho tâm trí cơ hội tạm dừng và tái tạo, nó sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Tích tụ theo thời gian, chúng ta sẽ có nhiều khả năng bị kiệt sức và gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến chứng căng thẳng mãn tính (1).
Nhìn chung, bộ não có hai chế độ xử lý chính. Một là chế độ định hướng hành động, cho phép bạn tập trung vào các nhiệm vụ, tiếp nhận thông tin và giải quyết các vấn đề (2). Hai là chế độ mặc định (DMN - Default mode network), được bật lên bất cứ khi nào tâm trí bạn nghỉ ngơi, ở trạng thái không cần tập trung (3). Điển hình như khi đọc một vài trang sách và nhận ra mình chẳng thẩm thấu được điều gì vì cứ bị phân tâm bởi suy nghĩ mải mê "lang thang" đâu đó - đây chính là lúc DMN của bạn đang hoạt động.
Điều này có nghĩa, dù mang tên downtime - thời gian "tắt nguồn", nhưng não bộ không hoàn toàn đứng yên. DMN vẫn đang trong cơ chế vận hành ngay cả khi chúng ta không xử lý thông tin nào và đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi DMN có liên quan đến việc hướng sự chú ý vào bên trong, thay vì tập trung vào thế giới bên ngoài, thúc đẩy những thứ như giá trị đạo đức, ký ức, sự sáng tạo và cách chúng ta nghĩ về bản thân. Nhà tâm lý Scott Bea cũng khẳng định: “Chính lúc chúng ta để tâm trí của mình lang thang, nó sẽ được hoàn thiện trở lại”.
Một nhầm lẫn khá phổ biến khi nói về downtime là nó giống với các hoạt động giải trí. Đi chơi, giải câu đố, đọc sách hay trò chuyện với bạn bè là những cách tốt để thư giãn trong thời gian rảnh, nhưng chúng không phải thời gian "tắt nguồn" thực sự (theo đúng nghĩa để cho tâm trí lang thang hoặc "lười biếng" thực sự). Tương tự với xem ti-vi, lướt mạng và chơi điện tử... tất cả các hoạt động này đều yêu cầu não bộ xử lý thông tin và càng làm tâm trí phải hoạt động nhiều hơn.
Để tâm trí được thảnh thơi và kích hoạt chế độ DMN, bạn cần hạn chế các hoạt động đòi hỏi sự tiếp nhận và xử lý thông tin, mà chỉ nên “ngồi và nhìn chằm chằm vào không gian xung quanh”. Nó cũng tương tự với thiền hoặc các bài tập chánh niệm, giúp tâm trí thả lỏng và quan sát mọi thứ diễn ra mà không đánh giá hay bị nhấn chìm trong đó.
Nếu gặp khó khăn khi ngồi yên một chỗ, bạn có thể thử một công việc không cần hoạt động trí óc, chẳng hạn như rửa bát, tưới cây, đi dạo trong thiên nhiên… Nhưng dù bạn làm gì, mấu chốt cần để ý là chọn một công việc không yêu cầu não bộ phải can thiệp nhiều. Nếu quá bận với lịch trình hiện tại, chỉ cần dành vài phút mỗi ngày để không làm gì cả, thay vì cố gắng lấp đầy thời gian chết.
Lên kế hoạch khi nào cần lo lắng cũng là điều quan trọng. Nếu bạn dành những phút giây downtime này để căng thẳng về một vấn đề, nó sẽ không giúp tâm trí lấy lại năng lượng và còn tạo thêm áp lực tương tự như khi não đang vận động. Hãy nhắc nhở bản thân khi nào nên lo lắng và khi nào là thời gian dành để thư giãn, điều này sẽ được cải thiện theo thời gian bằng quá trình luyện tập thường xuyên của bạn.
Nếu vẫn cảm thấy mình có nhiều suy nghĩ căng thẳng, hãy chú ý đến các giác quan hơn là suy nghĩ của bạn, chẳng hạn như lắng nghe tiếng chim hót, tập trung vào mùi hương của nến thơm hoặc cảm nhận các ngón tay của mình chạm vào nhau.
Cảm giác ban đầu khi không làm gì có thể khiến bạn bồn chồn và thấp thỏm, điều này xảy ra vì hầu hết chúng ta thường ít cho phép tâm trí "lười biếng" bởi xu hướng cảm thấy tội lỗi hoặc buồn chán. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ bắt đầu hít thở sâu hơn, thư giãn hơn và từ từ quan sát thế giới quanh mình (4). Chìa khóa của việc này chính là đừng cho rằng thời gian "tắt nguồn" sẽ lấy đi năng suất trong công việc hoặc quá trình phát triển bản thân, mà ngược lại, nó chính là một cách để chúng ta củng cố sức bền của não bộ - cơ quan nền tảng điều khiển cách ta suy nghĩ và hành động mỗi ngày.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an