Ra đời vào đầu thế kỷ XX ở Nhật Bản, thực dưỡng được nhiều người biết đến như một triết lý sống với chế độ ăn tốt cho sức khỏe, đặc biệt có lợi những người mặc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, thực hư về hiệu quả của thực dưỡng đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Vậy, chế độ ăn này là gì và phù hợp cho những ai?
Vào cuối thế kỷ XIX, khi nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh của người dân Nhật Bản ăn uống theo kiểu phương Tây ngày càng tăng, tiến sĩ Sagan Ishizuka đã thử áp dụng chế độ ăn uống đơn giản hơn để cải thiện điều này.
Tiến sĩ Sagan Ishizuka tập trung vào việc sử dụng thực phẩm tự nhiên chưa qua chế biến, thực phẩm tươi sống được trồng tại địa phương theo mùa, đồng thời chú ý đến sự cân bằng các chất dinh dưỡng, từ đó giúp phục hồi sức khỏe của hàng nghìn người (1).
Đến đầu những năm 1920, George Ohsawa, một người sắp qua đời vì bệnh lao, đã quyết định áp dụng lối ăn uống của Tiến sĩ Ishizuka sau khi nghe qua về sự "thần kỳ" của phương pháp này. Bằng cách bổ sung thêm những hiểu biết cá nhân về triết lý Trung Quốc cổ đại, George Ohsawa đã khỏi bệnh và dành toàn bộ phần đời còn lại để chia sẻ về lối sống thực dưỡng lành mạnh. Thuật ngữ "thực dưỡng" (macrobiotics) cũng được ra đời từ đó (2).
Theo quan điểm của George Ohsawa, thực dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sáu khía cạnh tổng hợp nên sức khỏe, gồm có sức sống (hay sinh khí), cảm giác thèm ăn và khao khát sống, giác ngủ sâu, trí nhớ tốt, cảm xúc hài hòa, ý thức về công lý và lòng biết ơn (3).
Kể từ khi quan điểm của Ohsawa được công bố và đón nhận, lối sống này đã được các học trò của ông mang đi khắp năm châu. Ở Việt Nam, chế độ thực dưỡng đã trở nên nổi tiếng, thể hiện qua một số thói quen như nhai kỹ, ăn những thực phẩm tươi, ngũ cốc nguyên cám, không dùng gia vị nhiều...
Trong những quan niệm về thực dưỡng, có một điều mà nhiều người quan tâm là chế độ ăn này có thể giúp đẩy lùi ung thư. Cho đến nay, đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi với nhiều người ủng hộ lẫn nhiều người bác bỏ.
Vậy các nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng nói gì về điều này?
Từ lâu nay, một bộ phận người bệnh và gia đình đã xem chế độ thực dưỡng như cách chống chọi và điều trị ung thư. Đây thậm chí còn là một trong những phương pháp điều trị thay thế phổ biến nhất thường được những người mắc căn bệnh hiểm nghèo này áp dụng (4), (5).
Thế nhưng, hiệu quả của thực dưỡng vẫn chưa được các tổ chức y tế công nhận.
Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc (Cancer Research UK) đã đưa ra công bố sau:
Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đồng tình với quan điểm này. Không những vậy, các tờ báo trong nước cũng đã nhiều lần đưa ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành rằng việc áp dụng khắt khe chế độ thực dưỡng vào điều trị ung thư có thể dẫn đến các kết quả tiêu cực hơn (7), (8).
Hiện tại, nghiên cứu của Tiến sĩ Kushi Lawrence và cộng sự được xem là một bản đánh giá toàn diện nhất về mối liên quan giữa chế độ thực dưỡng và bệnh ung thư. Trong đó, các nhà khoa học đã phân tích tổng hợp các báo cáo về sự tương quan này một cách chi tiết nhất, qua đó đưa ra kết luận:
Khoa học thực nghiệm chưa đủ cơ sở để ủng hộ hay phản đối các khuyến nghị sử dụng thực dưỡng để điều trị ung thư. Do đó, bất kỳ đề xuất, khuyến nghị đều có thể phản ánh quan điểm cá nhân của người giới thiệu (9).
Kết luận khoa học là vậy, nhưng trên thực tế, bất chấp những kết quả nghiên cứu và báo cáo, nhiều người hiện nay vẫn tin vào chuyện chế độ thực dưỡng sẽ giúp họ đẩy lùi ung thư. Tuy nhiên, "có bệnh thì vái tứ phương" cũng là một tâm lý dễ hiểu và dễ thông cảm. Thực dưỡng, cũng như những phương pháp điều trị thay thế khác, được xem là sự hỗ trợ cho những người bệnh đang tuyệt vọng, với một số tác động cụ thể như sau (10):
Ngoài sự tương quan giữa thực dưỡng với bệnh ung thư, một vài kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng chế độ ăn thực dưỡng thực sự có thể cải thiện sức khỏe cũng như phòng ngừa bệnh tật ở một số người, nếu được thực hiện đúng cách và ở mức độ vừa phải (11).
Cụ thể, người áp dụng chế độ thực dưỡng đúng cách có thể tăng lượng trái cây và rau củ nạp vào cơ thể, đồng thời giảm lượng chất béo, đường và muối.
Từ đó, những người theo trường phái thực dưỡng trong nhiều năm thường có lượng chất béo và cholesterol thấp, cũng như ít có nguy cơ mắc phải (12):
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhận được nhiều lợi ích sức khỏe này thông qua những chế độ ăn uống lành mạnh, như cách của những người thọ bách niên ở vùng xanh.
Như vậy, có thể kết luận rằng chúng ta vẫn có thể tuân theo chế độ thực dưỡng để đạt được những lợi ích sức khỏe mong muốn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là xác định rõ tình trạng sức khỏe của bản thân để bổ sung dinh dưỡng cần thiết, cũng như lắng nghe ý kiến từ chuyên gia, bác sĩ, những người trực tiếp điều trị, thăm khám cho mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an