Trong xã hội ngày nay, khi quan niệm về một cơ thể đẹp và lành mạnh đang dần thay đổi, nhiều người vẫn có xu hướng tôn vinh vẻ đẹp gầy gò, mình hạc xương mai. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thân-tâm-trí của nhiều người.
Hiện nay, chúng ta vẫn thấy không ít các bạn trẻ lao mình như thiêu thân vào các sản phẩm giảm cân cấp tốc và chế độ ăn kiêng gây hại đến sức khỏe. "Văn hóa ăn kiêng cực đoan" này thay vì giúp chúng ta thể hiện tình yêu thương với cơ thể bằng cách cải thiện ngoại hình, giữ gìn sức khỏe thì lại là "lỗ đen" ăn mòn năng lượng sống.
Vậy tại sao những nhiều người phải cật lực giảm cân như vậy? Một trong những nguyên nhân lớn nhất tới từ chuẩn mực về cái đẹp của xã hội, hình ảnh cơ thể (body image) của từng cá nhân và hành vi miệt thị ngoại hình (body shaming) người khác.
Trong tháng 3 vừa qua, ca sĩ Sofia (sinh năm 2000, quán quân Ca sĩ thần tượng 2018, con gái cố nghệ sĩ Kim Loan) đã bày tỏ sự bức xúc trên trang cá nhân về việc bị miệt thị ngoại hình ngay khi đang hát, cụ thể, ca sĩ chia sẻ: "Nếu lời nói bodyshaming người khác có thể khiến bạn vui hơn thì cứ nói đi. Chưa bao giờ đi hát mà gặp phải chuyện như vậy. Buồn...!". Dưới phần bình luận, cô gửi lời xin lỗi đến khán giả, xin phép kết thúc buổi diễn sớm vì "không ngăn được cảm xúc và nước mắt của mình nên không gồng nổi nữa".
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" nổi tiếng của Hàn Quốc, sau khi nhân vật chính Hanna (Kim Ah Joong thủ vai) phẫu thuật thẩm mỹ để giảm cân và trở nên đẹp hơn, cô đã tự tin thể hiện giọng hát rồi thành ngôi sao nổi tiếng. Khi bộ phim được ra mắt vào năm 2006, nhân vật Hanna đã trở thành hình mẫu lý tưởng của rất nhiều người mong muốn đạt được ước mơ thông qua sự hoàn thiện về ngoại hình. Họ cho rằng khi gầy gò hơn, đẹp hơn, chúng ta có thể làm được những gì mình mong muốn.
Hình ảnh cơ thể (body image) - hay còn là "bản dạng về cơ thể" (body identity) - là "bức tranh" mà chúng ta hình dung về đường nét, hình dáng toàn bộ cơ thể của chính mình, bao gồm cả các đặc điểm sinh học của cơ thể lẫn thái độ của chúng ta về những đặc điểm đó (1).
Trong câu chuyện của ca sĩ Sofia và nhân vật Hanna kể trên, có thể thấy rằng thái độ của ca sĩ về ngoại hình của bản thân đã bị "thách thức" bởi thái độ tiêu cực của nhiều người vẫn đang theo đuổi tiêu chuẩn trong xã hội, rằng để được coi là đẹp, chúng ta phải tự "gò" người cho gầy lại.
Ngay cả nữ ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga cũng đã chia sẻ với Huffpost rằng cô từng bị rối loạn ăn uống, ám ảnh với ngoại hình và luôn có thôi thúc phải ăn kiêng (2).
Tuy nhiên theo Bri Campos, một huấn luyện viên tại New Jersey - Hoa Kỳ chia sẻ: "Văn hóa ăn kiêng không nên được thúc đẩy theo hướng không trân trọng và để bản thân chìm trong những suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình. Thay vào đó, mọi người nên hướng tới việc bớt xấu hổ, bớt tự phê bình bản thân".
Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (National Eating Disorders Association) tại Hoa Kỳ cũng đưa ra quan điểm tương tự, rằng: "Văn hóa ăn kiêng cực đoan có thể khiến xã hội tin rằng có một cơ thể gầy gò mới là chấp nhận được, và mũm mĩm là đáng xấu hổ, điều đó có thể làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống, với trạng thái cực đoan nhất có thể dẫn đến tử vong" (3).
Cát Tường (sinh viên năm 4 trường Đai học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đã chia sẻ với LeLa Journal về trải nghiệm giảm cân thành công của mình. Trong hai tháng, Tường tập thể dục 45 phút vào mỗi buổi sáng và buổi chiều, kết hợp áp dụng thực đơn không gia vị, không tinh bột. Lúc đầu, khi cơ thể chưa kịp thích nghi, cả cơ thể và tâm trí cô rất không thoải mái, đặc biệt khi tập luyện nhưng cân nặng vẫn không giảm. Tường phải xem video động lực mỗi ngày để vượt qua cơn thèm ăn. Sau hai tháng, mọi người đều nhận thấy sự khác biệt khi Tường đã gầy hơn, mặc được những bộ quần áo mà cô yêu thích.
Tuy nhiên, cơn ác mộng lại trở nên cực độ sau khi Cát Tường giảm cân thành công. Giảm cân đã khó nhưng giữ được cân nặng còn khó hơn. Cát Tường bắt đầu áp lực với ánh nhìn của mọi người khi thấy mình lên cân một chút, khi kiêng khem những đồ ăn tuy không lành mạnh nhưng mang lại cho cô hạnh phúc. Đêm nào Cát Tường cũng chiến đấu với suy nghĩ có nên ăn hay không vì sợ quá trình giảm cân của mình sẽ thất bại hoàn toàn.
Nhìn lại giai đoạn căng thẳng khủng khiếp hậu giảm cân thành công, Cát Tường nhận ra rằng việc tập thể dục không chỉ vì ngoại hình, mà còn vì sức khỏe và chất dẫn truyền thần kinh dopamine (còn được gọi là "hormone hạnh phúc") tiết ra khiến cô hạnh phúc. Đối với Cát Tường lúc này, việc quan trọng là giữ một thân hình cân đối và khỏe mạnh chứ không còn là giảm cân. Việc được ăn uống cùng bạn bè và không còn suy nghĩ tiêu cực về đồ ăn mới là hạnh phúc thật sự của cô.
Đây không phải một trường hợp hiếm hoi. Trên thực tế, một lượng lớn các bạn nữ mắc rối loạn ăn uống thường có biểu hiện rối loạn nghiêm trọng kể từ thời điểm vừa kết thúc một giai đoạn giảm cân thành công (4).
Nhìn từ trường hợp của Cát Tường, chúng ta có thể nhận ra rằng nếu mục đích giảm cân ban đầu chỉ là để cảm thấy hài lòng với cơ thể thì việc bị ám ảnh bởi cân nặng đã hoàn toàn tước đi niềm hạnh phúc ấy. Vì vậy, trước khi bắt đầu tiến trình giảm cân, chúng ta thử dành chút thời gian để nhìn nhận rõ mục đích của việc đó, nhằm xác định xem liệu chúng ta có thực sự được vui vẻ và hạnh phúc với việc giảm cân hay không?
Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý tới một số điều trước khi giảm cân, cụ thể như sau:
LeLa Journal đưa ra một vài gợi ý để chúng ta "hòa giải với cơ thể" và luôn thấy bình an, khỏe khoắn với chỉ số cân nặng của mình:
1. Thử nghiệm chế độ ăn mang tính trực quan hơn: Chế độ phản-ăn-kiêng này được đưa ra bởi chuyên gia dinh dưỡng Elyse Resch và Evelyn Tribole, trong đó nhấn mạnh rằng con người nên ăn dựa trên cảm giác của bản thân: Ăn khi đói, dừng lại khi thấy no, và ăn những gì mình thích (7). Chế độ ăn này khiến người thực hành nó cảm thấy yêu thương và đề cao bản thân, tạo kết nối tích cực với thực phẩm, cải thiện nồng độ cholesterol, giảm cân nặng và BMI (chỉ số khối cơ thể), giảm lo lắng và tỷ lệ rối loạn ăn uống (8).
2. Tìm kiếm một cộng đồng dinh dưỡng lành mạnh: Bạn hãy tìm một cộng đồng không có văn hóa ăn kiêng và từ bỏ xem các phương tiện truyền thông cổ vũ giảm cân quá mức, từ đó, bạn có được tiền đề để dần học cách yêu thương bản thân hơn.
3. Viết những dòng chữ tích cực lên gương: Bạn có thể thử viết những dòng chữ như "Mình đang cảm thấy thế nào?", "Cảm giác đó được biểu hiện như thế nào bên trong cơ thể? Cảm giác đó có tệ không?", "Mình có thể chịu đựng được không?", "Mình cần gì lúc này?"... Lý do là bởi nhiều suy nghĩ tiêu cực của chúng ta tới từ việc nhìn gương và liên tục tự vấn về ngoại hình. Việc phản tư có thể giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn khi vừa nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về hình ảnh cơ thể.
Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, khi đã quyết định giảm cân, bạn hãy cố gắng lựa chọn thực đơn và chế độ tập luyện phù hợp, dựa vào ý kiến của bác sĩ, chuyên gia.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an