"Tôi là ai? Đây là đâu?" là một câu nói vui trong giao tiếp của nhiều bạn trẻ nhưng nó cũng phần nào phản ánh thực trạng "khủng hoảng căn tính" do mất phương hướng của thế hệ Gen Z. Vậy những giá trị nào đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn? Những quyết định hằng ngày được định hình từ những yếu tố nào? Lý thuyết giá trị cá nhân của Schwartz hỗ trợ được gì cho chúng ta trên hành trình đi tìm bản thân?
Căn tính (identity) được định nghĩa là nhận thức của mỗi người về bản thân. Trong đó, nhận thức này bao gồm tổng hợp các cảm giác, hình ảnh, ký ức, mục tiêu, kỳ vọng, niềm tin và giá trị cá nhân (1).
Như vậy, giá trị cá nhân góp phần tạo nên căn tính, khiến ta trở nên khác biệt với mọi người. Hay nói cách khác, những giá trị này góp phần trả lời cho câu hỏi "tôi là ai?", vì nó giúp định nghĩa "tôi là chính tôi".
Vậy làm sao để chúng ta tìm được giá trị cá nhân?
Shalom H. Schwartz là một nhà tâm lý học xã hội người Hoa Kỳ (2). Một trong nhiều thành tựu lớn của Schwartz là ông đã đề ra lý thuyết về bản đồ giá trị cá nhân, mô tả cách mỗi người đánh giá và ưu tiên các giá trị trong cuộc sống. Lý thuyết này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ chính mình hơn, mà còn là công cụ hữu ích để định hình, điều chỉnh hành vi và đặc biệt là ra quyết định chính xác và phù hợp.
Lý thuyết giá trị cá nhân này được đánh giá là hữu ích trong việc lựa chọn nghề nghiệp hoặc xây dựng mối quan hệ, xét trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau (3), (4).
"Giá trị" được định nghĩa là những thứ tốt và xứng đáng (5), cho thấy đặc điểm riêng của một cá nhân hoặc tổ chức. "Giá trị cá nhân" được định nghĩa là những mục tiêu mà mỗi người muốn đạt đến, thúc đẩy hành động và tạo ra các quy tắc, định hướng cuộc sống của người đó (4), (6), (7), (8).
Từ đó, có thể thấy rằng mỗi người có thể có nhiều giá trị.
Lý thuyết giá trị cá nhân của Schwartz có nguồn gốc từ những nghiên cứu về giá trị của nhiều nhà tâm lý học khác, như Milton Rokeach, Geert Hofstede và Ronald Inglehart. Tuy nhiên, Schwartz đã mở rộng và phát triển lý thuyết này bằng cách sử dụng một phương pháp nghiên cứu đa văn hóa, bao gồm hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 200.000 người tham gia.
Schwartz đã phát hiện ra rằng, dù có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử... con người vẫn có thể giữ những giá trị cơ bản mà hầu hết mọi người đều công nhận và theo đuổi. Chính sự kết hợp từ các giá trị chung này sẽ tạo nên căn tính riêng của từng người.
Lý thuyết giá trị cá nhân đã được ứng dụng và tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, như tâm lý học, kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa và xã hội.
Mô hình do Schwartz đề ra đã trải qua một quá trình phát triển và có nhiều thay đổi đáng kể. Phiên bản 2012 với 19 giá trị đã mở rộng và được sửa đổi cho trực quan hơn phiên bản 1992 chỉ gồm 10 giá trị (9).
Các giá trị được phân thành 4 nhóm chính, gồm: Cởi mở với thay đổi (Openness to Change), Đề cao bản thân (Self-Enhancement), Bảo thủ (Conservation) và Hiện thể hóa (Self-Transcendence). Mỗi nhóm chứa các giá trị cụ thể, như sau:
Nhiều nghiên cứu về lý thuyết này đã cho thấy rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa các giá trị ở từng độ tuổi. Mỗi cá nhân cũng sẽ có một hệ giá trị riêng, bao gồm những điều mà họ coi trọng và cả coi nhẹ. Từ mối liên hệ với căn tính kể trên, có thể thấy rằng hệ giá trị của mỗi người sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như nền văn hóa, gia đình, giáo dục, kinh nghiệm, tính cách, độ tuổi, giới tính, địa lý, trình độ học vấn...
Dưới đây là một số ví dụ về việc ứng dụng giá trị cá nhân, đặc biệt là trong việc ra quyết định.
Việc hiểu rõ giá trị cá nhân có thể giúp ta đưa ra những quyết định phù hợp, từ đó tạo ra sự hài lòng, hạnh phúc và an lạc.
Lý thuyết giá trị cá nhân của Schwartz có thể được áp dụng vào cuộc sống hằng ngày bằng cách sử dụng nó như một công cụ để hiểu rõ hơn về những gì quan trọng với mỗi cá nhân và làm thế nào những giá trị này ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta.
Chẳng hạn, nếu bạn đánh giá cao giá trị "tự chủ", bạn sẽ thích một cuộc sống không bị ràng buộc bởi những quy tắc hay áp lực từ bên ngoài. Nếu bạn đánh giá cao giá trị "bảo vệ thiên nhiên", bạn sẽ quan tâm đến những vấn đề liên quan đến sự sống còn của hành tinh này, như là thay vì sử dụng xe chạy bằng xăng, bạn sẽ chọn một chiếc xe điện thân thiện với môi trường...
Nghề nghiệp là một khía cạnh quan trọng, phản ánh những giá trị cá nhân của chúng ta. Khi đã xác định rõ những điều bản thân coi trọng và xem nhẹ, chúng ta có thể tìm ra một nghề nghiệp mà mình thực sự yêu thích.
Nếu bạn đánh giá cao giá trị "thành công", bạn sẽ muốn một công việc có thể mang lại cho bạn danh tiếng, quyền lực và tiền bạc, như luật sư, bác sĩ, doanh nhân... Nếu bạn đánh giá cao giá trị "sự quan tâm, chăm sóc", bạn sẽ chọn một nghề nghiệp có thể góp phần vào sự phát triển và cải thiện an sinh xã hội, như làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, trường học, bệnh viện...
Như đã nhắc tới trong bài về những red flag trong tình yêu, "không chung mục tiêu trong cuộc sống" là một lá cờ đỏ mà bạn cần bỏ chạy ngay. Song, để xác định được độ tương hợp về mục tiêu và giá trị, mỗi người cần hiểu rõ bản thân mình đã.
Sự khác biệt giá trị giữa hai người trong mối quan hệ có thể tạo nên những vấn đề vô cùng trầm trọng. Chẳng hạn, khi hai người cùng theo đuổi giá trị "thành công", mối quan hệ vẫn có thể có mâu thuẫn nếu một người tập trung vào "quyền lực" và "trật tự", còn một người tập trung vào "thay đổi" và "hòa bình".
Do đó, bạn cần chú trọng cân nhắc nhiều giá trị, thay vì chỉ tập trung vào một vài giá trị nhất định, nhưng cũng cần tránh tìm một người "giống mình như đúc", vì căn tính cá nhân của mỗi người đều có tính độc đáo, không lẫn đi đâu được.
Bạn có thể thử làm bài kiểm tra xác định giá trị cá nhân tại đây. Bắt đầu từ những giá trị này, bạn có thể cân nhắc thay đổi một số thói quen, lựa chọn hoặc mục tiêu để phù hợp với những giá trị đó.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng những giá trị này chỉ mang tính tham khảo thôi. Những trải nghiệm và kiến thức chúng ta đã đúc kết được trong đời cũng rất quan trọng trong tiến trình khám phá bản thân, tìm kiếm giá trị đấy nhé.
Quan trọng hơn hết, hãy nhớ rằng để tìm kiếm được những giá trị cá nhân, bạn cần thực sự tập trung vào bản thân, chứ không phải những yếu tố bên ngoài.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.