Khi định nghĩa về cái tôi (bản ngã), triết học phương Đông và phương Tây thường có sự khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Vậy khoa học hiện đại sẽ đồng ý với quan điểm nào về cái tôi? Vì sao hiểu đúng khái niệm cái tôi sẽ giúp chúng ta đến gần hơn với sự tự do tinh thần?
Để minh họa cho khái niệm cái tôi theo quan điểm phương Tây, triết gia người Pháp René Descartes có câu nói nổi tiếng "Tôi tư duy nên tôi tồn tại" ("I think, therefore I am" hoặc "Cogito, ergo sum"), được hiểu là "Vì tôi đang suy nghĩ, nên chắc chắn có một cái tôi đang tồn tại để điều khiển suy nghĩ của tôi". Quan điểm phương Tây cho rằng luôn có một cái tôi nào đó trải nghiệm và điều khiển các cảm xúc, suy nghĩ cùng hành động. Cái tôi này là những gì chúng ta nghĩ về con người thật của mình, những câu chuyện chúng ta kể về bản thân và những điều chúng ta nói với người khác khi được hỏi "bạn là ai".
Còn các trường phái tư tưởng phương Đông như Đạo giáo, Phật giáo lại cho rằng bản ngã hoặc cái tôi là điều không tồn tại vì bản thân chúng ta thay đổi liên tục trong từng sát na. Đạo Phật gọi khái niệm này là anatta (tạm dịch: vô ngã) - một trong những lý thuyết căn bản và quan trọng nhất của Phật giáo.
Ý tưởng không có cái tôi (non-self) nghe có vẻ cực đoan, thậm chí mâu thuẫn với những gì chúng ta thường được dạy và cảm giác của mỗi người về bản thể. Nhưng triết học phương Đông cho rằng bản ngã chỉ đơn thuần là kết quả của quá trình suy nghĩ, xảy ra khi tâm trí chúng ta liên tục tái tạo các câu chuyện về bản thân qua từng khoảnh khắc.
Khoa học thần kinh đã trở nên thành thạo trong việc lập bản đồ não của con người, nhờ đó phát hiện được rằng chúng ta không thực sự có "cái tôi" nào trú ngụ trong não - thay vào đó là bán cầu não trái liên tục sáng tác những câu chuyện chưa chắc đã chính xác về thực tế.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, não trái giống như một thông dịch viên tạo ra lời giải thích để giúp bạn hiểu những gì đang diễn ra xung quanh. Tuy nhiên, các thí nghiệm cho thấy những lời giải thích này thường sai (1), (2), (3).
Tiến sĩ, nhà tâm lý học thần kinh Chris Niebauer, tác giả cuốn sách No Self, No Problem cho biết, trong 40 năm qua, một số nghiên cứu đã chỉ ra bán cầu não trái đặc biệt vượt trội trong việc diễn giải mọi thứ, dù cho nó không đúng, ngay cả ở những người có chức năng não bình thường (4).
Đây có lẽ là một điều khó chấp nhận vì chúng ta thường dựa vào "giọng nói trong đầu" để định hình bản thân và thế giới. Nó thuật lại các sự kiện từ quá khứ đến dự đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai, đồng thời xác định niềm tin của chúng ta về sự vật, từ đó quyết định những gì chúng ta hành động. LeLa Journal đã từng có bài viết về "Khoa học về linh cảm chứng minh: Đôi khi trực giác đáng tin hơn lý trí", độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Cách tiếp cận về cái tôi trong Phật giáo lại giúp mở ra nhiều góc nhìn mới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trình bày quan điểm về vô ngã đặc biệt rõ trong quyển The Art of Living: Peace and Freedom in the Here and Now (5). Nhưng trước tiên, chúng ta cần nắm được bản chất vô thường (impermanence) của mọi hoàn cảnh.
Ông cho rằng, không điều gì có thể giữ nguyên trạng thái của nó từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc kế tiếp (two consecutive moments). Giống như câu nói của nhà triết học Hy Lạp Heraclitus "Chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông", chúng ta biết rằng dòng sông luôn chuyển động và dòng nước luôn thay đổi dù chỉ trong một khoảnh khắc trôi qua. Cơ thể con người cũng vậy - trong từng khoảnh khắc, các tế bào chết đi và sinh ra liên tục. Tương tự, suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc và trạng thái tinh thần của chúng ta cũng thay đổi từ giây này đến giây khác.
"Khi chấp nhận bản chất vô thường của vạn vật, chúng ta sẽ chấp nhận sự thật rằng không có cái tôi nào cả" - thiền sư cho biết.
Điều này cũng đúng với triết lý tương tức (inter-being) - không có gì tồn tại một mình, mỗi sự vật đều phụ thuộc lẫn nhau để phát triển. Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường lấy ví dụ về bông hoa. Nhìn kỹ vào bông hoa, chúng ta sẽ thấy các yếu tố không-phải-hoa (non-flower) mà nếu thiếu đi, bông hoa không thể tồn tại. Chẳng hạn, nếu không có chất dinh dưỡng từ đất, mưa và ánh nắng mặt trời, hoa sẽ trở nên thiếu sức sống và có thể chết đi.
Con người cũng không tồn tại như những thực thể riêng biệt. Nếu "gỡ đi" bất kỳ yếu tố không-phải-chúng-ta (non-us elements), từ đất, nước, không khí, ánh nắng cho đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và quá trình học tập, tiếp nhận văn hóa…, sẽ không còn "chúng ta" nữa. Thiền sư nhìn rõ điều này khi thực hiện bất cứ hành động nào - ngồi, đứng, ăn uống hoặc viết thư pháp: "Thực tập kết nối sâu với thực tại, tôi nhận thấy cha mẹ, tổ tiên và những người thầy của mình luôn hiện diện trong từng tế bào, từng cử chỉ. Họ ở đó khi tôi bắt tay vẽ vòng tròn, như thể họ đang vẽ cùng tôi. Tôi không vẽ một mình. Mỗi khoảnh khắc viết thư pháp là lúc tôi hiểu sâu hơn về vô ngã".
Ý thức không có cái tôi nào sẽ giải phóng chúng ta khỏi những gì đã gắn cho bản thân trong quá trình suy nghĩ. Phần lớn vấn đề nằm ở việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ hoặc tương lai, điều đó kéo chúng ta khỏi "thực tại đang diễn ra" ở tại đây và bây giờ - thứ không cần đến một câu chuyện nào về bản thể. Đôi khi, những quan điểm chúng ta áp đặt cho bản thân và nghĩ rằng chúng là sự thật tồn tại vĩnh viễn vô tình gò bó chúng ta vào một cái khuôn và sinh ra nhiều đau khổ.
Điều này còn giải phóng chúng ta khỏi sự phân biệt (discrimination). Thông thường, những quan điểm mạnh mẽ chúng ta gắn cho một người, một sự việc, một tổ chức, một quốc gia là thứ gây chia rẽ và phân biệt đối xử trên thế giới. Nhưng khi hiểu rằng trong mỗi con người, luôn có sự hiện diện không giới hạn của nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ cảm thấy tự do và có lòng trắc ẩn để giúp đỡ những người khác - dù họ không giống mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn tả điều này như sau: "Tôi là nhà sư người Việt Nam, nhưng trong tôi cũng tồn tại các yếu tố của đất nước Pháp, Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong những bài viết hay bài giảng của tôi, bạn có thể nhận ra những dòng chảy văn hóa khác. Khái niệm về sự tương tức lẫn nhau giúp chúng ta không còn gò bó trong một khu vực địa lý (geographical area) hay bản sắc văn hóa (cultural identity). Chúng ta nhìn thấy cả vũ trụ dường như hiện diện trong mình. Hiểu biết này đem đến cho chúng ta sự tự do, lòng trắc ẩn và không còn sợ hãi".
Theo Phật giáo, cũng vì không có bản ngã, và chúng ta hình thành từ những yếu tố không phải chúng ta - khi một người mất đi, người đó không bao giờ biến mất hoàn toàn mà sẽ chuyển hóa thành dạng năng lượng khác, sự sống vẫn tiếp diễn dưới những hình thức khác nhau.
"Nếu tôi được tìm thấy ở bất cứ đâu, đó là trong hơi thở và những bước chân bình yên của bạn. Đó là sự tiếp diễn của tôi. Dù chúng ta chưa gặp gỡ ngoài đời, nhưng khi bạn hít thở chậm và sâu, tôi đang ở đó cùng với bạn" - thiền sư từng chia sẻ (5).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.