Trong văn hóa Á đông, mọi người luôn có một sự ngần ngại nhất định trước những phần quà, kể cả khi được nhận vào những dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc lễ lộc, kỷ niệm. Không chỉ ngại nhận quà, hầu hết người châu Á còn ngại cả việc phải mở quà trước mặt nhiều người. Dưới góc độ tâm lý, các nhà khoa học đã tìm ra kiến giải cho văn hóa tặng quà vốn khiến cả người cho lẫn người nhận đều đôi lần khó xử.
Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, tặng quà là một nghĩa cử đẹp và tự nguyện mà người tặng muốn dùng vật chất hoặc tinh thần thay cho tấm lòng của mình để gửi đến người nhận. Hành động trao - nhận này đã được con người thực hiện trong cả nghìn năm qua, nhưng quay ngược lại thời gian, thì chúng ta không phải là giống loài đầu tiên biết tặng quà.
Các nhà nhân chủng học phát hiện ra từ thời xa xưa, tinh tinh đực đã biết sử dụng thức ăn để làm quà tặng cho các tinh tinh cái. Thoạt tiên, hành động đó trông có vẻ như là "gợi ý" cho tinh tinh cái về chuyện kết đôi, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng mục đích của việc tặng quà này là để bắt đầu sự liên kết, cũng như xây dựng lòng tin của đôi bên (1).
Việc "tặng quà" trong tự nhiên này còn có chức năng chia sẻ, nhằm hỗ trợ cho những cá thể trong bầy không phải chết đói. Thế nên, các nhà nhân chủng học cũng kết luận rằng "tặng quà" đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa, góp phần thúc đẩy sự hợp tác, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng ngày càng nâng cao của con người.
Qua thời gian, ý nghĩa của chuyện “tặng quà” được phát triển đa dạng dựa trên văn hóa của mỗi quốc gia. Nhà nghiên cứu về Ai Cập Jac. J. Janssen phát hiện ra rằng phần lớn "quà tặng" xuất hiện ở quốc gia này vào thời cổ đại là quà mà người dân dành cho các vị thần để họ có thể sử dụng chúng ở "thế giới khác" (2). Bên cạnh các vị thần thì các pharaoh cũng được tặng quà. Trong ngày đăng quang, các pharaoh sẽ được nhận những món quà danh dự thay cho lời chúc tụng ngôi vị và ngày này từ sau đó cũng sẽ được ghi nhận là ngày sinh nhật pharaoh. Đến khi những pharaoh này băng hà, họ cũng sẽ được tặng nhiều vật phẩm hiến tế để đưa vào trong lăng mộ, vì người Ai Cập tin rằng tiên đế sẽ sử dụng những vật phẩm này khi bước sang "thế giới bên kia".
Ngoài ra, những người nông dân hoặc thương dân ở quốc gia này cũng tham gia vào quá trình "tặng quà có qua có lại" (reciprocal gift-giving) để bắt đầu một mối quan hệ mới hoặc kỷ niệm một sự kiện quan trọng. Khác với việc tặng quà cho thánh thần hay pharaoh, những người nhận quà trong trường hợp này phải đưa lại một món đồ đáp lễ có giá trị tương đương với món mình đã nhận.
Nếu như việc tặng quà ở Ai Cập cổ đại được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, thì tại La Mã cổ đại, nó gần như là một nghĩa vụ. Thông lệ tặng quà nằm trong "Bộ Luật Xenia" của người La Mã cổ đại (3). Họ có nghĩa vụ phải tử tế, hào phóng với tất cả mọi người bằng cách tặng cho người khác những món quà hay sự tương trợ nằm trong khả năng của mình, dù là món quà vật chất hay phi vật chất. Đây là một cách giúp họ xây dựng mối quan hệ xã hội. Ngược lại, phía người nhận cũng phải biết ơn, trân trọng và tự giác chuẩn bị cách đáp lại những ân tình đã được nhận.
Có thể thấy dù ở nền văn hóa nào, tặng quà cũng trở thành một hình thức trao đổi với mục tiêu nhận lại điều gì đó bằng vật chất hoặc tinh thần. Các cá nhân ít nhiều hy vọng sẽ được đáp đền bằng một điều gì đó nhờ sự hào phóng trong quá khứ của mình (4). Thế nên, hiểu theo một cách nào đó, cách suy nghĩ "của biếu là của lo, của cho là của nợ" không phải là không có cơ sở.
Trong tác phẩm "Luận về biếu tặng" (1925) của Marcel Mauss - người được xem là cha đẻ của ngành Nhân học tại Pháp, ông cho rằng nguyên tắc "có qua có lại" (réciprocité) khiến cho việc tặng quà hầu như lúc nào cũng mang tính ràng buộc. Mọi người có bổn phận biếu tặng, phải đón nhận quà tặng và đáp lại bằng món quà thường là hậu hĩnh hơn so với món mình được tặng. Cùng suy nghĩ với Marcel Mauss, nhà xã hội học Alvin Ward Gouldner trong nghiên cứu được xuất bản vào năm 1960 cũng cho rằng tặng quà là một quá trình thể hiện cho tiêu chuẩn "có qua có lại", tạo nên một cơ chế duy trì sự ổn định của xã hội vì nó thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau, giúp cho các mối quan hệ thêm bền chặt (5).
Nhà kinh tế học Kaushik Basu kết luận rằng những chuẩn mực xã hội này quan trọng đến mức nó có thể tạo ra sự lo lắng về quà tặng. Mọi người có cảm giác phải tuân theo vì nếu vi phạm, nó có thể dẫn đến việc các cá nhân bị người khác lên án, khiến họ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, bối rối, lo lắng hoặc một số cảm giác tiêu cực khác (6).
Cụ thể hơn, cảm giác lo sợ ấy xuất hiện cả với người tặng và người nhận. Với người tặng quà, sự lo lắng sẽ càng cao khi mối quan hệ của người tặng và người nhận càng thân (7). Một số người còn mắc phải "chủ nghĩa hoàn hảo" khi tặng quà, tức là họ đã tự tạo gánh nặng cho mình khi đề ra những tiêu chuẩn cực kỳ cao trong việc lựa chọn món quà (8).
Nếu người tặng lo lắng không biết món quà của mình có đủ chỉn chu hay không thì người nhận cũng có cảm giác không thoải mái vì phải điều chỉnh hành vi của bản thân để có sự đón nhận, mừng vui hoặc bất ngờ phù hợp. Trong nghiên cứu của nhà nhân chủng học John F. Sherry và cộng sự (9), nhiều người cho biết rằng họ cảm thấy áp lực vì phải "cố tỏ ra chuẩn mực" khi được nhận quà.
Sự lo lắng này được gọi là lo âu xã hội (social anxiety). Đây là khái niệm diễn tả trạng thái lo lắng quá mức trước viễn cảnh bị người khác đánh giá tiêu cực (10). Có hai dạng lo lắng, bao gồm lo lắng phỏng đoán (đối với một tình huống có thể phát sinh) và lo lắng phản ứng (đối với sự kiện đã xảy ra). Nỗi lo về việc trao - nhận quà có thể bao gồm cả hai dạng lo lắng phỏng đoán và phản ứng. Điều này dẫn đến thực trạng là một số người sẽ có phản ứng e dè, không muốn mở quà của mình trước mặt mọi người (11).
Quay lại với góc nhìn của nhà nhân học Marcel Mauss trong tác phẩm "Luận về biếu tặng", mặc dù đã thẳng thắn chỉ ra những góc nhìn "của lo - của nợ" của quà tặng, nhưng ở phần kết luận ông vẫn đề cao tính nhân văn của hành động này và khuyến cáo con người ở thế giới hiện đại cũng nên cân nhắc học hỏi các giá trị tốt đẹp của nghĩa cử tốt đẹp từ xưa này.
Để cả hai phía "người cho - người nhận" bớt cảm thấy căng thẳng trong việc quà cáp, Tiến sĩ Laurie Santos - Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Yale - và Tiến sĩ Andrea Bonior - nhà Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Georgetown - đã chia sẻ một vài mẹo hay có thể tham khảo (12):
1. Chuẩn bị tâm lý cho bản thân: Nếu bạn cảm thấy tội lỗi hoặc áp lực khi nhận quà, hãy tự hỏi bản thân tại sao lại có suy nghĩ đó và cố gắng điều chỉnh, dung hòa những cảm xúc phiến diện này. Bonior cho biết có khá nhiều người nghĩ rằng họ không xứng đáng nhận được sự quan tâm, chiếu cố. Trong trường hợp này, những người được nhận quà có thể sử dụng phương pháp nghĩ về niềm vui khi họ tặng quà cho ai đó, từ đó tháo gỡ những gánh nặng tâm lý "của cho là của nợ" trong lòng.
2. Thể hiện sự biết ơn: Tiến sĩ Santos chỉ ra rằng người nhận quà có thể giảm bớt cảm giác ngại ngùng bằng cách thể hiện lòng biết ơn một cách rõ ràng. Bà cho biết: "Mỗi khi sử dụng món quà, dù đã được tặng từ nhiều năm về trước, bạn hãy kể lại với người tặng rằng bạn vẫn đang dùng nó với thái độ biết ơn chân thành và ghi nhớ tấm lòng của họ".
3. Bớt khắt khe với bản thân: "Không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ khả năng tài chính để mua sắm những món quà đắt tiền hoặc dư dả thời gian lựa chọn một món quà hoàn hảo", Santos nói. Thế nên, trong một vài trường hợp bất khả kháng, chúng ta đừng quá hà khắc với bản thân khi không thể tặng quà "đáp lễ" với người ơn của mình, hoặc không tìm được món quà tương xứng để đáp lại thành ý của người khác. Đặc biệt là trong mùa lễ hội khi mà ai ai cũng tất tả, bộn bề với danh sách quà tặng dài thườn thượt. Điều cốt lõi mà chúng ta cần nhớ trong lúc này chính là "người ta tặng quà cho bạn vì họ thật lòng quan tâm bạn, chứ không vì bất kỳ sự đổi chác qua lại nào cả".
4. Giữ mọi chuyện đơn giản: "Suy cho cùng, việc tặng quà là tôn vinh sự kết nối. Tặng quà mang lại niềm vui và có khả năng hàm dưỡng các mối quan hệ của chúng ta ngày càng khắng khít", Tiến sĩ Bonior đúc kết. Thế nên, việc tặng quà càng rườm rà thì ý nghĩa của nó càng mất dần đi.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.