Nhiều người thường nói về các phương pháp giao tiếp hiệu quả. Song, kỹ năng cốt lõi của giao tiếp hiệu quả lại thường bị "bỏ quên", chính là lắng nghe chủ động (active listening). Vậy làm sao để chúng ta có thể lắng nghe chủ động hơn, thực sự hiện diện trong giao tiếp nhiều hơn, từ đó tạo sự kết nối bền chặt với mọi người?
Từ lâu, lắng nghe chủ động đã là một kỹ năng quan trọng hàng đầu trong giao tiếp, bất kể là trong tương tác thường ngày hay môi trường học tập, làm việc chuyên nghiệp (1), (2), (3).
Stephen Covey, tác giả của cuốn sách huyền thoại 7 thói quen hiệu quả (The 7 habits of highly effective people) đã từng nói: "Vấn đề lớn nhất trong giao tiếp là chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu. Chúng ta lắng nghe để phản hồi" (4).
Lắng nghe chủ động bắt đầu từ việc người nghe có mặt trọn vẹn ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, người lắng nghe chủ động không chỉ chú ý tới nội dung, mà còn cố tìm hiểu tính chính xác và tác dụng của nội dung đó (5).
Đặc biệt, người lắng nghe chủ động quan tâm chân thành mà không ngắt lời đối phương. Tiến trình này đòi hỏi người nghe phải gạt bỏ những mối bận tâm riêng và định kiến cá nhân, để lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, trí óc, trái tim và thậm chí là trí tưởng tượng (6).
Khi một người cảm thấy mình thực sự được lắng nghe, họ cảm thấy bản thân được tôn trọng, từ đó có xu hướng thành thật đáp lời, cũng như chia sẻ với sự cởi mở. Đối với người được lắng nghe chủ động, não bộ của họ sẽ được kích hoạt hệ thống phần thưởng (reward system) và khả năng đánh giá cảm xúc (emotional appraisal) cũng sẽ được cải thiện (7).
Bên cạnh những lợi ích không nhỏ cho người nói, lắng nghe chủ động còn là chìa khóa giao tiếp giúp người nghe làm chủ các mối quan hệ và đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống (8), (9), (10).
Toàn tâm toàn ý lắng nghe một người giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của họ. Khi đó, chúng ta có thể tập trung vào cả những tín hiệu phi ngôn ngữ, nắm bắt được sắc thái và cảm xúc đằng sau mỗi thông điệp. Thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác giúp phát triển sự đồng cảm, nuôi dưỡng lòng nhân ái, tạo ra sự kết nối và củng cố các mối quan hệ cá nhân.
Lắng nghe chủ động là công cụ đắc lực trong việc giải quyết xung đột. Khi toàn tâm lắng nghe quan điểm của nhau mà không phán xét, đôi bên có thể thực sự nhìn nhận rõ vấn đề một cách khách quan nhất có thể. Từ đó, chúng ta có thể xử lý triệt để mâu thuẫn, giúp tạo ra một môi trường hợp tác tích cực hơn.
Trong môi trường giáo dục, lắng nghe chủ động góp phần mang lại kết quả học tập tốt hơn. Những sinh viên chú ý lắng nghe bài giảng, tích cực đặt câu hỏi và tham gia thảo luận có khả năng ghi nhớ và hiểu thông tin tốt hơn, cũng như nắm bắt các khái niệm và áp dụng chúng một cách hiệu quả hơn.
Lắng nghe chủ động còn giúp chúng ta cởi mở hơn, kiên nhẫn hơn và dễ tiếp thu những quan điểm đa dạng hơn. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để mở rộng kiến thức và phát triển cá nhân. Hơn nữa, lắng nghe chủ động là yếu tố then chốt của giao tiếp hiệu quả. Thành thạo kỹ năng này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc truyền đạt ý tưởng và thông điệp của riêng mình.
Trong y tế, lắng nghe chủ động được xem là một kỹ năng giao tiếp cần thiết cho việc điều trị theo phương pháp lấy người bệnh làm trung tâm (11). Tuy nhiên, có nhiều rào cản khiến cho tiến trình giao tiếp này gặp nhiều khó khăn hơn, một trong số đó là sự phán xét, bao gồm các hành vi như chỉ trích (criticising), gọi tên hoặc dán nhãn (name calling or labelling), chẩn đoán (diagnosing), khen ngợi đánh giá (praising evaluatively) (6).
Chúng ta có xu hướng đánh giá những gì chúng ta nghe được dựa trên hệ giá trị của mình. Đây là xu hướng hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, để thực sự lắng nghe chủ động, chúng ta phải loại bỏ xu hướng này bằng cách chấp nhận sự đa dạng trong trải nghiệm của mỗi người và tránh đưa ra giải pháp (6).
Tuy nhiên, có một sự thật là chúng ta thích nói hơn lắng nghe.
Theo bác sĩ tâm thần Mark Goulston, tác giả cuốn sách Chỉ cần lắng nghe (Just listen), một trong những lý do khiến chúng ta thích nói hơn là bởi việc lắng nghe có thể khiến tâm trí chúng ta bị quá tải. Khi đó, càng tiếp nhận thông tin, chúng ta càng dễ căng thẳng và cảm thấy áp lực vì phải đảm nhận trách nhiệm liên quan đến thông tin mình đang nghe. Tiến trình giao tiếp cũng trở nên kém hiệu quả vì chúng ta không biết phải giải quyết thế nào trước các vấn đề liên tục được nêu ra của người nói.
Lắng nghe đơn thuần đã khó, lắng nghe chủ động còn khó hơn gấp bội. Việc lắng nghe chú tâm mà không phán xét chỉ diễn ra khi chúng ta tôn trọng và quan tâm người khác.
Để thực hành lắng nghe chủ động, bạn có thể bắt đầu bằng cách thực hành các nhóm kỹ năng sau (6), (12):
Chẳng hạn khi một đứa trẻ nói với mẹ bằng giọng điệu uể oải rằng: "Mẹ ơi, con muốn ăn tối". Khi lắng nghe chủ động, người mẹ có thể lặp lại thông tin này bằng cách hỏi trẻ rằng: "Có chuyện gì mà hôm nay trông con mệt mỏi và đói bụng sớm vậy?". Trong đó, "đói bụng" là thông tin trực tiếp thể hiện trong câu nói của trẻ, còn "mệt mỏi" là thông tin ẩn về cảm xúc và tình trạng thể chất của trẻ.
Với một vài mẹo nhỏ vừa nêu trên, chúng ta phần nào có thể xây dựng được những mối quan hệ chân thành và kết nối sâu hơn với thế giới xung quanh nhờ vào việc thực hành lắng nghe chủ động.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.