Giao tiếp hiệu quả là điều cần thiết để xây dựng một mối quan hệ bền chặt, lành mạnh và lâu dài, đặc biệt là trong tình yêu và hôn nhân. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về việc giao tiếp trong mối quan hệ tình cảm, cũng như cách để tối ưu hóa những cuộc đối thoại đó nhé.
Trong mọi mối giao kết, đặc biệt là quan hệ lứa đôi, chúng ta đều cần giao tiếp hiệu quả với nhau. Nếu bạn tin tưởng và yêu thương ai đó, hãy sẵn sàng mở lòng và nói cho họ biết điều đó (1). Hoặc nếu cảm thấy không còn đủ niềm tin và tình thương nữa, chúng ta cũng cần trao đổi thẳng thắn để mối quan hệ không đi vào im lặng bế tắc hoặc tệ hơn là... ghosting.
Khi hai người giao tiếp một cách trung thực và thấu hiểu, mối thâm tình sẽ dần bền chặt và gắn bó hơn. Việc giao tiếp hiệu quả cần được "đầu tư" ngay từ những ngày đầu tìm hiểu vì nó giúp xây nên nền móng vững chắc cho mối quan hệ.
Kết quả nghiên cứu cũng đã cho chúng ta thấy rằng sự giao tiếp cởi mở giữa vợ chồng là nền tảng của một cuộc hôn nhân lâu bền (2).
Cụ thể, khi giao tiếp hiệu quả, hai người có thể đạt được hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là chọn được đúng đối tượng để yêu và cưới. Sau đó là đáp ứng đúng nhu cầu của nhau khi chung đôi (3).
Tác giả nổi tiếng Brian Tracy từng chia sẻ rằng: "Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng bỏ công sức vào việc giao tiếp, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi khía cạnh trong cuộc sống" (4).
Do đó, bạn hãy thử luyện tập giao tiếp, thông qua việc áp dụng 4 mẹo nhỏ, cũng là những quy tắc căn bản sau đây nhé.
1. Hãy thành thật và trao đổi thẳng thắn: Để giao tiếp hiệu quả, chúng ta không nên đưa ra những ý kiến lập lờ như "sao cũng được", "tùy em/anh", "thích gì thì làm đi", "em/anh cũng không biết mình muốn gì"... Những câu nói này, ở mức độ nào đó, chính là đang truyền đi thông điệp rằng bạn không có nhu cầu giao tiếp với nửa kia. Nói cách khác, chúng chính là những "nhát dao trí mạng" để cắt đứt mối quan hệ.
Hãy cởi mở trao đổi về nhu cầu cá nhân. Nếu bản thân chưa chắc chắn, hãy nói rằng bạn chưa biết và sẽ trả lời sau, quan trọng là phải truyền tải được thông điệp rằng bản thân luôn mở rộng lòng để giao tiếp. Chẳng hạn, tình huống dưới đây là ví dụ của giao tiếp hiệu quả:
- Anh có muốn mình đi concert sắp tới không?
- Anh chưa biết. Chỗ mình thích thì giá hơi mắc, không đáng lắm, mà ngày đấy anh bận nữa. Để từ từ anh suy nghĩ nhé.
- Ừm, nhưng đầu tháng sau là mở bán vé rồi nên mình chốt trước ngày đấy nhé.
- Nhất trí em nhé!
2. Tập trung vào nhu cầu cá nhân: Trên thực tế, nhiều khi chúng ta lại e ngại thể hiện nhu cầu cá nhân, dẫn tới việc chỉ đề cập tới những nhu cầu của cả hai. Do đó, hãy "cân đối" lại chủ đề và cho phép bản thân được nói về nhu cầu cá nhân nữa nhé.
Khi cần thiết, hãy sẵn sàng chia sẻ rằng "em/anh cần", "mình muốn"...
3. Hãy trao đổi chi tiết và cụ thể: Bạn cần truyền đạt chính xác những gì bạn muốn, tránh những câu nói vô thưởng vô phạt, mập mờ... Cụ thể, trong cuộc hội thoại, hãy tường thuật một cách khách quan về hoàn cảnh và tình huống, chẳng hạn như là "khi anh không về sớm…", "khi anh nói về vấn đề này…", "khi anh nói dối là bận việc nhưng lại chơi game…", "khi anh nắm tay em lúc mình qua đường…"
4. Đừng đổ lỗi: Mục đích của giao tiếp hiệu quả không phải là đổ tội, liệt kê những khuyết điểm của người khác, mà là để cả hai có thể thảo luận vấn đề và tìm ra cách giải quyết phù hợp. Đặc biệt, khi đang trao đổi mà cả hai thấy căng thẳng "leo thang" thì hãy sẵn sàng ngừng cuộc cãi vã một lúc, cho tới khi đôi bên bình tĩnh trở lại.
Ngoài ra, như đã nhắc tới trong bài viết về "cái tôi" và sự thẳng thắn, LeLa Journal đã đề cập tới phương thức giao tiếp phi bạo lực (nonviolent communication), được đề xuất bởi Tiến sĩ Marshall Rosenberg. Phương thức này cũng là một phương thức giao tiếp vô cùng hiệu quả, với bốn yếu tố để hai người có thể giao tiếp mà không làm tổn thương nhau, gồm: quan sát (observations), cảm nhận (feelings), nhu cầu (needs) và lời yêu cầu (requests) (5).
Khi giao tiếp với nửa kia, bạn hãy thử dựa vào bốn yếu tố này và thực hành nhé.
Chẳng hạn, khi quan sát thấy người yêu không cam kết được về thời gian, thay vì quy chụp rằng "em hết yêu anh rồi", hãy quan sát xem người yêu của bạn có dấu hiệu bận rộn, gặp vấn đề nào đó hay không. Sau khi đã biết chắc, hãy thử suy ngẫm về cảm nhận, nhu cầu của bạn. Cuối cùng, hãy tìm một thời điểm thích hợp để yêu cầu người yêu thực hiện cam kết, như là "anh cần em dành nhiều thời gian cho anh hơn".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.