Người ái kỷ (còn được gọi là những người mắc hội chứng "rối loạn nhân cách ái kỷ" - Narcissistic Personality Disorder) là những người có xu hướng tự yêu bản thân thái quá, dẫn đến mức tự cao, thiếu sự đồng cảm và coi thường người khác. Bắt nguồn từ nhân vật Narcissus trong thần thoại Hy Lạp vì quá yêu hình ảnh phản chiếu của mình dưới dòng sông nên đã trầm mình xuống nước, những người mắc chứng "narcissistic personality disorder" cũng luôn xem trọng bản thân và không màng đến cảm xúc của người xung quanh. Ấy thế mà, các chuyên gia tâm lý lại phát hiện ra rằng chúng ta thường dễ "say nắng" và xiêu lòng trước những người ái kỷ. Tại sao vậy?
Điều này không chỉ là cảm nhận chủ quan của những ai từng rơi vào lưới tình với người ái kỷ, mà nhiều nghiên cứu khoa học đã thực sự chứng minh điều này. Những người tự yêu bản thân quá mức thường được yêu thích ngay từ lần gặp đầu tiên vì những lý do sau:
1. Họ có những phẩm chất thu hút ở giai đoạn đầu của mối quan hệ: Các phân tích cho thấy rằng những người ái kỷ được yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên vì cách ăn mặc chỉn chu, cử chỉ duyên dáng, vẻ tự tin và khiếu hài hước (1).
2. Họ khiến bạn cảm thấy đặc biệt: Những người ái kỷ khi đã tìm thấy "mục tiêu" thì sẽ bắt đầu triển khai chiến thuật "thao túng tâm lý" bằng cách khiến cho đối tượng cảm thấy được đối xử đặc biệt (2). Nhất là với những người có sẵn niềm tin vào tiếng sét ái tình, họ sẽ bắt đầu có suy nghĩ "đây chính là nửa kia của cuộc đời mình".
3. Đối tượng của người ái kỷ thường đang có vấn đề tâm lý: Đúng vậy, người có tự trọng thấp thường là đối tượng nhắm đến của người ái kỷ, vì đây là những người yếu lòng, dễ bị tổn thương và thao túng. Một số "nạn nhân tình cảm" của người ái kỷ cũng từng rơi vào mối quan hệ tương tự với cùng một kiểu người đã làm tổn thương họ trong quá khứ (thường là trong gia đình hoặc các mối quan hệ bạn bè, tình cũ) (3). Điều này giải thích tại sao chúng ta thường nghe lời tâm sự của vài người bạn xung quanh về tình trạng ”yêu lầm, yêu lại, lại yêu lầm” hoặc "quanh đi quẩn lại, yêu toàn... bad guy".
Sau một thời gian, khi đã trải qua giai đoạn "lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu", các vấn đề của người ái kỷ mới bộc lộ. Lúc này, các "nạn nhân" của họ bắt đầu đau khổ nhưng biết làm sao được khi đã lỡ đem lòng yêu thương mất rồi.
Người có xu hướng chỉ biết yêu bản thân thường sẽ chấm dứt một mối quan hệ khi họ tìm thấy một mục tiêu khác thú vị hơn. Trong trường hợp đó, chúng ta dễ dàng cắt đứt mối quan hệ độc hại với họ. Nhưng trong một vài tình huống khác, họ sẽ níu kéo mối quan hệ này không phải vì yêu thương chúng ta mà thật ra chỉ đang lo sợ mất đi "một điều thuộc sở hữu của bản thân" (5), (6).
Chúng ta thường có sự tin tưởng mãnh liệt vào tình yêu của mình và luôn hy vọng rằng mặc dù có vấn đề nhưng mối quan hệ này sẽ dần tốt đẹp. Một số người còn cho rằng việc chia tay sẽ làm cho người ái kỷ cảm thấy đau khổ, biết nhìn nhận sai lầm của bản thân và thay đổi lối sống, nhưng trên thực tế, người ái kỷ không quan tâm đến những gì đối phương suy nghĩ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với người mắc hội chứng "rối loạn nhân cách ái kỷ" thì tình ái đơn giản chỉ là trò chơi (7).
Lòng tốt của chính chúng ta đôi lúc lại là lý do khiến cho việc chia tay với người ái kỷ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự mong muốn một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn thì việc dứt khoát đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ như vậy là điều cần thiết.
Cần lưu ý rằng việc chẩn đoán xem ai mắc Hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD) là công việc của các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần (8). Theo DSM-V (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần), để có thể chẩn đoán một người có mắc NPD hay không, các chuyên gia cần quan sát được năm trên tổng số chín triệu chứng trong một khoảng thời gian. Một số người mặc dù không mắc hội chứng bệnh lý này nhưng vẫn có những nét tính cách tương tự và dễ khiến cho đối tác trong mối quan hệ của họ lo lắng (9).
Vấn đề là những người thực sự mắc hội chứng này thường sẽ chẳng bao giờ đến trung tâm để chẩn đoán vì họ luôn cho rằng bản thân là đúng. Thế nên, việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo là điều cần thiết để chúng ta tránh dấn thân vào một mối quan hệ có nhiều sự tiêu cực. Tiến sỹ Ramani Durvasula - chuyên gia tâm lý học nổi tiếng người Mỹ - trong cuốn sách "Nên đi hay ở: Sống sót trong mối quan hệ với người ái kỷ" đã chia sẻ về những biểu hiện và nỗi sợ của một người có xu hướng tính cách ái kỷ, bao gồm:
Trong trường hợp bạn đang gặp phải những tổn thương từ mối quan hệ với người ái kỷ hoặc gặp dư chấn tâm lý từ những mối quan hệ độc hại trước đó, hãy đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần uy tín để nhận được sự tham vấn từ đội ngũ tâm lý giàu kinh nghiệm và tìm được liệu pháp chuyên môn nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.