Trong hoặc sau kỳ nghỉ lễ thường là khoảng thời gian cần thiết để bổ sung rau quả, trái cây nhiều hơn, vì các thực phẩm ngày lễ vốn ngon miệng nhưng lại giàu chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, ăn nhiều rau quả, trái cây sẽ mang đến 3 lợi ích lớn và là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Không có gì lạ khi rau củ quả luôn là nền tảng chính của một chế độ ăn bổ dưỡng. Chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, vitamin A, C, B9 (folate), chất xơ, có ít calorie và chất béo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) từng khuyến nghị rằng, ăn năm phần rau quả, trái cây một ngày trong vòng 20 năm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và một số loại ung thư, đồng thời giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể (1), (2).
Dưới đây là 3 lý do chính đáng để độc giả tham khảo và cân nhắc việc gia tăng lượng tiêu thụ trái cây - rau củ mỗi ngày, từ đó cải thiện đáng kể sức khỏe bản thân cùng gia đình.
Như đã biết, rau củ quả cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, đặc biệt là chất xơ, giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, củng cố sức khỏe đường ruột và phòng tránh một số bệnh mãn tính. Không chỉ vậy, các khám phá gần đây cho thấy sẽ có những cải thiện đáng kể về tâm trạng sau khi tăng lượng tiêu thụ rau quả và trái cây.
Một nghiên cứu của Úc với hơn 40.000 người cho biết, ăn nhiều rau củ quả giúp họ nâng cao sức khỏe tinh thần và cảm thấy hài lòng về cuộc sống trong khoảng thời gian 5 năm (3). Thậm chí, tăng thêm một phần rau củ (cỡ một chén rau sống hoặc nửa chén rau đã luộc chín) vào chế độ ăn uống mỗi ngày có thể mang lại lợi ích cho tinh thần tương tự như đi bộ thêm 7-8 ngày một tháng (4). Nghĩa là chỉ cần ăn thêm một ít trái cây hoặc bổ sung salad vào bữa ăn hằng ngày, bạn đã cải thiện được phần nào sức khỏe tâm lý của mình.
Số lượng trái cây và rau quả ăn trong một ngày cũng có thể là dự báo liệu một người có được chuẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc lo lắng trong hai năm sau đó không (4). Nhưng việc gặp các vấn đề tâm lý lại không liên quan đến mức độ ăn rau củ quả sau đó. Điều này chứng tỏ tăng lượng tiêu thụ đang tác động lên tâm trạng chứ không phải ngược lại.
Khi rừng cùng đất hoang bị chặt phá để trồng trọt và chăn nuôi, nơi trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều loài cũng biến mất. Trừ khi con người thay đổi những gì mình tiêu thụ và cách sản xuất thực phẩm, nếu không tài nguyên của Trái đất sẽ bị đe dọa (5).
Việc chuyển sang chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật, tập trung vào trái cây và rau quả không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho cá nhân mà còn loại bỏ cả nhu cầu dọn sạch đất mới để chăn thả gia súc. Nếu tất cả mọi người cùng thực hiện điều này, chúng ta sẽ giảm được 75% diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp trên toàn cầu (6).
Một chế độ dinh dưỡng có tên là “Chế độ ăn uống vì sức khỏe hành tinh” do 37 chuyên gia thiết kế đã chỉ ra cách làm thế nào để nuôi sống 10 tỷ người vào năm 2050 (dân số dự kiến) mà không phá hủy môi trường. Đó là chia bữa ăn thành hai phần: một nửa là rau quả, trái cây và nửa còn lại là ngũ cốc nguyên hạt; các nguồn protein từ thực vật như đậu, hạt; một lượng vừa phải thịt, sữa và một số loại rau củ chứa tinh bột như khoai tây (7).
Chế độ ăn lành mạnh này có thể ngăn ngừa khoảng 11 triệu ca tử vong mỗi năm, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường do sản xuất lương thực (8).
Có nhiều quan điểm cho rằng chế độ ăn dựa trên thực vật vốn dĩ đắt hơn so với các kiểu ăn khác. Nghiên cứu gần đây lại phát hiện một chế độ ăn lành mạnh và bền vững (như thuần chay; ăn chay; ăn cá nhưng không ăn thịt; ăn chay phần lớn và thỉng thoảng kết hợp thịt, cá) sẽ giúp giảm một phần ba hóa đơn thực phẩm của bạn. Chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật có thể tiết kiệm gần 900 USD (hơn 21 triệu đồng) cho mỗi người (9).
Nghiên cứu này còn hạn chế vì chỉ thu thập dữ liệu ở các nước có thu nhập cao như Anh, Mỹ và châu Âu. Thế nhưng, bạn vẫn có thể ước tính tổng số tiền cần chi cho một bữa ăn nhiều rau kèm đậu phụ, trái cây cùng một ít thịt, so với một bữa chủ yếu là thịt, hải sản nhưng rau quả chỉ chiếm phần nhỏ. Nhìn chung, ăn nhiều rau củ và trái cây không những tốt cho tuổi thọ và cải thiện sức khỏe tâm lý, nó còn giúp con người bảo vệ môi trường sống khỏi những hậu quả đáng ngại và tiết kiệm túi tiền cho chúng ta.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an