Liệu một giọt máu hay một cọng tóc có thể giúp chúng ta tìm được đúng người bạn đời lý tưởng không? Thực tế là có, chúng ta có thể "bắt trúng" đối tượng hẹn hò phù hợp nhờ phương pháp xét nghiệm ADN đấy, nhưng trúng tới đâu thì... cần xem ngay bài này để biết rõ hơn.
Hẹn hò nhờ phương pháp xét nghiệm ADN, hay còn gọi là "genepartner", là một ý tưởng ra đời từ những năm 2000, khi các nhà khoa học bắt đầu khám phá mối liên hệ giữa ADN và tình yêu. Phương pháp này dựa trên việc phân tích ADN để xác định khả năng tương thích giữa các cá nhân.
ADN (axit deoxyribonucleic - trong tiếng Anh là DNA) là một loại axit nucleic chứa thông tin di truyền của một cá thể. Thông tin này được mã hóa bởi các gen và mỗi gen chứa thông tin để tạo ra một protein cụ thể. Các protein này sau đó quyết định các tính chất của cá thể, bao gồm cả tính cách và sở thích.
Tiến sĩ Helen Fisher, Giáo sư nghiên cứu Tâm lý học Tình dục tại Viện Nghiên cứu Kinsey (Đại học Indiana, Hoa Kỳ), nổi tiếng với rất nhiều nghiên cứu và cuốn sách liên quan đến tình yêu và giới tính. Bà giải thích rằng, ADN là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tính cách, sở thích và khả năng tương thích của mỗi người. Dựa trên bốn hormone là dopamine, serotonin, testosterone và estrogen, Tiến sĩ Fisher đã phân loại các cá nhân thành bốn loại tính cách nổi trội (1), (2)
Bà đã áp dụng kết quả này vào các trang web hẹn hò nhờ phương pháp xét nghiệm ADN, như Chemistry.com và DNA Romance (1), (2).
Một nghiên cứu nổi tiếng là "thí nghiệm áo phông mồ hôi" của Tiến sĩ Claus Wedekind, một nhà nghiên cứu sinh học người Thụy Sĩ, đã cho thấy sự ảnh hưởng của ADN đến việc lựa chọn bạn tình ở người. Trong thí nghiệm, 49 sinh viên nam được phát áo thun và mặc nó trong hai ngày, không sử dụng nước hoa, sữa tắm hay xà phòng. 65 sinh viên nữ được yêu cầu ngửi những chiếc áo phông và đánh giá mức độ hấp dẫn theo thang điểm 1 - 10. Các nữ sinh viên cũng được xét nghiệm ADN để xác định các biến thể của phức hợp gen HLA, một nhóm gen liên quan đến hệ miễn dịch.
Kết quả cho thấy, các nữ sinh viên có xu hướng thích "mùi hương" của những nam sinh viên có sự khác biệt lớn về HLA so với họ. Lời giải thích được đưa ra về kết quả này là hai người có nhiều sự khác biệt về HLA sẽ có lợi thế sinh sản con cái khỏe mạnh hơn (3), (4).
Tiến trình phân tích bắt đầu bằng việc thu thập mẫu ADN của người dùng, thường là qua một bộ kit thu thập tại nhà rồi được gửi đến phòng thí nghiệm. Dựa vào kết quả, trang web hoặc ứng dụng sẽ đề xuất những người có ADN tương đồng hoặc bổ sung cho nhau, dựa trên Chỉ số Tương thích DNA (DNA Compatibility Score).
DNA Romance là một trang web "mai mối" sử dụng phương pháp xét nghiệm ADN, dựa trên nghiên cứu của Tiến sĩ Helen Fisher về bốn loại tính cách. Trang web này sử dụng kết quả của bài kiểm tra tính cách và dữ liệu ADN để tìm ra những người tương thích với nhau. DNA Romance miễn phí cho việc tạo hồ sơ và nhận 6 kết quả phù hợp; sau đó là các mức giá 29 USD (hơn 700 ngàn đồng) cho một tháng nâng cấp tài khoản và 199 USD (hơn 4,8 triệu đồng) cho một bộ xét nghiệm ADN.
Tuy nhiên, DNA Romance chỉ có thể giúp người dùng tìm ra những người có khả năng tương thích cao về mặt sinh học và tâm lý, nhưng không đảm bảo được sự thành công hay hạnh phúc của mối quan hệ (5).
"DNA matchmaking" là một dịch vụ được cung cấp bởi Nozze, một công ty mai mối với 25 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản. Người dùng phải trả 32.400 yên (hơn 5,3 triệu đồng) cho phí dịch vụ và 54.000 yên (hơn 8,8 triệu đồng) cho việc xét nghiệm ADN. Nozze sử dụng kết quả xét nghiệm ADN được cung cấp bởi Shinagawa Medical Lab để đưa ra số liệu cho sự tương thích của một cặp đôi và cung cấp cho người dùng một danh sách những người bạn đời phù hợp, thay vì các yếu tố như nghề nghiệp, thu nhập, vẻ bề ngoài... Nozze cũng từng tổ chức buổi tiệc "Ghép đôi ADN" đầu tiên tại khu Ginza, (Tokyo, Nhật Bản) với mục tiêu ghép đôi 26 cặp nam nữ. Sau buổi tiệc, có bốn cặp đôi hình thành, các cặp đôi đều có điểm số tương thích ADN trên 80% (6).
Nhờ phương pháp xét nghiệm ADN, bạn có thể hẹn hò với những người phù hợp mà không cần trải nghiệm nhiều lần "yêu lầm, yêu lại, lại yêu lầm". Nhờ được tư vấn tìm đúng người có nhiều điểm chung với mình, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và thoải mái hơn khi trò chuyện cùng họ.
Điều này góp phần tạo nên một mối quan hệ dựa trên sự cảm thông, gắn kết, giúp duy trì mối quan hệ lâu dài, giảm nguy cơ ly hôn và đặc biệt là gia tăng sức khỏe của thế hệ con cháu.
Tuy nhiên, ADN chỉ là "công cụ", không phải "người ra quyết định". Con người chúng ta phức tạp hơn thế và đây là điều mà công nghệ gen chưa thể giải mã hay dự báo được hoàn toàn.
ADN chỉ là một công cụ để giúp bạn tìm ra những người có khả năng phù hợp với mình, nhưng không thể thay thế được những yếu tố như là trải nghiệm cá nhân, khả năng gắn kết, sự thấu cảm...
Thử tưởng tượng thế này. Khi bạn đã biết trước được tính cách, sở thích, xu hướng của người bạn đang hẹn hò nhờ phương pháp xét nghiệm ADN, bạn có thể mất đi sự bất ngờ và kích thích của tình yêu. Bạn cũng có thể bị áp lực hoặc mong đợi quá cao từ kết quả xét nghiệm ADN tương hợp. Điều này cũng làm giảm đi những cảm tình "sét đánh", thuận theo tự nhiên và có phần bộc phát của một mối quan hệ tình cảm.
Tình yêu không chỉ là một vấn đề sinh học, mà còn là một vấn đề tâm lý, xã hội và văn hóa. Nếu chỉ tập trung vào những người có ADN phù hợp, bạn có thể sẽ bỏ lỡ những người thú vị và đánh mất sự đa dạng trong các mối quan hệ.
Vì vậy, nếu có ý định tìm "một nửa" của mình nhờ phương pháp xét nghiệm ADN, bạn cần xác định rằng bản thân không phó mặc cho ADN toàn quyền quyết định tất cả. Đây chỉ là công cụ để bạn tham khảo chứ không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Những yếu tố như ngoại hình, học vấn, văn hóa, giá trị, trải nghiệm... cũng nên được cân nhắc khi lựa chọn bạn đời.
Hoặc nhỡ đâu, công nghệ này lại có lỗi kỹ thuật hoặc nhân viên lỡ... bấm lộn dữ liệu thì sao?
Việc kết đôi dựa trên "sự tương thích ADN" có thể nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng vẫn còn tranh cãi xoay quanh chủ đề này. Mặc dù một số công ty đã tuyên bố rằng có thể sử dụng kết quả ADN để giúp tìm kiếm bạn đời lý tưởng, nhưng chưa có trường hợp cụ thể nào cho thấy phương pháp này mang đến "kết cục có hậu" như mơ (7).
Vậy nên, nếu rủi ro cao quá thì chúng ta có thể quay về với "bà mai" hệ công nghệ phổ biến nhất nhì hiện nay là các ứng dụng hẹn hò (dating app), chỉ cần chú ý giữ an toàn là được.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.