Xây dựng niềm tin trong mối quan hệ giúp các cặp đôi hoà hợp và bền vững, còn xây dựng sự tin cậy với... đồng nghiệp sẽ giúp cho hiệu suất công việc được cải thiện hơn đáng kể. Điều này không chỉ dựa trên quan sát mà đã được khẳng định bằng một số nghiên cứu. Tuy nhiên, khác với mối quan hệ lãng mạn, môi trường công sở bao gồm nhiều mối quan hệ nhiêu khê hơn, vậy nên, chúng ta không thể chỉ cố gắng hoàn thành vai trò từ phía mình là đủ. Niềm tin nơi đồng nghiệp chính là một yếu tố quan trọng để chúng ta trụ vững và phát triển trong công việc.
Nhà nghiên cứu hành vi tổ chức - Tiến sĩ Alisa Yu tại Trường Kinh tế Stanford Graduate (Hoa Kỳ) - đã dành phần lớn sự nghiệp để cố gắng trả lời câu hỏi này, bằng cách xem xét tiến trình tương tác của mọi người tại nơi làm việc. Trong nghiên cứu vừa được công bố năm 2021, Tiến sĩ Yu và các cộng sự đã đánh giá vai trò của sự trao đổi về cảm xúc cá nhân đối với biểu hiện của người khác trong nhiều tình huống khác nhau - từ nhân viên trong văn phòng cho đến các điều dưỡng viên, y tá trong bệnh viện. Qua đó, các nhà nghiên cứu khám phá được rằng:
Hành động đơn giản như hỏi han cảm giác của đồng nghiệp có thể giúp chúng ta hình thành mối liên hệ sâu sắc hơn với họ (2).
Chẳng hạn như với đồng nghiệp rằng "Ê, trông cậu có vẻ đang mệt" khiến bạn trở nên đáng tin cậy hơn - không chỉ với riêng đồng nghiệp đó mà còn với những người chứng kiến cuộc hội thoại. Bởi lẽ, sự thừa nhận về mặt cảm xúc dành cho người đối diện được nhìn nhận là một hành động nỗ lực và thể hiện sự quan tâm.
"Một nhà lãnh đạo có thể rất dễ dàng nhìn thấy ai đó đang gặp khó khăn và chọn cách phớt lờ điều đó. Nhưng, một lãnh đạo thực sự quan tâm đến nhân viên thì mới chịu thừa nhận điều này, vì khi ấy, họ đã sẵn sàng chấp nhận cả những lý do đằng sau. Qua đó, nhân viên có thể coi đây là tín hiệu cho thấy sếp mình rất đáng để tin cậy" - Tiến sĩ Alisa Yu trả lời phỏng vấn trên Greatergood (3).
Thông qua những nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm tác giả thấy rằng dù đã cho nhân viên biết về lợi ích khi thừa nhận cảm xúc của đồng nghiệp, nhưng họ ít làm điều đó trong thực tế. Lý do vì chúng ta thường cho rằng hỏi han như vậy là khá nhạy cảm, tốn thời gian và đòi hỏi nỗ lực để giải quyết những vấn đề nảy sinh sau đó.
Bên cạnh những lý do như nhạy cảm hoặc tốn thời gian như đã nêu ở trên, yếu tố chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng tới việc thừa nhận cảm xúc. Bởi vì từ lâu, tính chuyên nghiệp đã gắn liền với yếu tố tự mình quản lý vấn đề cá nhân, thế nên chúng ta lại càng có lý do để "thu mình" và tập trung vào việc công nhiều hơn. Điều đó nói lên rằng, sự thừa nhận về mặt cảm xúc là một chiến thuật cần được sử dụng một cách thận trọng để mang lại hiệu quả.
Vậy, ta nên trao đổi về cảm xúc như thế nào?
1. Tập trung vào cảm xúc tiêu cực thay vì tích cực: Hãy thử tưởng tượng hai tình huống, một là khi chúng ta nói với một đồng nghiệp đang buồn rằng: "Hình như cậu đang gặp chuyện buồn, đúng không?", hai là nói với người đang vui rằng: "Trông cậu có vẻ vui". Giữa hai trường hợp đó, thực tế là câu hỏi về cảm xúc buồn có thể giúp mở ra một cuộc trò chuyện sâu hơn.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ về cảm xúc tiêu cực còn liên quan đến rủi ro khi đánh giá cảm nhận của người khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy e ngại nếu suy đoán người đối diện đang có cảm xúc tích cực rồi lại biết rằng thật ra, họ đang trong trạng thái tiêu cực. Còn nếu ngược lại thì không sao, tức là nếu đối phương đang tích cực mà mình tưởng họ tiêu cực thì không quá đáng ngại.
2. Thừa nhận cảm xúc thay vì tình huống: Mọi người đánh giá cao những người bộc lộ cảm xúc của mình một cách trực tiếp đến đối phương ("anh có vẻ buồn") hơn là những người chỉ ra tình huống ("có vẻ như buổi họp vừa rồi làm anh có vẻ buồn").
Cảm xúc là một phần quan trọng trong bản sắc-căn tính và trải nghiệm cá nhân của chúng ta. Khi ai đó thừa nhận cảm xúc chủ quan thay vì tình huống khách quan, chúng ta cảm thấy có giá trị và được thông cảm hơn. Ngược lại, nếu chèn ngữ cảnh tình huống vào, cuộc hội thoại có thể trở nên thiếu tế nhị và có phần... "kỳ ghê".
3. Cần lựa chọn ngôn ngữ phù hợp: Thay đổi một vài "từ khóa" trong câu nói cũng có thể biến một lời nói mang ý tích cực trở thành "mang tính sát thương". Vậy nên, trong những trường hợp nhạy cảm, chúng ta càng phải chú trọng vào việc lựa chọn ngôn từ.
Việc đưa ra các giả định về cảm nhận của người khác có thể bị coi là áp đặt và tự phụ, thậm chí có thể khiến người đối diện phòng thủ và khó giao tiếp hơn. Do đó, khi đề cập tới cảm xúc, chúng ta cần hạn chế sử dụng ngôn từ mô tả trực tiếp.
Ví dụ như:
Đây là lý do khiến câu hỏi "R U OK?" có thể giúp chúng ta mở lời với những người đang cần sự hỗ trợ tâm lý.
4. Cần lựa chọn môi trường: Thực tế là việc thừa nhận cảm xúc có thể không mang lại hiệu quả tích cực trong môi trường cạnh tranh. Bởi lẽ, đây là lúc mà mọi người đang ganh đua lẫn nhau, hoặc không chia sẻ chung một giá trị - điều được xem là nền móng cơ bản cho việc xây dựng sự tin tưởng (4).
5. Biết chắc rằng bản thân đã sẵn sàng gánh vác thêm vai trò: Thừa nhận cảm xúc chỉ là điểm khởi đầu, sau đó, chúng ta cũng phải đối diện và xử lý những cảm xúc đó.
Vậy nên trước khi bạn thử chiến lược này, Tiến sĩ Alisa Yu và cộng sự gợi ý rằng chúng ta nên cân nhắc lợi ích và những đánh đổi của bản thân. Việc tự hỏi "liệu mình có thời gian không?" hoặc "liệu mình có sẵn sàng giúp đỡ nếu đồng nghiệp cởi mở về một vấn đề không?" cũng là cách để tự kiểm chứng về khả năng sẵn sàng xây dựng lòng tin và sự tin cậy nơi đồng nghiệp.
Khi thừa nhận cảm xúc, chúng ta mang lại cho mọi người sự an toàn và cơ hội để bày tỏ bản thân. Trong những thời điểm đặc biệt khó khăn, việc trò chuyện và chia sẻ cảm xúc là điều quan trọng để củng cố mối quan hệ, xây dựng niềm tin giữa các cá nhân, cũng như đẩy nhanh tiến trình "phục hồi" niềm tin tại nơi làm việc. Điểm mấu chốt là hãy đảm bảo rằng chúng ta đã sẵn sàng và có khả năng hỗ trợ người khác khi thực hiện điều này.
Khi mà niềm tin và uy tín cần thời gian và nỗ lực để xây dựng, việc đánh mất nó lại diễn ra một cách rất chóng vánh. Theo ý kiến từ các chuyên gia, có ba điều thường diễn ra nơi công sở khiến cho sự tin cậy của bản thân bị tụt giảm (5), gồm có:
1. Tám chuyện xàm xí, ngồi lê đôi mách: Tưởng chừng như vô hại, nhưng việc tãn gẫu và nói chuyện phiếm sẽ có lúc "đi xa", liên quan đến một số vấn đề của một cá nhân nào đó. Chẳng bao lâu sau, mọi người đều biết rằng có người đang nói (xấu) điều gì đó về bản thân và sự tin cậy bắt đầu lung lay.
2. Phá vỡ những bí mật: Đôi khi, việc chia sẻ một số vấn đề nhân sự nội bộ cũng là yếu tố duy trì niềm tin và giữ cho các dự án đi đúng hướng, nhưng nếu những thông tin cá nhân bí mật bị tung ra, niềm tin trong tổ chức sẽ nhanh chóng bị phá vỡ bởi những tin đồn tràn lan và sự nghi ngờ.
3. Trả đũa: Hai điều trên sẽ có thể dẫn đến thái độ phòng vệ và sự trả đũa từ người khác, mở đầu cho một cuộc chiến "hủy diệt" sự tin cậy trong công ty.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?