"Trị liệu mua sắm" (retail therapy) nếu được sử dụng một cách thông minh có thể giúp bạn nhanh chóng hết buồn, mà không khiến bạn… hết tiền!
Nói một cách đơn giản, "trị liệu mua sắm" dùng để chỉ việc mua sắm cho đỡ buồn. Khoảng thời gian ngắm nhìn, mua sắm thỏa thích là lúc chúng ta tạm quên đi mọi phiền muộn và tận hưởng cảm giác vui sướng, thoả mãn trong chốc lát.
Chưa bàn đến việc liệu pháp này có thực sự giúp giải tỏa tâm trạng hay không nhưng có một thực tế dễ thấy rằng ngày càng có nhiều nhà bán hàng dựa vào tâm lý này để không ngừng phát đi thông điệp kích cầu doanh số: Mua sắm có thể mang lại hạnh phúc.
Vậy, "trị liệu mua sắm" có thật sự mang lại hạnh phúc, hay chỉ là chiêu trò của chủ nghĩa tiêu dùng?
Nỗi buồn xảy đến chủ yếu là do cảm giác bị động của bạn trước những gì đang xảy ra, hay nói cách khác, bạn buồn khi chẳng thể kiểm soát tình huống theo ý mình (1). Trong khi đó, việc mua sắm cho phép bạn được toàn quyền quyết định: Ngắm những món đồ bạn muốn, thử kiểu dáng, màu sắc theo ý thích và lựa chọn mua hay không.
Chính khả năng ra quyết định tự chủ sẽ giúp bạn khôi phục cảm giác tự tin, quyền kiểm soát và từ đó, xoa dịu cảm giác chán nản (2). Mua sắm giúp bạn cảm thấy mình mới là "nhân vật chính", chứ không phải nỗi buồn kia.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 đã đưa ra kết luận rằng hành động mua những thứ bạn thích mang đến cảm giác làm chủ tình huống cao gấp 40 lần so với việc không mua gì và những người thực sự mua sắm cũng bớt buồn hơn gấp 3 lần so với nhóm chỉ dạo quanh xem chứ không mua (3).
Ngoài ra, quá trình mua sắm bao gồm rất nhiều công đoạn: Ngắm nghía, lựa chọn, trải nghiệm, thanh toán và tiêu dùng… cũng gây xao nhãng giúp chúng ta tạm quên đi sự sầu não.
Bất kể bạn chọn đến trực tiếp cửa hàng hay ngồi nhà "click" vào các sàn thương mại điện tử thì hàng ngàn món đồ mới mẻ, bắt mắt cũng sẽ ngay lập tức khiến bạn vơi bớt cảm giác nặng nề.
Dẫu là "trị liệu" nhưng hình thức này lại kéo theo những vấn đề nghiêm trọng hơn, nhất là khi chúng ta "vung tay quá trán" trong những lúc cao hứng. Lúc này, giải pháp "trị liệu" lại trở thành một vấn đề mới khiến ta mắc kẹt bởi cảm giác tội lỗi vì phung phí, tình trạng túng thiếu vì chi tiêu quá mức và có thể dẫn đến chứng "nghiện mua sắm".
Năm 2015, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 20 người thì có 1 người phải vật lộn với chứng nghiện mua sắm (4). Carrie Rattle, một nhà trị liệu và tư vấn tài chính, đã chia sẻ: "Khi không thể đối mặt với những cảm xúc cực đoan của một sự việc, bạn chọn đối phó với nó bằng cách khác. Lúc này, việc mua sắm không còn là niềm vui thích, nó trở thành một lối thoát hiểm" (5).
Cuối tháng 4-2023, hãng kiểm toán Deloitte đã báo cáo một cuộc khảo sát về chi tiêu ở 114.000 người thuộc 23 quốc gia. Kết quả, có đến 77% người cho biết họ đã thực hiện ít nhất một lần mua sắm phung phí để cải thiện tâm trạng trong tháng qua, mặc dù chỉ có 42% trong số những người này là có đủ khả năng để chi trả cho những cuộc mua sắm "trị liệu" như vậy (6).
Báo cáo của Deloitte còn tiết lộ bất ngờ khi phát hiện đàn ông vung tiền vào những cuộc mua sắm để giải tỏa tâm trạng nhiều hơn phụ nữ đến... 40%. Chỉ khác là phụ nữ mua son, còn đàn ông thì mua rượu cao cấp.
"Theo lẽ thường, đàn ông ít được phép bộc lộ cảm xúc của mình một cách cởi mở, đặc biệt là những cảm xúc như buồn bã, sợ hãi hoặc cô đơn. Họ phải tìm những lối thoát khác để thể hiện chúng, thường là thông qua thể thao. Nhưng khi mua sắm, đàn ông cũng có thể giải tỏa nhu cầu tình cảm khó nói của mình" - Tiến sĩ Chris Gray, nhà tâm lý học về tiêu dùng, phân tích (7).
Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng đưa thêm một thông tin thú vị: Không phải quần áo, chính thực phẩm và đồ uống mới là thứ được mua nhiều nhất khi chúng ta muốn tự thưởng cho chính mình. Tiến sĩ Chris Gray chia sẻ: "Thực phẩm và đồ uống đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình cảm của chúng ta, như một cách để tự xoa dịu, an ủi và giải trí khi buồn chán. Chúng ta thưởng cho mình bằng việc thử những hương vị và mùi vị mới, chẳng hạn như một số hương vị kem mới".
Sự lộng lẫy, phô trương của văn hoá tiêu dùng đôi khi che lấp đi cảm giác dày vò, dằn vặt của nội tâm. Đến chính chúng ta cũng tự nhủ mình đang rất ổn khi đủ khả năng chi trả cho tất cả số hoá đơn, đủ khả năng tài chính để "mua" lấy niềm vui cho chính mình. Thế nhưng, cũng chính điều này sẽ đẩy bạn vào "ngõ cụt", không thể tự mình thoát ra nhưng cũng không can đảm để cầu cứu người khác. Nhà trị liệu tâm lý Zohra Master nói: "Nếu chứng nghiện mua sắm là một tiếng kêu cứu thì sự hào nhoáng, xa hoa sẽ khiến tiếng kêu đó không được nghe thấy" (8).
Để tránh bước qua ranh giới mong manh giữa "trị liệu mua sắm" và chứng "nghiện mua sắm", bạn nên giữ vững những nguyên tắc sau:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.