Rung đùi là một thói quen xấu, thế nhưng, đối với một số người, đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hay vấn đề tâm lý.
Người xưa có câu "Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc" dùng để ám chỉ hành vi rung chân sẽ khiến may mắn vơi đi mất. Còn trong đời sống thường nhật, nhiều người xem rung chân là một hành động khiếm nhã, thiếu nghiêm túc.
Tuy nhiên, những người rung chân, cắn móng tay, chớp mắt không ngừng, gõ nhịp ngón tay liên hồi trên mặt bàn… lại dường như chẳng ý thức mình đang làm như thế cho đến khi bị nhắc nhở. Khoa học gọi chung các hành vi kiểu này là "hành vi vô thức".
Theo nhà tâm lý học Melanie Phelps, khi chúng ta lo lắng, hormone adrenaline giải phóng, thúc đẩy chúng ta hành động và tạo ra năng lượng ngay lập tức. Nói cách khác, rung đùi giúp giải tỏa cảm giác bồn chồn (1). Ngoài ra, khi ở trong trạng thái tập trung, não bộ cần huy động nhiều năng lượng thông qua mạch máu, việc rung chân như một dạng co bóp giúp xúc tiến quá trình này. Bên cạnh đó, tâm trí của chúng ta dễ "lang thang" theo những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, dẫn đến mất tập trung.
Những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể không có đủ dopamine trong não. Thiếu hormone dopamine, não bộ rơi vào trạng thái "đói bụng", một phần bộ não cố gắng tập trung vào công việc, phần còn lại mải mê tìm "thức ăn". Chính thói quen rung đùi sẽ giúp phân tán cơn "thèm ăn" của não. Từ đó, sức tập trung của chúng ta được tăng lên (2).
Tuy nhiên, để cải thiện hình ảnh trong mắt đối tác, đồng nghiệp, cách tốt nhất là bạn nên tập một thói quen khác để thế chỗ tật rung đùi. Tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne đưa ra lời khuyên rằng khi thấy lo âu, ta nên bắt chéo hai mắt cá chân vào nhau, hành động này vừa hạn chế rung đùi vừa giúp bạn tạo ra một tư thế ngồi đĩnh đạc trong mắt người đối diện (3).
Để giải tỏa tâm lý, bạn có thể thực hiện các bài tập thư giãn cơ chân như sau: Tăng lực căng ở đùi bắp chân bằng cách duỗi thẳng trong 15 giây, siết cơ hết mức có thể. Sau đó nhẹ nhàng giải phóng căng thẳng trong 30 giây (4).Bên cạnh đó bạn cũng có thể thực hành một số phép thở yoga hoặc nghe tiếng ồn như một liệu pháp để an thần, tăng sức tập trung.
Trong một số trường hợp, căn nguyên của rung đùi không còn nằm ở phản ứng tâm lý mà là triệu chứng của các rối loạn thậm chí là tổn thương hệ thống thần kinh của chúng ta. Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa tình trạng bệnh lý và nguyên nhân tâm lý nằm ở khả năng của chúng ta trong việc kiểm soát và ngưng các hành động vô thức theo ý muốn. Khi ở bệnh lý, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thậm chí là không thể làm chủ khi cần ngưng hành động rung đùi.
Rất nhiều căn bệnh liên quan đến thói quen này như: Bệnh cường giáp, rối loạn tăng động giảm chú ý, đa xơ cứng, parkinson, bệnh thần kinh ngoại biên… Ở cấp độ nhẹ hơn thói rung đùi có thể có mối liên hệ với hội chứng Chân không yên (Restless Legs Syndrome) - một chứng rối loạn thần kinh gây ra sự khó chịu hoặc không thoải mái ở chân, khiến bạn không thể cưỡng lại được cảm giác muốn di chuyển chúng (5).
Trong trường hợp bệnh lý, không có cách gì khác là hợp tác với bác sĩ để tìm ra phương thức điều trị phù hợp nhất cho bản thân. Vì vậy để xác định chính xác vấn đề của mình, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Tuy nhiên, với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, dù có các yếu tố tiềm ẩn liên quan đến bệnh lý hay không, chúng ta có thể phần nào làm chậm quá trình phát bệnh hoặc giảm nhẹ triệu chứng nếu biết cách duy trì một lối sống khoa học và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích bởi theo Tiến sĩ John Winkelman việc sử dụng caffein, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ gây ra các phản ứng vô thức như rung đùi (6).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.