Hoài niệm thường phổ biến ở những người thuộc độ tuổi thanh thiếu niên khi phải đối mặt với nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc sống.
Một tà áo trắng học sinh vô tình lướt qua lại khiến bạn nhớ về khoảng thời gian học cấp ba. Mùi cơm chín thoảng qua giữa giờ tan tầm cũng đưa bạn trở về căn bếp nhỏ ở nhà nơi mẹ tất bật nấu nướng mỗi ngày.
Thế nhưng, điều mà bạn nhớ không chỉ đơn giản là từng khung cảnh từng con người mà là cảm xúc gắn liền với kỷ niệm đó. "Hoài niệm là cảm xúc ấm áp, mơ hồ mà chúng ta cảm thấy khi nghĩ về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ" - Tiến sĩ tâm lý học Erica Hepper giải thích (2).
Hoài niệm là xu hướng rất tự nhiên và thường gặp ở nhiều người. Trạng thái này phổ biến nhất ở những người thuộc độ tuổi thanh thiếu niên khi phải đối mặt với nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc sống và người trên 50 tuổi bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình (3).
Trong nghiên cứu thực hiện năm 1688, sinh viên y khoa Johannes Hofer lần đầu đưa ra khái niệm "nostalgia" (hoài niệm) khi nhận thấy rằng những binh lính ra nước ngoài chiến đấu hay những người xa quê chịu nỗi đau tâm lý lớn đến mức phải tìm đến cái chết. "Nostalgia" kết hợp từ chữ "nostos" nghĩa là trở về quê hương và "algos" nghĩa là nỗi đau trong tiếng Hy Lạp (4).
Lúc bấy giờ, hoài niệm được xem là một chứng rối loạn tâm thần, một triệu chứng của trầm cảm do con người không có khả năng sống trọn vẹn trong hiện tại.
Tuy nhiên, Giáo sư tâm lý học Clay Routledge - tác giả cuốn sách Nostalgia: A Psychological Resource - đã chỉ ra rằng, hoài niệm lại là một hiện tượng tích cực (5). Nó không xuất phát từ nỗi buồn mà thực ra là từ mong muốn hồi tưởng những ký ức hạnh phúc trong quá khứ. Thậm chí, những cảm xúc tươi đẹp, hạnh phúc từ quá trình này còn giúp cải thiện tình trạng trầm cảm.
Bạn thường có xu hướng hoài niệm nhiều hơn khi gặp phải những khó khăn và chỉ muốn quay về những ngày cũ tươi đẹp. Tuy vậy, điều này không hề khiến tâm trạng thêm nặng nề. "Sau khi chìm đắm trong nỗi nhớ, con người lại cảm thấy được tiếp thêm sinh lực" - Giáo sư Clay Routledge khẳng định trong cuốn sách của mình.
Hoài niệm mang đến hiệu quả tích cực cho sức khoẻ như cải thiện sự lạc quan, lòng tự trọng và mang lại ý nghĩa cuộc sống (6). Tiến sĩ, giáo sư Tâm lý học Krystine Batcho chia sẻ: "Nhớ lại cảm giác được yêu thương vô điều kiện lúc còn nhỏ có thể giúp bạn cảm thấy yên lòng trong những thời điểm khó khăn" (7).
Nâng cao ý thức về bản thân
Những ký ức trong quá khứ giúp bạn cảm thấy được kết nối con người của mình khi xưa, ở hiện tại và trong tương lai lại với nhau. Nhớ rõ về con người của mình trong quá khứ sẽ giúp bạn nhận thức sâu sắc về sự thay đổi của bản thân cũng như ghi nhớ ước mơ trước đây từ đó, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và con người mình.
Cải thiện tâm trạng
Nếu ở thời điểm hiện tại, mọi việc xung quanh chỉ là một mớ hỗn độn đến nỗi bạn không thể tìm được điều gì hay một ai để khiến mình phấn khởi, hãy thử "mượn" cảm xúc tích cực từ những mảng ký ức thật đẹp. Quãng thời gian hạnh phúc trước đây nhắc chúng ta nhớ về cảm giác vui vẻ, thỏa mãn mà ta đang đánh mất. Cảm xúc tích cực này cho ta thấy rằng mình từng rất hạnh phúc và tiếp thêm sức mạnh để ta có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai.
Nỗi nhớ thậm chí còn khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, đó là lý do ta luôn cảm thấy ấm áp mỗi khi ôn lại chuyện xưa (8).
Vơi bớt cảm giác cô đơn
Việc nhớ về khoảng thời gian được vui chơi, trò chuyện với gia đình, bạn bè và cảm nhận tình yêu từ họ giúp bạn cảm thấy được yêu thương. Một nghiên cứu đã chỉ ra hoài niệm có khả năng thúc đẩy kết nối xã hội (9).
Cùng bạn bè, gia đình xem lại hình ảnh, video kỷ niệm sẽ giúp mọi người gần gũi và thân thiết hơn. Thậm chí, cùng chia sẻ với người lạ về một sự kiện xã hội đáng nhớ từng xảy ra trong quá khứ cũng giúp kéo gần mọi người với nhau hơn.
Hoài niệm có thể mang lại những cảm xúc phức tạp, trộn lẫn buồn vui, bởi quá khứ dù đẹp đẽ đến mấy cũng vẫn có không ít mảng màu tối. Hơn nữa, nếu lạm dụng thì lâu dần bạn sẽ bị phụ thuộc vào quá khứ như bám víu lấy một cái nạng. Mỗi khi không thể đối mặt với những rắc rối trong hiện tại, bạn lại tìm về "cái nạng quá khứ" để tiếp tục sống. Đến nỗi, mãi về sau bạn buộc phải có "nạng" mới có thể đi tiếp dù chân chỉ hơi ê ẩm.
Nỗi nhớ cũng có thể gây ra nỗi buồn khi bạn nhận ra rằng tất cả những điều tươi sáng đó đã không còn nữa. Khi chúng ta bắt đầu hồi tưởng những ngày xưa tươi đẹp và bắt đầu nán lại lâu hơn trong quá khứ, chúng ta sẽ bắt đầu hối hận về những điều "giá như" và "lẽ ra". Sự ước ao bất lực này có thể dẫn đến trầm cảm. Chính vì vậy, mặc dù hoài niệm có nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe tinh thần nhưng bạn đừng nên lạm dúng chúng nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.