Bên cạnh khả năng thể hiện hỉ-nộ-ái-ố, đôi mắt cũng đóng vai trò như một trợ thủ đắc lực trong giao tiếp. Vậy chúng ta phải tận dụng cửa sổ tâm hồn ra sao để "ghi điểm" nhanh chóng, chiếm lấy thiện cảm của người đối diện?
Nhiều người, bất kể là các bạn trẻ hay đã trưởng thành, đều có lúc ngần ngại hay có chuyện khó nói nên đã tránh né giao tiếp bằng ánh mắt (eye contact). Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc giao tiếp bằng ánh mắt có thể giúp xây dựng một không gian trò chuyện cởi mở và chân tình giữa những người quen biết, cũng như những người mới lần đầu gặp gỡ. Ánh mắt hướng đến đâu và trong khoảng bao lâu, sẽ ngấm ngầm thể hiện mức độ quan tâm của chủ thể đối với đối tượng trước mặt (1). Trên thực tế, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ánh mắt còn giúp chúng ta "đọc vị" hiệu quả, miễn là chúng ta đủ lắng lại để cảm nhận những biểu hiện vi tế đó.
Do có thể biểu hiện rõ ràng tâm trạng hỉ-nộ-ái-ố của chúng ta nên đôi mắt mới được gọi là cửa sổ tâm hồn.
Trong một nghiên cứu về tác động của giao tiếp bằng mắt và địa vị xã hội trong trường hợp phỏng vấn và tuyển dụng, kết quả cho thấy rằng tầm quan trọng của mức độ mà người khác nhìn vào mắt chúng ta (2).
Cụ thể, hai nhà tâm lý học Richard Tessler và Lisa Sushelsky trong nghiên cứu này đã nhận thấy rằng người khác càng nhìn chúng ta lâu thì họ càng được chúng ta đánh giá tốt hơn (2).
Một nghiên cứu khác về việc đánh giá trí thông minh trong các tương tác xã hội đã được tiến hành bởi các nhà khoa học Nora A. Murphy, Judith A. Hall và C. Randall Colvin. Kết quả cho thấy rằng những người thường xuyên giao tiếp bằng ánh mắt được xem như những cá nhân thông minh, tận tâm và chân thành hơn (3). Cũng trong một nghiên cứu về giao tiếp bằng mắt khi thuyết trình, kết quả cho thấy rằng giao tiếp bằng mắt nhiều hơn sẽ khiến mối quan hệ giữa hai cá nhân gia tăng sự tin cậy và cảm giác chân thành (4).
Nhưng nếu ý nghĩa tới vậy thì liệu giao tiếp bằng mắt có khó khăn không?
Trên thực tế, giao tiếp bằng mắt đã được chứng minh là hành động tiêu tốn một lượng đáng kể sức mạnh trí não và sự tập trung của con người. Một nghiên cứu tại Nhật Bản của hai nhà nghiên cứu Kajimura Shogo và Nomura Michio cho biết rằng giao tiếp bằng mắt sử dụng một phần đáng kể nguồn lực nhận thức của con người (5).
Đặc biệt hơn, hai nhà nghiên cứu còn kết luận được rằng chúng ta không dễ gì thực hiện giao tiếp bằng mắt, đồng thời với các hành động khác. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta khó giữ được sự tập trung nói chuyện trong khi giao tiếp bằng ánh mắt (5).
Ngoài ra, giao tiếp bằng ánh mắt một cách liên tục gây ra cảm giác không thoải mái và làm phát sinh một trạng thái căng thẳng đặc biệt (5). Đây là lý do tại sao chúng ta đôi khi phải nhấn nút "pause" khi giao tiếp bằng mắt, nếu muốn mở ngăn kéo trí nhớ để lục tìm điều gì đó, hoặc khi ta muốn giải thích một điều phức tạp.
Đồng quan điểm với Kajimura và Nomura, hai nhà nghiên cứu G. Doherty-Sneddon và F. G. Phelps, cũng đã phát hiện được rằng những đứa trẻ được yêu cầu nhìn sang chỗ khác trong khi suy nghĩ và giải quyết vấn đề sẽ có hiệu suất làm việc tăng 20%, so với những đứa trẻ bị yêu cầu nhìn vào đối phương liên tục (6).
Bởi vậy, dễ hiểu lý do của việc chúng ta cũng có chút lúng túng khi phải quay sang chỗ khác để nghĩ ra câu trả lời thỏa đáng. Chẳng hạn, khi bạn đang nói chuyện trong một quán cà phê và phải suy nghĩ, hãy "pause" lại bằng cách nhấp một ngụm nước, nhìn sang quầy phục vụ, nhìn vào tài liệu trước mặt... nhưng tránh nhìn vào điện thoại nếu không cần thiết.
1. Kiểm soát thời gian của mỗi lượt giao tiếp bằng mắt: Việc hướng ánh mắt tới phía đối phương là một cách thể hiện sự quan tâm, nhưng nhìn chằm chằm vào mắt người khác có thể gây ra sự khó chịu và khiến đối phương bồn chồn, mất tự nhiên.
Kết quả từ một nghiên cứu đã cho thấy rằng thời gian hợp lý trung bình chỉ là 3 giây (trước khi "ngắt" ánh mắt tương tác, dù là ngay sau đó sẽ kết nối lại) (7).
Hầu hết mọi người thích nhìn vào mắt đối phương trong 2 - 5 giây và không ai thích ánh nhìn chỉ kéo dài dưới 1 giây hoặc lâu hơn 9 giây. Giao tiếp bằng mắt quá lâu có thể gây phản tác dụng (7).
Bên cạnh đó, chúng ta có xu hướng duy trì giao tiếp bằng mắt trong khoảng 40 - 60% thời gian trò chuyện (8). Khi là người nói, chúng ta có xu hướng muốn đối phương chú ý đến mình, đồng thời cũng muốn đảm bảo rằng bản thân không gây ấn tượng xấu.
Ngược lại, khi đang lắng nghe, chúng ta cũng muốn người đối diện cũng cảm thấy mình đang chú tâm vào nội dung họ truyền tải. Tỷ lệ giao tiếp bằng ánh mắt từ 50% đến 75% được duy trì liên tục sẽ giúp tạo nên tác dụng hiệu quả nhất (8).
Dựa trên các số liệu thống kê, có thể rút ra kết luận rằng khi chúng ta nói chuyện với nhau, hãy giao tiếp bằng mắt trong 50% thời gian, và tăng lên thành 70 - 75% khi ta là người lắng nghe (8). Đây được gọi là công thức 50/70 khi giao tiếp bằng mắt.
2. Hạn chế nhìn vào điện thoại hay các thiết bị không cần thiết: Như đã nhắc tới ở trên, để giao tiếp hiệu quả, chúng ta hãy cố gắng hạn chế nhìn chằm chằm vào các thiết bị một cách không cần thiết nhé.
3. Nhìn vào điểm giữa hai mắt: Nếu bạn chưa quen với việc nhìn thẳng vào mắt người khác, hãy thử bắt đầu bằng việc nhìn vào giữa hai mắt khi giao tiếp. Cách làm này sẽ tạo được hiệu ứng gần như việc giao tiếp bằng mắt thực sự. Khi đã quen rồi, bạn không cần phải làm theo cách này nữa.
Bên cạnh đó, đây cũng là một cách để bạn "đo đếm" sự tự tin khi giao tiếp. Khi biết rằng mình có thể dễ dàng nhìn vào mắt một người, bạn có thể chắc chắn rằng mình đã tự tin hơn nhiều.
4. Kiểm soát tốc độ "đánh ánh mắt": Khi bạn ngừng giao tiếp bằng mắt và hướng ánh mắt sang chỗ khác, hãy kiểm soát tốc độ hợp lý, tránh trường hợp đảo mắt liên tục.
5. Kết hợp với các cử chỉ khác: Dù giao tiếp bằng ánh mắt được coi như một phương thức trao đổi thông tin cảm xúc một cách gián tiếp, hình thức này cần được phối hợp hài hòa với ngữ điệu nói, nụ cười, cơ mặt và cử chỉ tay – chân của cá nhân để tạo nên một tư thế tổng thể, bộc lộ thái độ chân thành và cởi mở.
Vẫn còn nhiều điều cần lưu ý về việc giao tiếp bằng mắt, nhưng trên đây là năm điều quan trọng và khá căn bản mà chúng ta cần lưu ý. Thậm chí, nhiều người dù đã quen với giao tiếp bằng mắt lâu năm vẫn có lúc quên đi năm lưu ý này. Vì vậy, bạn hãy thử ghi nhớ và áp dụng ngay nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.