Phải làm gì khi chúng ta cứ hùng hổ đi làm nhưng lại hóa "hổ giấy"? Thuyết Đa Trí thông minh của nhà tâm lý học người Hoa Kỳ là Howard Gardner đã lập luận rằng con người có thể sở hữu tới 9 loại hình trí thông minh. Trong đó, trí thông minh về thể chất, hay trí tuệ thể chất (Body Intelligence Quotient - BQ) đã được các nhà khoa học tách ra và nghiên cứu độc lập, đặc biệt là trong mối tương quan với hiệu suất làm việc của con người trong môi trường công sở hiện đại. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa tinh thần làm việc và sức khỏe thể chất của người lao động.
Theo lý thuyết của Howard Gardner, 9 loại hình trí thông minh gồm có: Ngôn ngữ, logic – toán học, thiên nhiên, âm nhạc, liên cá nhân, nội cá nhân, thị giác, hiện sinh (triết học, đời sống chung) và vận động – thể chất (1).
Định nghĩa nguyên bản của Howard Gardner lập luận rằng BQ tập trung vào khả năng kiểm soát chuyển động của cơ thể để xử lý khéo léo các động tác hay nâng cao thành tích và thể lực – một khả năng mà chỉ các vận động viên thể thao sở hữu.
Tuy nhiên trong cuốn sách BQ – Trí tuệ Thể chất của tác giả người Nhật là Masayuki George Ave – một chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn quản trị nhân sự – đã đề xuất một cách nhìn nhận mới về khái niệm này.
Ông cho rằng BQ trong môi trường làm việc nên được hiểu là khả năng duy trì và tăng cường sức khỏe thể chất nhằm cải thiện hiệu suất và tập trung vào công việc.
Bên cạnh đó, Masayuki George Ave cũng đánh giá một người là làm kinh doanh thành công thông qua việc cá nhân này hội tụ đủ ba yếu tố: IQ – đại diện cho một bộ não nhanh nhạy và sắc bén, QE – đại diện cho khả năng kiểm soát cảm xúc và làm chủ khả năng giao tiếp với người khác và BQ – đại diện cho năng lực tối đa hóa hiệu suất làm việc của bản thân và nhân viên cấp dưới thông qua việc duy trì sức khỏe thể chất.
Dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo đã quan tâm hơn đến việc nâng cao BQ sau khi nhận thấy những nhân viên có sức khỏe thể chất kém thường dễ mắc các bệnh tinh thần, điều này đồng thời làm giảm năng suất làm việc của nhóm, dễ kéo theo tình trạng căng thẳng thần kinh và gây áp lực dây chuyền cho các nhân viên khác (2).
Điều này vô hình trung làm gia tăng tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên, khiến doanh nghiệp vừa không thể giữ chân nhân tài vừa khó tuyển dụng người mới thay thế. Để vực dậy cả một bộ máy với những con người rệu rã, lãnh đạo doanh nghiệp và mỗi nhân viên làm việc trong tập thể cần xác định nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả tình trạng BQ của nhân lực.
Việc BQ thấp gây ảnh hưởng tới hiệu quả công việc chính là một minh chứng cho thấy rằng mối liên hệ thân-tâm của một cá nhân cũng có thể tác động rất lớn tới công việc chung – điều mà các quản lý và chủ doanh nghiệp không nên xem nhẹ.
1. Thu nhập giảm sút: Người đầu tiên chịu thiệt thòi chính là cá nhân có BQ thấp. Lý do lớn nhất chính là việc sức khỏe của họ không đủ điều kiện để họ hoàn thành mục tiêu công việc như đã lên kế hoạch hoặc được cấp trên giao phó. Do đó, thu nhập của họ sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, chi phí y tế để khắc phục tình trạng bệnh tật sẽ "ngốn”"đi một phần thu nhập bị hạn chế của dân văn phòng, khiến họ rơi vào cảnh "trăm mối tơ vò".
2. Lộ trình thăng tiến bị hạn chế: Nếu xác định gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp, nhân viên luôn muốn mình đạt được một nấc thang mới trên con đường sự nghiệp, với những vị trí cao hơn và thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, khi sức khỏe thể chất và tinh thần không tốt, họ không thể chứng minh năng lực làm việc cũng như đem lại hiệu suất công việc lý tưởng như mong đợi của cấp trên để được cân nhắc tại các vị trí quản lý.
Thêm vào đó, những cá nhân này sẽ dần mất hết động lực làm việc và sẽ nhanh chóng rời bỏ cuộc đua thăng tiến, chấp nhận nghỉ việc tại doanh nghiệp đồng nghĩa với việc những nhân viên này sẽ bắt đầu hành trình từ con số 0 tại một nơi làm việc mới, nhưng họ cũng không thể chắc chắn rằng tình trạng sức khỏe thân-tâm sẽ khá hơn.
3. Thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp: Những khoản phúc lợi y tế cho nhân viên có BQ thấp và tổn hại về doanh thu do sự suy giảm hiệu suất làm việc do BQ thấp đem lại luôn làm các chủ doanh nghiệp phải trăn trở.
Theo Harvard Business Review, các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ mất đi khoảng 35 tỷ USD/năm do sự sụt giảm hiệu suất làm việc vì chứng trầm cảm của nhân viên và khoảng 47 tỷ USD/năm để chi trả cho chi phí chữa trị tình trạng đau nhức xương, đau đầu, đau lưng... xảy ra thường xuyên như những căn bệnh cố hữu của dân văn phòng.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng một nhân viên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng luôn làm việc hiệu quả hơn nhiều lần so với một nhân viên ốm đau và ủ rũ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về trí tuệ thể chất tại nơi công sở, các nhà quản trị doanh nghiệp và chuyên gia tâm lý đặc biệt lưu tâm đến một số hiện tượng "báo động" BQ thấp như sau:
1. Sự vắng mặt (absenteeism) thường xuyên ở nơi làm việc: Đây là trạng thái vắng mặt hoặc nghỉ việc ngắn ngày do ốm đau hoặc tạm thời mất đi khả năng làm việc, ví dụ như nhân viên xin đến muộn – về sớm do thấy trong người không khỏe, xin nghỉ một vài ngày trong tháng để tĩnh dưỡng/chữa bệnh... Tình trạng này tạo ra những khoảng trống trong công việc do thiếu sự góp mặt của người tham gia/phụ trách các đầu việc, do đó lãnh đạo doanh nghiệp có thể nhìn thấy rằng hiệu suất làm việc đi xuống (3).
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ rằng việc vắng mặt và không tập trung vào công việc lại khác hoàn toàn với việc nhân viên làm việc từ xa, vì những nhân viên có hiệu suất làm việc cao vẫn có thể bảo đảm được công việc dù họ không ở văn phòng.
2. Sự hiện diện (presenteeism) ngay cả khi... không được khuyến khích: Đây là trạng thái nhân viên vẫn đến văn phòng làm việc thường xuyên nhưng không đạt hiệu suất bình thường do các rối loạn về thể chất và tinh thần. Ví dụ, một nhân viên bị ốm nặng nhưng vẫn cố gắng làm việc. Một số biểu hiện của trạng thái này là dáng vẻ mệt mỏi, thiếu sức sống của nhân viên tại bàn làm việc, hay mắc những lỗi sai không đáng có, thiếu tập trung khi họp nhóm và trao đổi công việc chung...
"Presenteeism" không để lại lỗ hổng trong công việc như tình trạng "Absenteeism" kể trên nên khó có thể nhận ra sự sụt giảm năng suất (4) nhưng cũng không tránh khỏi tác hại về lâu về dài. Thậm chí, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trạng thái "presenteeism" khiến các công ty phải bỏ ra khoảng hơn 150 tỷ USD/năm để khắc phục hậu quả - một số tiền tốn kém gấp 3 lần so với tình trạng "absenteeism" - vắng mặt do ốm đau (4). Một ví dụ tiêu biểu của sự hiện diện ngay cả khi sức khỏe tinh thần không tốt chính là tình trạng zombie nơi công sở.
3. Kiệt quệ trong công việc (burnout): Hội chứng này là trạng thái căng thẳng tinh thần cao độ diễn ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt do làm việc quá sức hoặc bị ức chế thần kinh trong phạm vi công việc, dần dần sẽ dẫn đến việc nhân viên mất đi động lực làm việc và lựa chọn bỏ việc.
Đây có thể coi là một hệ quả khó tránh của cả "absenteeism" và "presenteeism". Trong khi "absenteeism" khiến bảng chấm công khuyết đi nhiều buổi/ngày được nhận lương thì "presenteeism" lại khiến công việc không đạt được thành tích như ý. Hai điều này đều là tiền đề để nhân viên thấy kiệt quệ và khó có thể tiếp tục cố gắng trong công việc.
Cụ thể, một người rơi vào trạng thái "burnout" thường thấy mệt mỏi vào buổi sáng trước khi đi làm và vào cuối ngày làm việc, cảm thấy thất vọng về công việc của mình, không muốn tiếp tục làm việc cùng người gây căng thẳng cho mình (sếp, đồng nghiệp, đối tác)... (5).
Những khái niệm trên vốn đã xuất hiện từ lâu trong môi trường công sở. Điều đáng quan ngại nằm ở việc sự phát triển nhanh chóng của thời đại số và tình hình suy thoái kinh tế khiến tầng lớp lao động trí óc phải đối diện với nhiều áp lực vô hình hơn, sức khỏe thể chất bị bào mòn cũng đồng thời kéo theo sức khỏe tinh thần đi xuống. Kết quả là chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều zombie công sở với BQ thấp xuất hiện trong các công ty.
"Có sức khỏe là có tất cả" - nếu không có trí tuệ thể chất và một tinh thần hào hứng với công việc, con người sẽ không thể lao động hiệu quả. Dưới đây, LeLa Journal giới thiệu một số bí quyết để hội anh chị em văn phòng khắc phục những căn bệnh cố hữu, cũng như nâng cao BQ của bản thân.
Đặc biệt, dù cảm thấy bản thân đã có BQ cao, chúng ta vẫn có thể áp dụng những cách này để tiếp tục giữ vững "thành tích" của BQ.
1. Thực hiện các bài vận động đơn giản tại văn phòng:
Nếu ngồi trên ghế trong một thời gian dài hoặc liên tục nhìn vào màn hình máy tính trong một tư thế không chuẩn, chúng ta sẽ khó thư giãn và thở tự nhiên, điều này dẫn đến đau đớn và căng thẳng tích tụ. Do đó khi nghỉ giữa giờ, bạn có thể tập yoga nhẹ nhàng trong khoảng 10-15 phút để giúp cơ thể điều hòa trở lại (6).
Độc giả có thể tham khảo thêm một số bài viết về các động tác vận động cho các vấn đề sức khỏe tại văn phòng, đã được đăng tải trên LeLa Journal như:
Đau thắt lưng dưới: Bài tập Yoga trị liệu
Đau cổ, vai, gáy: Thử ngay 6 bài tập yoga hiệu quả này
Đau vai mỏi gáy vì stress: Khắc phục ngay nhờ các động tác yoga này
Đau lưng không hẳn là do đứng hoặc ngồi sai tư thế: Các chuyên gia chỉ ra 4 cách điều trị
2. Điều chỉnh tư thế/dáng người:
Rối loạn tư thế không chỉ khiến chúng ta có vẻ ngoài không đẹp mắt mà còn gián tiếp gây ra tình trạng thở nông, dẫn đến tình trạng thể chất kém và mất tập trung. Vì lý do này, chúng ta nên lưu ý điều chỉnh tư thế chuẩn khi đứng, ngồi, đi lại (7).
3. Tập luyện ít nhất một môn thể thao ngoài giờ làm việc:
BQ chỉ có thể được cải thiện nếu chúng ta duy trì tình trạng sức khỏe lý tưởng một cách ổn định. Nếu ban ngày đã bận rộn với công việc văn phòng, hãy dành ra 30 phút – 1 tiếng mỗi tối để đi bộ, chạy bộ, tập gym, tập nhảy hiện đại, khiêu vũ... và hình thành thói quen tập thể dục hằng ngày.
4. Ngủ sớm và đủ giấc:
Một giấc ngủ sâu vài dài là liều thuốc giúp "sạc pin" cho cơ thể đã mệt mỏi sau một ngày hoạt động hết công suất, để ngày mới thức dậy chúng ta sẽ có đủ năng lượng tiếp tục làm việc. Tránh thức khuya vì điều này trực tiếp làm rối loạn đồng hồ sinh học, khiến cơ thể khó vào giấc và rơi vào trạng thái uể oải sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng (8). Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn xuất hiện tại văn phòng trong cảnh "đầu bù tóc rối" ngái ngủ trước con mắt của đồng nghiệp và quản lý của mình.
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh bất khả kháng mà chúng ta phải chấp nhận việc thiếu ngủ 1-2 ngày, chúng ta có thể cân nhắc một số hình thức nghỉ ngơi khác, nhưng những cách này cũng không thể thay thế hoàn toàn giấc ngủ.
Độc giả có thể tham khảo thêm một số bài viết về giấc ngủ, đã được đăng tải trên LeLa Journal như:
Ngủ ngay sau 10 phút: Cách binh lính thời xưa chợp mắt giữa tiếng súng đạn
Giải mã bí mật về giấc ngủ: Đi tìm bí quyết ngủ ngon và ngủ đủ
7 sự thật về giấc ngủ giúp bạn ngủ đủ, ngủ sâu
Bạn đang mất ngủ? Thử ngay phương pháp 4-7-8
5. Hạn chế sử dụng thiết bị di động khi không cần thiết:
Trường Y khoa tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị di động (smartphone, tablet, laptop) gây ra căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, là nguyên nhân của sự mất tập trung và mất kiểm soát tâm trạng, nếu người dùng liên tục sử dụng trong thời gian dài (9). Ngoài ra, tư thế sử dụng các thiết bị này cũng gây ra chứng đau mỏi vai gáy, thoái hóa đốt sống và liên hệ mật thiết với chứng béo phì do thói quen sinh hoạt (10).
Hãy tắt điện thoại và gập máy tính lại để tham gia vào các hoạt động tương tác khác, thay vì bị cám dỗ bởi những điều ẩn giấu dưới chiếc màn hình kia.
6. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh:
Sức khỏe thể chất bao gồm cả sự đóng góp quan trọng từ phía thực phẩm chúng ta ăn vào hằng ngày. Nhân viên văn phòng thường yêu thích thức ăn nhanh vì độ tiện lợi, song đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân, lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh hay gặp ở tuổi trung niên như gan – máu mỡ, tiểu đường, huyết áp cao... Do đó, chúng ta nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm dạng này mà nên chuyển sang ăn các món khác lành mạnh hơn như rau củ, trái cây... đồng thời tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà mang đi làm để kiểm soát lượng calorie và độ tươi ngon của nguyên liệu cũng như tiết kiệm chi phí (11).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?