Trạng thái là những cảm xúc, cảm giác; còn thái độ là cách chúng ta nhìn nhận về sự vật sự việc. Bản chất của trạng thái tâm lý là biến đổi, tức theo một chu trình sinh ra, phát triển và hoại diệt. Trạng thái tâm lý thường xảy đến từ thái độ của chúng ta. Hay nói cách khác, trạng thái đơn giản là hệ quả (ngọn), còn thái độ là nguyên nhân (gốc rễ).
Nhưng có một điều trớ trêu rằng, mọi người thường vô thức mong muốn thay đổi trạng thái hơn là thái độ. Nhưng bằng cách thay đổi ngọn, mà trong khi vẫn chưa điểu chỉnh gốc rễ, thì đời sống tinh thần không thể cân bằng bền vững.
Trong một cuộc khảo sát nhỏ xảy ra cho 20 người tham gia một buổi trò chuyện, tôi đặt ra câu hỏi: "Khi cô đơn, các bạn thường có khuynh hướng ứng xử như thế nào?" Phần lớn người tham gia đều đưa ra một đáp án chung là họ muốn diệt trừ cô đơn. Tức họ muốn thay đổi trạng thái cô đơn đó thành vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, hay có kết nối đồng điệu,...
Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm lại. Có phải trong cuộc sống, khi gặp một trạng thái không như ý như buồn, giận, lo sợ, đau khổ,... chúng ta cũng có khuynh hướng muốn thay đổi từ buồn thành hạnh phúc, từ tức giận thành điềm tĩnh, từ lo sợ thành can đảm, từ đau khổ thành an lạc,... Họ có thể thực hiện các hành vi khác nhau như tán gẫu với bạn bè, đi du lịch, mua sắm,... Nỗi buồn của họ cũng có thể vơi đi, niềm đau của họ cũng nguội đi phần nào. Nhưng điều đó không thể đảm bảo một điều rằng, nỗi buồn và nỗi đau không tiếp tục xuất hiện trong phần đời còn lại của họ.
Như vậy, thực ra, bản chất của các trạng thái là luôn vận động hay biến đổi. Trong một ngày, chúng ta trải qua vô vàn trạng thái tâm lý khác nhau. Và nếu để ý quan sát, bạn sẽ không bao giờ thấy một trạng thái nào là đứng yên. Niềm vui của bạn ngày hôm qua, đã biến đổi so với hôm nay. Nỗi buồn từ một năm trước, nay đã nguôi ngoai đi phần nào. Bằng cách thay đổi trạng thái, chúng ta cũng có thể có những trạng thái tốt hơn, nhưng nội tâm của chúng ta dường như vẫn thường dễ lung lay khi gặp điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Bạn có biết vì sao? Vì thái độ hay nhận thức của chúng ta vẫn không thay đổi. Và bằng cách chỉ muốn thay đổi trạng thái, chúng ta cũng đang lẩn trốn việc đối mặt hay trực diện với những gì đang diễn ra bên trong mình, để hiểu sự vận hành của tâm.
Khi hiểu sự vận hành của trạng thái tâm lý, ta mới nhận ra một điều rằng: an lạc hay hạnh phúc đều biến đổi, chỉ có một thái độ đón nhận đa dạng tình huống trong đời sống mới giúp ta vững trụ tinh thần.
Ngày nay, khi đời sống ngày càng bon chen và bận rộn, con người bắt đầu quan tâm đến thiền, chánh niệm - tỉnh giác (trở về chính mình để soi sáng),... Tùy vào nhận thức riêng của mỗi cá nhân, mà họ tiếp cận pháp thiền khác nhau. Nhưng mục đích rốt ráo của thiền vẫn là để chúng ta thấy ra sự thật trong đời sống và bình thản đón nhận - quan sát những gì đang đến-đi từ bên trong mình lẫn ngoại cảnh. Thái độ đúng là cốt lõi của thiền. Một pháp thiền đúng là khi hướng dẫn chúng ta có mặt trọn vẹn với tất cả những gì đang diễn ra ở nội tâm và bên ngoài, để không vô thức buông lung phóng dật theo tạo tác của bản ngã.
Eckhart Tolle, tác giả cuốn "The Power of Now", dùng một từ khá thú vị, đó là "present" (hiện diện). Thực ra, trong đời sống, chúng ta ít khi hiện diện với chính mình và người khác. Khi ra khỏi nhà, vì không hiện diện với thân và tâm, mà ta có thể quên khóa cửa phòng. Khi ăn, tâm trí chúng ta có thể vẫn đang nghĩ tới công việc. Và vì vậy, chúng ta không biết rõ hương vị ẩm thực, quá trình nhai nuốt cũng thế mà không khoa học, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Hoặc một cậu bé chơi điện tử cứ chỉ đắm mình vào màn hình máy tính, vô thức bấm, la hét,... rồi đến khi về nhà, tay chân rã rời, đầu óc mụ mị, tinh thần rệu rã mệt mỏi... Nguyên nhân là vì cậu ấy không có sự hiện diện với chính mình: từ cảm xúc, thân thể, suy nghĩ,... đến những gì đang diễn ra xung quanh: thời gian, gia đình, việc học,... Khi không có sự hiện diện, chúng ta thường làm mọi thứ một cách vô thức, từ đó gây hại cho mình và người.
Điều này khiến tôi liên tưởng đến những người có tánh dễ nóng giận. Khi gặp một điều kiện bất lợi như bị la mắng, do thái độ không quan sát sự nóng giận đang sinh khởi lên, mà họ vô thức phản ứng như cãi lại, to tiếng, thậm chí có thể dẫn đến đánh nhau. Như vậy, khi không sáng suốt biết mình, ta sẽ dễ dàng để trạng thái khởi bên trong dẫn ta đi lúc nào không hay. Từ đó gây ra hại cho mình và cho người. Nhưng nếu trong trường hợp bị mắng, họ có thái độ bình tĩnh để quan sát lại mình. Họ liền thấy sự nóng giận khởi lên, rồi dần dần nguội đi, cho đến khi diệt hẳn.
Một thái độ sáng suốt biết mình chính là "present" (hiện diện) như Eckhart Tolle đã nói, hay chánh niệm - tỉnh giác như bên nhà Phật vẫn thường thực hành. Nguyên lý thực hành sự sáng suốt biết mình này chính là không chối bỏ, và không đắm chìm vào trạng thái mà cần có mặt trong sáng (không phán xét) để biết chu trình sinh - diệt của trạng thái ấy. Nhưng nếu ta không quan sát chu trình trạng thái này, ta sẽ dễ bị cuốn vào và gây ra các hành vi sai lầm.
Vì thế, có thể nói ngắn gọn rằng, các trạng thái đến là để ta nhận diện và có mặt trong sáng với nó. Bằng thái độ này, ta sẽ không bị đồng hóa vào trạng thái. Và vì không bị đồng hóa vào trạng thái nên hành vi của chúng ta vẫn đảm bảo sự đúng đắn về mặt đạo và đức. Chính sự sáng suốt biết mình trong mọi hoàn cảnh này khiến mỗi người cân bằng đời sống nội tâm của họ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.