Trong lĩnh vực vật lý lẫn đời sống, chúng ta đã quen thuộc với quy tắc "cùng dấu đẩy nhau, trái dấu hút nhau". Nhưng trong tình cảm, cụ thể là tình yêu đôi lứa, liệu điều này có thực sự đúng? Trong các mối quan hệ bạn bè, bạn đang gắn bó với những người có nhiều điểm tương đồng hay hoàn toàn khác mình?
Chúng ta dễ dàng bắt gặp những cặp bạn thân "trái dấu" khi một người hướng nội chơi với một người hướng ngoại, một cậu bạn mọt sách lại kết thân với một anh chàng nghịch ngợm hay bày trò... Về khía cạnh tình yêu, cũng có nhiều trường hợp hai người tới với nhau khi hai "cái nết" khác xa nhau.
Tâm lý học gọi những sự "bắt cặp mà không bất cập" này là sự thu hút trái chiều (opposites attract). Theo bà Amira Martin - chuyên gia trị liệu, giáo sư tại Trường Công tác Xã hội thuộc Đại học Columbia (Hoa Kỳ), sự thu hút trái chiều vốn được mặc định mang ý nghĩa rằng những người có tính cách, sở thích và hoàn cảnh sống khác nhau có xu hướng cuốn hút nhau.
Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý khao khát tiếp cận và khám phá những điểm mạnh hoặc phẩm chất mà mỗi cá nhân tự thấy mình còn thiếu hoặc yếu kém. Cùng lúc đó, đối phương lại thể hiện ra một cách mạnh mẽ, dẫn đến việc chúng ta tò mò muốn kết thân và gắn bó với những người "không cùng pha" với mình (1).
Vậy nhưng, các nghiên cứu về tâm lý tình yêu đều chỉ ra rằng hiện tượng "trái dấu hút nhau" chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, các mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp bền vững lại xuất phát từ những cặp bài trùng có nhiều điểm chung. Chúng ta vốn thích giao lưu với những người tương đồng với mình vì điều đó tạo cho ta cảm giác thoải mái, thân thuộc và an toàn.
Hay nói cách khác, trong tương tác, tình cảm lứa đôi và thậm chí là tình dục, trái dấu không hút nhau (2), (3), (4).
Một nghiên cứu đã được tiến hành vào năm 1985 của Lewak, Wakefield và Briggs cho thấy rằng những người tham gia thử nghiệm bị thu hút bởi những người có trí thông minh tương tự họ (5). Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi một số người chậm "tiêu hóa" các chủ đề đòi hỏi tư duy phức tạp có thể sẽ không hứng thú hoặc không thích nói về những chủ đề đó, trong khi những người có đam mê phát triển tri thức lại muốn thảo luận ý tưởng của họ với những người có cùng mức độ tò mò và quan tâm.
Thậm chí, ở chiều ngược lại, người có xu hướng tư duy đơn giản cũng dễ thấy khó chịu khi "nửa kia" không quan tâm cùng chủ đề với mình và có cảm giác họ đang... suy nghĩ trên mây trên gió. Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ bài hát Flowers của Miley Cyrus đã được lan truyền và yêu thích bởi cư dân mạng vào đầu năm 2023. Trong câu "say things you don't understand", nữ ca sĩ đã chia sẻ rằng khi cô có thể tự nói những chuyện mà người cũ không thể hiểu được.
Điều này cũng không hẳn là một lời kết luận rằng ai thông minh hơn ai, mà chỉ cho thấy một thực tế là khi không có tương hợp về trí tuệ và giao tiếp, hai người khó có thể chung đôi lâu bền.
Có hai khía cạnh mà chúng ta cần cân nhắc:
1. Với mối quan hệ xã hội
Vào năm 2004, một nhóm năm nhà tâm lý học gồm Nangle, Erdley, Zeff, Stanchfield và Gold đã tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của sự tương đồng trong các mối quan hệ không phải quan hệ yêu đương, bao gồm tình bạn và tình thân (6). Kết quả cho thấy rằng đối tượng nghiên cứu sẽ dành thời gian giao lưu với những người có đặc điểm tính cách giống họ. Chẳng hạn, nếu một người sống có mục tiêu và làm việc chăm chỉ, thì nhiều khả năng sẽ bị thu hút bởi những người bạn tương tự như vậy (6).
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xu hướng này không chỉ xoay quanh sự hòa hợp trong tính cách. Nhà tâm lý học Donn Byrne và các cộng sự của ông đã thực hiện hai nghiên cứu, một vào năm 1968 và một vào năm 1971, chứng minh rằng chúng ta thường bị thu hút bởi những người giống mình, từ xu hướng tính cách đến những yếu tố như quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo và thái độ sống (7), (8).
Để duy trì được những mối quan hệ bạn bè hoặc đồng nghiệp lâu bền, chúng ta không nên áp dụng quy tắc "trái dấu hút nhau".
Việc những người có nhiều khác biệt kết giao cũng không có gì là sai, nhưng chúng ta cần cân nhắc rằng một bên, hoặc thậm chí là cả đôi bên, sẽ phải thỏa hiệp nhiều để duy trì mối quan hệ. Đây có thể trở thành cơ sở của một mối quan hệ kém lành mạnh. Sự thật là những người bạn thân sẽ có nhiều điểm chung với bạn hơn, trong khi những mối quan hệ không thành hoặc những người bạn cũ thường có ít điểm chung hơn, ít phù hợp với bạn hơn (6).
Tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt lưu ý rằng việc kết luận hợp-không hợp cần phải tới từ nhận định của người trong cuộc để xác định rõ bản thân. Tính cách con người là một "khái niệm" phức tạp, nên việc quy kết tính cách của người khác có thể chỉ là suy đoán, giả định.
Chẳng hạn, nếu nhìn thoáng qua, chúng ta có thể thắc mắc về lý do mà một người phụ huynh nghiêm túc có thể chơi thân với một người vô cùng tự do và phóng khoáng. Tuy nhiên, khi biết nhiều hơn về họ, chúng ta có thể thấy rằng hai người này đã làm bạn từ thuở nhỏ và đồng cam cộng khổ với nhau và giữa họ có sự tương đồng lớn hơn chúng ta tưởng.
Chính vì lẽ đó, chúng ta cần cẩn trọng trước khi "dán nhãn" cho người khác. Vì theo nguyên tắc "cùng dấu hút nhau" như đã phân tích ở trên, biết đâu chúng ta lại có nguy cơ thu hút những người hay đi dán nhãn và cùng tạo nên những mối quan hệ độc hại.
2. Với mối quan hệ lứa đôi
Cũng như vậy, trong quan hệ yêu đương, chúng ta dễ bị hấp dẫn và có xu hướng ổn định lâu dài với những người có cùng kiểu tính cách với mình (9), (10), (11).
Để giải thích cho những nhận định này, các nhà khoa học cho rằng khi bạn càng khác biệt với nửa kia, các bạn càng phải nỗ lực và giao tiếp nhiều hơn để có một mối quan hệ tốt đẹp. Nếu cả hai bạn đều luôn duy trì được sự cởi mở và kiên trì vượt qua những khác biệt, các bạn vẫn có thể xây dựng một mối quan hệ tuyệt vời như ý, khi những điểm khác biệt của hai bạn bổ khuyết cho nhau. Tuy nhiên, khi hai bạn chia sẻ nhiều điểm tương đồng với nhau, các bạn sẽ dễ thông cảm cho những khuyết điểm của đối phương và nhìn nhận những mặt tốt của họ một cách vị tha hơn (10), (11).
Hay chính xác hơn, khi hợp nhau và có chung tiếng nói, hạnh phúc ổn định có thể tới một cách "tự nhiên" hơn.
Thế giới có hơn 8 tỷ người và bạn luôn có thể tìm thấy những người có nhiều điểm tương đồng về quan điểm sống, tính cách và sở thích để kết giao. LeLa Journal và người viết gợi ý 3 mẹo dưới đây giúp độc giả thu hút những "điện tích tinh thần" giúp gia tăng hạnh phúc:
1. Nhìn vào những điểm tương đồng bên trong tâm hồn của mình và đối phương: Mỗi cá nhân sẽ có một hoàn cảnh sống, trình độ học vấn, khả năng tài chính và diện mạo khác nhau, song giá trị cốt lõi tạo nên sự kết nối giữa người và người nằm ở nội tâm và nhận thức của từng cá nhân (8). Thay vì quan tâm đến những biểu hiện bề nổi, hãy nhìn nhận một cách khách quan xem đối phương có theo đuổi chung lý tưởng sống, định hướng tương lai, nhân sinh quan với bạn hay không.
Chính điều này sẽ giúp các bạn tránh được những mâu thuẫn trong mối quan hệ và cùng nhìn về một phía để vun đắp cho tình bạn hoặc tình yêu thêm thăng hoa.
2. Chủ động kết nối đến những cộng đồng có nhiều điểm chung với mình: Hãy thử kết nối theo hình thức bắc cầu. Chẳng hạn, nếu bạn có sở thích đọc sách và nuôi mèo, hãy thử tham gia các nhóm đánh giá (review) sách, tại các nhóm này, sẽ có những người bạn cùng thích chăm mèo như bạn, hoặc thậm chí là cùng thích đọc sách về mèo. Việc kết bạn và tạo dựng các mối quan hệ "cùng dấu" thường bắt đầu một cách tự nhiên như thế.
3. "Sàng lọc" để chọn ra những mối quan hệ chất lượng: Guồng quay cuộc sống và sự lên ngôi của mạng xã hội khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi để duy trì các mối quan hệ đã và đang có. Dù chúng ta có xu hướng kết giao với những người có điểm chung với mình, bạn cũng cần tỉnh táo lựa chọn những mối quan hệ chân tình với sự vun đắp từ hai bên, từ đó mới đầu tư thời gian và tâm huyết của bản thân.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.