Trà đang dần trở thành món thức uống được nhiều người ở mọi độ tuổi yêu thích. Trà không chỉ còn là trà xanh truyền thống mà trở nên phong phú với các loại trà hoa cúc, trà hoa hồng, trà hoa sen hay trà dưỡng nhan (kết hợp giữa câu kỷ tử và các loại hoa)... Hôm nay, hãy cùng LeLa tìm hiểu về trà hoa đậu biếc đặc trưng với màu nước xanh biếc lạ mắt.
Hoa đậu biếc còn được gọi với tên khác là hoa đậu bếp, hoa đậu tím hay bông biếc, có tên khoa học là Clitoria ternatea, một loại cây được biết đến với màu xanh sáng đặc trưng.
Trà hoa đậu biếc được làm từ những cánh hoa phơi khô, hãm với nước sôi tạo ra một loại trà với màu sắc đẹp mắt, hương thơm nhẹ dễ chịu mà lại có nhiều công dụng cho sức khỏe. Màu sắc của trà có thể trải đều từ trắng đến xanh biếc, phụ thuộc vào nồng độ pH trong trà. Do vậy, chúng ta có thể điều chỉnh màu sắc của trà bằng cách lựa chọn nguyên liệu pha chung như chanh, gừng...
Các gốc tự do được tạo ra trong cơ thể chúng ta bởi một số hệ thống. Sự cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa là một vấn đề quan trọng trong duy trì chức năng sinh lý của các bộ phận cơ thể. Nếu hàm lượng các gốc tự do quá lớn, sẽ gây ra hiện tượng stress oxy hóa khiến suy giảm sức khỏe và xuất hiện nhiều bệnh chứng nghiêm trọng (1).
Chất chống oxy hóa là những hợp chất có lợi, giúp loại bỏ các gốc tự do gây áp lực. Oxy hóa là nguyên nhân của lão hóa và một số bệnh lý nhất định như các bệnh tim mạch và thần kinh, ung thư và tiểu đường (2).
Ngoài ra, uống trà đậu biếc sau bữa ăn nhiều cũng giúp hỗ trợ điều trị thừa cân béo phì, giúp cơ thể nhẹ nhàng và thon gọn hơn (3).
Thông qua khả năng cải thiện huyết áp và cholesterol, trà hoa đậu biếc có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Không chỉ vậy, chiết xuất từ hoa đậu biếc có thể giúp giãn mạch, tức là mở rộng mạch máu để máu lưu thông dễ dàng hơn, làm giảm áp lực lên thành mạch máu (huyết áp) (4).
Không chỉ vậy, hoa đậu biếc còn ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông, những cục máu đông này chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ (5).
Như vậy, với những người gặp vấn đề về tim mạch có thể sử dụng trà đậu biếc hàng ngày, hương trà dịu nhẹ vừa giúp giải tỏa căng thẳng, tinh thần thư giãn, vừa giúp ích cho quá trình điều trị bệnh.
Các hợp chất chống oxy hóa trong trà hoa đậu biếc giúp loại bỏ các gốc tự do khiến cho quá trình lão hóa chậm hơn, tăng sinh collagen khiến làn da luôn được sinh mới, căng tràn và tươi trẻ.
Vì trà được làm từ hoa của cây đậu biếc chứ không phải cây Camellia sinensis (nguồn cung cấp caffeine trong trà đen) nên trà hoa đậu biếc hoàn toàn không có caffeine (6).
Trà hoa đậu biếc đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung và các nhóm chức năng điều hành ngôn ngữ, hành vi (7). Do vậy thường xuyên uống trà hoa đậu biếc cũng góp phần giúp ngăn ngừa chứng Alzheimer ở người lớn tuổi, tăng trí nhớ và khả năng tập trung ở người trẻ.
Bước 1: Đun sôi nước
Nước sử dụng để pha trà càng ngon thì hương vị trà càng đậm đà. Trong phim ảnh, chúng ta thường thấy những chuyên gia pha trà sử dụng nước suối hay những loại nước tinh khiết nhất. Nếu không có điều kiện như vậy, bạn có thể lựa chọn nước lọc, đun sôi 100°C.
Bước 2: Làm ấm ấm trà
Đổ một ít nước nóng vào ấm, xoay tròn nhẹ khoảng 5 giây để làm ấm ấm, sau đó đổ bỏ nước. Điều này giúp trà không nguội nhanh khi đang pha. Ngoài ra, việc làm ấm ấm trà trước khi pha cũng giúp trà thơm ngon hơn.
Bước 3: Pha trà
Bạn hãy cho trà hoa đậu biếc vào ấm, thêm nước nóng và ủ trà trong khoảng 5 phút. Thời gian ủ lâu hơn sẽ khiến hương vị trà bị nồng và vị đắng.
Bước 4: Rót trà
Sau bước ủ trà, bạn hãy rót trà ra ly và nhớ lọc bỏ cánh hoa đậu biếc. Bạn có thể điều chỉnh màu sắc trà bằng cách cho một vài giọt chanh để tạo hiệu ứng chuyển màu đẹp mắt.
Bước 5: Thưởng trà
Vị của trà hoa đậu biếc thường khá nhạt, vì thế để tăng hương vị, bạn có thể thêm một chút mật ong hay siro.
Bước 1: Bạn có thể sử dụng bình ủ lạnh hoặc bình thủy tinh bình thường. Sử dụng nước nguội hoặc nước ở nhiệt độ phòng.
Bước 2: Ủ lạnh
Cho hoa đậu biếc vào bình và giữ trong ngăn mát của tủ lạnh ít nhất 6 giờ. Nếu muốn trà đậm đà hơn, bạn có thể ủ lâu hơn nhưng chỉ nên tối đa 24 giờ.
Bước 3: Rót trà
Lọc bỏ hoa đậu biếc, rót trà ra cốc và có thể thêm đá tùy ý thích. Để tăng vị ngọt cho trà, bạn nên dùng siro vì siro ở dạng lỏng và dễ tan hơn. Bạn có thể làm siro đường tại nhà khá đơn giản bằng cách trộn đường và nước nóng theo tỷ lệ 1:1 và khuấy đều cho đến khi đường tan.
Bước 4: Thưởng trà
Bạn có thể uống trà trực tiếp hoặc pha thêm mật ong, chanh để tăng hương vị và tạo hiệu ứng chuyển màu.
Cũng như những loại trà thảo mộc khác, trà hoa đậu biếc rất hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong những trường hợp phụ nữ có thai, có bệnh mãn tính hay đang điều trị bệnh... chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an