Trong thời đại của những thiết bị công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone), sự tiện lợi cũng đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần, trong đó có một số chứng "ám ảnh sợ hãi" (phobia).
Bên cạnh hội chứng nomophobia đã được giới thiệu trong bài trước, LeLa Journal sẽ tiếp tục điểm qua những nỗi sợ lớn nhỏ của dân công sở khi dùng smartphone.
Người lao động hiện đại đã quen với áp lực chạy deadline, trao đổi với đối tác và khách hàng, phản hồi liên tục trên các nhóm chat... Điều này khiến cho những chiếc smartphone luôn trong tình trạng hoạt động liên tục. Từ đó, người lao động thường phải để mắt đến điện thoại mọi lúc mọi nơi, dù là khi đang ở nhà ngày cuối tuần hoặc tận hưởng kỳ nghỉ lễ…
Đây cũng chính là nguyên nhân của chứng "sợ tắt máy" (fear-of-switching-off – FOSO), tức là sự khó chịu hoặc bất an khi chúng ta phải ngắt kết nối với các thiết bị di động, chủ yếu là smartphone và laptop (1).
Nhìn chung, FOSO chưa phải một thuật ngữ chính thức được các khoa học gia lẫn nghiên cứu gia công nhận và sử dụng. Tuy nhiên, về bản chất, chúng ta có thể thấy FOSO là một dạng "sợ bỏ lỡ thông tin" (FOMO) – xét trong hoàn cảnh con người phải xử lý email, nhận thông báo, phản hồi tin nhắn… quá nhiều.
Đặc biệt, FOSO đang ngày càng gia tăng do mật độ phủ sóng dày đặc của smartphone và các thiết bị công nghệ. Theo ước tính, 61% số người trên thế giới sở hữu ít nhất một thiết bị thông minh (2). Một khảo sát gần đây được Priority Pass tiến hành với 8.500 khách thể tại 11 quốc gia đã thống kê được rằng: Cứ 3 người thì lại có 1 người mắc chứng sợ tắt máy – FOSO (3).
Hội chứng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như tình trạng lạm dụng công nghệ trong công việc, thiếu khả năng cân bằng giữa công việc và đời sống riêng... Song, điều quan trọng nhất có lẽ là áp lực từ tiến độ công việc. Hậu quả là người lao động dễ rơi vào trạng thái thấp thỏm lo âu khi phải rời xa các thiết bị công nghệ, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tận hưởng cuộc sống trọn vẹn (1), (4).
Trước thực trạng đó, chắc hẳn vài người trong chúng ta sẽ nảy sinh suy nghĩ rằng mình có thể tìm tới công việc ít áp lực hơn. Song, thực tế lại không đơn giản như vậy. Nhiều người lao động hiện nay lại đang phải đối mặt với một nỗi sợ FOSO khác, mang tên sợ phải làm lại từ đầu (fear-of-starting-over – FOSO) (5). Khi thay đổi công việc, bạn thường phải đối mặt với một số thách thức nhất định, như là uy tín sụt giảm, không tích lũy được danh tiếng tương xứng với công sức đã bỏ ra… Do đó, nhiều người lao động không muốn "nhảy việc".
Cùng là FOSO, nỗi sợ tắt máy và sợ làm lại từ đầu đã kìm hãm sự phát triển của nhiều người.
Nhiều ý kiến cho rằng ngày càng có nhiều bạn Gen Z gặp phải chứng "sợ nghe máy" ("call-phobia" hay "telephobia"), với một số biểu hiện như lo âu, tim đập nhanh, đổ mồ hôi... Tuy nhiên, đây không chỉ là một nỗi sợ của riêng Gen Z.
Gen Y – cũng là Millennials – thế hệ được tiếp xúc với điện thoại truyền thống cũng có nỗi sợ này, phần lớn liên quan tới khía cạnh công việc và sự nghiệp (6). Vào năm 2022, nhóm nghiên cứu địa phương Embrain tại Hàn Quốc đã tiến hành một khảo sát đối với 1.000 khách thể. Kết quả cho thấy rằng số người chịu áp lực tinh thần trước khi trả lời điện thoại chiếm tỷ lệ cao nhất trong độ tuổi 20 – 29 (43,6%), theo sau đó là nhóm tuổi 30 – 39 (36,4%), trong khi nhóm tuổi 40 – 49 và 50 – 59 đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều (lần lượt là 29,2% và 19,6%) (7).
Tại Anh Quốc, năm 2019, một khảo sát dành cho dân công sở thuộc mọi lứa tuổi cho thấy rằng 76% Gen Y cảm thấy lo lắng khi nghe tiếng chuông điện thoại và có tới 61% Gen Y tìm cách tránh né việc nghe máy (8). Chẳng hạn, hành vi trốn tránh dễ bắt gặp nhất hiện nay là cúp máy để chuyển sang nhắn tin.
Để lý giải cho hiện tượng này, các nhà tâm lý học cho hay rằng sự phát triển của các thiết bị điện tử hiện đại đã khiến con người có thêm lựa chọn nhắn tin. Những người càng dễ mắc chứng lo âu càng có xu hướng thích nhắn tin hơn, bởi họ có thêm thời gian để suy nghĩ về nội dung tin nhắn.
Nói cách khác, những người mắc chứng call-phobia cảm thấy tự tin hơn khi nhắn tin vì họ sợ bị từ chối (rejection) hoặc không được chấp thuận (disapproval) (9). Tại các quốc gia châu Á, nhiều người trẻ thường xuyên e sợ rằng mình sẽ "phạm lỗi" trong khi nói chuyện qua điện thoại, nhất là trao đổi với người lớn tuổi hơn. Do đó, nhắn tin, gửi email hoặc "không liên lạc được"... là những phương thức phòng vệ phổ biến ở người lao động trẻ tuổi (7).
Đặc biệt, hiện tượng lừa đảo qua điện thoại (phone scam) không ngừng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Ngày càng có nhiều người từ chối nghe điện thoại để tránh tiền mất – tật mang. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta mắc call-phobia (10).
Thời nay, bước vào một công ty mới đồng nghĩa với việc bạn sẽ được tham gia vào hằng hà sa số những nhóm chat thuộc đủ mọi quy mô: nhóm chuyên môn, nhóm theo dự án, nhóm cấp phòng, nhóm cấp chi nhánh, nhóm "ăn chơi"… Ban đầu các nhóm chat trên các không gian mạng vốn được lập ra để mọi người trao đổi, cập nhật thông tin và tiến độ công việc.
Thế nhưng, dần dà, các nhóm chat đang trở thành "nỗi ám ảnh" của dân công sở. Nhiều nhóm chat hiện nay chỉ phục vụ mục đích "tám chuyện" cho vui, bàn kế hoạch ăn gì, chơi chi… (11). Thậm chí, có những nhóm chat được lập ra với mục đích vô cùng chính đáng, như là tổ chức sinh nhật bí mật cho sếp, rồi tới khi bữa tiệc đã kết thúc, nhóm chat lại trở thành nơi để nhân viên tiếp tục trò chuyện.
Những thông báo (notification) từ… "ngàn lẻ một" nhóm chat này sẽ nhảy liên tục trên màn hình, khiến nhiều người cảm thấy bị "ngợp". Các nhà tâm lý học cho biết rằng tình trạng này khiến nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng quá tải tri giác (sensory overload) (12).
Các nhóm chat được thiết kế theo hướng khích lệ người dùng tham gia vào cuộc trò chuyện liên tục và thường xuyên (12). Một lần nữa, chúng ta lại rơi vào vùng trũng của tình trạng FOMO và FOSO.
Bên cạnh đó, khi đã quá bận rộn với deadline và những cuộc họp, dân công sở không khỏi thấy thêm mệt khi phải tiếp chuyện "trời ơi đất hỡi" ngoài giờ hành chính. Vậy nên, không ít người lựa chọn… tắt thông báo sau giờ làm, với phương châm là "cần gấp thì gọi điện, nếu không thì… để mai tính".
Có trong tay một chiếc smartphone đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần... 7749 mật khẩu. Đã vậy, một số trang, nền tảng còn yêu cầu bạn phải đổi mật khẩu định kỳ để đảm bảo an toàn. Kết quả là mỗi người chúng ta phải lưu nhiều mật khẩu và cập nhật chúng thường xuyên.
Điều này dần khiến dân công sở mắc phải trạng thái tâm lý mệt mỏi vì mật khẩu (password fatigue) khi phải lưu trữ quá nhiều mật khẩu và thông tin bảo mật, không chỉ của bản thân mà còn là của các tài khoản công ty (13).
Hiện tại, nhiều người thiết lập sao cho điện thoại ghi nhớ các mật khẩu giúp mình. Tuy nhiên, sự tiện lợi này lại làm những dân công sở "não cá vàng" rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi mất smartphone hoặc máy bị sập nguồn (14).
Vậy còn bạn thì sao? Bạn có đang mắc phải nỗi ám ảnh nào liên quan đến smartphone tại nơi làm việc không?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?