Vừa muốn gặp gỡ, trò chuyện cùng bạn bè nhưng cùng lúc đó, cũng muốn "huỷ kèo" để nằm ườn ở nhà, đây là tình huống dằn vặt mà tôi phải trải qua mỗi ngày.
Nghe, đọc và trải qua nhiều mối quan hệ bạn bè gắn bó, tôi không nghi ngờ những điều tốt đẹp mà tình bạn mang lại. Lời mọi người thúc giục bên tai mỗi ngày về việc mở lòng, đón nhận những mối quan hệ mới càng khiến tôi thêm rối bời.
Một nửa mong muốn được kết nối, vui chơi với bạn bè, một nửa khao khát được chui vào "vỏ ốc" riêng tư, dễ chịu; sự giằng co giữa hai thái cực đối nghịch này là điều tôi phải đối mặt mỗi ngày.
Đừng vội nghĩ một người hướng nội sẽ không thích vui vầy bên bạn bè. Nhà xã hội học Kasley Killam khẳng định rằng bất kỳ ai, kể cả người hướng ngoại hay hướng nội đều có nhu cầu được kết nối. "Không phải người hướng nội không cần những mối quan hệ xã hội. Thế nhưng, họ cần những mối quan hệ với kiểu kết nối và mức độ kết nối khác hơn" - ông nói.
Người hướng nội thích có nhóm bạn nhỏ với một vài người gắn bó, thân thiết hơn là lạc lõng giữa một nhóm bạn đông người. Họ có thể ngại ngùng và xa cách với người lạ nhưng hoàn toàn tự nhiên, thoải mái với bạn thân.
Điều mà một người hướng nội tìm kiếm ở các mối quan hệ là họ có thể gặp gỡ, giao lưu với người khác mà không phải cố "bóp méo" tính cách thật sự của mình hay khiến bản thân kiệt sức vì nỗ lực thay đổi và thích nghi (1).
Người hướng nội (Introvert) được các chuyên gia định nghĩa là người có suy nghĩ cường điệu về những hành vi thông thường của xã hội và kèm theo đó là khuynh hướng rút lui khỏi các mối quan hệ (2).
Marisa Franco, tác giả của cuốn sách "Platonic: How The Science of Attachment Can Help You Make - and Keep - Friends" miêu tả: "Đặc điểm chính của người hướng nội là họ thường bị đám đông rút cạn năng lượng và cần thời gian để phục hồi". Do đó, những người hướng nội thích dành năng lượng của họ cho những người thân thiết, trong khi người hướng ngoại lại cảm thấy như được "sạc pin" nếu gặp gỡ với nhiều người mới.
Mọi người thường đưa ra lời khuyên hãy tập cởi mở và ra ngoài giao kết với những bạn bè mới. Đáp án này khiến tôi và không ít người hướng nội khác cảm thấy chùn chân. May mắn là vẫn còn phương cách khác như sau giúp một người hướng nội không nhất thiết phải trở thành hướng ngoại mới có được những tình bạn lành mạnh:
Chủ động chọn hoạt động có thể tham gia
Nếu bạn không thích những buổi đi chơi tự phát hay các kế hoạch được thực hiện một cách tuỳ hứng, vội vàng thì hãy chủ động lựa chọn một hoạt động phù hợp với mong muốn của mình.
Việc chủ động sẽ giúp bạn được ở trong môi trường bạn cảm thấy tự nhiên, được gặp gỡ và trò chuyện với những người cho bạn cảm giác thoải mái. Nếu kế hoạch bạn đề xuất bị huỷ bỏ, vậy thì bạn sẽ có khoảng thời gian được ở một mình. Dù kết quả như thế nào thì bạn cũng không phải là người "chịu thiệt".
Tìm kiếm sự thoải mái
Người hướng nội có xu hướng thích ở trong vùng thoải mái của riêng mình và dành nhiều thời gian cho những ai khiến họ cảm thấy tự nhiên khi ở cạnh. Nếu bạn là một người hướng nội và vẫn đang cố gắng mở rộng các mối quan hệ theo một cách dễ chịu nhất, hãy nhớ từ khoá dành cho bạn là "thoải mái". Khi muốn bắt đầu một kế hoạch nào đó, bạn nên trả lời câu hỏi "mình có thể làm gì một cách tự nhiên và dễ dàng nhất?".
Ngay cả những thú vui mang tính cá nhân như chạy bộ, viết, vẽ tranh, nấu nướng hay chụp ảnh cũng có những hội nhóm, chương trình nơi mọi người có thể giao lưu với nhau. Đặt mình vào bối cảnh mới với hoạt động bạn yêu thích sẽ là một khởi đầu dễ dàng hơn để làm quen và kết nối với mọi người. Có một hoạt động chung để làm sẽ giúp bạn có nhiều điểm tương đồng để trao đổi với mọi người, từ đó giảm bớt áp lực phải tìm chuyện để nói.
Không cần là trung tâm của đám đông
Không hẳn là một người cởi mở nhưng người hướng nội có khả năng khiến mọi người trở nên cởi mở. Họ là những người biết lắng nghe, biết đặt câu hỏi và thích xây dựng mối quan hệ trở nên bền chặt (3). Vì vậy, bạn không nhất thiết phải trở thành trung tâm của sự chú ý mới gặt hái được niềm vui và lợi ích từ việc kết bạn.
Hãy thấu hiểu chính mình và đừng cho rằng tính cách hướng nội là một trở ngại cho bạn trong việc kết giao. Hãy nghĩ đơn giản rằng mình có một phong cách kết nối khác với mọi người.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.