"Flexing" (khoe khéo) về một thành tựu đặc biệt của bản thân đang được xem như một cách thức để tránh áp lực đồng trang lứa (peer pressure), hay còn gọi là "thoát pressing". Tuy nhiên, cho dù có thể thoát áp lực đồng trang lứa, nhưng nhiều người vẫn không thể dừng so sánh bản thân với người khác, cũng như luôn tìm kiếm và so sánh những người đồng cảnh ngộ như một cách để tự trấn an. Vậy liệu chúng ta trốn thoát thành công khỏi mê cung hết "flex" rồi lại "press" này?
Flex (hay Flexing) là khoe khoang về tài sản, thu nhập hoặc các thành tích đáng tự hào khác. Còn press (pressing) là tạo áp lực lên người khác bằng sự khoe mẽ nói trên.
Tiếc thay, tâm lý học xã hội trả lời rằng không. Chúng ta có thể tránh được áp lực đồng trang lứa bằng việc tập trung hoàn thiện vào bản thân và từ chối tiếp thu nhận xét. Tuy nhiên, chúng ta không thể "thoát flexing", vì hành vi so sánh bản thân với người khác lại có liên quan đến một trong những động lực bẩm sinh của loài người - gắn kết xã hội và tự lượng giá bản thân dựa vào người khác.
Theo quan điểm tâm lý học xã hội hiện đại, con người không hoàn toàn phản ứng với tình huống lo âu theo cách "chiến hoặc biến" (fight or flight) nữa, mà dựa trên sự gắn kết/gắn bó xã hội. Điều này có nghĩa là chúng ta gắn kết với người khác bằng cách so sánh sự tương đồng của người đó với đối tượng gắn bó đầu đời của chính ta (attachment figure).
Đối tượng gắn bó đầu đời ở đây có thể là người thân, đồ vật, nơi chốn quen thuộc, thậm chí là đức tin… Khi đối tượng gắn bó không thể hiện diện trực tiếp với ta, con người sẽ có xu hướng tái lập sự liên hệ với đối tượng này một cách gián tiếp, hoặc tìm kiếm sự tương đồng ở người khác. Chính vì vậy, con người luôn có xu hướng gắn kết và so sánh với người khác. Trong tình huống lo âu hoặc khi muốn củng cố địa vị bản thân với tập thể mà họ thuộc về, chúng ta có xu hướng nương tựa vào người nào giống với đối tượng gắn bó đầu đời nhất.
Vậy nên, chúng ta có thể tránh được áp lực đồng trang lứa, nhưng ta không thể ngừng so sánh bản thân với người khác. Đây được xem như một dạng "gắn bó xã hội" trong tập thể, nhất là khi gặp mối đe dọa, củng cố cho quan điểm rằng con người là một giống loài có tính xã hội và sự gắn bó là tiền đề cho hành vi (1).
Sự gắn kết xã hội có thể được định nghĩa là "khao khát được đặt cạnh người khác" (1). Dự khoe mẽ (flexing) được xem là có tính gắn kết xã hội – cả về mặt hành vi lẫn xúc cảm – bởi vì các hành vi flexing thỏa mãn 3 tính chất sau:
Như vậy, theo tâm lý học xã hội, xu hướng đề cao các thành tựu (nhằm đạt được sự củng cố ngoài xã hội) – hay còn gọi là flexing theo cách hiểu của thời nay – cũng là một hình thức của thể hiện sự gắn kết xã hội (4). Việc khoe mẽ giúp những người cùng một tệp nhận diện được nhau và từ đó thu hút lẫn nhau, giúp đỡ nhau.
Theo các nhà tâm lý học xã hội như Hesti Firza Yuniar, hành vi "flexing" nhằm để biểu trưng địa vị xã hội và giúp bản thân người "khoe" trở nên nổi bật trong mắt người ngoài (5). Hiểu theo khía cạnh này, "pressing" – gây áp lực lên người khác – cũng là một cách để tự trấn an bản thân nhằm duy trì vị trí bản thân trong xã hội.
Thế nên, đối với người trẻ tuổi, "flexing" là một cách để nối kết xã hội. Chẳng hạn, chỉ sau khi "flex" về việc vừa săn được vé concert, bạn mới biết được ai cũng đi concert đó để lập hội cùng "đu idol".
Trong một thí nghiệm của Stanley Schachter vào năm 1959 về hành động sốc điện và chứng lo âu cao độ, người tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy "đỡ lo lắng hơn", nếu như họ được biết người khác cũng chung tình cảnh sắp bị sốc điện với họ (6). Khi được hỏi về việc lựa chọn giữa chờ đợi cơn sốc điện một mình hay đợi chung với người khác, những cá nhân lo âu cao độ có xu hướng gắn kết với người khác.
Kết quả này đã được lặp lại trong nhiều nghiên cứu khác như của Gerard & Rabbie (1961) (7), Sarnoff & Zimbardo (1961) (8), Zimbardo & Formica (1963) (9) và Darley & Aronson (1966) (10).
Trường hợp bị cô lập, hoặc rơi vào tình huống xa lạ, chúng ta có xu hướng tìm đến người khác dựa trên sự tương đồng về cảnh ngộ để so sánh với họ, từ đó chọn khoe mẽ để "flex" hoặc "press" người khác nhằm tự trấn an.
Người ta cũng thấy rằng con cả và con một có xu hướng gắn kết với người khác thông qua sự so sánh hoặc khoe mẽ (over-representation) khi gặp áp lực. Chúng ta có thể dự đoán rằng con cả có nhu cầu lớn về thành tựu và cảm giác gắn kết với thành tựu như một đối tượng gắn bó nhằm củng cố vị thế xã hội, tương tự như cách họ là độc tôn trong gia đình.
Schachter cũng nói rằng, càng lo âu, chúng ta càng có xu hướng gắn kết, so sánh với người khác.
Một vài học giả cho rằng mọi hành vi gắn kết xã hội (affiliative behavior) đều có thể được phân vào hai nhóm là tiếp cận hoặc tránh né (11), (12), (13). Hành vi tiếp cận là hành động hướng đến đối tượng bên ngoài một cách chủ đích, bao gồm, các hành vi mang tính điều tra, ăn uống, uống rượu, tình dục, chăm con, chăm sóc cơ thể, phản ứng phòng thủ hoặc gây hấn…
Trong khi đó, hành vi né tránh thể hiện xu hướng bảo toàn cái tôi, bảo toàn nguyên trạng cơ thể trước khi xảy ra kích thích, bao gồm các hành vi mang ý nghĩa thoái lui, thoát ly khỏi thực tại, chạy trốn kẻ thù... cho đến sự vô cảm trước sự kiện/kích thích bên ngoài.
Theo định nghĩa này, sự so sánh và khoe mẽ được xem như một hành vi hướng đến người khác (tiếp cận) để kết nối và so sánh bản thân với người khác nhằm củng cố địa vị xã hội, củng cố sự gắn bó của cá nhân đó trong một cộng đồng nhất định, hoặc để cảm thấy được trấn an khi cảm thấy bản thân tốt hơn đối tượng ta muốn so sánh, khoe khoang.
Trong tương tác "flex-press" này, có 3 điểm mà chúng ta cần lưu tâm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng con người có "động lực" tự lượng giá bản thân và so sánh với người khác (14), (15), đặc biệt là trong một số trường hợp như:
Schachter cho rằng việc lựa chọn người để gắn kết xã hội phụ thuộc vào đặc điểm tính cách của đối người mà đối tượng lo âu muốn hướng đến, và ông đã chỉ ra rằng con người có xu hướng tìm đến người có cùng cảnh ngộ, cùng trải nghiệm hoặc cùng trải qua lo âu tương tự.
Schachter cho hay rằng: "Người khốn khổ tìm tới người khốn khó để bầu bạn".
Nhiều nghiên cứu sau này đào sâu hơn vào xu hướng này. Chúng ta thường san sẻ lo âu với người lo âu ít hơn (để giải tỏa áp lực), hoặc với người đang lo âu cao độ (để trấn an bản thân rằng mình chưa đến mức nghiêm trọng) (16). Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, chúng ta thường thích "flex" với người xa lạ hơn là với chuyên gia trong cùng lĩnh vực (17).
Như vậy, có thể nói rằng, trong một môi trường mà danh tính cá nhân của bản thân và của người khác không được xác định rõ, chúng ta dễ hình thành nên nhu cầu về sự khoe mẽ. Còn trong trường hợp lo âu, chúng ta thường sẽ so sánh với người có cùng tình cảnh nhằm khẳng định vị thế của bản thân hoặc để trấn an bản thân.
Bên cạnh đó, các học giả cho rằng, chúng ta cảm thấy muốn khoe mẽ, muốn gắn kết với người khác vì hiểu được cảm xúc của họ là phù hợp với hoàn cảnh (felt appropriateness of an emotional response) (1). Khi nhận thấy phản ứng cảm xúc của bản thân không phù hợp hoàn cảnh, chúng ta sẽ chọn giấu đi cảm xúc, lo âu.
Con người vốn có xu hướng duy trì sự nhất quán. Điều này có nghĩa là kích thích sau khi nội hóa sẽ được diễn giải, đánh giá hoặc so sánh với bản đồ nhận thức sẵn có – nơi lưu trữ những biểu tượng tri giác được nội hóa – để dò tìm những khuôn khổ ý niệm sẵn có nhằm tìm ra cách phản ứng phù hợp với kích thích.
Khi sự bất nhất xảy ra, cơ chế phòng vệ của tâm trí là loại trừ yếu tố gây nên sự bất nhất và tìm cách quay lại trạng thái cân bằng nội tại ban đầu. Đó là lý do mà khi bị "pressing", chúng ta có xu hướng tiếp tục tranh cãi bằng việc "flexing" lại thành tựu của mình.
Để sự khoe mẽ hay "flexing" trở nên tích cực hơn, điều quan trọng là phải "khoe thật" (có bằng chứng), không cố gắng trá ngụy sự khoe mẽ dưới vẻ ngoài khiêm tốn (điều này khiến bạn trở nên không chân thật), và ghi nhận thành tựu của người khác khi họ khoe mẽ với bạn. Có như vậy thì sự so sánh xã hội mới có tính chất xây dựng và gắn kết.
Con người vốn là một sinh vật xã hội và sự hiện diện của người khác có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức xã hội của cá nhân. Thế nên, chúng ta luôn so sánh bản thân với người khác, luôn cần đến sự chứng kiến cũng như sự tham khảo từ người khác, bởi đó là cơ chế học tập bẩm sinh của chúng ta từ trước đến giờ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.