Nhiều người có sở thích nghe kể truyện buổi tối để giúp ngủ ngon, nhưng những câu chuyện có sẵn trong sách hay trên mạng đôi khi lại không phù hợp với sở thích của mỗi người. Vậy bạn đã thử tạo truyện kể bằng AI chưa? Ngày nay, với các ứng dụng AI, bạn có thể dễ dàng biến ý tưởng của bản thân thành câu chuyện hoàn chỉnh. Làm sao chúng ta có thể sử dụng AI để tạo ra câu chuyện riêng, giúp cá nhân hóa trải nghiệm đọc truyện buổi tối?
Những bài học thông qua truyện kể thường dễ nhớ hơn lý thuyết đơn thuần, bởi truyện kể luôn sinh động, kích thích trí tưởng tượng, truyền cảm hứng và có tính giải trí (1). Ví dụ tiêu biểu cho những truyện kể trước giờ đi ngủ chính là cổ tích, ngụ ngôn hay các bộ truyện kinh điển "Nghìn lẻ một đêm", truyện cổ Andersen...
Cho đến tận ngày nay, kể chuyện vẫn là phương thức truyền thông được nhiều nhà lãnh đạo yêu thích. Câu chuyện càng kịch tính càng khiến người nghe chú tâm và có động lực hành động hơn. Những hình ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho thấy rằng khi nghe kể chuyện, não bộ người nghe hình thành sự liên kết với thông tin về người kể chuyện, đồng thời giải phóng oxytocin - hormone gắn kết cảm xúc và mang lại cảm giác thư giãn (2).
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng đọc hoặc nghe truyện kể trước khi đi ngủ có thể giúp giảm các triệu chứng mất ngủ, đồng thời tạo ra giấc ngủ sâu cho cả trẻ em (3), người trẻ tuổi lẫn người già (4).
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người đọc sách trước khi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể so với những người không đọc (5). Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng những cuốn sách đầy kiến thức lý thú như khoa học, triết học, văn học kinh điển, truyện trinh thám… có thể không thích hợp để đọc vào giờ ngủ. Những câu chuyện được viết riêng cho mục đích ru ngủ thường nhẹ nhàng, đủ hấp dẫn để giúp người đọc tạm gác những lo lắng vào ban ngày, nhưng cũng đủ đơn giản để giúp họ thư giãn và dần chìm vào giấc ngủ.
Trên thế giới, những chương trình phát thanh (podcast) và ứng dụng truyện kể trước giờ đi ngủ như Calm đã đạt hàng trăm triệu lượt nghe (6). Những kênh YouTube đọc truyện đêm khuya tại Việt Nam cũng có thể sở hữu từ vài chục nghìn đến hàng triệu lượt nghe.
Đặc biệt, đối với trẻ em và các bậc phụ huynh, truyện thiếu nhi còn có tác dụng giáo dục trẻ và gắn kết gia đình. Một nghiên cứu năm 1982 tại Hoa Kỳ đã cho thấy những trẻ không được tiếp xúc với truyện kể từ bé thường có xu hướng gặp khó khăn khi đến tuổi đi học.
Những bé này thường khó nhận biết đồ vật xung quanh, gặp khó khăn trong việc diễn đạt và đọc hiểu. Ngược lại, những trẻ được nghe cha mẹ đọc truyện từ nhỏ thường có nhận thức tốt về thế giới xung quanh hơn. Không dừng lại ở việc đọc truyện, sự tham gia và cách cha mẹ truyền đạt câu chuyện cũng góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển của trẻ. Những trẻ được cha mẹ đặt các câu hỏi gợi mở phù hợp với khả năng tư duy của từng lứa tuổi và khuyến khích trẻ tự đúc kết ý nghĩa câu chuyện thường phát triển được khả năng lập luận tốt khi học lên các lớp cao hơn (7).
Tuy nhiên, cũng có lúc bạn tìm khắp các podcast, sách hoặc ứng dụng giải trí nhưng đều không thấy mẩu truyện nào có cốt truyện, phong cách hoặc thông điệp mong muốn. Thêm vào đó, nguồn truyện tiếng Việt trên mạng cũng không phong phú như truyện tiếng Anh. Do đó, các ứng dụng AI ra đời sẽ giúp độc giả giải quyết vấn đề này.
Nếu muốn kể chuyện cho các bé nghe, thay vì "duyệt" từng mẩu truyện trên mạng hoặc kể đi kể lại những câu chuyện cổ tích mà trẻ đã gần thuộc lòng, bạn có thể tạo ra câu chuyện hoàn toàn mới theo "yêu cầu" của trẻ, thông qua sử dụng ChatGPT hoặc những chatbot AI khác. Nếu muốn trẻ làm quen với tiếng Anh qua các truyện có hình minh họa, bạn có thể thử app SmartDreams.
Các hoạt động tạo truyện kể này có thể giúp trẻ làm quen với AI – một kỹ năng quan trọng trong thời đại hiện nay – đồng thời giúp khơi nguồn khả năng sáng tạo của các bé. Ví dụ, thay vì câu chuyện thông thường về công chúa Bạch Tuyết, trẻ có thể muốn nghe câu chuyện về "Bạch Tuyết đi lạc đến thế giới hiện đại khi đang chạy trốn hoàng hậu, phải học cách thích nghi với công nghệ nhưng vẫn may mắn gặp được những người bạn tốt".
Ở thời điểm hiện tại, văn phong của AI vẫn chưa thể mượt mà và có tính tượng hình như những tác phẩm của con người. Vì thế, phụ huynh không nên dùng AI thay sách để dạy trẻ kỹ năng đọc - viết. Thay vào đó, AI chỉ là công cụ giúp trẻ được hình thành cảm giác chủ động khi được tự sáng tạo câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình. Đồng thời, cha mẹ và trẻ còn có thể tương tác với AI để tiếp tục biên tập câu chuyện thành những phiên bản hoàn thiện hơn.
Chúng ta có thể tương tác với AI để tạo và sửa đổi câu chuyện theo ý muốn
Các bậc phụ huynh cũng có thể tận dụng AI để tạo ra những câu chuyện mang thông điệp giáo dục. Ví dụ như: "Kể câu chuyện thiếu nhi 200 từ, lấy bối cảnh một gia đình mèo, với thông điệp về sự lạc quan". Tuy nhiên, hầu hết các câu chuyện cần được biên tập lại để đảm bảo tính mạch lạc và văn phong tự nhiên, cũng như loại bỏ các yếu tố không phù hợp với trẻ nhỏ (như bạo lực, tình dục, phân biệt giới tính…). Nếu muốn tạo sách tranh cho trẻ, cha mẹ có thể dùng thêm các công cụ AI tạo ảnh như DALL-E 2, Mid Journey, Canva…
Người trưởng thành cũng có thể dùng AI để tạo ra những câu chuyện phù hợp với mong muốn của bản thân. Các "tác phẩm" của AI thường bị nhận xét là quá đơn giản và ngô nghê để làm hài lòng một số độc giả trưởng thành, song bạn vẫn có thể tận dụng AI theo một cách khác. Một trong những lý do khiến ứng dụng Calm nổi tiếng chính là nhờ sự góp giọng của nhiều ngôi sao Hollywood trong các chương trình đọc truyện. Với các ứng dụng mô phỏng giọng đọc như Respeecher, Resemble.ai, Speechify…, bạn cũng có thể được "ru ngủ" bởi những ngôi sao yêu thích. Nếu không thích những câu chuyện do AI tạo ra, bạn có thể chọn những truyện ngắn đơn giản được viết bởi các nhà văn thực thụ.
Bạn hãy thận trọng khi dùng giọng thật của bản thân để đào tạo AI. Các ứng dụng mô phỏng giọng đọc được tạo ra để giúp người sáng tạo nội dung (content creator) hoặc KOL tiết kiệm thời gian tự thu âm sản phẩm, đồng thời giúp mọi người tự tạo ra các sản phẩm cá nhân để giải trí. Tuy nhiên, người dùng cần đọc kỹ chính sách quyền riêng tư của các app AI để biết rõ liệu họ có bảo mật dữ liệu bằng cách mã hóa (encrypt), hoặc có minh bạch về việc chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba hay không.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý tới vấn đề bản quyền. Ứng dụng Respeecher nêu rõ rằng người dùng không thể sử dụng giọng của một người khác để đào tạo AI khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người đó, kể cả người nổi tiếng (8). Một số ứng dụng khác có thể không đưa ra yêu cầu này, nhưng người dùng cũng không thể sử dụng các sản phẩm mô phỏng giọng đọc này cho mục đích thương mại.
Khi đưa ra yêu cầu tạo truyện, bạn cần tránh sử dụng tên thật của bản thân và gia đình, hoặc đưa vào đó những thông tin cá nhân như nơi ở, tình trạng sức khỏe, những chuyện riêng tư khác mà bạn không muốn chia sẻ với ai…
Dù có AI hỗ trợ hay không, trẻ vẫn luôn cần sự có mặt và hướng dẫn của cha mẹ. Thời gian đọc truyện cho trẻ cũng là cơ hội để cha mẹ thư giãn và gần gũi với con hơn. Như những kết quả nghiên cứu đã nêu bên trên, cách cha mẹ kể chuyện, đặt câu hỏi và khuyến khích trẻ tham gia vào diễn giải câu chuyện đều ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ (7). Đặc biệt với truyện kể AI, cha mẹ nên dành thời gian thảo luận với trẻ để đảm bảo con không ghi nhận các thông tin sai từ AI, ví dụ như những nội dung phi logic, phản khoa học hoặc sai lịch sử… Đồng thời, cha mẹ nên kiểm tra câu chuyện trước khi đọc cho trẻ và đảm bảo rằng mình đã loại bỏ các yếu tố độc hại mà AI vô tình cung cấp.
Ngoài ra, sách giấy là một nguồn học tập quan trọng của trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua. Bên cạnh những giờ phút sáng tạo và thỏa sức tưởng tượng với AI, trẻ cũng cần phát triển kỹ năng ngôn ngữ thông qua việc tiếp xúc với những cuốn sách được các nhà xuất bản và công ty sách biên soạn chỉn chu.
Yêu cầu của bạn có thể chỉ gồm một dòng, cũng có thể gồm cả đoạn văn dài. Yêu cầu càng chi tiết thì câu chuyện mà AI tạo ra càng đúng với mong muốn của bạn. Sau đây là một số điểm mà bạn nên đề cập:
Ngoài ra, tuỳ vào trí tưởng tượng và nhu cầu của bản thân, bạn có thể thêm vào các yếu tố như độ dài truyện, văn phong, cốt truyện cơ bản, thông điệp... thậm chí cả tính cách nhân vật, kết thúc truyện, một vài tình tiết mong muốn… Nếu có phong cách viết nào khiến bạn yêu thích, bạn cũng có thể sao chép một đoạn văn theo phong cách đó để làm mẫu cho AI học theo.
Sự phát triển của công nghệ cho phép ta trải nghiệm những điều quen thuộc theo cách hoàn toàn mới. Mong rằng bài viết này đã cung cấp các thông tin hữu ích để giúp những người ưa "truyện kể buổi tối" có thêm một phương pháp giúp bản thân (hoặc con cái) tận hưởng các câu chuyện, cũng như có giấc ngủ ngon hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an