Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi như hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của "người nổi tiếng" ở đa dạng các lĩnh vực. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi khoa học đã "mổ xẻ" khái niệm "người nổi tiếng" như thế nào và họ khác "người bình thường" ra sao chưa? Quan trọng hơn, làm sao để duy trì được sự nổi tiếng... bền vững? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu nhé.
Nhìn chung, chúng ta đã quen với việc định nghĩa người nổi tiếng là những cá nhân có tài năng xuất chúng tại một lĩnh vực nào đó hoặc tạo nên giá trị cho cuộc sống, từ đó, người sở hữu tài năng được một cộng đồng đủ lớn biết đến (1).
Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, khái niệm người nổi tiếng được mở rộng hơn, cởi mở hơn, khi không còn gói gọn khái niệm này trong phạm vi những vĩ nhân có đóng góp to lớn cho lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị và học thuật. Thay vào đó, công chúng hiện đại gần như đã mặc định rằng người nổi tiếng thường sẽ có liên quan tới lĩnh vực giải trí hoặc kinh doanh, như là ngôi sao (celebrity, hay viết tắt là "celeb") hoặc người của công chúng (public figure) (2), (3).
Đặc biệt, sự ra đời và phủ sóng mạnh mẽ của mạng xã hội không chỉ rút ngắn khoảng cách tương tác giữa người nổi tiếng với người hâm mộ, mà còn giúp những người sáng tạo nội dung dễ được chú ý và được định hình danh tính số (digital identity) cá nhân. Có thể nói, con đường trở thành người nổi tiếng chưa bao giờ trở nên thuận lợi như thế, vậy nhưng, khoan xét về chuyện được – mất, liệu "người nổi tiếng" có điều gì đặc biệt hơn người bình thường từ góc độ sinh học?
Trên thực tế, khi xét tới khái niệm người nổi tiếng, các nhà nghiên cứu có cách nhìn nhận khác giới truyền thông. Các học giả cho rằng từ góc độ quan hệ xã hội, người nổi tiếng có nhu cầu kết nối cao hơn so với những người bình thường. Do đó, họ sẽ ưu tiên dành trọn nguồn năng lượng có hạn của mình cho các hoạt động "vươn ra" đại chúng.
Khoa học cũng chứng minh rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa cảm giác thỏa mãn mà sự nổi tiếng đem lại cho một cá nhân và mức độ nổi tiếng – hay mức độ phủ sóng trong các mối quan hệ xã hội của người đó (4).
Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học thần kinh do Tiến sĩ Dianna Martinez đứng đầu, thuộc Đại học Columbia, đã tìm ra bằng chứng về sự liên quan giữa địa vị xã hội, sự hỗ trợ từ xã hội, với mật độ của thụ thể dopamine loại 2 (D2) và loại 3 (D3) trong thể vân (striatum) (4). Thể vân là một vùng trên não bộ có nhiệm vụ tạo nên cảm giác thỏa mãn và tiếp động lực cho con người nhờ sự sản sinh của dopamine. Nhóm nghiên cứu mời các tình nguyện viên đang trong trạng thái thể chất và tinh thần tích cực tham gia một buổi chụp não. Nhóm khách thể này xuất thân từ nhiều hoàn cảnh sống, địa vị xã hội và có năng lực tài chính khác nhau.
Kết quả chụp phát xạ positron (hay còn là PET) khi quan sát mức độ thụ thể D2 trong não đã cho thấy những điểm không tương đồng. Những khách thể có địa vị xã hội càng cao thì mức độ thụ thể D2 trên não họ càng dày đặc. Điều này gợi ý rằng những người nổi tiếng nhiều khả năng cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống nhiều biến động và thử thách của mình – đó là kết quả trực tiếp của việc có nhiều mục tiêu trong cuộc sống, để rồi dopamine phát huy tác dụng trong thể vân.
Điều này cũng phần nào chứng minh điều ngược lại: những người có mật độ thụ thể D2 cao, tức là có động lực tham gia nhiều hơn vào các tình huống xã hội, sẽ là những người đạt được nhiều thành tựu và có mức hỗ trợ xã hội cao hơn (5), (6). Do đó, họ có xu hướng muốn ở bên đám đông và tham gia nhiều hơn vào các tình huống tương tác xã hội, điều này cũng khiến họ hướng ngoại và thu hút hơn.
Nói cách khác, cấu trúc não của mỗi cá nhân và lượng dopamine chúng ta sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành các đặc biểm tính cách nhất định, đặc biệt là những đặc điểm có thiên hướng tương tác cao, như là sự tự tin, thường dẫn đến sự nổi tiếng.
Ngoài ra, người nổi tiếng nhìn chung có một não bộ nhạy cảm hơn với các yếu tố xã hội trong môi trường sống. Nhà nghiên cứu Noam Zerubavel cùng nhóm cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu đối với 26 khách thể là sinh viên thuộc hai câu lạc bộ của trường Đại học Columbia, để đánh giá mức độ yêu mến của họ với các thành viên khác (7). Điểm số của mỗi cá nhân tham gia được tổng hợp lại. Kết quả cuối cùng là tiêu chí để xếp hạng tất cả các sinh viên theo mức độ yêu thích hoặc mức độ nổi tiếng.
Sau đó, các khách thể nằm vào máy quét não và được cho xem các bức ảnh chụp của bạn bè mình, cùng với một "khuôn mặt ảo" vốn được tổng hợp từ các đường nét của tất cả các gương mặt khác.
Các khách thể nhấn nút trên để đưa ra câu trả lời xem gương mặt họ đang nhìn là thật hay ảo. Kết quả cho thấy rằng: những sinh viên sở hữu mức độ nổi tiếng cao hơn có phản ứng nhạy cảm hơn, khi họ thấy hình ảnh của những người mà họ cho là cũng nổi tiếng như mình. Điều này cho thấy là những người nổi tiếng đồng cảm hơn và có nhận thức rõ rệt hơn về các mối quan hệ trong các nhóm xã hội.
Zerubaven kết luận rằng những người nổi tiếng vốn đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự nổi tiếng của người khác. Nhờ đó, họ sắp xếp, chọn lọc mối quan hệ với những người có địa vị cao hơn hoặc khả năng "lăng-xê" họ với cộng đồng mà họ muốn (8).
Các kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy xét từ góc độ sinh học, việc khao khát sự nổi tiếng là một trong nhiều biểu hiện của nhu cầu kết nối xã hội, trong đó các cá nhân muốn được cộng đồng của mình công nhận, như là nhu cầu sở thuộc hoặc lòng tự tôn trong Tháp Nhu cầu Maslow. Tuy nhiên, hiện tại, mạng xã hội đã phổ biến đến mức ai cũng có thể tạo nên trào lưu với hiệu ứng lan truyền (viral). Như vậy, chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận lại những giá trị tạo nên sự nổi tiếng bền vững, chứ không phải tai tiếng, như nhiều người vẫn lầm tưởng (9).
LeLa Journal cho rằng các cá nhân sẽ làm được điều này nếu họ có được 4 đặc điểm sau (9):
1. Tài năng thực thụ: Người nổi tiếng được xã hội công nhận trước hết vì những thế mạnh của họ trong những chuyên môn cụ thể, hay chính là tài năng của họ. Những tài năng ấy sẽ được rèn giũa và tỏa sáng cùng với tuổi đời và tuổi nghề để đem lại giá trị cho xã hội (10). Người nổi tiếng với tài năng thực thụ khó mà mất đi danh tiếng, dù cho truyền thông có thể lãng quên tên tuổi của họ.
2. Đạo đức: Đây là cái tâm đối với công việc mà mỗi người theo đuổi. Khi một người nổi tiếng làm tốt công việc chuyên môn của mình, đồng thời giữ được tác phong làm việc chuyên nghiệp, có sự tôn trọng đến các đồng môn và tổ chức mà mình gắn bó, người ấy chắc chắn sẽ luôn được cả người trong nghề và người hâm mộ quý mến và dõi theo (11).
Bên cạnh đó, không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, mà người nổi tiếng bền vững còn thể hiện được những giá trị đạo đức, luân lý.
Chẳng hạn, "ông trùm" Hollywood một thời là Harvey Weinstein từng dính vào bê bối, với hơn 80 phụ nữ đứng ra cáo buộc ông về tội quấy rối tình dục (12). Xét về phương diện nghề nghiệp, Weinstein từng là một người nổi tiếng thành công, nhưng bởi những vấn đề đạo đức luân lý mà sự nổi tiếng đó cũng lụi tàn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có hai trường hợp của Johnny Depp và Taylor Swift. Họ là những ngôi sao từng vấp phải làn sóng chỉ trích, nhưng nhờ vào việc cho thấy được những giá trị đạo đức, vẫn tiếp tục "quay lại" và giữ được sự nổi tiếng bền vững cho tới nay.
3. Lối sống không "scandal": Người nổi tiếng muốn giữ gìn danh tiếng thanh cao của mình cần có một đời sống riêng tư kín đáo, tránh thị phi. Nhờ đó, họ có thể tránh được "ánh mắt hiếu kỳ" của dư luận và tập trung vào việc phát triển tài năng, sự nghiệp cá nhân. Những hình thức đánh bóng tên tuổi bằng scandal để truyền thông "giật tít – câu view" chỉ giữ nhiệt một lúc chứ khó mang lại danh tiếng về lâu dài (13).
Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng đôi khi scandal cũng là những chuyện "hỡi ôi - từ trên trời rơi xuống", nhưng yếu tố này còn có liên quan tới các đặc điểm còn lại của người nổi tiếng.
4. Đóng góp cho xã hội: Sự nổi danh của cá nhân đến từ sự công nhận và yêu mến của xã hội, bởi vậy muốn giữ sự nổi tiếng mãi bền vững, người trong cuộc cần ý thức về việc quay trở lại dùng tài năng và các nguồn lực của bản thân để giúp ích cho xã hội thông qua các hoạt động vì cộng đồng (13).
Có lẽ nhiều người còn nhớ tới MV Nấu ăn cho em của ca sĩ Đen Vâu ft. PiaLinh với cam kết dành toàn bộ doanh thu cho các em ở vùng cao, hay nam ca sĩ Hà Anh Tuấn thực hiện dự án trồng rừng mang tên "Rừng Việt Nam".
Con người là động vật xã hội và việc kết nối xã hội là một nhu cầu chính đáng, dù bạn nổi tiếng hay không. Để giúp độc giả có được sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng của mình, LeLa Journal giới thiệu một số mẹo hữu ích dưới đây:
1. Tham gia các hoạt động xã hội: Những công việc thiện nguyện giúp đỡ người khó khăn, trẻ em mồ côi, bảo vệ môi trường... là các hình thức giúp gia tăng sự tương tác giữa cá nhân và tập thể. Khi đó, bạn có thể gặp những người có tấm lòng nhân hậu và nhiệt huyết với cuộc đời giống mình, đồng thời, các bạn cũng góp phần đem lại giá trị nhân văn cho xã hội.
2. Lan tỏa điều tích cực đến mạng lưới (network) của mình: Hạnh phúc cũng đóng vai trò như một trạm phát wi-fi tinh thần, vậy nên, để có kết nối bền vững với những người xung quanh, hãy thường xuyên làm những điều tốt đẹp cho họ, chắc chắn họ sẽ luôn muốn tìm đến bạn trong cuộc sống.
3. Theo đuổi sự nổi tiếng bền vững: Hãy tự tin khám phá những tài năng ẩn giấu của bản thân và để chúng góp ích cho đời. Sau đó, bạn có thể thực hành bốn điều như LeLa Journal giới thiệu ở trên. Bạn sẽ dần có được những kết nối xã hội trong cộng đồng những người chia sẻ chung chí hướng với bạn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.