Vì nhiều lý do như trao đổi công việc, kết nối gia đình, cập nhật thông tin.… nhiều người không thể dừng tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, song song với những lợi ích được đề cao ngay từ những ngày đầu sáng lập, giờ đây, sử dụng mạng xã hội đang có những tác hại tiêu cực đến người dùng, ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe tinh thần. Vì thế, chuẩn bị hành trang để bảo vệ bản thân khi tham gia mạng xã hội một cách lành mạnh là điều cần thiết.
Theo con số thống kê gần đây nhất của Statista, vào năm 2021 có hơn 4,26 tỷ người đang sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới, con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 6 tỷ vào năm 2027. Trung bình, người dùng Internet dành 144 phút mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin, nghĩa là đã tăng hơn nửa giờ kể từ năm 2015.
Ngay từ những ngày đầu thiết lập, mạng xã hội được cho là mang đến những thay đổi tích cực cho đời sống con người. Không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng sự kết nối, hay nắm bắt thông tin, mạng xã hội còn có khả năng khiến con người thấu hiểu hay trở nên đồng cảm hơn, kết nối thế giới theo những cách đặc biệt hơn. Ngược lại, nó cũng đi kèm với những mặt tiêu cực mà nhiều người dùng không để ý, trong đó phải kể đến tác động đáng kể đối với sức khỏe tinh thần người dùng. Một số triệu chứng có thể kể đến như sau:
Mạng xã hội ban đầu được thiết kế nhằm tiết kiệm thời gian tương tác trực tiếp, tuy nhiên, theo chiều dài lịch sử, nó lại khiến người dùng mất nhiều thời gian hơn dự kiến khi họ liên tục lướt mắt không ngừng để xem các thông tin hiển thị liên tục. Dần dần, người dùng càng dành nhiều thời gian trên mạng và ít tham gia vào cuộc sống thực, họ cũng trở nên cô lập hơn, ít tương tác trực tiếp và có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Các trang mạng xã hội được thiết kế mang tính cá nhân hóa nhằm tạo cảm giác ưa thích ở người dùng, từ đó dễ tạo tính gây nghiện. Lý giải khoa học cho rằng người dùng không biết trước mình sẽ thấy những nội dung gì khi chưa mở ứng dụng xã hội, nên kết quả tự phát từ các trang mạng có thể tạo ra cảm giác “trao thưởng” vì được thỏa mãn trí tò mò. Cảm giác này có được vì quá trình sự giải phóng dopamine - còn được biết đến như là một loại hormone tạo ra cảm giác dễ chịu - và khiến người dùng tiếp tục tìm kiếm cảm giác này nhiều hơn.
Fomo không còn là cảm giác xa lạ với những người trẻ. Đây là cảm giác lo lắng vì bị ngắt kết nối hoặc bị loại trừ nếu không được cập nhật liên tục. Biểu hiện của việc này là sự mất tập trung, thường xuyên kiểm tra thông báo, nó dễ dẫn đến khả năng lưu trữ và ghi nhớ kém hơn, cũng như tăng mức độ căng thẳng. Đặc biệt, cảm giác sợ bị bỏ lỡ khiến người dùng có cảm giác cô đơn, lo lắng hơn khi nhìn thấy các bài đăng vui vẻ, tích cực của người khác.
Phương tiện truyền thông xã hội còn được thiết kế như một công cụ giải trí, nên có thể tạo ra những kỳ vọng khác xa thực tế. Điều này dễ khiến người dùng có những ảo tưởng phi lý về cuộc sống của người khác, có thể là giới trẻ đối với thần tượng của chính họ. Việc theo đuổi những tiêu chuẩn phi thực tế này có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn mang đến cảm giác lo lắng thường trực, cảm giác mất gắn kết nếu không được kiểm tra tin nhắn hay thông báo từ các nền tảng mạng xã hội. Hoặc rõ nét hơn là việc dành thời gian trên mạng nhiều hơn là những tương tác trực tiếp bên ngoài với bạn bè gia đình người thân. Thậm chí, người dùng có thể cho phép những nhận xét tiêu cực, những lời chế nhạo hoặc những kẻ bắt nạt ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về giá trị bản thân cũng như tâm trạng hoặc hành vi của chính bạn.
Những lo ngại về tác động sức khỏe tâm thần của hoạt động truyền thông xã hội đã có từ lâu và chỉ gia tăng trong những năm gần đây. Theo tổng hợp từ The Conversation, trong bối cảnh xã hội hiện đại, những người trẻ tuổi thường có nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội cũng như sử dụng nhiều ứng dụng hơn. Nhưng cũng trong chính bối cảnh đó, những người trẻ tuổi cũng đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Điển hình, từ năm 2017 đến 2021, 52,5% thanh niên từ 17 đến 23 tuổi ở Anh Quốc bị suy giảm sức khỏe tâm thần.
Tiến sĩ David Barnhart, cố vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng từ trung tâm Khoa học Hành vi của Alabama, cho biết tất cả các nền tảng truyền thông xã hội có thể tác động đến cách một người nhìn nhận bản thân.
Một ví dụ vào năm 2021 từ mạng xã hội nổi tiếng Instagram, nghiên cứu nội bộ do Frances Haugen công bố đã cho thấy tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần của ứng dụng ảnh đối với người dùng tuổi vị thành niên, bao gồm việc gia tăng tỷ lệ rối loạn ăn uống của các cô gái ở lứa tuổi này. Instagram được cho có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần của các bạn gái, cụ thể là liên quan đến các vấn đề về hình ảnh cơ thể và lòng tự trọng. Từ đó cũng làm dấy lên nhiều lời kêu gọi cần có quy định chặt chẽ hơn cho việc sử dụng mạng xã hội này từ các bậc phụ huynh (1).
Sự gia tăng của các nền tảng mạng xã hội khác nhau cũng thúc đẩy mặt tiêu cực của vấn đề. Điển hình, trong những năm gần đây, TikTok đã phải đối mặt với sự giám sát gắt gao về những thách thức nguy hiểm mà thuật toán của nó đã tạo ra. Ví dụ, “Thử thách Benadryl” mà trong đó những người tham gia uống một lượng lớn thuốc kháng histamine nhằm tạo ra hiệu ứng ảo giác, đã dẫn đến ít nhất một trường hợp tử vong (2).
Marc Faddoul, đồng sáng lập Tracking Exposed, một tổ chức về quyền kỹ thuật số điều tra thuật toán của TikTok cho biết: “Ứng dụng này cung cấp vô số những cú huých cảm xúc, có thể khó nhận ra và hay nhìn thấy tác động đến người dùng về lâu dài. Nó sẽ không khiến ai đó chán nản chỉ sau một đêm, nhưng ngồi xem TikTok hàng giờ mỗi ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bạn" (2).
Lela Journal đề xuất một vài cách tiếp cận mạng xã hội hợp lý để người dùng có một đời sống tinh thần lành mạnh giữa thời đại bùng nổ công nghệ thông tin:
Hãy lưu ý đến lượng thời gian và năng lượng bạn bỏ ra khi tham gia mạng xã hội. Một vài câu hỏi có thể đặt ra với bản thân trong quá trình sử dụng như: Bạn đang dùng mạng xã hội như thế nào, tại sao bạn cần nó và tần suất sử dụng ra sao? Bạn cần nó cho công việc, hoặc để giao lưu, hay tìm cảm hứng? Mạng xã hội có phải là phương tiện giúp bạn giữ liên lạc với gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội khác ở ngoài đời thật hay không?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc nhận thức được mình đang thực sự có mặt ở hiện tại (ở đâu, với ai, làm gì) giúp chúng ta chú ý đến những gì đang xảy ra trong đời sống thật và tạo khoảng cách giữa bản thân cùng những suy nghĩ trong "đời sống ảo". Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn hành vi của mình, tìm thấy sự phù hợp và tỉnh thức khi tham gia mạng xã hội.
Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách thụ động, chẳng hạn như đọc lướt qua các nguồn cung cấp tin tức bất kể đúng-sai-thật-giả và xem tin nhắn một cách vô thức mang lại những hệ quả tiêu cực. Chúng bao gồm tâm lý so sánh xã hội, ghen tị và cảm giác lo lắng hay trầm cảm.
Ngược lại, việc sử dụng tích cực, chẳng hạn như nhắn tin và tương tác với các bài đăng cần thiết lại dẫn đến những kết quả tốt. Điều này tăng cường cảm giác được hỗ trợ cũng như cải thiện những kết nối xã hội (3).
Việc sử dụng chủ động và tích cực còn nằm ở việc theo dõi, chia sẻ và tương tác với các tài khoản và những người cung cấp nội dung tích cực mà bạn thích. Tham gia các cộng đồng trực tuyến để tìm những người cùng chí hướng và tạo kết nối mới. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động thiết lập các cài đặt cần thiết để tránh bị làm phiền bởi những nội dung tiêu cực.
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Pennsylvania cho thấy rằng việc tự giám sát có thể thay đổi nhận thức của một người về mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 143 sinh viên đại học được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm. Nhóm một được yêu cầu giới hạn Facebook, Instagram và Snapchat trong 10 phút trên mỗi nền tảng mỗi ngày. Ngược lại, nhóm hai được yêu cầu tiếp tục sử dụng mạng xã hội của họ như bình thường trong ba tuần.
Kết quả chỉ ra nhóm bị giới hạn cho thấy việc giảm đáng kể sự cô đơn và trầm cảm trong ba tuần đó so với nhóm tiếp tục sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, cả hai nhóm đều cho thấy sự lo lắng và sợ hãi bị bỏ lỡ giảm đáng kể so với khi họ bắt đầu nghiên cứu.
Việc tự kiểm soát hành vi có thể đến từ những thay đổi nhỏ như tắt tiếng, hủy theo dõi, chặn hoặc xóa bất kỳ thứ gì hoặc bất kỳ ai làm bạn khó chịu. Hoặc giới hạn việc sử dụng mạng xã hội trong một giới hạn thời gian nhất định.
Ở cấp độ chi tiết hơn, hãy sử dụng chức năng "Cài đặt" trong điện thoại và ứng dụng để duy trì quyền kiểm soát của bạn đối với việc dùng mạng xã hội. Ví dụ: nếu việc xem số lượt thích mà người khác nhận được dẫn đến những so sánh tiêu cực có tính bào mòn cảm xúc, hãy giảm thiểu hoặc hạn chế những gì bạn nhìn thấy. Ngoài ra, hiểu rõ về quá trình cài đặt quyền riêng tư của bạn và chọn người có thể xem nội dung của bạn và liên hệ với bạn cũng là một trong những cách thực hành hữu ích.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.