Tiếp nối bài viết Độc thân và chuyện làm sao để thực sự "một mình vẫn vui"?, LeLa Journal tiếp tục đi sâu hơn vào phân tích những rủi ro, nguy cơ khi chúng ta sống một mình quá lâu, bao gồm cả việc suy giảm tuổi thọ. Có 3 cách để khắc phục điều này, mời độc giả tham khảo trong bài viết dưới đây.
Theo nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, trung bình 8,6% người lớn tuổi ở Việt Nam hiện đang sống một mình (1). Trong khi đó, nhóm trẻ tuổi lại đối diện với nỗi cô đơn thường trực (2), (3).
Như vậy, sự đơn độc đang dần trở thành một tình trạng phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, lối sống này cũng có những mặt hại không thể bỏ qua.
"Cách ly xã hội" (social isolation) là thuật ngữ miêu tả trạng thái thiếu kết nối với người khác, xảy ra khi một người sống một mình trong cô độc hoặc có quá ít mối quan hệ. Nói cách khác, chúng ta có thể vô tình tự "cách ly xã hội" mà không hề hay biết hoặc cảm thấy bất thường.
Không cần phải tới đại dịch để mọi người cách ly nhau, mà chúng ta cũng đã có thể tự cách ly mình trước rồi.
Dù tự nguyện hay được yêu cầu cách ly, cũng sẽ có lúc chúng ta bị nỗi cô đơn "xâm chiếm". Một mình đối diện với cảm giác buồn bã, bất lực và đau khổ của bản thân, chúng ta có thể chịu ảnh hưởng mạnh về lâu về dài.
Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành, xoay quanh mối quan hệ giữa tình trạng cách ly xã hội, nỗi cô đơn với nguy cơ suy giảm tuổi thọ. Vào tháng 6/2023 vừa qua, một báo cáo phân tích tổng hợp dựa trên 95 nghiên cứu đa dạng về nhóm tuổi và khu vực sinh sống đã được công bố. Kết luận cuối cùng cho thấy rằng nhóm người từng cách ly xã hội có nguy cơ qua đời sớm hơn 32% khi so sánh với tuổi thọ của những người sống hòa nhập. Tương tự như vậy, nhóm cô đơn có tuổi thọ ngắn hơn tới 14% (4).
Bên cạnh đó, người đơn độc cũng đối diện với nhiều rủi ro mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim, béo phì hoặc suy giảm nhận thức (5).
1. Cách ly xã hội và cô đơn cũng là một dạng căng thẳng
Ai cũng đôi lần cảm thấy cô đơn, nhất là sau khi trải qua những đứt gãy trong các mối quan hệ. Thế nhưng, nếu bạn luôn thường trực cảm giác thất vọng, trống rỗng và buồn bã, nỗi cô đơn đó có thể "tiến hóa" thành những chứng bệnh tâm lý. Từ đó, nhịp sinh hoạt thường nhật và cơ thể của bạn cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
2. Mối quan hệ giữa cách ly xã hội, cô đơn với sức khỏe suy yếu cũng giống như chuyện con gà - quả trứng
Sự đơn độc khiến một người yếu dần, và ngược lại, một cơ thể suy nhược cũng vô hình trung khiến nỗi cô đơn và cách ly xã hội tăng lên. Bởi không có sức khỏe, chúng ta khó có thể duy trì và tạo lập các mối quan hệ. Trong khi thực tế là chính những người có vấn đề sức khỏe lại cần nhiều kết nối và hỗ trợ từ cộng đồng hơn cả. Theo một nghiên cứu ở những người mắc bệnh ung thư vú, các bệnh nhân sống cách ly xã hội có nguy cơ tử vong vì bệnh cao hơn so với nhóm sống cùng người thân hoặc bạn bè (6).
3. Cách ly xã hội và nỗi cô đơn có thể là nguồn cơn cho những thói quen không lành mạnh
Thiếu đi sự quan tâm và săn sóc từ người khác, chúng ta có xu hướng "bỏ bê" sức khỏe và sa vào những thói quen không lành mạnh, như là bỏ bữa, nạp nhiều thức ăn nhanh hoặc không tập thể dục.
Hơn hết, những người sống một mình cũng có xu hướng hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia vô độ (7), (8). Chính các thói xấu này là lý do trực tiếp dẫn đến bệnh tật và suy giảm sức khỏe về lâu dài.
4. Cách ly xã hội làm giảm khả năng được tiếp cận y tế
Khi nghĩ tới viễn cảnh sống một mình, nhiều người thường trực nỗi lo rằng nếu một ngày đột ngột ngã bệnh, người độc thân khó tiếp nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.
Trên thực tế, ước tính một năm ở Nhật Bản có khoảng 30.000 người lặng lẽ ra đi theo cách này. Tình trạng này được gọi là "Kodokushi", nghĩa là "chết trong cô độc", tức là qua đời rồi mới được phát hiện (9).
Trước những thực tế đáng sợ đó, người độc thân phải làm sao?
Giống như tập thể dục thường xuyên, ăn uống ngon miệng và chăm sóc bản thân, việc tăng cường kết nối với xã hội cũng là một hoạt động bồi bổ sức khỏe mà người độc thân cần gìn giữ. Cụ thể, chúng ta có 3 cách sau:
1. Tạo lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ
Thay vì "cắm cọc" chờ người khác lên tiếng, bạn có thể chủ động giữ liên lạc với bạn bè xung quanh bằng những lời hỏi thăm hoặc một cuộc hẹn cà phê ngắn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên dành thời gian tham gia những hoạt động cộng đồng và làm quen với những người mới "hợp cạ", dần dần mở rộng vòng quan hệ của bản thân.
Đây cũng là một cách đã được LeLa Journal giới thiệu trong các bài viết về sự lão hóa thành công, lời chào hàng xóm và Hiệu ứng Roseto: Khi tình làng nghĩa xóm "phá vỡ" quy luật của sức khỏe.
2. Đừng ngại "cầu cứu" khi cần
Khi mọi thứ trở nên quá tải và bạn không thể xoay xở, hãy mở lời nhờ người khác giúp đỡ về vật chất hoặc tinh thần. Bạn luôn có thể "trả ơn" cho họ vào lần khác. Nhờ có vậy, tình bạn đôi bên sẽ trở nên ngày một khăng khít nhờ những lần "tối lửa tắt đèn có nhau".
3. Nâng cao chất lượng mối quan hệ
Nếu không thoải mái với việc giao tiếp quá nhiều, bạn có thể tập trung sức lực và thời gian cho một số mối quan hệ nhất định, lấy "chất" để bù đắp "lượng".
Tìm cách tạo lập những kết nối mang lại ý nghĩa và luôn có mặt khi cần là bước cơ bản cho một mối quan hệ khăng khít và gắn bó về lâu dài, sau đó mới tới những giai đoạn như hỗ trợ, củng cố kết nối... (10).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an