"Tự hào" không chỉ là một cảm nhận cá nhân, mà còn là cả một diễn trình nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều người cùng chung tay góp sức.
Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, tự hào chính là "lấy làm hãnh diện một cách chính đáng về cái tốt đẹp mà mình có". Một người có thể tự hào về màu da, năng khiếu hoặc lối sống của mình, và một cộng đồng có thể tự hào vì những điểm chung như sắc tộc, giới tính... Vậy tháng Sáu - tháng được gọi là "Tháng Tự Hào" (Pride Month) - đã gợi nhớ cho chúng ta những gì về niềm tự hào?
Đó là niềm tự hào vào năm 1981, khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố Năm quốc tế về người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ gia nhập cộng đồng bình đẳng và tự do. Kết quả là chương trình hành động toàn cầu liên quan đến người khuyết tật được Đại hội đồng thông qua vào năm tiếp theo, vạch ra một chiến lược toàn cầu về khuyết tật và thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật trong xã hội.
Đó cũng là niềm tự hào vào tháng 1/1996, khi Tháng lịch sử người Mỹ gốc Phi chính thức được ban hành trên toàn nước Mỹ trong Tuyên bố 6863 của Tổng thống Bill Clinton. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh thành tích đóng góp của ba người phụ nữ da màu: Sojourner Truth, Mary McLeod Bethune và Toni Morrison.
Hay niềm tự hào vào năm 1840, khi hai người phụ nữ Mỹ Elizabeth Cady Stanton và Lucretia Mott đã đứng lên đòi quyền phụ nữ về dân sự, xã hội, chính trị và tôn giáo cho phụ nữ trong Tuyên bố Ý kiến và Nghị quyết tại New York. Kết quả là phụ nữ được tự do bầu cử như nam giới. Tiếp đó, vào năm 1873, bản kiến nghị với 32.000 chữ ký dài 270 mét về quyền bầu cử cũng được trình lên Quốc hội New Zealand. Kết quả, New Zealand trở thành quốc gia tự trị đầu tiên cho phép phụ nữ bỏ phiếu, và truyền cảm hứng cho những người ủng hộ quyền bầu cử trên toàn cầu.
"Chúng tôi giữ sự thật này làm bằng chứng cho mình; rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sinh ra đều bình đẳng." - Elizabeth Cady Stanton và Lucretia Mott (trích Tuyên bố Ý kiến và Nghị quyết tại New York).
Niềm tự hào đã trỗi lên mạnh mẽ vào năm 1969 trong cộng đồng những người đa dạng xu hướng tính dục LGBTIQ+ (bao gồm Lesbian - đồng tính luyến ái nữ, Gay - đồng tính luyến ái nam, Bisexual - song tính luyến ái, Transgender - chuyển giới, Intersex - liên giới tính, Queer - có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, không nhận định bản thân theo bất kỳ nhóm nào, và dấu "+" đại điện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác như phi nhị nguyên giới, vô tính luyến ái...). Cuộc nổi dậy Stonewall giữa cảnh sát và nhóm người đồng tính kéo dài hơn sáu ngày đã trở thành một sự kiện đáng nhớ của cộng đồng LGBTIQ+. Kết quả là, họ giành lấy được dân quyền và làm thay đổi cả nước Mỹ đến tận hôm nay.
Trong Tuyên bố về Tháng tự hào năm 2023 (hơn 50 năm sau sự kiện Stonewall), Tổng thống Joseph Biden đã có bài phát biểu đầy cảm hứng rằng: "Họ không đơn độc: Toàn bộ Chính quyền của tôi tự hào sát cánh cùng cộng đồng LGBTIQ+ trong cuộc đấu tranh dài hơi vì sự tự do, công lý và bình đẳng. Và chúng tôi đang có những bước tiến..."
Riêng tại Việt Nam, niềm tự hào của cộng đồng LGBTIQ+ đã có cột mốc đáng nhớ nhất vào năm 2012, khi sự kiện VietPride được Trung tâm CSAGA lần đầu tiên tổ chức. Họ đã tổ chức chuỗi hoạt động đa dạng như chiếu phim, trình bày kết quả nghiên cứu, chia sẻ của người trong cuộc, giao lưu cộng đồng, đạp xe đạp. "Mục tiêu của sự kiện này nhằm khuyến khích mọi người hãy tự hào với bản sắc của chính mình, tăng cường kết nối cộng đồng và tạo nên một diễn đàn gặp gỡ, giao lưu giữa các tổ chức, quỹ hợp tác phát triển, cộng đồng LGBT và những người quan tâm", Nguyễn Thanh Tâm - cán bộ phát triển chương trình Viet Pride chia sẻ.
Có thể thấy xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng LGBTIQ+. Tháng Sáu này, các thương hiệu, nhãn hàng từ lĩnh vực công nghệ, ẩm thực đến văn phòng phẩm đều đồng lòng và hào hứng ủng hộ Tháng Tự hào (Pride Month).
Dù các phong trào kể trên có mục đích và ý nghĩa khác nhau, nhưng cũng đều mang tính cách mạng nhờ vào sự nhân rộng từ cá nhân đến tập thể.
Đối với một cộng đồng cũng được xem là thiểu số, thì những người thuộc LGBTIQ+ đã từng phải chịu sự hạn chế về quyền cũng giống như phụ nữ, trẻ em hay bất kỳ đối tượng nào khác.
Năm 1978, nghệ sĩ kiêm nhà thiết kế Gilbert Baker được ủy quyền để sáng tạo ra lá cờ cho lễ kỷ niệm Tháng Tự hào. Lá cờ ban đầu có tám màu biểu trưng. Màu hồng: giới tính; Màu đỏ: sự sống; Màu cam: chữa lành; Màu vàng: ánh sáng mặt trời; Màu xanh lá cây: thiên nhiên; Màu ngọc lam: phép màu và nghệ thuật; Màu chàm: sự thanh thản; và màu tía: tinh thần. Riêng hai màu hồng và ngọc lam bị loại bỏ vì khó nhuộm vải nên chỉ giữ lại được sáu màu cầu vồng như hiện nay.
Đặc biệt, trong kỳ World Cup tại Qatar vào năm 2022, ngọn cờ lục sắc ẩn dưới "định dạng" mã màu pantone đã được giương cao, như lời tuyên bố ủng hộ cộng đồng LGBTIQ+.
Thậm chí, nhiều nhóm trong cộng đồng LGBTIQ+ cũng có lá cờ Tự hào của riêng họ. Có những lá cờ cụ thể tôn vinh danh tính của người chuyển giới, song tính, đồng tính nữ, toàn tính, vô tính và các cộng đồng khác. Tuy nhiên, lá cờ sọc cầu vồng trong lịch sử vẫn là biểu tượng được sử dụng và công nhận nhiều nhất, đại diện cho Niềm tự hào đối với cộng đồng LGBTIQ+ nói chung.
Bên cạnh những niềm tự hào đó, chúng ta không thể tránh né sự thật rằng vẫn còn những trường hợp bị gia đình ép uống thuốc chữa bệnh đồng tính hay bị dè bỉu trong công ty vì là người chuyển giới.
Hy vọng trong tương lai, chúng ta có thể nhận diện, thông cảm và hành động cùng nhau để tất cả mọi người đều cảm thấy tự hào. Như trong Chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến việc đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Vậy chúng ta còn gì để tự hào nữa? Và mục đích của Tháng Tự hào là gì? Đối với cá nhân người viết, mong rằng chúng ta có thể cùng nhận diện, thông cảm và hành động cùng nhau để mọi người đều được tự hào và xem đây như một lẽ thường tình trong cuộc sống. Để kể từ sau đó, Tháng Tự hào sẽ không còn quan trọng nữa, bởi chúng ta có thể treo cờ lục sắc quanh năm chứ không chờ tới Tháng Sáu mới treo lên. Tháng Sáu sẽ chỉ là tháng Sáu, chứ không còn là Tháng Tự hào, khi trong lòng mỗi người đều đã tự hào và tự do với bản sắc của riêng mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.