Từ quý đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra làn sóng làm việc tại nhà (work from home) mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sau khi đại dịch qua đi và nền kinh tế dần có dấu hiệu hồi phục, nhiều công ty hiện đã yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng. Nhưng liệu các nhân viên văn phòng tại Việt Nam có còn muốn "work from home" nữa hay không?
Tháng 8 năm nay, CEO của Amazon - ông Andy Jassy - đã cho biết "nhân viên sẽ không được phép tiếp tục công việc nếu không chịu đến công ty ít nhất 3 buổi/tuần" (1). Trong khi trước đó, vào tháng 10/2021, Amazon đã cho phép nhân viên có thể tự quyết định địa điểm làm việc. Nhưng giờ đây, Andy Jassy và những người lãnh đạo đã quyết định rằng đội ngũ nhân sự cần quay lại văn phòng.
"(Điều này) tốt hơn cho văn hóa của Amazon. Vì nhân viên dễ học hỏi lẫn nhau hơn cũng như cộng tác hiệu quả hơn khi cùng làm việc trong văn phòng" - ông Andy Jassy chia sẻ về mục đích của việc này.
Thậm chí, Zoom cũng có ý định tương tự trong thời gian sắp tới, bất kể sự thật là trong thời gian dịch bệnh, Zoom đã vươn lên thành ứng dụng hàng đầu để kết nối nhân sự. Thế nhưng, tình trạng "bình thường mới" của công ty này hiện nay là yêu cầu nhân viên phải đến công ty 2 lần/tuần (2) - dù điều luật này chỉ áp dụng cho những nhân viên sống trong bán kính khoảng 80km gần văn phòng (3).
Google cũng đưa ra chính sách tương tự với lời tuyên bố "Không có gì thay thế được việc gặp mặt trực tiếp" và yêu cầu nhân viên đến công ty ít nhất 3 lần/tuần (4). Hãng Disney cũng đã yêu cầu các nhân viên đang làm việc tại nhà phải quay lại văn phòng 4 ngày/tuần (5).
Meta - công ty chủ quản của Facebook, Instagram và Threads - đã yêu cầu những nhân viên work from home lâu dài trước đó phải có mặt tại văn phòng 3 ngày/tuần kể từ tháng tới. Một tin nhắn trực tuyến gửi tới nhân viên thừa nhận rằng đến công ty đồng nghĩa với việc tốn nhiều thời gian di chuyển hơn và "kém linh hoạt hơn", nhưng ngồi ở bàn làm việc sẽ tạo nên "sự hợp tác" và "năng lượng" (1), (6).
Trong những tổ chức "hà khắc" hơn, Giám đốc điều hành của X là Elon Musk đã ra lệnh cho tất cả nhân viên tại doanh nghiệp phải có mặt tại văn phòng, trừ khi họ được miễn trừ cụ thể (7).
Có thể thấy, các doanh nghiệp lớn đã nhận ra điều "không ổn" khi nhân sự của họ làm việc tại nhà và điều đó khiến họ yêu cầu nhân sự phải quay lại công sở.
Ba lý do có thể kể tới là văn hóa công sở của từng doanh nghiệp, năng suất và mong muốn của nhân viên, cuối cùng là khả năng hợp tác và kết nối.
Thứ nhất, việc nhân sự không còn đến công ty sẽ dần làm mất đi văn hoá của công ty - thứ mà tổ chức đã mất nhiều thời gian mới có thể gầy dựng. Việc mọi người quay trở lại văn phòng là một điều tối quan trọng đối với việc duy trì văn hóa doanh nghiệp (8).
Thứ hai, đối với vấn đề năng suất. Điều này dường như trái ngược với kết quả nghiên cứu tổng hợp. Cụ thể, một bài viết là "Chúng ta có thực sự năng suất hơn khi làm việc tại nhà?" (Are we really productive working from home?) từ Chicago Booth Review đã tóm tắt kết quả của một cuộc khảo sát với 10.000 công nhân ở 16 quốc gia, do các nhà nghiên cứu từ Chicago Booth, Stanford và ITAM1 thực hiện. Tính tới tháng 3/2021, họ nhận thấy rằng gần 6 trong số 10 nhân sự cho biết rằng làm việc tại nhà hiệu quả hơn họ mong đợi, trong khi chỉ có 14% cho biết họ làm được ít việc hơn. Trung bình, năng suất làm việc tại nhà của người trả lời cao hơn 7% so với kỳ vọng (9).
C.P. Aiden, một Giám đốc thuộc Big 4 - bốn công ty kiểm toán hàng đầu - đã chia sẻ rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang tin là nhân viên bị xao nhãng bởi cuộc sống tại gia. Do đó, việc muốn mọi người quay trở lại với công sở thực tế là đang đổi hướng, tức là để nhân viên bị xao nhãng khỏi cuộc sống và tập trung vào công việc (10).
Thứ ba là vấn đề kết nối và hợp tác giữa nhân viên. Người mới vào công ty sẽ không được tìm hiểu về văn hoá doanh nghiệp, họ cũng không có cơ hội được rèn luyện những kỹ năng mềm từ những người quản lý hoặc cấp trên, như là cách đặt câu hỏi, cách giao tiếp... Khoảng cách giữa nhân viên cũ và nhân viên mới sẽ cách xa hơn, từ đó dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả trong công việc.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng xét theo cùng một vấn đề, các nhóm có sự giao tiếp trực tiếp sẽ tạo ra nhiều ý tưởng hơn các nhóm làm việc từ xa khoảng 15 - 20% (11).
Vậy liệu vấn đề lớn nhất có phải là nhân viên đã không còn mặn mà với chốn công sở?
Nhiều nhân sự không đồng ý với việc quay trở lại văn phòng khi họ đã dần làm quen với văn hóa "work from home". Sau khi có thông tin về lời tuyên bố của CEO Amazon, một làn sóng phản đối đã nổ ra kịch liệt. Trang Business Insider đưa tin rằng các nhân viên đã tạo ra một kênh Slack để ủng hộ việc làm từ xa và chia sẻ mối quan tâm của họ về chính sách quay trở lại văn phòng. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, gần 14.000 nhân viên đã tham gia vào kênh Slack này (12).
Một nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy rằng khi nơi làm việc mở cửa trở lại vào đầu năm 2022, 61% nhân viên đã chọn không quay lại nơi làm việc, so với chỉ 36% cảm thấy như vậy vào tháng 10/2020 - khi đại dịch bùng phát toàn diện (13).
Phần lớn nhân sự đều ủng hộ tiếp tục làm việc tại nhà dù đại dịch COVID-19 đã qua (14). Họ đưa ra nhiều lý do như năng suất được nâng cao, linh hoạt trong công việc, không tiêu tốn thời gian và chi phí cho việc di chuyển, ăn uống...
Từ đó, có thể thấy yêu cầu làm việc "hybrid" - làm việc tại văn phòng vài ngày một tuần - tại các công ty lớn là một chiến lược trung hòa được mong muốn của tổ chức và nhân viên trên toàn thế giới. Vậy tại Việt Nam thì sao?
Trong thời kỳ đại dịch COVID, cứ 8 trên 11 người đi làm tại Việt Nam hài lòng với việc làm từ xa, với hơn 7 trên 11 người cho rằng năng suất của họ được cải thiện khi được làm việc tại nhà. Hơn 75% người được khảo sát cho rằng việc tăng năng suất của họ là do không khí thoải mái thư giãn, với thời gian làm việc linh hoạt và ít những cuộc họp hơn. Tuy nhiên, có 3 trở ngại lớn nhất khi làm việc tại nhà và tất cả đều liên quan tới vấn đề giao tiếp và kết nối (15):
Trong xu hướng hội nhập của thế giới, xu hướng làm việc từ xa là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, người viết nhận thấy một xu hướng đáng ngạc nhiên khi trò chuyện cùng những nhân viên và quản lý đang làm việc tại nhà.
Trên thực tế, nhiều người đang dần nhìn ra những mặt tích cực của việc đi làm tại văn phòng.
Đối với anh Q.D và chị T.H với công việc đặc thù là thiết kế đồ họa và dựng phim, làm việc tại nhà không hề đơn giản. Công việc này cần trang bị thiết bị máy tính đầy đủ để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Khi cần thay đổi địa điểm làm việc, cả hai cần phải vận chuyển máy tính tại văn phòng về nhà và tự lắp ráp. Quá trình di chuyển tiềm ẩn rủi ro xảy ra những va chạm và trục trặc kỹ thuật.
Không chỉ là đặc thù công việc, kinh nghiệm và sự gắn kết trong công việc còn là một rào cản khi làm việc từ xa. Chị T.T, một "tân binh" trong lĩnh vực Phát triển Sản phẩm chia sẻ rằng: "Các anh chị có kinh nghiệm làm việc ưu tiên chọn làm việc tại nhà, khiến những người mới như mình khó có thể làm quen, giao tiếp và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị. Cả công ty chỉ có mỗi mình đến văn phòng làm việc nên cũng có cảm giác cô đơn. Tuy nhiên, mình cũng được cấp trên chỉ bảo nhiệt tình tại văn phòng nên học hỏi được nhiều, tốt hơn việc chỉ ở nhà ngồi làm cùng máy tính".
Anh H.T. và chị N.M, quản lý một đội nhóm làm việc từ xa cũng chia sẻ rằng làm việc từ xa có nhiều ưu điểm như thời gian linh hoạt, dễ dàng tuyển dụng các thành viên tại nước ngoài, giảm chi phí hội họp và văn phòng. Tuy nhiên, song song đó là những bất lợi về việc lệch múi giờ, khó có thể xây dựng sự kết nối với và đặc biệt khó khăn trong vấn đề giao tiếp khi đội nhóm gặp thử thách.
"Thuận lợi và khó khăn khi làm việc từ xa còn phụ thuộc vào loại hình công việc và cam kết của mọi người. Những quản lý ở cấp trung như chị khó khăn nhất là việc chịu áp lực từ cả hai phía. Chị cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với mọi người nếu mọi người không hoạt động trên nền tảng xã hội, hoặc đốc thúc công việc khi thời hạn đã gần kề" - Chị N.M chia sẻ.
Trên đây là một số chia sẻ thực tế về nhu cầu và mong muốn của chính lao động người Việt Nam về vấn đề "work from home". LeLa Journal mong rằng độc giả sẽ có thêm góc nhìn đa chiều và giải pháp thực tiễn hơn trong công việc cá nhân.
Thực hiện bài viết: Hạnh Lê & Phùng Hoàng Ca
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?