Thời trung học, bạn vốn là người rụt rè, hiền lành và sợ làm phật ý mọi người. Bạn luôn làm theo những gì bạn bè nhờ vả, thậm chí cho họ "copy" nguyên bài kiểm tra của mình dù thật tâm bạn không muốn thế. Sau này khi đã đi làm, bạn vẫn thuộc tuýp người "bảo gì làm nấy" và sẵn sàng khao mời đồng nghiệp một bữa ăn để làm họ vui lòng dẫu kinh tế eo hẹp.
Những kiểu hành vi như trên có thể lý giải bằng việc bạn là một People Pleaser (tạm dịch: Người muốn chiều lòng người khác).
Từ điển Cambridge định nghĩa "People Pleaser" là những người quan tâm thái quá đến việc được người khác yêu mến (1). Đồng thời, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, cố gắng thỏa mãn ý muốn của người khác bằng mọi giá và luôn lo sợ việc đánh mất mối quan hệ với những người xung quanh (2).
Vào tháng 6/2022, công ty phân tích dữ liệu YouGov America đã tiến hành khảo sát 1.000 người (3). Kết quả cho thấy, 49% trong số đó thừa nhận mình là People Pleaser. Chúng ta có thể nhận biết được mình có phải là kiểu người này hay không dựa trên một số biểu hiện do chuyên gia khoa học thần kinh Natalie Watkins đưa ra (4):
Với People Pleaser, sự nhìn nhận của người khác sẽ là yếu tố quyết định con người họ. Họ cho rằng khi bản thân cố gắng tỏ ra hào phóng, những người xung quanh tất nhiên sẽ tỏ lòng yêu mến và xem họ là người đáng tin cậy. Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Rebecca Phillips, những People Pleaser thường là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Do sợ bị phán xét, chê trách, họ tuyệt đối không cho phép mình có "lỗ hổng" tính cách nào (5). Họ sẵn sàng gia nhập vào một hội nhóm đối lập với tính cách của bản thân chỉ để chắc chắn rằng mình có một nơi để thuộc về.
Thử tưởng tượng, bạn đã đến giờ tan làm và có lịch đi chơi cùng gia đình vào tối hôm đó. Tuy vậy, bạn vẫn sẵn sàng hủy bỏ kế hoạch để nhận lời hoàn thành nhiệm vụ thay cho một đồng nghiệp không thân thiết. Vì là một People Pleaser, bạn sẵn sàng tận lực giúp đỡ họ. Điều này sẽ chỉ khiến bạn thêm phiền toái và âu lo.
Việc cho đi một cách không cần thiết như thế được gọi là "over-giving". Theo đó, những người có xu hướng "over-giving" là vì họ không muốn bản thân cảm thấy tội lỗi khi phớt lờ nhu cầu của người khác (6). Hậu quả là chúng ta sẽ bị hao kiệt thời gian, năng lượng và dễ bị người khác lợi dụng, trong khi những mối quan hệ thật sự cần thiết lại không được đắp bồi.
Một People Pleaser luôn đứng ra hòa giải mọi xung đột và sẵn sàng nhận lỗi về phần mình để không đẩy mâu thuẫn đi xa. Dẫu cho những người khác có khiến họ tổn thương, họ vẫn sẵn lòng bỏ qua và tự huyễn hoặc mình rằng bản thân chỉ đang làm quá mọi thứ. Họ thậm chí sẽ tự trách mình nếu người khác nghĩ họ hẹp hòi, vì vậy họ gạt bỏ đi tự trọng để bao dung cho người đã mắc lỗi lầm với mình.
Trong mọi cuộc đối thoại, People Pleaser luôn tỏ ra đồng tình với đối phương chỉ vì muốn giữ thái độ hòa nhã. Chẳng hạn, dù bạn không đồng ý chuyện đồng nghiệp của mình nói lời không hay về sếp, bạn vẫn hùa theo họ. Hay khi sắp sửa có chuyến du lịch với bạn bè, bạn không dám đề xuất địa điểm đi chơi vì nghĩ rằng các thành viên trong nhóm sẽ phản đối. Bạn chọn cách im lặng vì bạn muốn chứng minh mình là một phần trong tập thể đó.
Nhiều nhà tâm lý học lý giải nguyên do một người trở thành People Pleaser có thể xuất phát từ việc họ được nuôi dưỡng bởi "narcissistic parent" (cha/mẹ ái kỷ). Theo đó, người cha/mẹ ái kỷ sẽ bắt ép con mình tuyệt đối vâng lời và cho rằng con cái có trách nhiệm thay họ đỡ đần mọi chuyện. Họ sẽ trừng phạt con mình nếu chúng làm gì đó không đúng ý. Dần dà, sang chấn tâm lý mà cha mẹ để lại sẽ đeo bám đứa trẻ đến lúc trưởng thành, để rồi chúng có xu hướng thu mình và chịu khuất phục trước người khác. Hành vi này được gọi là "fawning response" (tạm dịch: phản ứng luồn cúi) (7), (8).
Việc trở thành một People Pleaser sẽ mang đến thiệt thòi cho bản thân người đó vì họ đã tự tước bỏ đi cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Về lâu về dài, những người này sẽ đánh mất sự độc lập, tư duy phản biện và khả năng tự giải quyết vấn đề. Không những vậy, việc liên tục kìm giữ cảm xúc bên trong sẽ chỉ khiến họ thêm ngột ngạt và căng thẳng cực độ (9).
Thạc sĩ tâm lý Kendra Cherry đã đưa ra một số phương pháp để giúp bạn thoát khỏi gánh nặng phải chiều lòng mọi người, như sau (10):
Trong bài nghiên cứu khoa học xuất bản năm 2014, tiến sĩ Tobias Teichert và các cộng sự đã phát hiện ra rằng một khoảng dừng trước khi đưa ra quyết định dù ngắn đến mấy cũng sẽ giúp chúng ta sáng suốt hơn (11). Vì vậy, trước khi đồng ý giúp đỡ đồng nghiệp, hàng xóm, bạn hãy cho mình khoảng lặng để trả lời các câu hỏi: Liệu mình có thể từ chối được không? Nếu đồng ý giúp, mình sẽ gặp rắc rối gì?... Chừng đó cũng đủ để bạn suy nghĩ lại điều gì nên làm.
Chúng ta vốn không phải Đấng toàn năng và cũng không có nghĩa vụ phải giúp đỡ tất cả mọi người. Hãy biết rõ khả năng, giới hạn của bạn và sử dụng vừa vặn thời giờ của bản thân. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng và bạn không thể dùng toàn bộ năng lượng của mình vào việc giúp người khác tháo gỡ vấn đề của họ.
Mặt khác, hãy cho đối phương biết bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho họ để họ hiểu bạn chỉ có thể có mặt trong tình huống cấp thiết. Đồng thời, hãy xem lại những mối quan hệ của mình và xác định đâu mới là người thực sự đáng để bạn lưu tâm.
Bên cạnh đó, học cách nói "không" cũng sẽ giúp bạn đặt ra ranh giới cho những người xung quanh. Mary Conroy, tác giả cuốn sách Đơn giản hoá cuộc sống của bạn, từng viết: "Chúng ta thường nghĩ về ranh giới theo cách tiêu cực, như là một thứ giam giữ, giới hạn sự phát triển. Nhưng ranh giới định nghĩa các mối quan hệ và bồi đắp sự tôn trọng giữa con người với con người.
Hãy suy nghĩ về dụng ý của câu nói: "Hàng rào tốt tạo nên những người hàng xóm tốt". Những hàng rào đem đến sự rõ ràng, chia ra chỗ đứng của mọi người. Sự rõ ràng sẽ dẫn đến sự tôn trọng lẫn nhau, đó là nền tảng của những mối quan hệ tốt trong công việc." (12)
Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong của bản thân để xem mình thực sự muốn gì và đâu là thứ bản thân cần ưu tiên. Đặc biệt, hãy ghi nhớ rằng việc bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận hay bày tỏ chính kiến cá nhân đều là những nhu cầu bản năng của con người. Không có lý gì khi bạn phải gạt bỏ chúng chỉ để chiều lòng ai đó.
Bạn nên cởi mở trò chuyện với người khác về những khúc mắc trong cuộc sống của mình và cho họ biết rằng bạn cũng cần sự giúp đỡ. Việc lẳng lặng chịu đựng sẽ chỉ châm ngòi cho những cảm xúc tiêu cực.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.