Tưởng chừng thứ Hai đã là ngày "đen đủi" nhất tuần nhất vì bị nhiều người chán ghét, nhưng thực tế, ngày Chủ nhật cũng chịu chung cảnh ngộ này.
Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng cảm giác tiêu cực về ngày Chủ nhật bị "vạ lây" do nỗi sợ ngày thứ Hai đang chờ sẵn phía trước. "Mình có thật sự cần công việc này không?" có vẻ đã trở thành suy nghĩ của một vài người khi thức dậy vào mỗi sáng thứ Hai. Trên thực tế, cảm giác chán nản này đã bắt đầu nhen nhóm từ trước đó, đến nỗi có một khái niệm tên là "nỗi sợ ngày Chủ nhật" (Sunday Scaries).
Đó là cảm giác lo lắng, sợ hãi bắt đầu từ chiều và kéo dài đến tối Chủ nhật khi bạn phải dừng các hoạt động giải trí và chuẩn bị cho một tuần làm việc mới (1). Tiến sĩ, nhà tâm lý học thần kinh Susanne Cooperman cho biết: "Tâm lý này không phải do căng thẳng ở hiện tại mà là sự bồn chồn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai." (2).
Cuộc khảo sát từ Office for Health Improvement and Disparities (Anh) tiết lộ rằng gần 67% người trưởng thành thường xuyên trải qua nỗi sợ hãi vào Chủ nhật. Với những người ở độ tuổi 18-24, con số này lên đến 74% (3). Một nghiên cứu khác vào năm 2018 từ LinkedIn cho thấy 80% người Mỹ rơi vào trạng thái lo lắng vào đêm Chủ nhật (4).
Ngoài cảm giác căng thẳng và lo lắng về mặt tinh thần, "nỗi sợ ngày Chủ nhật" có thể biến thành những vấn đề thể chất như: khó thở, tim đập nhanh, đau dạ dày, khó ngủ, đau đầu… (5) Những biểu hiện tiêu cực trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc của bạn. Càng lo âu, các triệu chứng càng "hoành hành" hơn bao giờ hết.
Một vài phương pháp sau đây có thể giúp bạn giảm thiểu, thậm chí loại bỏ nỗi ám ảnh bao trùm lên ngày nghỉ:
Chủ nhật là khoảng thời gian để bạn lùi lại và suy ngẫm về mọi thứ, cả cuộc sống lẫn sự nghiệp. Bạn có thể tự vấn mình với hàng loạt câu hỏi: Tuần trước mình đã gặt hái được điều gì? Mình cần học thêm kỹ năng nào? Mục tiêu sắp tới sẽ được thực hiện ra sao? Tuần tới mình có cần phân bổ lại thời gian cho gia đình và công việc? Hoặc bạn cũng có thể chọn không nghĩ gì cả và để đầu óc mình được thư thái bằng những việc mà ngày thường bạn ít có cơ hội để thực hiện như ở bên người thân và nói chuyện với bạn bè.
Đa phần "nạn nhân" của nỗi sợ ngày Chủ nhật thường đối diện sự mâu thuẫn khi có quá nhiều việc cần xử lý nhưng không biết bắt đầu từ đâu và hoàn thành như thế nào. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự lo lắng vào ngày nghỉ (chiếm đến 60%) (6).
Để hạn chế cảm giác choáng ngợp trước cả khi bắt đầu một tuần mới, chúng ta nên phác thảo cho mình một kế hoạch hàng tuần chi tiết. Danh sách này cho phép ta sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ lớn nhỏ để cân bằng khối lượng công việc và dễ dàng quản lý chúng.
Ngoài ra bạn cũng đừng quên tạo luôn kế hoạch cho Chủ nhật tuần sau, chẳng hạn như sắp xếp một buổi hẹn hò, đi xem phim, tham gia một triển lãm hay buổi hòa nhạc… Giữ cho lịch trình của mình luôn bận rộn và mới mẻ cũng là cách để giảm áp lực của sáng thứ hai. Thậm chí, chúng còn khiến bạn mong một tuần mới sẽ bắt đầu thay vì cứ ôm mãi nỗi lo trong lòng.
Nỗi sợ của bạn có thể sẽ được "kích hoạt" trong tích tắc bởi thông báo email hay các tin nhắn liên quan đến công việc, dù là trong ngày cuối tuần. Theo khảo sát của công ty phần mềm quản lý công việc Asana, hơn 1/3 số nhân viên được hỏi cho biết họ cảm thấy khó chịu trước những tiếng "ting ting" dai dẳng. Hơn nữa, nhiều người lao động đang phải đối mặt với tình trạng quá tải công nghệ (technology overload), thậm chí có tới 56% cho rằng họ cần phản hồi các thông báo ngay lập tức (7).
Có thể thấy, những thông báo này đã đeo bám bạn từ thứ Hai đến thứ Sáu. Vậy tại sao, vào ngày nghỉ bạn không gác chúng sang một bên, hạn chế nhận thông báo và vạch ra một ranh giới rõ ràng? Điều này giúp bạn dễ dàng thoát khỏi sự hối hả và tất bật của nhịp sống công việc, ngăn công việc quấy rầy bạn trong khoảng thời gian nghỉ ngơi và giảm bớt nỗi "ám ảnh Chủ nhật".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?