Dạo gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền cụm từ "nhậu chữa lành" thể hiện tinh thần "vui tai lạ mắt" cho những ai muốn cải thiện tâm trạng bằng rượu bia. Nhưng nhậu có thật sự hỗ trợ phục hồi sức khoẻ tinh thần của con người, hay là "nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm"? Liệu trend này có đáng để chúng ta "đu" hay không?
Nếu như 2021 là năm của khó khăn và thách thức do tác động của đại dịch, 2022 là năm của hy vọng và hồi phục thì năm 2023 được nhiều người gọi là năm để chữa lành (year to heal) (1).
Đây chính là thời điểm mà nhiều người tìm thấy những cơ hội mới, đặc biệt là sau một thời gian dài sống trong lo âu. Tại Việt Nam, cơ hội này đụng phải một trong những văn hoá bản địa đặc sắc - nhậu.
Nhậu – hay "nhậu nhẹt" – là một hình thức tiêu thụ đồ uống có cồn, thường có hai người trở lên và có thể có lý do nhất định. Cuối năm, cuối tháng, lên chức, tăng lương là nhậu. Vui buồn, thất tình, đi chơi là nhậu. Hoặc đơn giản là đang nắng bỗng mưa to... nhậu thôi!
Và trong khoảng thời gian mà "chữa lành" trở thành một trong những cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất thì rất có thể, đây chính là lý do cho việc tụ tập "chén tạc chén thù".
Khó có thể nói rằng những người tham gia phong trào này muốn nhậu hơn hay chữa lành hơn. Nhưng đây là một sự kết hợp khá thú vị bởi ngày xưa rất nhiều người thích nhậu, còn ngày nay thì cũng không ít người muốn chữa lành.
Thật ra, rượu bia có thể khiến tâm trạng chúng ta tạm thời tốt lên nhưng về lâu dài thì không, vì trước hết nếu uống quá nhiều thì những không chữa lành mà còn... chữa lành thành què. Thêm nữa là vấn đề dinh dưỡng khi nhậu, bởi rượu bia là nhóm thực phẩm chứa calo nhiều thứ hai chỉ sau chất béo với khoảng 7 calo/1 gam (chất béo là 9 calo/1 gam) (2). Xem ra, liệu pháp "chữa lành" này hơi... tăng cân!
Uống quá đà thì không tốt, thế còn uống ở mức độ vừa phải thì sao?
Trong bài viết về vùng xanh, LeLa Journal đã giới thiệu đến hai khu vực có nhiều người sống thọ bách niên nhất trên thế giới là Sardinia, Ikaria - nơi mà người dân tiêu thụ đồ uống có cồn nhưng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, như đã nhắc tới, các nhà khoa học vẫn chưa làm rõ được việc tiêu thụ rượu bia điều độ ở những quốc gia này giúp họ khỏe mạnh, hay vì họ khỏe mạnh nên uống rượu... không thành vấn đề.
Điều độ ở đây được định nghĩa là mỗi ngày, nữ giới không uống không quá một ly và nam giới không quá hai ly. Trong đó, một ly tương đương với khoảng 355ml bia (nồng độ cồn khoảng 5%), gần bằng 147ml rượu vang (nồng độ cồn khoảng 12%) và 44ml rượu chưng cất (nồng độ cồn khoảng 40%) (4).
Về vấn đề này, có hai luồng ý kiến trái chiều, một nhóm cho rằng tiêu thụ ở mức vừa phải và tùy thuộc vào loại rượu sẽ có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nhóm còn lại cho rằng ở bất kỳ một mức độ nào, đồ uống có cồn chỉ có hại chứ không có lợi. Hãy cùng xem qua những bằng chứng mà mỗi bên sử dụng để củng cố cho quan điểm của họ.
Trong một đánh giá năm 2020 với mục đích tổng hợp hơn 100 nghiên cứu trước đó về mối liên quan đến tiêu thụ rượu và sức khỏe, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng:
Mối quan hệ giữa việc tiêu thụ rượu và bệnh tim mạch nhìn chung có tính hai pha (biphasic), đó là tác dụng bảo vệ nếu sử dụng vừa đủ và gây bất lợi khi uống nhiều. Mặc dù một số bằng chứng cho thấy tác hại của rượu nhiều hơn lợi ích, nhưng bằng chứng hiện tại chứng minh rằng uống lượng vừa đủ an toàn và có lợi cho hệ thống tim mạch (5).
Phản đối gay gắt quan điểm trên là nhóm các nhà khoa học với những nghiên cứu và quan sát gần đây. Họ buộc tội một số nghiên cứu ủng hộ về rượu là ngụy khoa học và được tài trợ bởi ngành công nghiệp rượu bia (6). Trong nhiều bài viết trên các tạp chí nổi tiếng, họ nhấn mạnh rằng uống rượu dù chỉ một ít cũng không lợi lộc gì và cần phải cắt giảm tối đa mức có thể nếu muốn khỏe mạnh hơn (7), (8).
Sau khi đã nắm được những nội dung phía trên, nếu bạn đọc vẫn đang cần tìm một cái cớ vui vẻ để nhậu, thì "chữa lành" hoàn toàn là lý do chính đáng. Thế nhưng, nếu thực sự đang muốn chữa lành thì tốt nhất hãy tìm đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần uy tín. Hoặc nếu buồn tình mà không muốn "nâng chén tiêu sầu" thì có thể đọc thêm bài viết của chúng tối về những giải pháp thú vị từ quân sư tình yêu cũng như tránh xa các quân sư quạt mo.
Trước khi nhậu, luôn nhớ rằng uống rượu bia quá độ có những tác hại như sau:
1. Gây hại cho gan: Rượu được chuyển hóa ở gan và việc uống rượu thường xuyên có thể dẫn đến việc tăng lượng mỡ bên trong tế bào gan. Lạm dụng rượu có thể dẫn đến xơ gan - một tình trạng rất nguy hiểm (9), (10).
2. Gây hại cho não: Trong khi say xỉn chỉ là tạm thời, lạm dụng rượu mãn tính có thể làm suy giảm chức năng não vĩnh viễn (11), (12).
3. Trầm cảm: Lạm dụng rượu và trầm cảm có mối liên hệ với nhau. Một người có thể bắt đầu lạm dụng rượu do trầm cảm hoặc ngược lại, trở nên trầm cảm do lạm dụng rượu (13).
4. Tăng cân: Như đã nói, rượu bia chứa nhiều calo. Một lon bia 350ml có thể chứa đến 200 calo, một lần nhậu 5 lon là 1.000 calo, chưa kể đồ nhắm, mồi ăn kèm. Một bữa nhậu có thể tương đương với một hoặc hai ngày ăn uống bình thường.
5. Ung thư: Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư miệng và cổ họng (14), (15).
Điều cuối cùng, nếu bạn thực sự phải... uống rượu vì lý do có công chuyện nào đó, hãy xem nhanh một số điều cần lưu ý để tránh mệt mỏi hậu bia rượu nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an