"Cùng lắm thì mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau" – hình ảnh trong lời ca của Đen Vâu thể hiện một phương châm sống giản dị, bình lặng và vừa đủ. Đây là một cách ứng phó trong cuộc sống phố thị xô bồ, ở một thời đại đầy rẫy những lựa chọn chóng vánh "được ăn cả, ngã về không". Và liệu có một con đường chiết trung để người trẻ ngày nay tiếp nhận được hạnh phúc và cân bằng hay không?
Sự canh tranh việc làm trong thời nay có lẽ đang sôi sục hơn bao giờ hết. Nhóm lao động đang phải hứng chịu nhiều áp lực nhất có lẽ là thế hệ "9x đời giữa" hay "post-millennials" – những người có năm sinh từ 1996 trở về sau, bao gồm những thành viên cuối của thế hệ Gen Y và Gen Z. Họ sinh ra trong cuộc Đại Suy thoái, trải qua đại dịch COVID-19, tiếp nối sau đó là hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu và sau cùng là sự "đe dọa" của tự động hóa và công nghệ trí tuệ nhân tạo (1).
Trước những tác động của thời đại, nhóm post-millennials đang đứng giữa hai lựa chọn, một là xây dựng một nền kinh tế và lối sống vừa đủ, còn hai là tìm cơ hội để bứt phá khi nền kinh tế chạm vùng trũng.
Được đánh giá là thế hệ luôn sẵn sàng với năng lực ứng dụng kỹ năng số cao, nhờ vào sự tiếp cận của Internet từ sớm, những "công dân thời đại số" trẻ bắt đầu thể hiện sức ảnh hưởng của mình trong việc thay đổi cách nền kinh tế vận hành và môi trường làm việc.
Giám đốc Hợp tác Chiến lược của Talentnet, bà Nguyễn Thị An Hà, có chia sẻ một vài nhận định về đặc tính của lực lượng lao động trẻ này trên Mekong Asean (2). Theo bà, Gen Z là những người thông minh, năng động và là thế hệ không ngần ngại thể hiện cá tính riêng, họ cũng đề cao giá trị sống cá nhân trong công việc. Với những phẩm chất này, bà đánh giá đây là thế hệ sẽ không đi theo lối mòn như những thế hệ trước.
Lợi thế của thế hệ post-millennials là tận dụng thông tin tích lũy được từ thế hệ trước và trên Internet, trong khi phần lớn họ lại tham gia lao động trong bối cảnh xã hội đề cao sự đa dạng, sáng tạo và tôn trọng chủ nghĩa cá nhân. Song, sau những lần vỡ mộng vì suy thoái, dịch bệnh, những "chỉ báo màu đỏ" trên bảng chứng khoán và tiền ảo... thì họ buộc phải thay đổi chiến lược đối phó với khủng hoảng.
Nói như thế không có nghĩa rằng thế hệ trẻ ngày này ít cơ hội để trở nên giàu có hay độc lập tài chính. Nhưng để làm được như thế, họ phải buộc từ bỏ những ý niệm cố hữu về nghề nghiệp, cũng như thay đổi cách nền kinh tế – xã hội vận hành để tránh đi vào vết xe đổ của những thế hệ trước.
Hay nói theo một cách khác, công thức thành công của những thế hệ trước không còn được áp dụng hiệu quả trong thời đại của post-millennials, buộc họ phải tìm ra một công thức phù hợp hơn cho mình.
Để thỏa mãn những mong đợi của họ, có hai phong cách sống sau đã dần len lỏi vào môi trường làm việc và dần dà định hình nên quan điểm sống, cũng như trở thành chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng có khả năng cao sẽ xảy ra sắp tới, đó là sống vừa đủ hoặc trở nên đa năng hơn.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều người trong chúng ta bắt đầu hoài nghi về tính bền vững của mô hình phát triển mà chúng ta vẫn theo đuổi suốt hơn 50 năm qua, cả về mặt kinh tế và sinh thái (3). Khủng hoảng có lẽ chỉ là biểu hiện của những vấn đề thâm căn cố đế hơn: "tăng trưởng bằng mọi giá", tư bản hóa, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa chuộng tiêu thụ. Để đạt được sự thịnh vượng bền vững, chúng ta cần một mô hình phát triển khác cân bằng hơn, nơi mà hệ sinh thái, sự bình đẳng, tính công bằng, quyền riêng tư và phúc lợi xã hội cũng được coi trọng ngang với phát triển kinh tế.
Đây là lúc mà lagom – một thuật ngữ chỉ sự "không quá ít, không quá nhiều, không thừa thãi" của người Thụy Điển – có thể cho chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, một mô hình phát triển vừa đủ. Hoặc để dễ nhớ hơn, chúng ta có thể nói "lagom nghĩa là gom vừa đủ thôi".
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, hiện có hơn 13 triệu người thuộc thế hệ Gen Z đang trực tiếp tham gia vào thị trường lao động. Con số này dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2025, tức chiếm khoảng ⅓ lực lượng lao động. Số thanh niên trong độ tuổi 15 – 24 thất nghiệp năm 2022 chiếm ⅓ trong tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên (4).
Dẫu làn sóng thất nghiệp vẫn còn dâng cao trong nhiều ngành nghề, rất nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z vẫn không ngần ngại chuyển việc. Tình trạng nghỉ việc đột xuất mà không có sự dự phòng tăng, thời gian cam kết cho công việc thấp - trung bình chỉ khoảng hai năm (5). Thế nhưng, điều này không có nghĩa là Gen Z là thế hệ ít cam kết trong công việc, mà trái lại, họ là lực lượng chính đang "đấu tranh" cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
"Khi mọi thứ không diễn ra nhanh như mong đợi, Gen Z ngay lập tức nghĩ rằng có điều gì đó đã sai," theo Marcie Merriman, Giám đốc Phát triển Chiến lược tại Ernst & Young. "Họ kỳ vọng công ty, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải trung thành với họ, thay vì là họ trung thành với các thương hiệu. Nếu họ cảm thấy không được coi trọng, họ sẽ tìm kiếm đơn vị khác". (6)
Trong một khảo sát của Adobe về môi trường làm việc trong tương lai (7), tới 55% người tham gia thuộc Gen Z cho rằng họ thường nghiên cứu và đánh giá triển vọng tài chính của công ty trước khi ứng tuyển vào một vị trí. Ngoài ra, họ cũng để tâm đến danh tiếng của doanh nghiệp và các đánh giá từ nội bộ công ty hoặc từ nhân viên cũ. Các công ty lớn dễ thu hút sinh viên mới tốt nghiệp, vì họ cảm thấy công ty lớn đại diện cho sự ổn định trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Dẫu biết rằng tìm việc làm "như ý" trong thời điểm hiện tại có phần khó khăn hơn các giai đoạn trước, nhưng người trẻ sẽ không ngần ngại chuyển việc nếu như công việc và cuộc sống hiện tại của họ không hạnh phúc.
Bên cạnh chuyện lương thưởng, Gen Z ưu tiên hơn lối sống cân bằng và quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Họ có thể chấp nhận một mức lương thấp, đảm nhận một công việc không cần nhiều chuyên môn hay làm việc trái ngành, nhưng sẽ phản đối gay gắt vấn đề môi trường và bình đẳng giới không được đảm bảo (8).
Thái độ sống này của Gen Z dẫn đến việc họ là thế hệ tiêu dùng xanh và thông minh nhất so với các thế hệ trước (9). Việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm địa phương, hàng nội địa, cũng như ưa chuộng các mặt hàng tái chế, sản phẩm từ địa phương hoặc "secondhand", Gen Z có khả năng tránh được cái bẫy của chủ nghĩa chuộng tiêu thụ, nhất là khi họ ý thức được rõ nhất về việc nếu khủng hoảng ập tới, bản thân họ thuộc thế hệ có ít sự chuẩn bị về tài chính nhất. Thay vì chạy theo xa xỉ phẩm, việc chọn các sản phẩm thiết thực và có độ bền cao sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
Gen Z không "cam chịu" theo những lề thói hoặc các chuẩn mực được thiết lập bởi các mô hình cũ. Với sự hỗ trợ của Internet, người trẻ hiện nay có nhận thức rõ hơn về tính công bằng và bình đẳng, cũng như sự an nhiên trong cuộc sống lẫn công việc.
Sức khỏe tinh thần là ưu tiên hàng đầu của Gen Z. Họ đi tìm những công việc có ý nghĩa, và dành nhiều thời gian để khám phá bản thân, chữa lành và rèn luyện cách để vững tâm trước những biến cố có thể xảy đến .
Đây được coi là một phần của làn sóng sống chậm nhằm tìm sự cân bằng. Biểu hiện của làn sóng này có thể đến từ những hành động rất nhỏ như: có giờ nghỉ trưa, không bàn công việc ngoài giờ làm việc và cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, hay lựa chọn công ty có quan điểm tương đồng về phụng sự xã hội với họ (10).
Gen Z quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và hạnh phúc cá nhân, theo một báo cáo của Firstup (11). Những người lao động trẻ tìm kiếm công việc với các lợi ích như thời gian nghỉ có lương, những ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc các hoạt động cộng đồng. Trong một báo cáo của Lever, khi được hỏi, Gen Z cho rằng họ mong muốn làm việc tại những nơi có ý nghĩa đối với sự nghiệp của họ và có khả năng giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Cũng bắt đầu từ làn sóng sống chậm sau những cú ngã ngựa đau điếng về thực tế không màu hồng, một vài người trẻ có xu hướng "hạ mình", nhận một vài công việc không quá thách thức, thắt lưng buộc bụng và đầu tư phát triển cho bản thân. Nhóm người trẻ này không phải đang thu mình vì sợ vấp ngã, mà thật ra, họ đang đi theo triết lý sống không phô trương – hay "lowkey", theo cách gọi của giới trẻ – cốt để chuẩn bị thật tốt mọi nguồn lực. Và khi cơ hội phát triển ló dạng từ đáy con sóng suy thoái, họ sẽ chộp lấy và bứt phá.
Xét một cách công bằng, không thế hệ nào không trải qua những vấn đề của thời đại. Các thế hệ trước như Gen Y và trước đó là Gen X đều sinh ra trong thời đại nhiễu nhương, suy thoái kinh tế và thậm chí là cả chiến tranh. Được học tập từ những kinh nghiệm của những thế hệ đó, dễ hiểu lý do mà nhiều Gen Z hiện nay chọn hạ mình chờ thời.
Tuy nhiên, lợi thế của các thế hệ trước là giá đất chưa tăng phi mã, chính sách hưu trí và các quỹ dự phòng hỗ trợ rất lớn cho người lao động, cũng như đồng tiền chưa trượt giá và quỹ đất rộng (12). Một số nước thực hiện chính sách mở cửa, tận dụng sự hợp tác khoa học kỹ thuật. Nói ngắn gọn, thời gian tích lũy của cải của các thế hệ trước dài hơn, dẫu có trải qua suy thoái thì họ vẫn được hưởng lợi từ những đợt phục hồi hoặc có nhiều cơ hội để dự đoán và bắt đáy ngọn sóng tăng trưởng kinh tế.
Đến lượt thế hệ post-millennials thì không thuận lợi như thế. Lớp trẻ sinh ra, lớn lên và tham gia vào xã hội khi mà giá nhà ở tăng vượt mức tăng trưởng về thu nhập, khiến cho việc sở hữu bất động sản với nhiều người là bất khả thi và tiến trình tích lũy tài sản cũng sẽ diễn ra chậm.
Để giải quyết bất an tài chính, Gen Z đã sáng tạo ra nhiều hình thức làm việc phù hợp hơn, hướng đời sống thu vén, vừa đủ, đồng thời chú trọng tìm hiểu việc sống tiết kiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng danh mục.
Gen Z được đánh giá là những "nhà đầu tư cuồng nhiệt" vì sự hưởng ứng và tìm tòi từ sớm của họ về đầu tư chứng khoán, tiền ảo, blockchain. Khi so sánh với các thế hệ millennials, Gen Z là thế hệ tiếp xúc với đầu tư sớm hơn cả, xét trên cùng độ tuổi .
Theo Lowell Ricketts, một nhà khoa học dữ liệu của Viện Công bằng Kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang St. Louis (Hoa Kỳ), vào năm 2019, khoảng 27-28% Gen Z tiếp xúc với cổ phiếu thông qua việc nắm giữ cổ phiếu hoặc thông qua tài khoản hưu trí, tỷ lệ đó cao hơn nhiều so với các thế hệ khác. So sánh với Gen Y cùng độ tuổi vào năm 2004, chỉ 18,7% trong số họ tiếp xúc với cổ phiếu (12).
Khi so sánh giá trị danh mục đầu tư, trung bình mỗi Gen Z hiện đang có khoảng 950 USD trong danh mục của mình, trong khi với Gen Y con số này là 3.200 USD. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều nền tảng đầu tư mới, Gen Z vẫn có nhiều cơ hội để tham gia "cuộc chơi làm giàu" này.
Vì tham gia đầu tư từ sớm, Gen Z sẽ có lợi thế về mặt thời gian – một yếu tố quan trọng để lãi kép có thời gian tăng trưởng.
Hòa chung nhịp đập của phong trào sống chậm, những người trẻ theo triết lý hạ mình, không phô trương biết rằng họ cần tỉnh táo trước những mua sắm lớn, cũng như có kế hoạch tiết kiệm ngắn và dài hạn. Theo khảo sát Chỉ số Tự tin tại Nơi làm việc của LinkedIn năm 2022, có khoảng 78% Gen Z được khảo sát cho rằng họ cắt xén, siết chặt nhiều khoản để cân đối chi tiêu; họ cũng trì hoãn những mua sắm lớn và chủ động sang tay lại những món vật dụng không cần thiết để tạo thêm nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, không chỉ là cắt giảm chi tiêu, người trẻ còn có khả năng gia tăng nguồn thu nhập thông qua các hình thức làm việc tự do, thường là làm nhiều dự án hoặc công việc cùng lúc. Sự phổ biến của hình thức "freelancing" này giúp post-millennials tích lũy được kinh nghiệm và tiền bạc nhanh hơn, nhằm bù trừ lại khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi với cuộc khủng hoảng.
Dù cuộc suy thoái sắp tới có diễn ra nhanh hay chậm, hoặc diễn biến nặng nề ra sao, đa số người trẻ tin rằng tương lai (nhất là viễn cảnh tài chính) của họ vẫn sẽ rất khả quan. Trong một khảo sát của Pew Research (14), 57% người trong độ tuổi 18 - 34 (có việc làm hoặc không) báo cáo rằng hiện không có đủ tiền để theo đuổi cuộc đời mà họ mong muốn, nhưng hầu hết đều tin rằng cuối cùng họ sẽ đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra.
Theo khảo sát, nhìn chung thế hệ post-millennials ít đặt nặng sự nghiệp hơn so với các giá trị khác như gia đình, hôn nhân, hoặc đóng góp cho xã hội. Thế nhưng, họ lại là nhóm có nhiều tham vọng và tập trung vào sự nghiệp nhất so với các thế hệ trước.
Khoảng 22% người thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z cho biết có một công việc có ích xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong cuộc đời họ, trong khi chỉ 14% những người từ 35 tuổi trở lên nói như vậy. Trong khi 15% thanh niên cho rằng có một sự nghiệp thành công với mức lương cao là vô cùng quan trọng, thì chỉ 7% số người lớn tuổi đồng ý như vậy.
Những người trẻ nhất trong độ tuổi từ 18 đến 34 thậm chí còn tập trung vào sự nghiệp hơn so với các thế hệ trước. Khoảng 76% Gen Z đánh giá sự nghiệp hoặc công việc được trả lương cao là một trong những điều tối quan trọng, trong khi tỷ lệ này ở Gen Y là 51%. Hơn nữa, 79% Gen Z nói rằng đóng góp vào xã hội là một trong những điều quan trọng nhất hoặc rất quan trọng khi lựa chọn nghề nghiệp; thì với Gen Y tỷ lệ này là 66%.
Dù theo đuổi lối sống lagom hay không khoa trương, thì để tạo hành trang chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới và để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống, người trẻ (Gen Z và Gen Y) vẫn nên tiếp tục chú trọng vào phát triển bản thân, mạnh dạn dấn thân và thể hiện cá tính trong những công việc đồng điệu về quan điểm phát triển bền vững.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?