Một số người tin rằng việc trở thành người hướng nội có nghĩa là cô độc hoặc chống đối xã hội (antisocial), nhưng điều này không phải...
Hướng nội được xem là một trong những đặc điểm tính cách của con người. Những người hướng nội thường tập trung vào cảm xúc bên trong hơn là tìm kiếm những tác nhân kích thích phản ứng đến từ bên ngoài. Nếu người hướng ngoại nhận thêm được năng lượng từ các tình huống giao tiếp xã hội, những người hướng nội lại cảm thấy mức năng lượng giảm đi và cần được nghỉ ngơi, dành thời gian ở một mình sau đó.
Sau khi tham dự sự kiện hoặc đi cùng một nhóm đông người, những người hướng nội thường phải “nạp năng lượng” bằng cách ở một mình trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào người đó (1).
Họ thường được miêu tả là trầm lặng, nhỏ nhẹ và đôi khi bị lầm tưởng là nhút nhát. Những người có tính cách kiểu này chỉ đơn giản là thích lựa chọn lời nói một cách cẩn thận, tìm những chủ đề ý nghĩa và sâu sắc để trao đồi, đồng thời không muốn lãng phí thời gian hoặc năng lượng vào những cuộc tán gẫu không cần thiết (small talk).
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một vấn đề tâm lý biểu hiện bằng sự thiếu đồng cảm và không hề quan tâm đến người khác. Những người mắc chứng rối loạn này thường ít hoặc không quan tâm đến đúng hoặc sai, hay có hành vi chống đối và hành động một cách thiếu tế nhị, không có cảm xúc. Họ có thể nói dối, hành động hung hăng, bạo lực hoặc thậm chí là tham gia vào hoạt động tội phạm.
Những đặc điểm phổ biến hơn trong hoạt động thường ngày của nhóm người này có thể là: hành động bốc đồng và không nghĩ đến hậu quả, khó đồng cảm với mọi người, không hối hận về các hành vi gây tổn hại, có mối quan hệ không tốt và hay lạm dụng người khác, thường xuyên nói dối vì lợi ích cá nhân…
Các triệu chứng chống đối xã hội bắt đầu xuất hiện trong thời thơ ấu, nhưng tình trạng này không thể chẩn đoán rõ ràng cho đến lúc lớn. Khi còn nhỏ, những người antisocial thường trải qua các cơn tức giận dữ dội, thể hiện sự tàn ác với động vật và có thể là kẻ chuyên bắt nạt bạn bè trong trường học.
Mặc dù có những khác biệt rõ ràng, chúng ta vẫn dễ nhầm lẫn giữa tính cách hướng nội và chống đối xã hội vì cả hai trường hợp này thường dành nhiều thời gian một mình cũng như không giao tiếp quá nhiều. Vậy làm sao bạn biết được mình hoặc ai đó là người hướng nội hay antisocial?
Một quan niệm sai lầm phổ biến về người hướng nội là họ không thích mọi người. Mặc dù những người này không giao tiếp rộng rãi, nhưng họ vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với một nhóm nhỏ hoặc vài người bạn tin cậy. Người hướng nội thích gắn bó với những mối quan hệ ý nghĩa, được xây dựng trên sự thấu hiểu và chia sẻ ở một mức độ kết nối sâu sắc. Nghiên cứu cũng cho thấy những mối quan hệ thân thiết, lành mạnh này giúp ích rất nhiều cho những người sống nội tâm vì nó giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn (2). Chính vì điều này mà người hướng nội rất cần đến sự đồng cảm, khác hẳn với tính cách chống đối xã hội.
Một người chống đối xã hội thường thích tạo ra sự khác biệt nhiều hơn và không cần đến người đồng hành. Họ không muốn dành thời gian cho mọi người và không cảm thấy các mối quan hệ có ích. Sự thiếu đồng cảm có lẽ là nguyên nhân quan trọng khiến họ không muốn thấu hiểu và xây dựng tình bạn lành mạnh với người khác. Thậm chí, vì không thể kết nối và đồng cảm được với mọi người, đôi khi họ sẽ hành động theo cách tàn nhẫn, phá hoại hoặc đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.
Như đã đề cập, một trong những điểm nổi bật của hướng nội là nhu cầu tái tạo năng lượng một mình sau khi giao lưu xã hội. Hiện tượng phổ biến mà họ thường gặp phải nếu như có quá nhiều kích thích từ môi trường bên ngoài chính là tình trạng kiệt sức của hướng nội (introvert hangover).
Khi quá tải trong việc gặp gỡ, một người hướng nội sẽ cảm thấy kiệt quệ về thể chất và tinh thần, thường có các triệu chứng như: mệt mỏi, nôn nao, mất tập trung, dễ bị kích thích, cảm thấy có quá nhiều cảm xúc, khao khát ở một mình… Họ hay bị choáng ngợp bởi các tiếng ồn và sự kích thích khác nhanh hơn so với người hướng ngoại, nên thường chọn quán cà phê, thư viện, công viên yên tĩnh thay vì một quán bar đông đúc. Điều này cũng là một lợi thế cho việc tập trung sâu, sáng tạo và khám phá bản thân của họ.
Không giống với hướng nội, những người antisocial khi bị buộc phải gặp gỡ người khác, chẳng hạn như đi học hoặc đi làm, họ có thể khó chịu và buồn chán nhưng không nhất thiết phải cảm thấy kiệt sức và mất năng lượng. Một số người chống đối xã hội còn rất năng động, yêu thích các hoạt động và môi trường kích thích tinh thần.
Những người hướng nội hay được xem là “khó làm quen”, mất nhiều thời gian để hiểu và thân thiết. Tuy nhiên, điều này không bắt nguồn từ việc không thích cởi mở, mà là họ cởi mở có chọn lọc. Các cá nhân này thường tận hưởng một cuộc trò chuyện sâu, có ý nghĩa với những người họ thích và tôn trọng. Đó là vì họ không muốn dành thời gian cho sự hời hợt hoặc bàn tán về những điều không quan trọng. Người hướng nội chỉ đơn giản là chọn lọc kỹ hơn về cách cởi mở, cách hòa nhập với mọi người và cần khoảng thời gian một mình để chăm sóc bản thân tốt nhất.
Bạn cũng sẽ thấy những người chống đối xã hội rất khó làm quen, nhưng đó là vì họ không muốn cởi mở với bất kỳ ai. Họ không bao giờ tiết lộ nhiều thông tin cá nhân, những suy nghĩ hay cảm xúc sâu kín nhất và thường tránh nói về các vấn đề của họ.
Đặc điểm tính cách là thứ phản ánh kiểu suy nghĩ, cảm xúc, hành vi đặc trưng của một người và mang tính nhất quán, ổn định (3). Nó tạo nên sự độc đáo và nét đặc trưng riêng của mỗi người.
Hướng nội chính là một đặc điểm tính cách và không có gì sai khi trở thành người hướng nội. Nó chỉ có nghĩa là bạn cảm thấy thoải mái và nhiều năng lượng khi ở cùng chính mình hơn là người khác, tiếp xúc với thế giới bên trong nhiều hơn thế giới bên ngoài và cần thời gian để “sạc” lại.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là hướng nội khác xa với chống đối xã hội, vì chống đối xã hội là một tình trạng tâm thần nghiêm trọng cần được can thiệp và điều trị. Những người được chẩn đoán chống đối xã hội cần có sự phục hồi về mặt tâm lý vì họ không cảm thấy đau khổ hay hối hận về những việc làm sai trái của mình, đặc biệt là khi nó có thể nguy hiểm, bạo lực và gây tổn thương đối với người khác.
Mặc dù người hướng nội chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu (40% hướng nội, 40% hướng ngoại và 20% vừa hướng nội vừa hướng ngoại) (4), nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều định kiến đối với kiểu người này. Việc nhầm lẫn giữa tính cách hướng nội và chống đối xã hội là một hiểu lầm tai hại, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và đời sống người hướng nội.
Cho dù bạn hướng nội hay biết những người xung quanh mình thuộc kiểu hướng nội, hãy dành sự thông cảm và tôn trọng những nét tính cách, quan điểm độc đáo của họ vì đó đều là những điều tuyệt vời làm nên một con người. Chúng ta không nên dán nhãn “chống đối xã hội” cho một người nào đó không thích đi chơi hoặc thường xuyên im thin thít trong các cuộc trò chuyện.
Ngược lại, đối với những cá nhân thật sự mắc chứng rối loạn tâm lý chống đối xã hội, cần có sự can thiệp từ sớm và kịp thời từ gia đình cùng bác sĩ chuyên môn, vì bản thân họ không nhận thức được căn bệnh của mình. Hiện giờ, khoa học vẫn chưa có phương cách chữa trị dứt điểm cho tình trạng tâm thần này, tuy nhiên trị liệu tâm lý và uống thuốc có thể giúp ích phần nào trong việc điều chỉnh hành vi của người antisocial và giảm bớt tác hại mà họ có thể gây ra cho các mối quan hệ xung quanh (5).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.